ĐÁP ÁN CUỘC THI TÌM HIỂU
CUỘC ĐỜI, THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CỤ PHAN CHÂU TRINH
Câu 1. Phan Châu Trinh sinh vào ngày tháng năm nào, tại đâu, có hiệu và biệt hiệu là gì? Phan Châu Trinh sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, tự là Tử Cán.
Câu 2. Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng cuộc vận động Duy Tân ở Quảng Nam với tư tưởng là gì? Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Câu 3. Phan Châu Trinh mất vào ngày tháng năm nào? Thọ bao nhiêu tuổi? Sau hai lần tù tội, 14 năm lao động vất vả nơi xứ người, Phan Châu Trinh gầy yếu và bệnh nặng. Ngày 24-3-1926, lúc 21 giờ 30, cụ từ trần, hưởng thọ 54 tuổi. Đám tang và Lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.
Câu 4. Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh được công nhận di tích cấp tỉnh hay cấp quốc gia, theo quyết định nào, vào ngày tháng năm nào? Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh được công nhận di tích cấp quốc gia, theo Quyết định số 67/2005/QĐ-BVHTT ngày 16 tháng 11 năm 2005.
Câu 5. Cụ Phan Châu Trinh đã thi đỗ cử nhân năm nào? Phó bảng năm nào? Được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm chức quan gì? - Phan Châu Trinh đã thi đỗ cử nhân năm 1900 (Khoa Canh Tý).
- Phan Châu Trinh đỗ phó bảng năm 1901.
- Năm Quý Mão (1903) ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm chức quan Thừa biện Bộ Lễ.
Câu 6. Cụ Phan Châu Trinh sáng tác bài thơ đập đá ở Côn Lôn vào thời gian nào? ở đâu? Năm 1908, sau vụ chống sưu thuế nổ ra ở Trung kỳ, Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. Trước cảnh lao động khổ sai của ông và các chiến sĩ yêu nước, Phan Châu Trinh đã sáng tác bài thơ Đập đá ở Côn Lôn để thể hiện khí phách hiên ngang bất khuất của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.
Côn Lôn là đảo lớn nhất trong quần đảo Côn Đảo, chiếm gần 2/3 diện tích toàn đảo.
Câu 7. Cụ Phan Châu Trinh rời Pháp về nước vào ngày tháng năm nào? Ngày tháng năm nào cụ về tới Sài Gòn? Tại Sài Gòn, cụ tổ chức 2 buổi diễn thuyết, đề tài của hai buổi diễn thuyết đó là gì? Ngày 29 tháng 5 năm 1925, Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, đến ngày 26 tháng 6 cùng năm thì về tới Sài Gòn.
Tại Sài Gòn, cụ tổ chức 2 buổi diễn thuyết với đề tài là: "Ðạo đức và luân lý Đông Tây", "Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa".
Câu 8. Khu lưu niệm mộ cụ Phan Châu Trinh ở đâu? Khu lưu niệm mộ cụ Phan Chu Trinh tọa lạc tại số 9 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, nằm gọn trong một khuôn viên rộng 2.500m².
Từ ngoài đi vào, đầu tiên là một ngôi đền hình bát giác, có hai tầng mái, bên phải ngôi đền là phần mộ cụ Phan hình chữ nhật, có tấm bia khắc chữ Hán: “Việt Nam chính trị Cách mạng gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ – Quốc dân đồng kính tặng”.
Câu 9. Anh (chị) hãy đề xuất những giải pháp để tiếp tục phát huy những giá trị tư tưởng "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" và giá trị khu di tích Nhà lưu niệm của cụ Phan Châu Trinh. (Câu này các bạn tự làm - đây chỉ là đáp án tham khảo không nên copy) Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đến triết học Phan Châu Trinh trong bài diễn thuyết của mình trước sinh viên Việt Nam. Bởi lẽ tư tưởng của ông là tưởng duy tân, tư tưởng dân quyền, khai dân trí, phát triển dân tộc theo kịp thời đại mới là mục đích cuối cùng.
- Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.
- Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.
- Hậu dân sinh: Phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa… Hiện nay, nhìn lại thì chạm đâu cũng thấy lỗi cần phải sửa. Từ chuyện bài trừ hủ tục cho đến tinh thần tự lực tự cường, phát triển kinh tế ... Vẫn còn đầy rẫy những chuyện
"xin chào thua" "xin chào thầy" ... Vì vậy, để phát huy những giá trị tư tưởng canh tân tiến bộ đó chúng ta cần có những giải pháp sau:
Một là: Quy hoạch tổng thể bộ máy giáo dục. Giáo dục phải theo kịp và đi trước thời đại đừng để tụt hậu. Đưa môn giáo dục đạo đức là môn chính song song với các môn tự nhiên.
Chấn hưng lại nền giáo dục không để dạy thêm, học thêm vô tội vạ. Giáo viên buôn bán chữ với giá cắt cổ, quan hệ thầy - trò chỉ là quan hệ thuận mua vừa bán. Chạy chức, chạy quyền, chạy chữ, ... diễn ra khắp nơi.
Kiên quyết bài trừ các hủ tục
"chém lợn" "đập trâu", các hủ tục man rợ, vi phạm pháp luật. Đừng để phép vua thua lệ làng.
Để làm được điều đó thì: Cán bộ ngành giáo dục nói riêng và quan chức nói chung phải gương mẫu, trung thực, dám làm dám chịu chứ như hiện nay thì nói chẳng ai nghe.
Hai là: Thức tỉnh quan chức hãy rũ bỏ tư tưởng
"tiểu quan cầu tiền", đòi bôi trơn, lại quả trong công tác đầu tư, xây dựng, mua bán,... để thu lợi bất chính, giàu lên nhanh chóng, đút lót, mua quan, bán tước, ... Pháp luật phải nghiêm trị khi phát hiện các trường hợp này.
Khai trừ khỏi Đảng những phần tử độc hại gây ung thư cho chế độ. Từ đó, lòng dân mới được chấn hưng, nhân dân mới tin tưởng vào đường lối lãnh đạo Đảng và các quyết sách của Nhà nước. Nhờ vậy hiền tài mới quy tụ góp sức phát triển đất nước. Nên nhớ hiền tài không bao giờ phục vụ cho kẻ bất lương.
Ba là: Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, đừng ban hành những luật
"trên trời" làm những việc dưới
"âm phủ" làm cản trở sự phát triển của đất nước. Loại bỏ ngay những thành phần sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, cuối tháng nhận lương chẳng được tích sự gì mà bộ máy lại cồng kềnh, nặng nhọc.
Nói không với những công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, những dự án phá hoại đất nước, phá hoại môi trường, nghiêm khắc trừng trị những kẻ gây ra việc đó. Loại bỏ ngay không nói nhiều.
Giặc có thể đến từ mọi phương bất kể là đông tây nam bắc, có khi nó đến từ chính bản thân chúng ta. Do đó hơn hết ta phải nhận thức được những nguy hại đang hiện rõ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản tuyên ngôn độc lập có nói:
"Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược". Nhưng ngày nay chúng ta lại dùng bia rượu, ma tuý để hại chính mình.
Nói tóm lại, để phát huy những giá trị tư tưởng quý báu đó ta phải làm từ trên xuống, làm gương mẫu, tự lực, tự cường, tự thấy cần phải thay đổi, phải xoắn tay áo lên và làm chứ không phải xách ba lô lên và đi. Đừng để nhìn bề ngoài thì thấy vững chắc như bê-tông nhưng bên trong bê-tông lại là cốt tre nứa, chứ không phải cốt thép vì dân khí đã mục rỗng.
Khu di tích Nhà lưu niệm của cụ Phan Châu Trinh là nơi lưu giữ
"bí kíp" phát triển đất nước, kho tư liệu quý giá về tư tưởng duy tân, đổi mới có giá trị với mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc chúng ta phải giữ gìn và giáo dục cho muôn đời sau.