Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hiểu tuổi “khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”, “tuổi bất trị” ... để có cách giáo dục phù hợp

Thứ bảy - 21/02/2015 01:43
Tuổi thiếu niên, tuổi của học sinh trung học, là lứa tuổi của trẻ từ 10 đến 11, 11 đến 15 tuổi, ứng với giai đoạn bắt đầu chuyển từ tuổi trẻ em sang tuổi thanh niên. Theo ý kiến của các nhà giáo dục ở tất cả các quốc gia trên thế giới, đây là giai đoạn tuổi “khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”, “tuổi bất trị”...
Những hành vi không mong đợi
 
PGS.TS Võ Thị Minh Chí (Viện Nghiên cứu sư phạm - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) – cho biết: Thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, xã hội được biết đến rất nhiều hành vi “không mong đợi” (bạo lực, hành vi vi phạm pháp luật…) trong giới học sinh, đặc biệt là học sinh ở tuổi thiếu niên.
 
Chẳng hạn, trong số trẻ có hành vi phạm pháp: gây rối loạn trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, lừa đảo, cướp tài sản, huỷ hoại tài sản, phá huỷ các công trình quan trọng an ninh quốc gia, trộm cắp, trẻ học từ lớp 6 đến lớp 9 chiếm 74.33%;
 
Số trẻ phạm pháp (do nghiện, chưa nghiện internet) trong trại giáo dưỡng số 2 - V26 ở tuổi thiếu niên là 94%, trong đó chưa kể đến các em ở lứa tuổi này cũng vi phạm pháp luật nhưng được cha mẹ xin về về để giáo dục tại gia đình hoặc do mới vi phạm lần đầu nên chịu sự quản lý của địa phương.
 
Con số học sinh học trong các trường giáo dưỡng ngày càng tăng theo các năm. Những con số và hành vi “phi đạo đức” của trẻ thiếu niên là cảnh báo cho xã hội, cho các nhà giáo dục, cho những người làm cha, làm mẹ, cho tất cả những ai quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ.
 
PGS.TS Võ Thị Minh Chí cho biết: Ở tuổi thiếu niên thường xuất hiện các rối loạn tâm lý đặc trưng. Nếu như các rối loạn phát triển tâm lý đã xuất hiện từ trước, thì đến tuổi thiếu niên, chúng cũng sẽ có những biến đổi nhất định.
 
Ở các thiếu niên có tổn thương thực thể hệ thần kinh trung ương, các rối loạn trí tuệ có thể được phục hồi tương đối, nhưng hiện tượng mệt mỏi và rối loạn hành vi lại tăng cường.
 
Nếu trẻ bị động kinh từ nhỏ và không được điều trị kịp thời, thì vào tuổi thiếu niên, các khiếm khuyết trí tuệ, sự thay đổi nhân cách, biểu hiện sự dữ tợn càng tăng hơn.
 
Sự phát triển tính cách mạnh mẽ thái quá của trẻ trong các tình huống không thuận lợi đều có thể phát triển theo hướng xấu và chuyển thành bệnh thái nhân cách.
 
“Theo chúng tôi, đấy là những khó khăn “sinh lý”, bình thường trong phát triển của trẻ, nhưng nếu không biết hay không tạo điều kiện kiểm soát được sự tiến triển của chúng thì hậu quả là các hành vi hư hỏng, các phản ứng không phù hợp về đạo đức, lối sống của trẻ có điều kiện thuận lợi để phát sinh và phát triển” - PGS.TS Võ Thị Minh Chí cho hay.
 
Giáo dục trẻ thiếu niên: Không chỉ nên “bàn giao” các kỹ năng sống
 
Cho rằng, những đặc điểm tâm - sinh lý đặc trưng của tuổi thiếu niên như trên liên quan nhiều hơn cả đến bậc đầu của tuổi thiếu niên, theo PGS.TS Võ Thị Minh Chí, ở bậc sau của giai đoạn lứa tuổi này, do sự phát triển cao hơn của ý thức và tự ý thức hành vi của các em ít nhiều cũng được “lý trí ” điều khiển, mặc dù kinh nghiệm sống của các em còn ít.
 
Như vậy, có thể thấy rằng, giáo dục trẻ thời điểm bậc đầu tuổi thiếu niên tuy không phải là khó nhưng cũng không đơn giản vì có nhiều yếu tố trong phát triển “hướng” trẻ dễ rơi các trạng thái bất lợi;
 
Mặt khác, do ở tuổi thiếu niên, cơ chế bù trừ chức năng hình thành chưa đầy đủ, nên dễ dẫn đến các hành vi lệch lạc (trong đó, kể cả hành vi vi phạm pháp luật).
 
Nhưng tất cả những “biến đổi” nêu trên mang tính chất lứa tuổi nên bất cứ trẻ - thiếu niên nào cũng phải trải qua (chỉ với mức độ ít hay nhiều mà thôi). Và vì vậy, chúng được xếp vào các đặc điểm “sinh lý”, bình thường, chứ không phải bệnh lý.
 
Quá trình biến đổi tâm - sinh lý của trẻ ở giai đoạn tuổi thiếu niên có để lại “dấu vết” hay không, phụ thuộc rất chặt chẽ vào điều kiện giáo dục, hoàn cảnh gia đình, nhà trường, môi trường xã hội mà trẻ đang sống và sự tích cực hoạt động của chính bản thân đứa trẻ (vươn lên tự điều chỉnh và điều chỉnh các đặc điểm nhân cách chưa phù hợp của mình).
 
Trong điều kiện trẻ được quan tâm đầy đủ, hỗ trợ đúng thời điểm cần thiết, giáo dục tế nhị, thậm chí, lệch lạc hành vi, nếu được phát hiện sớm, điều chỉnh kịp thời thì đứa trẻ hoàn toàn có cơ hội vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này để phát triển bình thường.
 
Trong nhiều năm gần đây, sự quan tâm giáo dục trẻ em nói chung, trẻ - thiếu niên nói riêng, được thể hiện qua các chương trình “giáo dục kỹ năng sống” cho chúng.
 
PGS.TS Võ Thị Minh Chí cho rằng, đây là sự quan tâm cần thiết, giúp cho trẻ biết tiếp cận và xử lý với các tình huống “thật” của thực tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
 
Tuy nhiên, các kỹ năng ứng phó với các tình huống của cuộc sống dù được được sử dụng (làm chủ linh hoạt) đến đâu thì cũng chỉ là công cụ để thực hành. Do vậy, nếu chỉ trang bị cho trẻ các công cụ đó trong khi các em còn thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm sống thì việc sử dụng nó không thể không tránh khỏi sai sót, thậm chí dẫn đến “hậu quả” khó lường.
 
Kết quả dễ nhận thấy đầu tiên dễ quan sát thấy là trẻ tự “thoả mãn” với cách làm của mình, chưa hiểu hết được tác dụng lâu dài của cách giải quyết tình huống như vậy.
 
Chính vì thế, cùng với việc “bàn giao” các kỹ năng sống cho trẻ, các nhà làm và quan tâm đến công tác giáo dục không thể bỏ qua giáo dục giá trị sống cho các em.
 
Từ hiểu biết và có thái độ đúng, trân trọng với các giá trị của cuộc sống và của bản thân, lại được trang bị thêm cách xử lý linh hoạt trong các tình huống thực tế cụ thể, trẻ mới có “đủ bản lĩnh” đương đầu với cuộc sống theo nghĩa “cao thượng” của nó.
 
Khi các em ít nhiều hiểu được “chân” giá trị của cuộc sống, của truyền thống gia đình… và của chính bản thân, hành vi của trẻ sẽ được hướng đạo theo giá trị mang ý nghĩa “vì xã hội”.
 
Nói như vậy nghĩa là, việc học và giáo dục của môn đạo đức với nội dung giáo dục giá trị sống cho học sinh trở nên cấp thiết, quan trọng hơn bao giờ hết.
 
Không nên (nếu như không nói là không được) thay thế (dưới mọi hình thức) nội dung của môn giáo dục đạo đức thành giáo dục kỹ năng sống. Cách làm như thế này không phải là cách giáo dục “từ gốc”.
 
“Vấn đề cần phải suy nghĩ là làm thế nào để việc giáo dục giá trị sống không trở thành một mớ lý thuyết “giáo điều”, nhàm chán, gây cảm giác khó chịu cho trẻ” - PGS.TS Võ Thị Minh Chí đặt vấn đề.

Giáo dục và thời đại

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây