Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.

Thứ sáu - 09/12/2016 03:57
Trong suốt sự nghiệp của mình, tuy sáng tác không nhiều, nhưng Kim Lân là một trong số nhà văn lại để lại trong lòng độc giả những ấn tượng sâu sắc. Vợ nhặt là một tác phẩm như thế. Truyện ngắn này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thế hệ độc giả bởi giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.
Vợ nhặt là được viết lại từ một chương trong truyện dài Xóm ngụ cư mà Kim Lân viết dở năm 1946. Tác phẩm nói lên số phận của những con người bị khinh rẻ bởi cuộc sống nghèo đói. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, người dân xóm ngụ cư vẫn khát khao vươn lên trên cái chết, sự thảm đạm để mà vui, mà hi vọng, Sau đấy, do hoàn cảnh chiến tranh, bản thảo của tác phẩm bị mất. Sau 1954, nhân một số báo kỉ niệm Cách mạng tháng tám, Kim Lân liền nhớ lại, viết thành truyện ngắn Vợ nhặt, in trong tập Con chó xấu xí (1962). Vợ nhặt đặc sắc ở chỗ xây dựng được một câu chuyện khác thường: giũa những ngày nạn đói hoành hành, người chết như ngả rạ, không ai dám chắc mình có sống qua nạn đói ấy không thì anh Tràng lại “nhặt” được một người đàn bà về làm vợ. Từ câu chuyện Tràng nhặt được vợ, tác giả thể hiện một sự cảm thông đến cảm động, một tình yêu thương nồng ấm đối với những con người cùng khổ.
 
Trước hết, phải khẳng định rằng nạn đói năm 1945 được rất nhiều nhà văn quan tâm và phản ánh. Hẳn chúng ta vẫn chưa thể quên được hậu quả, sự ám ảnh của nó trong Một bữa no của Nam Cao. Nạn đói mà vì nó, người ta có thể bất chấp tất cả danh dự, nhân phẩm chỉ dể được ăn bữa no để rồi sau dó chết không phải vì đói. Nhưng dường như với Vợ nhặt, tác giả Kim Lân muốn tạo ra một ấn tượng khác về nạn đói qua hình ảnh của xóm ngụ cư nghèo xơ xác. Ấn tượng ấy trước hết bởi âm thanh của “tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”“tiếng khóc hờ người chết cứ văng vẳng trong đêm”. Mới chỉ nghe âm thanh ấy ta đã thấy rợn người bởi vì sự chết chóc, tang thương. Ấn tượng ấy còn gợi lên từ mùi vị rất riêng của xóm ngụ cư: “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người chết”. Đó là không khí của một bãi tha ma với mùi tử khí, ghê rợn. Đặc biệt, cảm quan về cái đói và sự chết chóc thấm tận vào cái nhìn cảnh vật. Chẳng thế mà ngay ở những dòng đầu của tác phẩm, khi miêu tả con đường luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào trong bến, Kim Lân cũng thấy nó “khẳng khiu” còm cõi.

Trong cái không gian đặc biệt ấy, tác giả miêu tả hình ảnh của những con người nghèo khổ với nạn đói khủng khiếp. Người chết “như ngả rạ, không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”. Người sống thì cũng thê thảm, bởi họ sống nhưng lại chắc rằng cái chết đang chờ đợi minh ở trước. Đó là hình ảnh “những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế nhau, dắt díu nhau lên, xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”. Trong số những người còn may mắn sống sót trong nạn đói ấy là nhân vật “thị”, người đàn bà sau này là vợ Tràng. Lần thứ nhất khi chở thóc lên tỉnh, Tràng gặp thị, thị còn “liếc mắt cười tít”. Nhưng đến lần thứ hai, chính Tràng cũng không nhận ra người quen cũ bởi vì “hôm nay thị rách quá, quần áo tả tơi như tổ đỉa, thị gày tọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Không những thế, vì quá đói, chỉ cần Tràng chào một tiếng cho có lệ, thị ngồi xuống chén một chặp 4 bát bánh đúc. Cái đói làm cho con người ta biến đổi. Thị có thể bất chấp, miễn là được ăn. Và cũng vì đói, Thị đã theo không một người đàn ông không rõ gốc tích ngọn nguồn. Đó chính là cái đói là năm 1945 theo cách cảm nhận và miêu tả rất riêng của Kim Lân. Có thể xem hình ảnh xóm ngụ cư trong tác phẩm Vợ nhặt là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam trước Cách mạng mà ở đó thân phận của con người bị hạ thấp, bị rẻ rúng đến mức cùng cực. Qua hình ảnh của xóm ngụ cư, Kim Lân muốn góp một tiếng nói đanh thép tố cáo hiện thực xã hội đương thời đã gây nên một thảm hoạ nhân dạo thảm khốc dối với một dân tộc vốn đã gặp nhiều tai ương. Nạn đói ấy đã cướp di hàng triệu sinh mạng con người ở Bắc Bộ.
 
Nhưng có lẽ dụng công của Kim Lân không phải chi là phản ánh bức tranh hiện thực xã hội đương thời, mà trên bối cảnh của nạn đói, của những kiếp sống lay lắt, dật dờ ấy, nhà văn muốn thể hiện khát vọng về cuộc sống, khát vọng được hạnh phúc. Chính Kim Lân dã từng tâm sự: “Tôi nghĩ đến sự sống khi viết về cái chết”; những con người khốn khổ của ông ngay trước cái chết vẫn nghĩ đến cái sống. Khát vọng ấy, niềm tin ấy được Kim Lân thể hiện qua tình huống độc đáo: Tràng “nhặt” được vợ.
 
Khi nhặt vợ về, không phải là Tràng không biết cái thời buổi “thóc cao gạo kém, đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng cuối cùng, anh ta chặc lưỡi: “Chặc, kệ!”. Cái chặc lưỡi ấy đem đến một quyết định rất trọng đại của một cuộc đời, bởi vì với nó, Tràng đang tự đánh cuộc với cái đói và sự chết chóc để có một cuộc sống binh thường như bao con người khác. Đó là có vợ có chồng hay xa hơn có một gia đình nho nhỏ mà trước đây mặc dù đã ngoài ba mươi tuổi, hắn chưa bao giờ dám nghĩ tới. Chỉ vì Tràng xấu xí, thô kệch, dở hơi, là dân xóm ngụ cư, và quan trọng hơn cả là vì hắn nghèo. Nhặt được vợ rồi, hắn dẫn thị ra chợ sắm sửa: một cái thúng, dăm thứ lặt vặt, hai hào dầu, đánh một bữa no nê rồi dắt nhau về. Và cũng kể từ dó, những trang văn của Kim Lân mặc dù vẫn có thấp thoáng hình ảnh của cái đói, sự chết chóc nhưng đã bất dầu sáng lên bởi hơi ấm của tình người và hi vọng vào tương lai.
 
Niềm hi vọng ấy, trước hết được Kim Lân gửi gắm vào cuộc dắt díu nhau về làng của vợ chồng Tràng. Vẫn khung cảnh ấy, vẫn con đường nhỏ luồn qua xóm chợ vào bến, nhưng hôm nay dường như đã có ít nhiều sự biến dối. Vẫn cái thân hình to lớn, vập vạp ấy nhưng hôm nay “mặt hắn có vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Vẫn cái anh Tràng thô kệch, dở hơi ấy, nhưng hôm nay có một cái gì đó rất khác. Và trong một lúc, Tràng dường như quên hết những cảnh sống tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe doạ, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chí còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ này. Cảm giác ấy chính là hạnh phúc, cái niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng có thể biến một người đàn ông thô tháp và chai sạn trở thành một đứa trẻ lớn - hiền lành. Và dường như không chỉ Tràng mới có cảm giác “lạ”, “mới mẻ” mà cả những người dân xóm ngụ cư cũng đang chia sẻ cùng Tràng. Trước hết là những đứa trẻ, những buổi chiều trước trong cái đói thê thảm, “chúng nó ngồi ủ rũ dưới những xó tường không buồn nhúc nhích”, nhưng hôm nay khi nhìn thấy Tràng về cùng với người đàn bà lạ, chứng gào lên thích thú như một phát hiện: “Chông vợ hài”. Còn từ sau những ô cửa mờ tối mà những quán chợ, người lớn thì thầm bàn tán và dõi mắt nhìn theo. Người thì trêu ghẹo, người thì thở dài lo lắng. Ấy là họ lo lắng hộ phần Tràng đấy thôi: “Giời đất này còn rước cái của nợ đó về. Biết có nuôi nhau sống qua được ngày thì này không?”. Lo lắng cũng đúng thôi, bởi chính họ những người dân nghèo khổ của xóm ngụ cư, họ hiểu như thế nào là tận cùng của nỗi khổ, là giá trị của sự sống trong cái thời buổi “gạo châu củi quế” này. Họ lo lắng, có sự hài hước, nhưng dù sao cuộc dắt dìu nhau về làng của vợ chồng Tràng cũng đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho cuộc sống vốn dĩ tăm tối ở đây. “Những khuôn mặt hốc hác, u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối của họ”.
 
Niềm khát khao cuộc sống còn được Kim Lân thể hiện qua một tình huống khá cảm động: cuộc gặp gỡ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Một nhân vật khá đặc biệt - một người mẹ già, có thể Kim Lân cần đến bà cụ Tứ để thêm một mối quan hệ với người vợ “nhặt”, và từ đó hoàn chỉnh hơn ý niệm về một gia đình từ hình ảnh của một bà mẹ già, nghèo khổ nhưng lại có tấm lòng rất đỗi nhân hậu và khoan dung.
 
Bà mẹ già trước hết rất ngạc nhiên: “Quái, sao lại có người đàn bà nào đứng ngay đầu giường thằng con mình thế”. Bởi chính Tràng và thị còn không tin vào sự thật này, huống chi là bà. Khi biết rằng đấy là vợ của con trai mình, bà lão đã đánh giá việc lấy vợ của Tràng theo một góc độ khác. Bằng sự trải nghiệm của một cuộc đời nhiều cay đắng buồn tủi, bà lão thấy rằng mối lương duyên này không nên có, vì “người ta dựng vợ gả chồng cho con trong lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mày mở mặt sau này... Còn mình thì”... Đấy chính là những đắng cay của cuộc đời mà bà sợ rằng sau này vợ chồng Tràng sẽ lại tiếp tục phải gánh chịu. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Sự lo âu thấp thỏm ấy là một nét tâm lí bình thường, nhưng điều đáng quý hơn cả ở bà chính là tấm lòng nhân hậu. Nghĩ thế nhưng khi nhìn thấy người con dâu “cúi mặt xuống, vân vê tà áo đã rách bợt, thì ngay lập tức ý nghĩ của bà chuyển hướng: chỉ có trong cơn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình, con mình mới có vợ...”. Thế đấy, bà lão có ý thức rất sâu sắc về hoàn cảnh hiện tại mà “bổn phận của bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con...”. Từ suy nghĩ ấy là bà nhẹ nhàng nói với nàng dâu: “Thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng”. Câu nói thật nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm biết bao nhiêu tình cảm và ý nghĩa. Đó chính là tình cảm vị tha, cao thượng mà bà giành cho người đàn bà khốn khổ ấy. Và có một điều mà hẳn người đọc sẽ mãi ấn tượng về nhân vật này- đó là trong cả tác phẩm bà cụ là người già nhất, “gần đất xa trời”, nhưng chính bà cụ là người duy nhất trong tác phẩm nói nhiều đến hi vọng, đến ngày mai hơn cả. Cụ thể nhất là bà tính: “Kiếm lấy ít nứa về đan cái phên mà ngăn ra mày ạ”. Bà đang tính làm sao cho con cái có một chút riêng tư mà vốn người nghèo như nhà bà cụ thì có thể chỉ là cái ổ. Rồi xa hơn, “khi nào có tiền ta mua lấy một đôi gà”... Giữa lúc thóc cao gạo kém mà bà lão vẫn tính chuyện nuôi gà. Chưa nuôi nhưng đã tính “chả mấy chốc có đàn gà”. Xa hơn nữa là ước mơ xa với có phần đau đớn về một ngày mai, “rồi may mà ông giời cho khá. Biết thế nào hở con? Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”. Giản dị nhưng cao đẹp biết bao, bởi bà không chỉ hi vọng và ước ao cho bà. Người mẹ ấy sống vì con vì cháu, tìm thấy ý nghĩa của đời mình trong sự vun vén cho con, ước mơ cho con cháu sau này. Nhờ đó mà đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời bà, niềm hi vọng không bị tàn lúc theo đói nghèo và tuổi tác. Đọc tác phẩm, ta thấy cứ ấn tượng mãi bởi giọng nói nhẹ nhàng từ tốn của người mẹ già, ấn tượng bởi những điều tình nghĩa mà bà đã khuyên con, đặc biệt là ấn tượng về sự khát khao cuộc sống ngày mai với những hi vọng mới tốt đẹp hơn. Và càng đáng quý đáng trân trọng hơn khi trong hoàn cảnh đói khổ, những người dân lao động vẫn biết nương tựa vào nhau và không thôi mơ ước.
 
Niềm hi vọng ấy còn được Kim Lân trải dài cho đến buổi sáng ngày hôm sau, sau đêm mà Tràng có vợ. Và tôi có cảm giác rằng Kim Lân đã có dụng ý khi chọn thời điểm mở đầu cho tác phẩm là buổi hoàng hôn chạng vạng với ánh sáng xanh xám khi mờ khi tỏ, thì đến gần kết thúc tác phẩm ông lại chọn thời điểm bắt đầu một ngày với ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng loá chói vào hai con mắt cay xè của hắn. Phải chăng ánh nắng ấy là thứ ánh sáng của một ngày mới, một hi vọng đời đời của những con người khốn khổ. Và cũng như vậy, khi chuyện mới mở đầu, ta chỉ bắt gặp hình ảnh một anh Tràng cô độc đang bước thấp bước cao trên con đường nhỏ dưới ánh mặt trời mù mờ màu đói khát, thì đến đây, Tràng đã có một gia đình và mọi người đang xăm xăm quét dọn nhà cửa sạch sẽ, quang quẻ. Đó là một quang cảnh mới trong cuộc sống của họ. Khi tỉnh dậy, Tràng thấy dường như căn nhà của mình đã hoàn toàn biến đổi: “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu gọn gàng sạch sẽ. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn trung thành ở lối đi đã được hót sạch”. Dường như những thành viên trong gia đình Tràng nghĩ rằng thu dọn nhà cửa cho tinh tươm, sạch sẽ thì cuộc sống sẽ khác đi chăng? Sự hoang tàn, thảm đạm đã được thay thế bởi sự ngăn nắp gọn gàng, và đâu đây trong từng sự vật, từ ang nước, cái sân, góc vườn ... cuộc sống đang dần dần hồi sinh. Và ý thức muốn thay đổi cuộc sống ấy của gia đình Tràng đã làm cho mọi thành viên trong gia đinh thay đổi. Và cụ Tứ nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác thường, bà cũng dậy sớm giúp con dâu quét dọn, thu nhặt rác rưởi. Đặc biệt “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Tràng thì cảm thấy yêu thương gắn bó hơn với gia đình, hắn thấy mình phải có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này. Nhưng có lẽ, thay đổi nhiều nhất đấy vẫn là cô con dâu: hôm nay thị khác hẳn, “nom dáng hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn” như hôm Tràng gặp trên chợ tỉnh nữa... Mỗi người một suy nghĩ, một hành động, nhưng “ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà có quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Thế đấy, hạnh phúc và niềm khát khao hạnh phúc chân chính có sức mạnh ghê gớm, nó có thể làm thay đổi tâm tính của con người, biến họ trở thành người khác hẳn. Điều đó có thể nói đúng cả với ba người, đặc biệt là với thị.
 
Nếu như câu chuyên chỉ khép lại ở đó có lẽ Kim Lân sẽ vẫn là một nhà văn trước Cách mạng và Vợ nhặt chỉ dừng lại là một tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Cảm quan của một nhà văn cách mạng không cho phép Kim Lân dừng lại ở đó, phải tìm cho nhân vật một lối thoát để giải phóng cuộc đời mình và như lời kể của Kim Lân. Vợ nhặt được viết nhân dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Tám thành công. Nhà văn muốn thiên truyện ngắn mang “màu sắc Cách mạng tháng Tám thành công”, có lẽ và thế mà Kim Lân cho hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở cuối truyện. Vẫn là sự ám ảnh của cái đói, sự chết chóc, nên mâm cơm đầu tiên đón nàng dâu mới nom thật thảm hại “giữa mẹt rách độc một làn rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo”, mọi người đều ăn ngon lành và cố làm cho nhau vui bởi những câu chuyện về gia cảnh về làm ăn. Nhưng bữa cơm đạm bạc ấy chưa đến nửa chừng đã hết mà mẹ già bưng ra một cái nồi nghi ngút khói gọi là “chè khoán”, nhưng kì thực là cháo cám - một thứ thức ăn vốn không phải là của con người.
 
Ngoài đình có tiếng trống dồn dập, vội vã. Tiếng trống thúc sưu, thúc thuế trên mảnh đất đầy chết chóc khiến đàn quạ hốt hoảng vù bay, khiến nền trời thành đen vẩn. Và từ tiếng trống ấy, người đọc hướng sự chú ý đến lời kể của cô con dâu “trên mạn Bắc Giang, Thái Nguyên, ở đấy người ta không chịu đóng thuế nữa. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”. Từ câu chuyện kể ấy Kim Lân chọn cho mình một kết thúc đầy ý nghĩa: “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới...”.
 
Bằng tài năng nghệ thuật của mình, Kim Lân đã sáng tạo nên một tình huống truyện vô cùng độc đáo và có ý nghĩa: tình huống Tràng nhặt được vợ, tình huống vợ chồng Tràng dắt díu nhau về trong bóng chiều ảm đạm với tiếng khóc hờ người chết. Nhưng qua tình huống ấy, điều mà Kim Lân muốn nhắn nhủ đến mỗi chúng ta là niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Tình yêu và hạnh phúc của mỗi con người có thể được khai sinh từ nỗi đau khổ và tuyệt vọng nhất.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây