Đặc biệt với trẻ sơ sinh, chúng ta thường nghĩ chỉ nên nói với trẻ những câu đơn giản, ngắn gọn nhưng một nghiên cứu mới đây lại cho thấy, giai đoạn đầu đời rất quan trọng để xây dựng và phát triển những kỹ năng từ vựng, vì vậy cha mẹ hãy nói với trẻ những câu dài. Ví dụ, thay vì chỉ nói: “đây là một quả cam”, thì hãy nói: “Chúng ta hãy đặt quả cam trong bát này với chuối, táo và nho”.
Tiến sĩ Anne Fernald, Đại học Stanford giải thích, với câu dài sẽ khiến trẻ học thêm từ mới và xây dựng câu. Cũng theo TS Fernald, trẻ em sinh ra trong gia đình giàu có, có điều kiện tiếp xúc với nhiều người trước khi bắt đầu đi học chính vì vậy khả năng phát triển hơn so với những trẻ sinh ra trong gia đình thu nhập thấp. Và khoảng cách này bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi sớm hơn các nhà khoa học từng nghĩ, 18 tháng tuổi. Chính vì vậy, theo TS Fernald, trẻ 5 tuổi ở các gia đình có thu nhập thấp có thể tụt hậu 2 năm so với những trẻ trong gia đình có thu nhập cao trong các thử nghiệm phát triển ngôn ngữ. Vậy cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ:
- Nói chuyện với trẻ càng sớm càng tốt, ngay từ khi giai đoạn sơ sinh bởi bộ não của chúng sẽ tiếp nhận thông tin quan trọng trước khi chúng bắt đầu tập nói.
- Sử dụng phong phú những ngôn từ khác nhau và những câu dài, phức tạp hơn. Đừng chỉ gọi tên con vật mà hãy nói sự liên hệ và so sánh chúng với những sự vật xung quanh. Ví dụ thay vì nói “Con chó vẫy đuôi” thì hãy nói “Hãy nhìn đuôi con chó kìa. Đuôi con chó to hơn nhiều so với đuôi mèo”.
- Tắt tivi. Bởi tivi không giúp não trẻ phát triển ngôn ngữ. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi đặc biệt là rất cần sự tương tác giữa các cá nhân để tìm hiểu và khám phá thế giới.
- Đọc một cuốn sách cho trẻ nghe khoảng 10 phút mỗi ngày hoặc chỉ dẫn về các hình ảnh trong tranh cho trẻ hiểu.
- Luôn trò chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi. Thay vì bật nhạc cho trẻ nghe khi trẻ ăn thì hãy nói với trẻ về những món ăn hay giỏ hoa quả để trên bàn.