Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Về đoạn trích "Lẽ ghét thương", có ý kiến cho rằng "tác giả đã bộc lộ một cách nồng nhiệt, chân thành, thái độ yêu ghét phân minh, trong sáng và thái độ quan tâm sâu sắc đến quyền lợi nhân dân".Dựa vào tác phẩm Lục Vân Tiên và đoạn trí

Thứ bảy - 25/06/2016 04:41
Nói đến Nguyễn Đình Chiểu là nói đến "một tấm gương sáng về nghị lực và đạo đức", đặc biệt là về thái độ suốt đời gắn bó với nhân dân và chiến đấu không mệt mỏi cho lẽ phải, cho quyền lợi của nhân dân, đất nước. Lí tưởng trong sáng đó đã thấm đượm trong từng trang viết của ông, trong đó có truyện Lục Vân Tiên. Đoạn trích Lẽ ghét thương đã thể hiện một phần tư tưởng đó. Có ý kiến cho rằng, đoạn trích "bộc lộ một cách nồng nhiệt, chân thành tình cảm yêu ghét phân minh, trong sáng và thái độ quan tâm sâu sắc đến quyền lợi nhân dân".
Truyện Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ XIX. Lúc bấy giờ, tác giả đã bị mù loà, làm nghề dạy học và chữa bệnh cho dân ở Gia Định. Tác phẩm kể lại câu chuyện của nhân vật chính có tên là Lục Vân Tiên, một Nho sinh văn võ song toàn. Trên đường ra kinh kì ứng thí, chàng gặp nhiều ngang trái bất bằng. Với tinh thần của người hiệp khách, chàng Lục "giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha", rồi "làm ơn há dễ đợi người trả ơn". Và bản thân chàng cũng gặp nhiều sóng gió trên đường đi. Chàng đã gặp được nhiều người tốt như: vợ chồng ông Ngư, ông Tiều... Họ sẵn sàng, giúp dỡ chàng qua cơn hoạn nạn. Một trong những nhân vật có tính cách nổi bật là ông Quán- một con người yêu ghét phân minh, tình cảm rõ ràng, trong sáng, và luôn nghĩ cho mọi người, cho dân, cho nước. Đây chính là nhân vật phát ngôn cho tư tưởng của tác giả.
Đoạn trích có hai mươi sáu câu, trong đó có mười câu nói về "ghét", còn lại nói về "thương". Đoạn có hai ý rõ ràng.
Đặt mười câu "ghét" lên trước, nhà thơ thể hiện ở mỗi câu là một sự việc rõ ràng, có căn nguyên của nó:
 
Quán rằng: "Ghét việc tầm phào.
" Ghét cay, ghét đắng ghét vào tận tâm".
 
Mở đầu đoạn trích là lời giãi bày về nỗi "ghét" rất sâu đậm, như một lời khái quát chung cho lời "ghét" tiếp theo. Từ ghét những việc hão huyền, không ý nghĩa, đến ghét người, với những tên tuổi bằng chứng cụ thể.
 
Để việc giãi bày những lời tâm huyết thêm sâu đậm, tác giả đã sử dụng nghệ thuật điệp từ "ghét" tới ba lần trong một câu thơ cùng với nghệ thuật tăng cấp: từ cái ghét vị cay, vị đắng đến cái ghét sâu trong tâm của lòng người. Nhà thơ đã diễn tả được màu sắc, mùi vị và độ sâu của cái ghét. Với cách diễn đạt này, Nguyễn Đình Chiểu cho chúng ta thây cái ghét của ông Quán là cái ghét đã ăn sâu vào trong tâm hồn, cái ghét của lòng chính trực, chân thành.
 
"Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần".
 
Nguyễn Đình Chiểu nhắc đến Kiệt, Trụ, U, Lệ là những đời vua đồi bại trong lịch sử cổ đại Trung Quốc-Trong những triều vua đó, dân phải "sa hầm sẩy hang", phải "chịu lầm than muôn phần"...
 
Phải là người có tâm huyết với nhân dân, có quan điểm vì dân mới có được những tâm sự chân thành đến vậy. Do đó có thể thấy nguồn gốc của "nỗi ghét" ấy chính là tình thương. Vì lo cho dân, yêu dân, suốt đời chiến đấu cho lẽ phải, Đồ Chiểu đã mượn hình tượng ông Quán để nói lên sự phẫn uất của mình, và đó cũng chính là nỗi phẫn uất chung của nhân dân.
Mặc dù đoạn trích chỉ mượn những điển tích xưa, chuyện xưa ở nước ngoài, nhưng thực ra nhà thơ mượn điển cố để nói việc đương thời.
 
Đối lập với "ghét" là "thương", vì thương dân nên mới ghét những kẻ gây đau khổ cho dân. Mở đầu, nhà thơ nói thương Khổng Tử vất vả, gian lao trong việc truyền bá Đạo Nho:
 
"Thương là thương đức thánh nhân
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khương".
 
Sau đó là thương cho thầy Nhan Tử sớm lìa đời, bỏ dở con đường công danh. Điều này cho thấy ông Quán rất coi trọng, rất quý người hiền tài, nên ông tiếc cho người tài mà số phận bi đát, tiệc cho nhân loại mất đi một con người nhân đức hiếm có. Và ông thương cho Gia Cát Lượng có tài lớn, chí lớn chỉ tội không gặp thời nên chí nguyện không thành. Ông thương cho cả những người nghèo khổ, có hiếu, có tình nhưng vì danh tiết, không chịu khom lưng, uốn gối nên đành cáo quan về ở ẩn như Nguyên Lượng...
Những người được ông "thương" là những người có chí khí, có hiếu nghĩa, có tâm với dân, với nước. "Thương" có nghĩa là đồng tình, là đồng cảm, là khẳng định, là ca ngợi. Quả đúng vậy, vì họ chính là nhừng bậc vĩ nhân quân tử, những người tài cao đức trọng có chí lớn, có mong muốn làm cho nhân dân no ấm, được sử sách ghi nhận. Dù cuối cùng ước muốn của họ không thành là do gặp bất hạnh, chết yểu hoặc không gặp thời vận.
 
ở đoạn này tác giả vẫn tiếp tục dùng nghệ thuật điệp từ "thương" để thơ hiện rõ tình cảm yêu thương, khâm phục của mình đối với những bậc thánh nhân xưa. Nếu như ở đoạn trên, nhà thơ cho ông Quán nói ghét những kẻ hại dân, hại nước để thể hiện lòng thương lo cho dân, thì ở đoạn này nhà thơ lại cho nhân vật trực tiếp bộc lộ lòng thương của mình trước những người tài cao, chí lớn nhưng không gặp thời để thi thố tài năng, đành để mộng lớn tan theo mây khói, ông Quán đã nhìn thấy sự bất hạnh đó và ông tỏ lòng thương, kính trọng một cách chân thành sâu sắc. Đây chính là tình thương của tác giả đối với những số phận gặp nhiều trắc trở trên đường đời.
 
Đoạn trích thể hiện bố cục chặt chẽ, mạch lạc. Nếu như mười câu đầu là "ghét", mười câu sau là "thương" thì hai câu kết là lời tổng kết của cả "ghét" và "thương":
 
"Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương".

 
Những câu trên báo hiệu rõ tình cảm yêu ghét rạch ròi, phân minh và trong sáng của tác giả. Ông ghét nhũng kẻ hại dân và thương những người biết lo cho dân, cho nước. Phải là những người yêu dân, quan tâm sâu sắc đến dân mới có được sự yêu ghét trong sáng, phân minh này.

Đoạn trích Lẽ ghét thương đã đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc: con người sống ở đời phải biết thương (yêu) và ghét; phải biết thương cái chính, ghét cái tà; yêu cái đẹp, ghét cái xấu... Và bởi chưng hay ghét chỉ vì hay thương?". Đoạn trích còn đáng quý vì nó đã bộc lộ quan điểm yêu- ghét một cách rất chân thực, phân minh và hồn hậu. Đó không phải chỉ là quan điểm riêng của tác giả mà còn là cách nghĩ mang phong cách của người dân Nam Bộ.
 
Tóm lại, đoạn trích thể hiện sâu sắc quan điểm yêu ghét phân minh. Đó là tình yêu nhân dân, tình yêu chính nghĩa, ghét gian tà. Đó là quan điểm đúng đắn, đáng trân trọng và rất đáng quý. Đoạn trích góp phần làm nên giá trị chân chính của tác phẩm truyện Lục Vân Tiên chính là nhờ thái độ yêu ghét phân minh, chân thực, hồn nhiên và mãnh liệt ấy.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây