Vai trò của người thầy trong giáo dục hiện đại
Thật ra các yêu cầu về phương pháp giáo dục, lấy người học làm trung tâm đã được nêu ra từ nhiều thế kỷ trước, sở dĩ gần đây được nhấn mạnh, đặc biệt là do bước vào kinh tế tri thức thì việc rèn luyện tính năng động sáng tạo cho người học được nhìn nhận là cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng đó chỉ là nói về các phương pháp người thầy cần cập nhật, áp dụng để nâng cao hiệu quả giảng dạy, chứ không phải vì những phương pháp ấy mà giảm nhẹ vai trò của người thầy. Không phải chỉ bằng lý luận chung mà bằng các công trình nghiên cứu khoa học cụ thể, đã khẳng định người thầy là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Chính phẩm chất và năng lực của đội ngũ người thầy, tạo nên sự khác biệt về kết quả giáo dục giữa trường này với trường khác… Trong một tài liệu, giới thiệu khá đầy đủ về phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm, tác giả R. Batliner đã khẳng định: “GV là yếu tố chủ chốt quyết định việc dạy và học có chất lượng”. Ngay cả khi một quốc gia tiến hành cải cách giáo dục thì chính đội ngũ người thầy sẽ là người đưa các yêu cầu, nội dung, phương pháp… của chương trình giáo dục mới vào đời sống học đường. Gánh nặng cải cách giáo dục luôn đặt lên vai đội ngũ người thầy là trước hết.
Điều này cũng dễ hiểu, vì loại trừ những trường hợp xuất chúng đặc biệt, còn đối với số đông người học, từ HS tiểu học cho đến SV ĐH, nhờ có thầy mà phát huy và phát triển nội lực cá nhân. Nói đến chất lượng, hiệu quả giáo dục là nói tới phần nội lực gia tăng được của người học nhờ giáo dục mà có, chứ không phải những nội lực sẵn có. Tuy rằng có nhiều cách học không cần có thầy trực tiếp, nhất là trong thời đại thông tin ngày nay nhưng cách học hiệu quả nhất, tiết kiệm được thời gian, đỡ tốn công mày mò, lòng vòng tìm hướng đi… là học với thầy, nhất là với thầy giỏi. Tất nhiên, thầy không phải là nhân tố duy nhất nhưng xét cho kỹ, có thể nói không có nhân tố đơn lẻ nào quan trọng hơn.
Gần đây, có ý kiến cho rằng không phải người thầy, mà chương trình đào tạo mới là yếu tố quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục. Nếu bài toán về chất lượng giáo dục đơn giản như thế thì chỉ cần cải tiến chương trình giáo dục, thậm chí bê nguyên xi chương trình của một quốc gia tiên tiến hay chương trình đào tạo của một số trường nổi tiếng trên thế giới là giải quyết được vấn đề chất lượng giáo dục của ta. Đáng tiếc, thực tế không phải như vậy, không có đội ngũ thầy giỏi thì làm sao xây dựng được, thực hiện được và áp dụng được chương trình đào tạo tốt.
Xây dựng chuẩn người thầy trong đổi mới giáo dục
Với vai trò là yếu tố chủ chốt, quyết định việc dạy và học có chất lượng thì đổi mới hay cải cách giáo dục phải bắt đầu từ cải cách đội ngũ người thầy. Đây là điều kiện tiên quyết để tổ chức thực hiện các mục tiêu mới và chuẩn mới của chương trình giáo dục khi đã đổi mới.
Cải cách đội ngũ người thầy thực chất là nhằm tới hai nhóm vấn đề căn bản: Những yêu cầu mới gì trong nền giáo dục hiện đại người thầy phải có?; Những điều kiện cần và đủ nào để người thầy có thể thực hiện và đáp ứng được các yêu cầu mới đó? Nói một cách ngắn gọn là người thầy phải làm gì và phải làm như thế nào?
Người thầy là nhà chuyên môn trong nghề dạy học; là người mô phạm về phẩm cách để HSSV noi theo; là người lãnh đạo, chịu trách nhiệm về những quyết định của mình trong lớp học. Trong nền giáo dục hiện đại, theo xu hướng chung về tính minh bạch trong theo dõi, giám sát và đánh giá, cùng với việc đưa vào các chuẩn về kiến thức và kỹ năng trong chương trình giáo dục, người ta cũng đưa vào các chuẩn về người thầy.
Người thầy, dù là người truyền thụ kiến thức một chiều theo phương pháp cũ hay là người dẫn dắt người học, trong việc chiếm lĩnh tri thức theo phương pháp mới, bao giờ cũng là tấm gương đạo đức để HSSV noi theo. Vì vậy, chuẩn mực tiên quyết đối với người thầy là sự mô phạm về đạo đức. Tuy nhiên, các chuẩn mực về đạo đức người thầy ở từng cấp học và trình độ đào tạo… lại có những mức độ, yêu cầu khác nhau, cần phải xác định được các chuẩn mực đạo đức cơ bản: Sự tôn trọng người khác; lòng nhân hậu; sự nghiêm minh và công bằng; tính lương thiện và ngay thẳng… làm căn cứ để người thầy soi mình, xem xét, điều chỉnh và hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp trước con mắt của người học, đồng nghiệp, phụ huynh và làm cơ sở để cụ thể hóa thành các hành vi đạo đức đối với từng cấp học và trình độ đào tạo mà người thầy phải tuân theo.
Sau chuẩn mực tiên quyết về đạo đức, người thầy cần phải đạt đến những chuẩn mực về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nội dung cốt lõi của các chuẩn này là sự toàn tâm, toàn ý với người học và nghề dạy học; nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ; trách nhiệm quản lý và giám sát việc học của HSSV; tinh thần học tập liên tục để nâng cao hiệu quả và kết quả dạy học; tác phong đi đầu trong các quan hệ phối hợp với đồng nghiệp, phụ huynh và cộng đồng.
Nói một cách ngắn gọn về chuẩn mực người thầy là xây dựng được một đội ngũ các nhà giáo giỏi, yêu nghề và mô phạm về phẩm cách.
Để xây dựng được một đội ngũ những người thầy như trên thì phải tổ chức có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người thầy. Đây là trách nhiệm của Nhà nước mà cụ thể là các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ quan này phải có chính sách và giải pháp để thu hút được người giỏi vào nghề dạy học và giữ được họ trong nghề. Muốn vậy, trước hết là vấn đề tạo động lực cho người thầy, nâng cao vị thế xã hội của người thầy trong nhận thức xã hội và chính sách quốc gia; là chế độ chính sách, đặc biệt là chính sách về lương, thưởng, thăng tiến, phát triển chuyên môn, đánh giá đãi ngộ phù hợp; cải thiện điều kiện làm việc, tài liệu và thiết bị dạy học.
Nền giáo dục quốc dân của ta nói chung và giáo dục đại học nói riêng, đang thể hiện nhiều bất cập, tụt hậu xa so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Có nhiều vấn đề đặt ra mà trong đó, một trong những nguyên nhân cốt lõi là chính sách chăm lo đời sống cho người thầy quá bất cập. Một mặt vẫn nói, “tôn sư trọng đạo”, một mặt chi cho thầy giáo đồng lương không đảm bảo một mức sống tối thiểu bình thường, chưa nói là tử tế. Để rồi buộc họ phải xoay xở kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách (dạy thêm, làm thêm ngoài giờ, làm nghề tay trái), phải bươn chải để sống mà làm nghề trong một môi trường đòi hỏi phải toàn tâm, toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ. Có thể nói không quá đáng, hầu hết mọi căn bệnh tiêu cực, tàn phá giáo dục trong mấy thập kỷ qua, đều có nguồn gốc ở chính sách lương, thu nhập của người thầy.