Nguồn gốc Lễ Vu lanTheo kinh Vu Lan Bồn
(một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn) thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ
(quỷ đói), bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật Thích Ca để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng:
“Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất nhưng tội ác của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được mẹ. Ðến ngày rằm tháng bảy, Chư Phật hoan hỉ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng dường, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này mà làm. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Phạn: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là
“cứu nạn treo ngược”.
Kể từ ngày rằm tháng 7 cho đến cuối tháng, các Phật tử ngày nào cũng đọc kinh Vu Lan tại bàn thờ gia đình hay tại chùa, đồng thời ăn chay niệm Phật, làm phúc bố thí, để tưởng nhớ, chú nguyện, và hồi hướng công đức cho cha mẹ ông bà và tất cả những người quá cố khác, kể cả những vong linh mồ côi vất vưởng đó đây (gọi là cô hồn). Trong nửa tháng này, bàn thờ Phật trong nhà lúc nào cũng trưng bày nhang đèn, bông hoa và ngũ quả (5 loại trái cây). Theo phong tục, gia chủ tùy nghi chọn riêng một ngày nào đó trong nửa tháng này để làm lễ cúng cô hồn ở phía trước nhà. Cúng xong, họ thường tung gạo, muối, trái cây, bánh kẹo, tiền bạc... - vừa được dùng làm lễ vật để cúng - ra bốn phương với ý nghĩa để các cô hồn hưởng dụng.
Ngoài ra rằm tháng 7 Âm lịch cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Nhưng lễ cúng chúng sinh khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.
Tháng 7 còn là tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngâu bà Ngâu hay còn gọi là tích Ngưu Lang - Chức Nữ.
Ý nghĩa của ngày lễ Vu LanNgày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là đối với bố mẹ, người đã sinh và nuôi dương chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả các chúng sinh. “Phổ độ chúng sanh” “cứu nhân độ thế” “xá tội vong nhân”.
Vu Lan Bồn có nghĩa là dùng lễ vậy dựng trong một cái bồn (thau, chậu) dâng cúng lên các vị tu hành thanh tịnh để nhờ sự chú nguyện của họ, cứu vớt những người bị tội chướng hành hạ, thọ khổ báo trong hiện khiếp và nhiều đời. Điều đó có nghĩa là ngày Vu Lan đã có từ thời Đức Phật, do ngài Mục Kiền Liên xin phật dạy để cứu mẹ.
Trên thế giới này mọi sinh vật đều có sự sống do cha mẹ sinh ra. Cha mẹ phải chịu nhiều khổ cực để sinh con ra, để nuôi con khôn lớn.
Con người được hơn những loại động vật khác là có thể hiếu đạo. Nếu ai đó đã không thương cha, kính trọng mẹ thì còn tồi tệ hơn những loại cầm thú. Vì thế nếu chúng ta tự nhận mình là con người thì phải biết ơn và báo nghĩa.
Biết ơn là phải biết mình được sinh ra từ đâu. Nhiều người trong chúng ta phủ nhận công nuôi dưỡng của cha mẹ, đã phản bội lại và nói rằng tôi sinh ra từ đất, gió,.. từ đó đâm ra ghét bỏ cha mẹ, phá tan gia cang làm cho cha mẹ phải khổ đau suốt đời.
Báo nghĩa là đền đáp những gì cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta nên người. Chúng ta báo nghĩa bằng cách lo từng miếng ăn, tấm áo, thuốc thang, đỡ đàn khi cha mẹ già yếu. Người theo Phật giáo khi báo ân cho cha mệ nên hiểu rõ đạo lý báo ân để việc báo ân được kết quả hơn.
Nghi thức "Bông hồng cài áo"Nghi thức "Bông Hồng Cài Áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.
Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa hồng đỏ trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa hồng trắng.
Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức “Bông hồng cài áo” được giới thiệu đến người Việt từ một cuốn sách cùng tên của thầy Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc, cũng cùng tên của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Ý nghĩa giáo dụcNgày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...
Không riêng gì với mỗi Phật tử chúng ta, lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp háo luân hồi. Và cũng chính vì nhìn nhận dưới góc độ đó mà hết thảy mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối quan hệ với nhau. Ðiều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng phạm vi báo hiếu ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân, độ thế”, “xá tội vong nhân” nhờ vậy mà được hình thành. Ðiều đặc biệt đáng chú ý là ngoài việc cầu siêu cho gia tiên, người Việt còn có lễ cầu siêu cho các cô hồn, u hồn của người khi tại thế đã thất cơ lỡ vận, phiêu bạt bơ vơ, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội... bằng việc đọc bài văn tế cô hồn trong khi hành lễ. Vậy là tục cúng các cô hồn của người Việt đã giao hoà với tinh thần cứu khổ cứu nạn, cứu nhân, độ thế của nhà Phật làm cho lễ Vu Lan thêm phần phong phú và sống động”. Thật đúng là:
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi
Muốn nhờ Đức Phật từ bi
Giải oan cứu độ, hồn về Tây phương. Và
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi
Ðàn chẩn tế đây lời Phật giáo
Của có chi bát cháo nén hương
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên.Báo hiếu là sự biểu hiện phẩm hạnh dạo đức của mỗi con người chúng ta. Trong xã hội, luôn luôn tồn tại hai hoạt động mang ý nghĩa dường như trái ngược nhau song lại gắn bó chạt chẽ với nhau đó là làm ơn (ân) và trả (báo) ơn (ân). Người xưa đã đạy: “Có hai điều dứt khoát phải làm, một là phải quên đi khi mình giúp đỡ người khác, hai là phải ghi nhớ, phải trả ơn khi người khác giúp mình”.
Hành động làm ơn và trả ơn là không thể thiếu được trong bất cứ xã hội nào bởi trong cuộc sống con người đâu có tồn tại một cách độc lập, mà họ luôn tồn tại trong mối tương quan, trong sự gắn kết giữa các cá nhân với các chủ thể khác. Mác từng nói: “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”, do đó, con người nếu đã hiếu nghĩa với cha mẹ, họ hàng thì không thể không yêu quý quốc gia; thầy cô, bè bạn; và mở rộng ra là với toàn thể chúng sinh, đồng bào. Cùng với báo ân cha mẹ, ba điều này hợp thành khái niệm: “Tứ ân” trong Phật giáo. Ðó chính là:
– Ơn cha mẹ: là ơn sinh thành dưỡng dục.
– Ơn thầy cô: là ơn dạy dỗ những kiến thức, những điều hay, lẽ phải.
– Ơn quốc gia xã hội: là ơn đảm bảo, giữ gìn môi trường sống hoà bình, ổn định.
– Ơn chúng sinh, đồng bào: là ơn những người đã sản xuất ra của cải vật chất để cho chúng ta tồn tại, phát triển.