Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trung Thành lại đặt tên cho tác phẩm là Rừng xà nu. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tác giả mở đầu truyện ngắn này bằng hình ảnh rừng xà nu nằm ngay trong tầm đại bác của đồn giặc, chịu nhiều thương tích cura đạn bom. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương...’’. Nhưng ở chỗ bị thương, “nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt’’, rồi dần dần “bầm lại, đen và đặc quện lại thành từng cục máu lớn”. Và mặc dù bị tàn phá khốc liệt nhưng rừng xà nu vẫn sinh sôi nảy nở rất nhanh. “Cạnh một cây lớn vừa mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên”. Đạn đại bác dữ dội nhưng chỉ chặt đứt được thân cây, để lại nhũng vết thương chóng lành trên thân thể cường tráng. Bản năng tự bảo tồn, sự thèm khát vươn tới ánh sáng mặt trời, ngọn xà nu “hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời đón ánh sáng”, cây xà nu đã chiến thắng được sự tàn phá của bom đạn của chiến tranh. Tại một nơi như thế, sự sống vẫn mạnh hơn cái chết, sự sống vẫn luôn luôn bất diệt ngay trong cả sự huỷ diệt. Không chỉ có sự sống bất diệt trong tâm thức của Nguyễn Trung Thành, hình ảnh rừng xà nu còn gắn bó mật thiết với dân làng Xô Man, và trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người Tây Nguyên. Những bếp lửa xà nu, khói xà nu, gỗ xà nu, nhựa xà nu... Đặc biệt là hình ảnh của đồi xà nu mở đầu tác phẩm: “Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”.
Rừng xà nu trở thành một ẩn dụ tượng trưng cho con người Tây Nguyên và dân làng Xô Man trong chiến tranh, họ không bị huỷ diệt mà ngược lại họ trở nên bất diệt.
Sức sống bất diệt ấy được Nguyễn Trung Thành bắt đầu với nhân vật cụ Mết. Một cụ già “quắc thước, đen bóng, mắt sáng và xếch ngược. Ông ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn”. Cụ là hiện thân của lịch sử, của quá khứ, của những ngày làng Xô Man đen tối nhất vì bị khủng bố và đàn áp của kẻ thù. Con người ấy là hiện thân của Tây Nguyên, với sự trầm tĩnh và sáng suốt với tình cảm sâu lắng, thiết tha mà cụ dành cho dân làng, cho Tnú. Trong đêm Tnú trở về thăm làng, cụ Mết đã kể lại cho dân làng nghe câu chuyện về cuộc đời của Tnú, cũng là về lịch sử của làng Xô Man. Khúc lịch sử hào hùng của làng Xô Man là một chuỗi ngày đau thương và quật khởi. Những quần chúng nuôi giấu cán bộ bị giặc giết. Anh Xút bị treo cổ trên cây vả đầu làng, bà Nhan bị chặt đầu cột tóc treo trên đầu súng. Rồi sau đó cả Mai cũng gục xuống, cả đứa con của tình yêu cũng chết dưới đòn đánh tàn bạo nhất của kẻ thù. Còn mười đầu ngón tay của Tnú thì bị quấn giẻ tẩm nhựa xà nu đốt cháy. Ngọn lửa ấy không chỉ cháy trên mười đầu ngón tay mà cháy trong ngực, trong bụng Tnú. Đó là ngọn lửa căm hờn, đã thổi bùng lên tinh thần kháng chiến của người dân Xô Man: Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội... Và cũng từ đêm đó làng Xô Man trở thành làng kháng chiến. Câu chuyện về cuộc đời của một người anh hùng là một khúc tráng ca của làng Xô Man trong kháng chiến. Nó mang đậm chất huyền thoại. Trong không khí trang nghiêm, “mọi người ngồi im lặng và lắng chờ. Bên ngoài lấm tấm một trận mưa đêm, rì rào như cơn gió nhẹ”. Cụ Mết kể lại câu chuyện đầy dụng ý, một câu chuyện không chỉ kể cho hôm nay mà để những người mai sau, “ai có cái tai, ai có cái bụng thương Tnú, thương nước, hãy lắng nghe mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe”. Câu chuyện ấy đã kết nối sức mạnh cũng như tinh thần quật cường của người dân Xô Man từ quá khứ đến hiện tại và cho đến mãi mai sau.
Nhân vật trung tâm của truyện là Tnú. Tnú là kết tinh vẻ đẹp của con người Tây Nguyên trong hiện tại, là linh hồn của khúc tráng ca những tháng ngày đau thương nhưng rất đỗi hào hùng.
Tnú trước hết là hiện thân của sự kiên cường, dũng cảm và gan góc. Khi Tnú còn nhỏ, tính cách đã kiên cường. Sự dũng cảm của Tnú được thể hiện qua những hành động và suy nghĩ có phần rất trẻ con. Cả làng nuôi giấu cán bộ, bọn MT- Diệm biết được, nó bắt, nó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng, rồi chặt cố bà Nhan... Sau cùng đến lũ trẻ đi thay ông già, bà già đưa cơm cho cán bộ, mà hăng hái nhất là Tnú và Mai. Họ được anh Quyết dạy chữ. Tnú nhờ đó có cái chữ, có tấm lòng yêu nước, yêu cách mạng. Tuy học chữ không nhớ bằng Mai, nhưng Tnú đi làm liên lạc rất khôn ngoan, mưu trí. Vì sự an toàn của anh Quyết, nó không bao giờ đi đường mòn, giặc vây các ngả đường, nó leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi, lọt qua tất cả các vòng vây. Qua sông, nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang. Trong những lần ấy, Tnú bị bắt, bị tra tấn dã man, tấm lưng của nó bị chém ngang, chém dọc, máu chảy ra rồi đặc lại, quện lại tím như nhựa cây xà nu. Nhưng những thử thách ấy đã tôi luyện thêm, làm cho Tnú thêm rắn chắc, thêm vững vàng. Rồi Tnú trưởng thành, mang theo vẻ đẹp đặc thù của người Tây Nguyên: khoẻ mạnh, bộ ngực rộng rãi và hai cánh tay khỏe chắc như lim, bất khuất, can trường. Bị bắt, Tnú không nghĩ đến cái chết. Anh chỉ nghĩ đến cách mạng: “Tnú cũng sắp chết. Ai sẽ làm cán bộ? Đến khi có lệnh Đảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô Man đánh giặc... Rồi con Dít sẽ lớn lên. Con bé ấy vững hơn cả chị nó”.
Khi bị thằng Dục tra tấn một cách tra tấn dã man, “lấy ra một nhúm giẻ đã tẩm dầu xà nu. Nó quấn giẻ lên mười đầu ngón tay Tnú”, “mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”... Thế nhưng, trong khoảnh khắc ấy, “thấy lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng”, nhưng bản chất kiên cường đã giúp Tnú vượt qua tất cả, vượt qua mà không có một tiếng kêu la. “Người cộng sản không thèm kêu van”. Tnú không kêu la, anh chí thét lên một tiếng và đáp lại tiếng thét ấy của anh là tiếng thét của dân làng, tiếng đạp chân ào ào trên sàn nhà rồng. Tiếng thét ấy là tiếng thét của cả núi rừng Tây Nguyên, của cả dân tộc, tiếng thét của tinh thần quật khởi.
Sau đó, làng Xô Man thành làng kháng chiến, còn Tnú mặc dù mười đẩu ngón tay chí còn hai ngón nhưng anh vẫn tham gia quân giải phóng để trả thù cho dân làng.
Thực ra khi xây dựng nhân vật Tnú, Nguyễn Trung Thành luôn đặt nó trong sự gắn kết với lịch sử của làng Xô Man. Lịch sử của quá trình đấu tranh cách mạng: từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác để giải phóng cuộc đời và buôn làng.
Bên cạnh chất thép, chất lửa- một biểu trưng cho sự gan góc và dũng cảm, còn có một nét đẹp nữa trong nhân vật này, đó chính là tình cảm sâu nặng thường trực, tình cảm mà anh dành cho vợ con và cho quê hương, buôn làng.
Trước hết, đó là một người chồng, người cha rất nặng tình cảm với vợ con. Khi nhìn thấy Mai và đứa con bị thằng giặc tra tấn dã man, lúc đó Tnú đang nấp sau một cây vả, “anh bứt đứt hàng chục quả vả mà không hay”. Anh nhảy xổ vào giữa bọn lính và lúc đó mắt anh là hai cục lửa lớn. Nhưng Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí. “Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Dẫu không cứu được Mai nhưng hành động quên mình ấy đã cho thấy Tnú là một con người rất giàu tình cảm. Sau ba năm đi lực lượng trở về, “kỉ niệm về Mai cắt vào lòng anh như một nhát dao”. Khi nghe âm thanh của tiếng chày giã gạo dồn dập, trống ngực anh vẫn đập liên hồi. Bây giờ anh mới chợt hiểu ra rằng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm nay chính là tiếng chày đó. Tiếng chày ấy gợi nhớ hình ảnh những cô gái Strá, mẹ anh, Mai, Dít ngày xưa. Tiếng chày rộn rã ấy nhắc nhở Tnú về những kỷ niệm ngày xưa ấy. Và khi được cụ Mết dẫn ra máng nước đầu làng Tnú đã vốc nước ở suối làng dội khắp cơ thể. Cử chỉ ấy thể hiện sự gắn bó máu thịt, tình cảm thiết tha mà Tnú dành cho buôn làng.
Là kết tinh vẻ đẹp của con người Xô Man trong hiện tại. Tnú đã kế tục một cách xứng đáng truyền thống anh dũng, khát vọng tự do của cha ông, từ đó truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Đại diện cho con người Xô Man thế hệ trẻ là Dít và Heng. Dít và Heng là những cây xà nu con mọc lên bên cạnh những cây xà nu bị bom thù đốn gãy. Chúng “nhọn hoắt như một mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Heng cũng giống như Tnú, nó cũng đi làm liên lạc nhưng khác với Tnú, nó có súng để bảo vệ, có niềm tự hào không giấu nổi. Đặc biệt là Dít, ngày Tnú ra đi, nó còn nhỏ xíu, nhưng khi anh trở về, Dít đã trở thành một hiện thân của Mai bởi vì nó “giống Mai như hai giọt nước”. Bây giờ, trước mắt Tnú là một cô gái khác hẳn, vẫn cái vẻ lạnh lùng bình thản của cô bé ngày xưa, Dít đã trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội. Một cô bí thư chi bộ chưa đầy tuổi hai mươi, có thể nói Dít đã kế tục một cách xứng đáng truyền thống của cha ông, tinh thần quật khởi và khát vọng độc lập của người dân Tây Nguyên.
Đến cuối thiên truyện, hình ảnh cánh rừng xà nu trở lại “những rừng xa nu nối tiếp nhau đến chân trời”. “Vô số những cây con lại mọc lên” bất chấp đạn đại bác đêm qua lại bắn. Hình ảnh rừng xà nu với màu xanh bất tận ấy mang đến cho chúng ta biết bao nhiêu hi vọng về mảnh đất và con người Tây Nguyên.
Rừng xà nu là chuyện kể về một giai đoạn lịch sử hào hùng của các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Rừng cây xà nu vừa là hình ảnh sinh động có thực nơi mảnh đất Tây Nguyên, vừa là một hình ảnh biểu trưng cho tinh thần quật khởi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hình ảnh đó mang đậm chất sử thi, chất anh hùng ca và chất Tây Nguyên. Đã qua rồi bao nhiêu năm chiến tranh, nhưng hình ảnh xà nu vẫn còn sống mãi trong văn học, trong lòng bạn đọc vẫn luôn có một rừng xà nu bạt ngàn một màu xanh thẳm.