Đề 1: Kể lại câu chuyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
Những ngôi sao xa xôi là câu chuyện kể về ba cô gái: Thao, Phương Định và Nho trong cùng tổ trinh sát mặt đường. Công việc của họ là ngồi chờ trên cao điểm. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Công việc thật chẳng đơn giản chút nào. Rất gian khổ và gần kề ngay cái chết.
Họ chạy trên cao điểm cả ban ngày ngay bên cạnh những quả bom đang nằm chờ nổ. Nhưng họ anh dũng và vui vẻ. Họ đã quen với những vết thương, với đất bốc khói, không khí bàng hoàng và tiếng máy bay đang gầm lên ầm ĩ. Thần kinh lúc nào cũng căng lên như chão, tim đập nhanh, chân chạy mà biết chắc rằng xung quanh bom sắp nổ. Nhưng rồi khi xong việc, nhìn đoạn đường, họ thấy vui, thở phào nhẹ nhõm và sà ngay về cái căn hầm mát lạnh của mình. Đánh một hơi nước mát cho thật đã, xong thì tất cả nằm dài trên nền đất ẩm nghe ca nhạc hay có thể nghĩ lung tung.
Hôm ấy vào buổi trưa, không gian im ắng lạ. Phương Định ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Cô mê hát, có khi bịa ra cả những lời hát ngớ ngẩn lung tung. Định người Hà Nội và là một cô gái khá với hai bím tóc dày, mềm, cái cổ cao và đôi mắt đẹp. Nhiều anh lái xe quý mến thường gửi thư tán tỉnh cô.
Đang mơ màng suy nghĩ, Định bỗng giật mình. Có tiếng giục của Nho và chị Thao. Họ đã nhận ra tiếng máy bay trinh sát. Cả tổ đã rất quen với việc: cái sự im lặng là sự bất thường. Tiếng máy bay trinh sát và tiếng phản lực gầm gào theo sau.
- Sắp đấy! - Nho quay lưng lại, chụp cái mũ sắt lên đầu. Chị Thao vẫn thong thả nhai mấy chiếc bánh quy. Chị bình tĩnh đến phát bực nhưng lại hay sợ máu. Chị hay diêm dúa nhưng trong công việc, chị cương quyết và táo bạo vô cùng.
Chị Thao cầm cái thước trên tay Định, rồi nói: "Định ở nhà. Lần này nó bỏ ít, hai đứa đi cũng đủ", rồi kéo tay Nho, vác xẻng lên vai đi ra cửa.
Định ở nhà trực điện thoại. Lòng cô nóng như lửa đốt. Xung quanh chỉ thấy khói bom mù mịt và tiếng cao xạ nã nhau chan chát. Địch tấn công dữ quá nhưng cũng may các anh cao xạ, thông tin và công binh đã kịp chi viện cho ba cô gái.
Nửa tiếng sau, chị Thao về, bình thản mệt lả và cáu kỉnh. Đại đội trưởng đã có được thông tin. Anh tế nhị cảm ơn ba cô gái.
Nho cũng về, bình thản và ướt sũng. Cô vừa tắm ở dưới suối lên, đẹp và mát mẻ như một que kem trắng.
Cả tổ nghĩ ngợi một lúc rồi tối lại ra đường luôn. Họ đi phá bom trong cái không khí vắng lặng đến kinh người. Ba cô gái thao tác rất nhanh và thành thục. Hai mươi phút sau, một hồi còi, rồi hồi còi thứ hai nổi lên. Những tiếng bom nổ vang trời xé toang không gian yên lặng. Mùi thuốc bom buồn nôn, đất đá rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây.
Thao và Định đã định ra về. Nhưng bất chợt họ phát hiện ra Nho đã bị thương. Hầm của Nho bị sập khi cả hai quả bom của chị cùng phát nổ.
Định và Thao đưa Nho về. Vết thương không sâu lắm nhưng bom nổ gần nên Nho bị choáng. Họ tự lo chăm sóc cho cô gái vì không muốn làm phiền đơn vị. Lát sau, Nho đã thiếp đi.
Hai cô gái ngồi yên lặng nhìn nhau. Họ đang nuốt những giọt nước mắt vào trong vì lúc này phải giữ sao cho cứng cỏi. Chị Thao hát, những giai điệu sai và lạc nhịp. Nhưng cần phải hát. Hát để quên đi và để vững tin hơn.
Có một đám mây, một đám nữa rồi thêm đám nữa kéo đến cửa hang. Bầu trời đen đi và cơn dông ào đến đột ngột như một biến đổi bất thường trong trái tim con người vậy. ở rừng mùa này hay thế. Trời mưa. Nhưng là mưa đá. Định nhận ra và thích thú cầm một viên đá nhỏ thả vào lòng bàn tay của Nho, vui thích và cuống cuồng.
Mưa tạnh và tạnh rất nhanh. Định bỗng thẫn thờ và nuối tiếc. Nhưng cô không tiếc những viên đá nhỏ. Cô đang nhớ về mẹ, về những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, nhớ bà bán kem, nhớ con đường nhựa... cơn mưa đã vô tình đã xoáy mạnh vào những kỷ niệm trong tâm hồn của cô gái xa quê.
Đề 2: Hãy tưởng tượng mình là nhân vật Xi-mông, kể lại câu chuyện Bố của Xi-mông.
Quá khứ của tôi đã có những ngày buồn đau và tuyệt vọng. Nhưng nếu không có những ngày như thế, có lẽ tôi sẽ không cảm thấy hạnh phúc tuyệt vời như chính lúc này đây.
Câu chuyện của tôi xảy ra vào ngày đầu tiên khi tôi bước chân vào lớp một. Hôm ấy tôi mừng vui lắm và thật háo hức vô cùng. Tôi đến trường vui tươi và phấn khởi. Thế nhưng khi tôi vừa chực bước chân vào lớp thì một đám bạn xúm đến vây quanh lấy chân tôi. Một đứa trong đám bắt đầu ném vào tai tôi bao lời chua chát mà cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên. Tôi bực giật nhưng đành câm lặng bởi đúng là lúc ấy... tôi không có bố. Tôi bật khóc, vậy mà lũ bạn tôi vẫn chưa chịu thôi cái trò chơi quái ác. Buổi học đầu tiên với bao mong đợi đã không thành. Tôi buồn nản và vô cùng thất vọng bỏ ra phía bờ sông.
Trời ấm áp và dễ chịu. ánh mặt trời êm đềm sưởi ấm bãi cỏ. Nước lấp lánh như gương. Tôi muốn nằm ngay ra đó và ngủ đi một giấc nhưng lại không sao ngủ được. Không thể nào quên được những câu nói vừa qua. Đầu tôi choáng váng, chân tay mệt mỏi rã rời. Tôi muốn chìm ngay xuống dưới lòng sông để quên đi tất cả. Nhưng không hiểu sao tôi lại trù trừ không muốn làm ngay. Mắt tôi rệu rã nhìn theo những đám bọt trên sông.
Đang chán ngán, tôi bỗng thấy một chú nhái con màu xanh lục nhảy nhót dưới chân. Tôi vung tay tóm lấy mà không được. Tôi đuổi theo, vồ hụt ba lần liền rồi mới tóm được hai chân sau của nó. Tôi bật cười nhìn con vật cố giãy giụa để thoát thân. Nó thu mình lại trên đôi cẳng lớn, rồi bật phắt lên, đột ngột duỗi cẳng, ngay đơ như hai thanh gỗ; trong lúc giương tròn con mắt có vành vàng, nó dùng hai chân trước đập vào khoảng không, huơ lên như hai bàn tay. Trò nghịch với chú nhái bỗng gợi cho tôi nhớ về một đồ chơi thuở nhỏ. Và thế là tự nhiên tôi nghĩ đến nhà, đến mẹ. Tôi thấy buồn vô cùng và lại khóc. Người tôi rung lên, tôi sợ, quỳ xung và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ nhưng không đọc hết. Nỗi buồn càng lúc càng giăng kín lòng tôi. Tôi chẳng còn nghĩ được điều gì nữa, chẳng nhìn thấy cái gì nữa. Tôi chỉ ngồi ôm mặt và cứ nức nở mãi không thôi.
Thế rồi, bỗng nhiên tôi giật nảy mình. Một bàn tay chắc nịch của ai đó vừa đặt lên vai tôi và tai tôi nghe những lời nói ồm ồm nhưng đầy chia sẻ:
- Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?
Tôi quay lại. Một bác công nhân cao lớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn tôi bằng ánh mắt nhân hậu vô cùng. Tôi trả lời, giọng nghẹn ngào trong khi mắt vẫn còn ươn ướt:
- Chúng nó đánh cháu... vì... cháu... cháu... không có bố... không có bố.
- Sao thế - bác ta mỉm cười bảo - ai mà chẳng có bố.
Tôi nói tiếp (một cách khó khăn) trong tiếng nấc:
- Cháu... cháu không có bố.
Tôi nhận ra bác công nhân bỗng nghiêm mặt lại. Và hình như bác đã nhận ra tôi. Bác nói:
- Thôi nào, đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà với mẹ cháu, với bác đi. Người ta sẽ cho cháu... một ông bố.
Ngay lúc ấy, tôi không biết lời nói kia có thật hay không. Thế nhưng trên đường về, lòng tôi tràn đầy hy vọng.
- Thưa bác, đây rồi! Nhà cháu ở đây - tôi nói:
Mẹ tôi mở cửa bước ra khi bác công nhân đang mải ngắm ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng và hết sức sạch sẽ của mẹ con tôi. Thấy mẹ tôi, bác e dè, cầm mũ một bên tay và nói:
- Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.
Không để cho mẹ kịp trả lời, tôi bỗng ôm chầm lấy mẹ rồi òa khóc:
- Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con... đánh con... tại con không có bố.
Đôi má của mẹ tôi cứ thế đỏ bừng lên và đôi mắt gợi một nỗi buồn sâu thẳm. Mẹ ôm tôi vào lòng, hôn lấy hôn để trong nghẹn ngào nước mắt khiến tôi càng nức nở hơn. Nhưng rồi như vừa chợt nghĩ đến một điều gì trước đó, tôi bỗng chạy đến bên bác công nhân và nói:
- Bác có muốn làm bố cháu không?
Tôi hồi hộp đợi chờ, trong khi ấy mẹ tôi ngả vào tường và hai tay ôm ngực. Không thấy trả lời, tôi lại nói, mạnh mẽ và dứt khoát:
- Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở lại nhảy xuống sông chết đuối.
Đến đây, bác công nhân mới nở nụ cười rồi đáp:
- Có chứ, bác muốn chứ.
Tôi ngây thơ và sung sướng vô cùng. Tôi hỏi tiếp ngay:
- Thế bác tên gì để cháu còn trả lời chúng nó khi chúng nó muốn biết tên của bác?
- Phi-líp - người đàn ông đáp.
Tôi im lặng một giây để ghi nhớ cái tên ấy vào đầu. Rồi hết cả buồn, tôi vươn hai cánh tay ra nói:
- Thế nhé! Bác Phi-líp, bác là bố cháu.
Tôi sung sướng quá! Bác Phi-líp bước đến nhấc bổng tôi lên, hôn vào hai má tôi, rồi bác sải từng bước dài bỏ đi vội vã.
Sau hôm ấy, tôi lại đến trường. Vừa bước vào cửa lớp, tôi lại nghe một tiếng cười ác ý. Buổi học hôm ấy qua nhanh, lúc tan học, đứa bạn hôm trước lại định trêu chọc tôi. Nhưng tôi lớn tiếng quát vào mặt nó:
- Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp.
Khắp xung quanh tôi lại bật lên những tiếng la hét vô cùng thích thú:
- Phi-líp gì?... Phi-líp nào?... Phi-líp cái gì?... Mày lấy đâu ra Phi-líp của mày thế?
Nhưng tôi không trả lời. Tôi một mực tin tưởng và đưa con mắt thách thức bọn kia. Cũng may đúng lúc ấy thầy giáo đến. Bọn bạn kia nhìn thấy thầy bèn giải tán. Còn tôi, tôi cảm ơn thầy rồi cũng ra về. Nhưng khác hẳn mọi hôm, hôm nay tôi hãnh diện và vui mừng lắm.
Câu chuyện của tôi là thế. Bây giờ thì bố Phi-líp đã về ở với mẹ con tôi và lũ bạn cũng không còn trêu tôi nữa. Ngẫm lại, những chuyện ngày xưa thật đáng buồn. Thế nhưng sau tất cả tôi phải cảm ơn, cảm ơn rất nhiều bố Phi-líp của tôi.
Đề 3: Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Những sự việc gì đã xảy ra? Hãy kể lại câu chuyện đó.
Trọng Thủy tỉnh dậy thì bàng hoàng nhận ra mình đang ở giữa mênh mông biển nước. Những tầng san hô cứ liên tiếp nối nhau làm che khuất tầm nhìn. Xung quanh chàng lúc ấy chỉ có nước và những đàn cá tung tăng bơi lội.
Trọng Thủy vẫn còn ngơ ngác. Chàng dấn bước đi miễn cưỡng và không phương hướng. Thế nhưng vừa ra khỏi đám san hô, Trọng Thủy đã bị bốn năm hình nhân quái lạ mình người đầu tôm cá từ đâu kéo đến trói chặt đưa đi. Trọng Thủy được đưa đến một cung điện nguy nga lộng lẫy, cái mà chàng chưa bao giờ gặp ở trên trần. Những ngôi nhà tráng lệ sáng trưng màu ngọc, có đầy đủ lính canh và người hầu ra vào tấp nập. Qua bốn năm lần cửa canh như thế, Trọng Thủy bị bắt vào quỳ ở trong đại điện. Một tên lính trong nhóm người kia cũng quỳ xuống và thưa:
- Thưa công chúa! Bọn thuộc hạ bắt được tên này ở ngoài cổng điện. Xem chừng hắn đến đây có ý gian tà, xin công chúa đưa ra xét tội.
Người ngồi trên kia lên tiếng. Trọng Thủy nghe thấy quen quen nhưng mặt người kia bịt kín nên chàng không nhìn rõ.
- Này, anh kia! Anh từ đâu tới mà lại lạc đến đây?
- Dạ, bẩm! Tôi người trần, vì ngờ người tình đang ở trong giếng nước nên mới lao mình xuống giếng rồi bị lạc đến nơi đây.
- Vậy anh tên gì?
- Tôi là Trọng Thủy, là con trai của Triệu Đà Vương.
- Ta nghe nói ở trên trần, ngươi gây ra nhiều tội ác cho nhân dân Âu Lạc, khiến họ vô cùng oán thán. Điều đó có đúng hay không?
Trọng Thủy vô cùng ngạc nhiên. Không ngờ một người hoàn toàn xa lạ lại biết ngọn ngành mọi chuyện của mình. Biết là không thể chối,
Trọng Thủy bèn viện lý do:
- Thực tình tôi cũng là làm theo ý của vua cha.
- Nhà ngươi lại còn định chối tội hay sao? Người ngồi trên điện kia nổi nóng. Nhà ngươi giả vờ sang cầu hòa Âu Lạc, xin cưới công chúa Mị Châu để chờ cơ hội trộm nỏ thần đã là một tội. Tàn bạo hơn, ngươi lại cho quân lính sang giày xéo bờ cõi nước Nam làm cho muôn dân kêu gào trong đau khổ. Không những thế, nhà ngươi còn nhẫn tâm bức chết vua Âu Lạc, bức chết người vợ thủy chung mà ngây thơ dại dột của mình. Với bằng ấy tội danh nhà ngươi còn muốn đổ lỗi cho ai?
Trọng Thủy tái mặt, không biết người ngồi trên điện là ai. Nhưng sợ quá, chàng cúi đầu nhận tội:
- Thưa công chúa! Tôi biết mình mang tội lớn nhưng tôi một lòng yêu quý Mị Châu, ngày đêm mong ngóng được gặp nàng để tỏ bày nỗi lòng ân hận.
- Bây giờ nhà ngươi mới hối hận thì có giải quyết được gì đâu?
- Tôi biết vậy. Nhưng ngày xưa, Mị Châu vì rất yêu thương tôi mà nghe tôi tất cả. Tôi yêu thương nàng thật tôi đã lừa dối trái tim trong trắng của nàng nên tôi day dứt lắm. Đến khi nàng mất đi tôi mới biết dù có là vua Âu Lạc nhưng nếu mất Mị Châu, cuộc sống của tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi rất muốn gặp nàng để ít nhất được nói với nàng sự hối hận của tôi.
- Trọng Thủy! Chàng hãy ngẩng mặt lên và nhìn xem thiếp là ai?
- Nàng là... Mị Châu!
- Vâng thiếp đúng là Mị Châu. Sau khi thiếp chết đi, vua Thủy Tề đã rất thương tình mà nhận thiếp làm con gái. Vì thế thiếp mới được ở nơi đây.
- Mị Châu! Ta xin lỗi nàng. Vì ta mà nàng phải chịu bao đau khổ. Bây lâu nay ta chỉ ước được gặp nàng. Ta sẵn sàng bỏ đi tất cả để được cùng nàng sống trong hạnh phúc. Hãy tha thứ cho ta.
- Thiếp mừng vì chàng đã nhận ra lầm lỗi. Nhưng chúng ta không thể sống với nhau. Nếu làm như vậy, người đời sẽ nhạo báng chúng ta mãi mãi. Không được sống với nhau coi như cũng là một sự trừng phạt xứng đáng với những lỗi lầm quá lớn của chúng ta ở trên hạ giới. Thiếp đã đợi ngày này từ rất lâu rồi và chỉ để được nói với chàng một câu thôi: hãy sống sao cho tốt trong những ngày sắp tới để bù đắp cho những gì mà chúng ta đã gây ra.
Mị Châu vừa nói dứt câu thì cả cung điện nguy nga bỗng biến ngay đâu mất. Xung quanh vắng lặng chỉ còn trơ lại một mình Trọng Thủy. Chàng ân hận mà lặng câm không nói được. Vết nhơ mà chàng đã gây ra có lẽ chỉ có nước biển Đông xô dạt ngàn đời mới mong xóa được.
Trọng Thủy cứ ngồi đó hàng chục ngày đêm. Và rồi không biết tự bao giờ. Chàng đã hóa thành người đá. Sau này hàng mấy trăm năm, có người lặn xuống biển Đông mò ngọc quý vẫn còn nhìn thấy một tảng đá hình người âu sầu khổ não đang dang hai cánh tay ra như cầu xin ai đó một điều gì.
Đề 4: Kể lại một kỷ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.
- Hùng ơi! Sao lâu thế? Muộn học mất rồi.
-...?
- Tớ xin lỗi vì đã để cậu phải đợi lâu. Tặng cậu nhân ngày sinh nhật.
Tôi thật bất ngờ khi Hùng dúi nhanh vào tay tôi một đôi dép mới. Nhoẻn miệng cười, tôi nói:
- Sao hôm nay bày vẽ thế. Cậu định chuộc lại lỗi lầm hôm trước hay sao?
Tôi nói ra câu ấy cốt là chỉ nói đùa thôi. ấy vậy mà không ngờ mặt Hùng xịu hẳn đi. Trông cậu, tôi hối tiếc về những gì mà mình vừa mới nói.
Câu chuyện xảy ra hai tháng trước đây khi tôi với Hùng từ một đôi bạn vô cùng thân thiết trở nên đối nghịch.
Hùng với tôi không cùng xóm nhưng chúng tôi làm bạn với nhau từ khi bước vào lớp một. Từ đó trở đi năm nào chúng tôi cũng học cùng lớp với nhau, ngồi cùng bàn với nhau và chia sẻ với nhau tất cả.
Tình bạn của chúng tôi cũng bởi thế mà bền chặt và thân thiết lắm. Cuộc sống cứ thế trôi đi thật đẹp nếu không có chuyện lớp tôi xảy ra liên tiếp những vụ mất tiền.
Trong gần một tháng hơn một triệu đồng bỗng nhiên không cánh mà bay. Nạn nhân là gần chục bạn lớp tôi, trong đó Hùng bị mất nhiều hơn tất cả.
Không khí ở lớp từ hôm xảy ra chuyện mất tiền bỗng nhiên trở nên căng thẳng. Cô chủ nhiệm rồi cả đoàn thanh niên cũng vào cuộc mà không thể nào tìm ra thủ phạm. ở trường chúng tôi cũng chịu nhiều áp lực. Một lớp chọn với toàn những học sinh ưu tú mà lại xảy ra chuyện không hay như thế thì tránh sao khỏi những cái nhìn và sự chê bai của các bạn lớp bên. Cứ thế nội bộ lớp tôi bắt đầu lục đục. Một số mối quan hệ có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Dẫu vẫn biết "một mất mười ngờ" nhưng rõ ràng không thể không bực giận khi mình tự nhiên bị cả lớp hoài nghi.
Gần một tháng đã trôi qua vậy mà chuyện ở lớp vẫn không hề tiến triển. Hôm ấy, vẫn như thường lệ, tôi đi học và qua cổng nhà Hùng. Thế nhưng mới gặp tôi, Hùng đã nói:
- Có lẽ từ nay tao chẳng nên tin ai cả.
Tôi nghe thấy lạ, bèn hỏi lại:
- Cậu nói thế nghĩa là sao?
Hùng lạnh nhạt:
- Chẳng sao cả. Có vậy mà còn không hiểu hay sao?
Câu nói của Hùng đáp hẳn vào nhân cách của tôi. Nhưng tôi chưa kịp phản ứng gì thì Hùng quay ngoắt đầu xe đi thẳng.
Vậy là đã rõ, Hùng đã nghi ngờ cả bản thân tôi. Tôi buồn lắm, rệu rã đạp xe tới cổng trường, cắp cặp vào lớp ngồi bên người bạn thân cả buổi mà không dám bắt lời. Mỗi khi tôi trộm nhìn sang, vẻ mặt Hùng lại ánh lên sự bất cần và thách thức. Buổi học hôm ấy trôi qua căng thẳng, chậm chạp và mệt nhọc.
Tan học, lần đầu tiên từ khi bước vào ngôi trường mới, tôi một mình đạp xe vội vã về nhà. Mệt mỏi và chán nản, tôi nằm vật ra giường. Chẳng lẽ tình bạn đẹp đẽ của chúng tôi lại đổ vỡ một cách đơn giản thế ư? Không thể được! Tôi phải nghĩ và phải làm rõ "vụ án" này để chứng minh cho sự trong sạch của mình và quan trọng hơn là để cứu vãn tình bạn của chúng tôi.
Những ngày sau đó là những kỷ niệm rất buồn đối với tình bạn của chúng tôi. Tôi không nói và như thế Hùng càng có lý để ngờ vực gian trá của tôi. Nhưng tôi không chấp nhận, tôi cùng một vài bạn nam trong lớp đã lập thành một nhóm quyết tâm phá vụ án này. Không nghi ngờ bạn nào trong lớp, chúng tôi hướng mũi điều tra vào một số người hay qua lại lớp mình. Không ngờ, chỉ không đầy năm buổi học chúng tôi đã tóm được ngay thủ phạm. Tất cả thế là đã rõ, thủ phạm lấy cắp tiền không phải là học sinh của lớp tôi. Những căng thẳng trong lớp tự nhiên không còn nữa, bạn bè lại hòa nhã và vui vẻ với nhau.
Cũng sau hôm ấy, Hùng đã đến tận nhà tôi và xin lỗi. Tôi chỉ cười và nắm chặt hai bàn tay của nó. Tôi không bao giờ ngờ được giữa tôi và Hùng lại có những ngày như thế. Nhưng quả thực sau tất cả những chuyện này, tôi lại cảm thấy càng yêu quý nó hơn...
- Tớ... tớ cảm ơn và xin lỗi cậu. Tớ chỉ đùa thôi.
Hùng không nhìn thẳng vào tôi:
- Tớ biết mình có lỗi và tớ ân hận lắm. Tớ chỉ mong từ bây giờ cậu vẫn coi mình là bạn.
- Cậu ngốc lắm. Tớ có suy nghĩ gì đâu! Tôi an ủi.
Thế đấy kỷ niệm của tôi và Hùng là thế. Đúng là hạnh phúc là một sự đấu tranh. Hay nói đúng hơn, sau những gian nan ta mới hiểu hết ý nghĩa của hai từ hạnh phúc. Tôi tự hào về người bạn của tôi. Tôi yêu quý cả sự ngây thơ và chân thành của nó.