Không còn là chuyện của những dòng chữ in phun “Khoan cắt bê tông”, không còn là chuyện những tấm giấy A4 nhoè nhoẹt quảng cáo nhà cho thuê, cửa hàng thuốc... Mà đó là chuyện ăn mặc, trang điểm của nhiều bạn học trò tuổi me tuổi sấu. Rõ ràng một trong những vấn đề đặt ra trong đời sống văn hoá giới trẻ hiện nay là việc sử dụng trang phục, cách trang điểm sao cho phù hợp với nền văn hoá xã hội.
Không đặt ra vấn đề đó sao được khi giới trẻ ngày nay có nhiều bạn đang bị cuốn vào cơn lốc thời trang như những con thiêu thân bị cuốn vào vòng xoáy của những bóng đèn. Trong khoảng năm năm trở lại đây, trào lưu thời trang của giới trẻ thay đổi như cơm ăn, nước uống. Nào là thời trang “cosplay”, nào là thời trang “unisex”,... Từ những kiểu quần bò cắt rách te tua, những kiểu tóc vuốt keo dựng đứng đến kiểu trang phục không rõ giới tính, cách trang điểm cầu kì, màu mè, khó hiểu.
Đó là chưa nói đến hệ thống “phụ tùng” đi kèm như những chiếc vòng, xích, giày, .. hay các phương tiện đi lại như xe đạp, dây trang trí,... Nhiều bạn tuổi “teen” hiện nay khi ra đường có thể khiến tất cả mọi người ngước nhìn một cách khó hiểu. Nhưng đáng tiếc thay, các bạn ấy lại cho đó là cách thể hiện cá tính, cách làm bản thân nổi bật trước đám đông!
Quả là các bạn có nổi bật! Nổi bật bởi các bạn đang đi ngược lại quan niệm thẩm mĩ của người Việt cũng như tạo ra sự thiếu phù hợp giữa cách ăn mặc với đời sống văn hoá, xã hội. Người Việt Nam thường sử dụng các điều kiện vật chất rất giản dị trong khi những bộ trang phục các bạn đó mang trên mình lại khá tốn kém. Thêm nữa, điều kiện kinh tế nước ta còn hạn chế, sự phô trương trong cách ăn mặc như vậy liệu có nên chăng? Chưa hết. Đang ở lứa tuổi đi học, tiêu tốn tiền bạc của cha mẹ vào những chuyện như vậy chính là cách thể hiện sự phụ công lớn nhất của các bạn đối với những bậc phụ huynh đáng kính của mình.
Các bạn nguy biện rằng mình sử dụng trang phục như vậy là hợp "mốt” bởi giới trẻ Mĩ, Nhật cũng ăn mặc như vậy đó thôi. Các bạn lại nhầm thêm lần nữa. Không kể đến việc điều kiện kinh tế - xã hội của những quốc gia đó đặc biệt phát triển (là những cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế) thì chúng ta cũng cần lưu ý rằng giới trẻ Mĩ và Nhật khác chúng ta ở rất nhiều điểm. Người Mĩ không có được nền văn hoá với bề dày mấy nghìn năm như dân tộc ta, tổ tiên người Mĩ là những người di cư từ nơi khác đến, truyền thống văn hoá, cách ăn mặc của họ khác ta. Họ không có những ràng buộc đạo đức về cách ăn mặc, vì vậy họ ăn mặc “tự do” hơn chúng ta. Giới trẻ Nhật thì khác. Nhật Bản cũng là một quốc gia có bề dày truyền thống văn hóa. Nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhặt Bản đã có sự chuyển mình dữ dội, đổi lấy sự khởi phục và phát triển về kinh tế, họ chấp nhận để văn hoá Mĩ du nhập một cách ồ ạt, chính khi ấy, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của Nhật Bản đã mất đi. Giới trẻ Nhật Bản hôm nay đã mất đi ít nhiều sự định hướng về giá trị văn hoá, họ nương mình theo cái gọi là “tự do kiểu Mĩ”. Nhìn nhận như vậy để giới trẻ Việt Nam có sự so sánh đúng đắn với nền văn hoá Việt Nam, từ đó, có sự lựa chọn đúng đắn trong cách suy nghĩ và hành động của bản thân mình.
Hiện đại là điều đáng hoan nghênh. Biết mở cửa để giao lưu văn hoá trong thời hội nhập là điều nên làm. Nhưng hiện đại không có nghĩa là xoá bỏ hoàn toàn những điều thuộc về truyền thống. Giao lưu không có nghĩa là bắt chước, bất chấp những quan niệm truyền thống của dân tộc; không có nghĩa là đón nhận rồi hoà tan cái tôi của mình trong đó. Nếu giới trẻ Việt Nam tự lao mình vào vòng xoáy thời trang của nước ngoài như vậy thì một ngày nào đó, thật khó nhận ra những chàng trai, cô gái Việt Nam trên chính đất nước của họ. Tôi đang tự hỏi: Tại sao không thay vì bắt chước dòng thời trang nước ngoài, chúng ta tự tạo nên một dòng thời trang mang nhãn hiệu riêng “Made in Viet Nam”?.