DŨNG CẢM CỨU BẠN BỊ ĐUỐI NƯỚC
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, ai cũng đều có thể có những tình bạn cao quý, với những kỷ niệm đẹp, luôn được trân trọng và không thể nào quên.
Lâm và Phong là bạn cùng xóm và chơi với nhau từ thời để chỏm. Họ thân nhau từ những trò chơi của những đứa trẻ nhà quê như: đá banh mà trái banh làm bằng lá chuối khô lăn tròn, bọc trong túi ni lông và buộc lại bằng những sợi dây; cho đến các trò bắn bi, đá dế, thả diều… Đôi bạn ấy luôn gắn bó bên nhau.
Cùng học chung từ lớp một và luôn sớm chiều có nhau, cả khi chăn trâu, cắt cỏ hay những đêm học chung nhóm, Phong giúp Lâm và các bạn giải những bài tập khó.
Với dáng vóc to khoẻ, lanh lợi, thông minh, giỏi dắn, tính tình lại khiêm tốn, điềm đạm hay giúp đỡ bạn bè nên Phong luôn được các thầy cô tin yêu, bạn bè nể phục bầu làm lớp trưởng suốt tám năm học qua. Gia đình Phong cũng thuộc diện khó khăn, mẹ bạn ấy thường xuyên đau ốm nên kinh tế cũng có phần chật vật. Nhưng điều quí nhất ở Phong là lòng hiếu thảo, tính hay giúp đỡ mọi người và tinh thần vượt khó vượt khổ để học tập tốt, bạn ấy luôn sắp xếp thời gian để giúp đỡ gia đình và chăm sóc mẹ mỗi khi mẹ ốm.
Điều hạnh phúc và tự hào của Lâm là được làm người bạn thân của Phong, cùng chia ngọt,sẻ bùi, được giúp đỡ nhau trong học tập, được chở che trong những lần khó khăn, hoạn nạn.
Có một câu chuyện - một biến cố hay nói đó là kỷ niệm của tình bạn giữa Lâm và Phong cũng được, đã xảy ra cách đây hai năm, vào năm học lớp sáu, mà có lẻ cả về sau này, Lâm sẽ khó mà quên được…. Đó là mùa mưa cách đây hai năm, vào đầu năm học lớp sáu.
Sau lễ khai giảng, Lâm và Phong lên học cấp hai với rất nhiều hồ hởi khi bước vào học ở trường mới, với các thầy cô mới và nhiều bạn bè mới. May mắn là Lâm và Phong lại được phân vào học cùng một lớp, nên cùng nhau đi học và cùng về với nhau. Ở quê, nhà hai bạn cách trường khoảng ba, bốn cây số nên việc đi bộ để đi học cũng không phải là chuyện to tát gì, vả lại mới vào đầu năm học nên cũng vui vẻ, không khó khăn, mệt nhọc cho lắm.
Sau khai giảng mới được khoảng mươi hôm thì thời tiết bỗng trở xấu, trời mưa liên tục ba, bốn ngày không dứt. Đường đến trường nếu chọn quãng đường đi tắt ngắn nhất thì có đoạn phải băng qua một cánh đồng, và phải lội qua một bàu nước nông, rộng khoảng chừng hai mươi mét. Còn nếu không đi tắt, mà đi đường bình thường thì đường dài hơn, phải tốn hơn mười lăm phút nữa.
Sáng hôm đó trời mưa, do dậy muộn nên Lâm, Phong và một số bạn chọn đi đường tắt cho kịp giờ vào lớp. Các bạn trong nhóm là: Phong, Lâm, Nam và một bạn nữ tên Thảo vừa đi vừa trao đổi bài cũ mà chẳng mấy chốc đã đến bàu nước lúc nào không hay. Đêm qua trời mưa to nên nước trong bàu lên cao và chảy siết hơn mọi ngày. Phong hăng hái đi trước dò đường, tiếp theo là Nam và Thảo, còn Lâm đi sau cùng.
Ra đến giữa dòng, đang đi bỗng nhiên Thảo bị chao đảo, nghiêng người rồi ngã theo dòng nước. Lâm vội la lên để cảnh báo rồi lao theo để nắm tay Thảo kéo lại. Nhưng Lâm cũng bị vấp ngã và cùng trôi theo. Thảo và Lâm cùng chới với ngụp lặn giữa dòng nước sâu, chảy siết. Chút vốn liếng tập bơi mấy bữa, Lâm đem ra áp dụng nhưng không hiệu quả, càng vùng vẫy Lâm càng đuối sức… Trong lúc Lâm tuyệt vọng, sắp chìm lĩm thì Phong ào ào bơi và lao tới rất nhanh. Phong hét to: “phải bình tĩnh, không được ôm vào người tôi, để tôi cứu ! ”. Nhờ sức vóc to khoẻ, một tay Phong nắm lấy cánh tay Lâm, tay kia kéo tay Thảo và cố sức bơi vào bờ. Vào tới bờ, Lâm mới hoàn hồn và biết mình và Thảo đã được Phong cứu sống.
Thảo do bị uống nhiều nước nên mệt lả phải nghỉ học để điều trị mấy hôm. Còn Lâm sau đó vẫn đi học được bình thường và vẫn khó tin là mình đã bước qua phút giây sinh tử hiểm nghèo đó là nhờ có Phong – người bạn thân yêu của mình.
Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, Phong đã được thầy hiệu trưởng tuyên dương dưới cờ vì đã có tinh thần: “ dũng cảm, cứu bạn, cứu người gặp nạn” và đã được thầy cô và các bạn học sinh toàn trường yêu thương, mến phục vì hành động dũng cảm trên. Thầy còn khuyến khích các bạn học sinh toàn trường nên noi theo tấm gương của Phong để làm nhiều việc tốt có ý nghĩa, giúp ích cho mọi người, và cho xã hội.
Cho đến nay đã hai năm trôi qua, nhưng những ký ức về câu chuyện đó vẫn in đậm trong tâm trí của Lâm như mới vừa xảy ra hôm qua đây thôi. Và tinh bạn của hai ngưòi vẫn ngày càng bền chặt. Phong là lớp trưởng, một học sinh giỏi tiêu biểu của lớp, tham gia hầu hết các phong trào của trường lớp và luôn được thầy yêu, bạn quí là đứa con hiếu thảo của gia đình, là tấm gương điển hình của lòng dũng cảm, không sơ hiểm nguy để cứu bạn, cứu người gặp nạn.
Cũng giống câu chuyyện của anh Nguyễn Hữu Thắng - học sinh lớp 11A4, trường PTTH Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã dũng cảm lao mình xuống dòng nước lũ để cứu giáo viên Trần Thị Mạnh là cô giáo của mình vào ngày 19 tháng 9 năm 2015 vừa qua;
Em viết câu chuyện này tham gia Hội thi: “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” để nêu một tấm gương sáng về lòng quả cảm của một học sinh nhỏ tuổi với hành động dũng cảm cứu người, và để biết ơn Phong, cũng như để nhớ mãi về một tình bạn đáng trân quý và đáng tự hào.