... “Trong bài thơ Đồng chí tôi muốn nhấn mạnh đến tình đồng đội suốt cả cuộc chiến đấu chỉ có một chỗ dựa dường như là duy nhất để tồn tại để chiến đấu là tình đồng chí, tình đồng đội. Đổng chí ở đây là tình đồng đội...”
.... “Tôi mong có được sự hàm súc, cô đọng của lời thơ, và hình ảnh thơ phải mang tính tạo hình”....
.... “Bài thơ có những hình ảnh cô đúc như đầu súng trăng treo. Tôi thấy có bạn phân tích hình ảnh đầu súng là tượng trưng cho người chiến sĩ đang bảo vệ quê hương và vầng trăng tượng trưng cho quê hương thanh bình. Tôi không nghĩ thế khi viết... Vấn đề đối với tôi đơn giản hơn. Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng.
Đi phục kích giặc trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật: khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quyện với nhau tạo ra hình ảnh đầu súng trăng treo,.. Đầu súng trăng treo, ngoài hình ảnh, bốn chữ này có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái lửng lơ ở xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng từ bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với tôi như một người bạn: rừng hoang sương muối là khung cảnh thật v..v...
Dựa vào những gợi ý, chỉ dẫn của chính tác giả chúng tôi xin được đề xuất một cách hiểu mới về vẻ đẹp bài thơ Đồng chí như sau:
Chúng tôi quan niệm: Muốn hiểu đúng về vẻ đẹp bài thơ Đồng chí nên xuất phát từ phương diện phân tích kết cấu nghệ thuật bài thơ vì đây có lẽ là phương pháp tối ưu so với tất cả các phương pháp tiếp cận khác đối với bài thơ này.
Tìm hiểu kết cấu bề mặt - kết cấu hình thức (bố cục), chúng tôi thấy có thể chia bài thơ Đồng chí ra làm hai đoạn thơ.
Đoạn thứ nhất gồm 17 câu thơ, được tác giả trình bày bằng bút pháp tự sự và do vậy đã phản ánh khá chân thật cả một quá khứ quan hệ giữa hai nhân vật là “anh” và "tôi” - những người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cả “anh” và “tôi” vốn là những người nông dân cầm súng bởi sự giác ngộ cách mạng và nhiệt tình yêu nước. Cho nên ngay từ buổi đầu gặp gỡ giữa hai người đã có một niềm cảm thông hiểu biết lẫn nhau thật sự nồng thắm vô biên. Niềm cảm thông ấy không chỉ làm cho họ vượt lên những mặc cảm xa lạ về quê hương, về xứ sở và hoàn cảnh riêng tư để thống nhất cao độ vào một mục đích chung là đánh giặc cứu nước:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo, đất cày lên sỏi đá,
Anh với tôi hai người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính...
mà còn nẩy nở ở họ những biểu hiện tình cảm tương thân tương ái để cùng nhau vượt qua những thiếu thốn vật chất trong sinh hoạt và sự đe doạ của bệnh tật hiểm nghèo;
... Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...
Có thể nói niềm cảm thông hết sức xúc động ấy đã tạo nên vẻ đẹp có một nét đặc trưng của mối quan hệ "đồng chí” giữa “tôi’ và "anh”. Nó đã được hai người trân trọng giữ gìn bằng cả bề dày của thời gian và bằng những kỷ niệm sâu sắc ấm áp tình người.
Đoạn thứ hai của bài thơ Đồng chí chỉ có ba câu thơ. Nhưng do được nhà thơ thể hiện bằng bút pháp đặc tả nên nó đã khắc hoạ khá sinh động hình tượng người chiến sĩ trước giờ nổ súng tiêu diệt quân thù:
... Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Đoạn thơ cho ta thấy: Dù phải đối đầu với bao điều bất lợi của tự nhiên, ngoại cảnh và bao điều nguy hiểm của chiến sự sắp xảy ra, nhưng cả “anh” và "tôi” cũng như tất cả các chiến sĩ lúc bấy giờ vẫn bình tĩnh hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu với một quyết tâm vô cùng mạnh mẽ.
Nguyên nhân nào đã tạo nên ở những người chiến sĩ này một tư thế chiến đấu rất đỗi bất khuất, hào hùng như vậy? Phải chăng chính là niềm cảm thông hiểu biết lẫn nhau, là những biểu hiện tình cảm thương yêu trong mối quan hệ "đồng chí” mật thiết bấy lâu giữa "anh” và “tôi” giữa những người đồng đội đã tạo nên thế đứng kiên cường của họ dưới chiến hào khi chuẩn bị bước vào trận đánh. Hơn thế nữa, chính sự gắn bó giữa “anh” và “tôi, giữa những người chiến sĩ chung một chiến hào thành khối đoàn kết vững chắc trên trận địa lúc này còn chắp cánh cho những cảm xúc trong tâm hồn lãng mạn của họ thăng hoa khi bắt gặp sự hài hoà kì diệu giữa vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng với vẻ đẹp hùng vĩ của thế trận tiến công.
Tìm hiểu kết cấu bên trong - kết cấu nội tại (mối quan hệ giữa hai đoạn thơ) chúng tôi thấy bài thơ Đồng chí có một mô hình cấu trúc thẩm mĩ chặt chẽ và biện chứng, có khả năng biểu đạt chủ đề tư tưởng bài thơ rất cao. Đọc bài thơ, chúng tôi thấy đoạn cuối là phần chính, còn đoạn đầu là phần phụ của bài thơ. Phần chính có tính chất tạo hình đậm nét, được tác giả thiết lập trên cơ sở của phần phụ. Và phần phụ là sự bổ sung, hoàn thiện hình tượng thơ được thể hiện trong phần chính.
Vì vậy có thể nói vẻ đẹp tâm hồn chính là bước phát triển sinh động trong tình cảm của “anh” và “tôi”, mà niềm cảm thông sâu sắc và sự gắn bó sắt son giữa hai người là nền tảng, là cơ sở vững chắc của sự phát triển đó.
Tập trung miêu tả tư thế kiên cường và tâm hồn lãng mạn của “anh” và “tôi”; của những người chiến sĩ trước giờ nổ súng tiêu diệt quân thù, Chính Hữu không chỉ tạo được một bức tượng đài bằng thơ về người chiến sĩ Vệ quốc quân thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn mở ra một hướng thể hiện nghệ thuật thi ca viết về đề tài chiến tranh giữ nước rất mới mẻ. Chính hình tượng thơ Đầu súng trăng treo của Chính Hữu về sau đã được Phạm Tiến Duật tiếp tục sáng tác qua hình tượng Vầng trăng quầng lửa và đã được Tố Hữu nâng lên một tầm khái quát thi ca mới trong hình tượng Việt Nam, máu và hoa.