Đó là phát biểu của PGS Văn Như Cương trong lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 tại trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Lễ khai giảng lần thứ 26 của trường THPT Lương Thế Vinh rực đỏ màu cờ, hoa và của đồng phục in hình lá cờ Tổ quốc.
Giữa sân trường lộng gió, trong một sáng trời thu Hà Nội, thầy Văn Như Cương nhắc các học sinh nhớ lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, mà một dân tộc yếu thì không làm chủ được chính mình, không bao giờ đạt được điều chúng ta mong muốn là “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.
Giọng của vị giáo sư gần 80 tuổi sang sảng: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, TRÁI TIM VIỆT NAM không ít lần cảm thấy tê tái, thậm chí còn rỉ máu đau thương…
Đó là khi ngoại bang từ phương Bắc, phương Tây đến giày xéo đất nước ta, hãm hại đồng bào ta, đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta…; đó là khi mà đất nước chúng ta đã giành được độc lập và thống nhất, mà chúng vẫn luôn luôn dòm ngó, âm mưu thôn tính bờ cõi, biển đảo của chúng ta; và đôi lúc đó là khi trái tim Việt Nam ta vì quá nhân hậu, quá chí tình chí nghĩa mà thiếu cảnh giác, đề phòng âm mưu xảo quyệt nham hiểm của kẻ thù…”.
Thầy Văn Như Cương ân cần nhắn nhủ các em học sinh: “Tình yêu thương đất nước và nhân dân sẽ là động lực lớn thúc đẩy các em làm tốt nhiệm vụ của mình trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường: Nhiệm vụ đó chính là học tập tốt về mọi mặt. Hãy học tập không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả trái tim mình”.
Trao đổi với Tiền Phong, thầy Văn Như Cương cho biết, lời chia sẻ của ông không chỉ dành cho các học sinh của mình mà đó còn khẳng định về một thế hệ trẻ đầy sức sống hôm nay. Những người đang tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, họ đang chứng tỏ rằng “trái tim Việt Nam không bao giờ bị khuất phục trước bất kỳ một kẻ thù nào”.
Cách đó không xa lễ khai giảng của Trường THCS Xã Đàn - ngôi trường chuyên biệt đầu tiên của TP Hà Nội diễn ra nhưng nhiều học sinh không thể nghe âm vang của tiếng trống khai trường, không thể biểu đạt bằng giọng hát, những học sinh chuyên biệt chọn cách hát quốc ca bằng tay.
Từng động tác biểu cảm thuần thục, đều tăm tắp của những học sinh khiếm thính của trường ánh mắt dõi theo lá quốc kỳ, đôi cánh tay diễn tả quốc ca vút lên niềm tự hào. Lặng người xúc động khi những học sinh hát quốc ca bằng tay, với cả những vị khách mời, các bậc phụ huynh tới dự lễ khai giảng của con cũng không khỏi nghẹn ngào theo từng động tác đó.
Hẳn rằng, có nhiều con đường dẫn tới trái tim và cũng có nhiều con đường để biểu đạt tình cảm từ trái tim. Như lời vị giáo sư ở độ tuổi xưa nay hiếm nhắn nhủ học trò:
“Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô… Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa MẸ VIỆT NAM, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng…”.