Nhưng khi ở trong nhà giam Mỹ Ngụy, anh từng làm thơ chúc thọ Bác nhân ngày kỉ niệm sinh nhật Bác, khi hành quân cùng bộ đội giải phóng trên chiến trường đánh Mỹ, nghe tin Bác qua đời, anh đã làm thơ khóc Bác. Đến khi anh ra đến miền Bắc không còn mong thấy Bác, anh đã dồn hết tình cảm thương nhớ Bác nén chặt bao nhiêu năm vào hài thơ Viếng lăng Bác, nhưng giờ đây không chỉ là tình cảm của riêng anh mà còn kết tinh tình cảm của hàng triệu chiến sĩ, đồng bào miền Nam chưa được gặp Bác bao giờ, ngày chiến thắng ra viếng lăng Bác. Câu thơ mở đầu giản dị như sự thật, như chính con người Bác:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Cái đầu tiên mà anh thấy là gì:
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Cây tre là tượng trưng cho xứ sở Việt Nam - ông cha ta từ thời Thánh Gióng đã nhổ tre đằng ngà quật giặc Ân xâm lược, đồng bào miền Nam đã dùng gậy tầm vông chọi với đại bác - tượng trưng cho sự bất khuất của con người Việt Nam.
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Trên cái nền đơn giản mà nghiêm trang đó, anh tả lăng Bác và những đoàn người nườm nượp đến viếng lăng với những hình ảnh cô đọng và giàu sức khái quát:
Ngày ngày Mặt Trời đi qua trên lăng
Thấy một Mặt Trời trong lăng rất đỏ
Mặt trời trên lăng là Mặt Trời của thiên nhiên, Mặt Trời trong lăng là trái tim của Bác, cách so sánh ở đây rất tự nhiên, nhuần nhuyễn, chỉ khác nhau một chữ trên và trong, cũng thấy được một đằng là cụ thể, một đằng là biểu tượng, nhưng ý nghĩa thì tương đồng: Bác là vầng Mặt Trời soi sáng cho cách mạng và sưởi ấm trái tim mỗi con người chúng ta.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng Bảy mươi chín mùa xuân
Ở đây tác giả dùng bút pháp song quan (hai cánh cửa): Hai chữ ngày ngày lặp lại hai lần cùng chỉ hai hiện trạng khác nhau: một thiên nhiên, một đời sống, nhưng ý nghĩa tương đồng: ngày ngày Mặt Trời đi qua trên lăng và ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ, tình cảm đối với Bác cũng tự nhiên., gần gũi, như đất trời, như hơi thở, dòng người biến thành tràng hoa dâng Bảy mươi chín mùa xuân tuổi thọ Bác.
79 Mùa Xuân mang lại mùa xuân vĩnh viễn cho dân tộc. Con người là hoa của Đất. Hoa cũng tượng trưng Mùa Xuân của Đất trời, ý tứ ở đây bó kết lại với nhau như tràng hoa.
Thực tế thì như vậy nhưng tình cảm thì có điều không thể chấp nhận được Bác đã qua đời, dẫu sao có điều an ủi là:
Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng soi dịu hiền.
Cuộc đời Bác như mặt trời, giấc ngủ của Bác là vầng trăng tưởng chừng như trái ngược nhưng lại rất hài hoà: Giấc ngủ bình yên của một con người sau cả một đời đấu tranh cho dân tộc, cho nhân loại - lần đầu tiên được nghỉ ngơi - đẹp biết bao nhiêu, ở đây lại diễn ra cái mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm giữa cái chung và cái riêng: Bác trở thành bất tử, hoà nhập vào với trời xanh, cái cao cả, vĩnh hằng, là điều đáng quý, đáng trọng, nhưng còn tình cảm riêng tư vẫn chưa khuây được nỗi nhớ thương, sự mất mát không gì bù đắp được, đây là điều đáng yêu, đáng mến của đời thường, của con người mang trái tim người:
Dẫu biết trời xanh là mãi mãi
Mù sao nghe nhói ở trong tim.
Cảm xúc thơ đã đi đến chỗ cao cả (sublime) trong cái giản dị, tiếp theo đó lại là cái giản dị như đoạn mở đầu, để kết thúc trọn vẹn bài thơ:
Mai về miên Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.