Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tiểu sử nhà cách mạng kiệt xuất Phan Bội Châu

Thứ hai - 02/12/2019 12:17
Phan Bội Châu (1867- 1940) tên là Phan Văn San, biệt hiệu Sào Nam. Người làng Đan Nhiệm, nay thuộc xã Nam Hoà, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, Phan Bội Châu nổi tiếng là thần đồng, 13 tuổi đỗ đầu huyện, 16 tuổi đỗ đầu xứ, 33 tuổi đỗ giải nguyên.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, Phan Bội Châu nung nấu quyết tâm giải phóng dân tộc. Người thanh niên 17 tuổi đất Nam Đàn ấy đã viết hịch Bình Tây thu Bắc dán ở gốc đa đầu làng để kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào Cần Vương. Sau khi đỗ giải nguyên (1900), ông bắt đầu vào Nam, ra Bắc tìm đồng minh, đồng chí rồi lập ra tổ chức cách mạng theo đường lối dân chủ tư sản đầu tiên ở nước ta – Hội Duy Tân (1904). Theo chủ trương của hội, Phan Bôi Châu lãnh đạo phong trào Đông Du và xuất dương sang Nhật Bản (1905). Kể từ đó, Phan Bội Châu bôn ba suốt 20 năm khi Nhật Bản, khi Trung Quốc, khi Thái Lan để mưu đồ phục quốc, ông từng là sáng lập viên của Việt Nam Quang phục hội (1912). Cũng trong năm 1912, ông bị chính phủ Nam Triều (đứng sau là thực dân Pháp) kết án tử hình vắng mặt. Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc). Chúng định bí mật thủ tiêu Phan Bội Châu nhưng việc bại lộ phải đem ra xét xử công khai. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân, kẻ thù buộc phải xoá án khổ sai và đưa Phan Bội Châu về giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Cái tên ông Già Bến Ngự được mọi người nhắc đến với tất cả sự kính trọng và khâm phục, ông mất tại đây năm 1940.

Phan Bội Châu là ngọn cờ đầu của các phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam trong khoảng 25 năm đầu của thế kỉ XX. Không những là nhà cách mạng kiệt xuất, Phan Bội Châu còn là nhà văn lớn để lại một kho tàng văn thơ đồ sộ với rất nhiều thể loại bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Thơ văn Phan Bội Châu luôn trào sôi nhiệt huyết yêu nước và cách mạng đã làm rung động không biết bao nhiêu con tim yêu nước trong đó có không ít người quyết định dấn thân từ việc đọc những vần thơ của ông. Coi văn chương là vũ khí, Phan Bội Châu có nhiều cách tân đối với loại hình sáng tác mang tính chất tuyên truyền, cổ động và đã đạt được những thành công lớn. Tuy nhiên thơ văn Phan Bội Châu về cơ bản vẫn nằm trong ý thức văn học cũ với hệ thống thi pháp cũ chưa tiến vào quĩ đạo hiện đại hoá của văn học hiện đại.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây