Dẫu không phải là một chính trị gia, một nhà kinh tế, một nhà khoa học, một bác sĩ hay một kĩ sư nhưng bạn và tôi, mỗi học sinh chúng ta hoàn toàn có thể góp phần nhỏ bé vào việc đẩy lùi hiểm họa ấy vì sự bình yên của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội.
Bạn đã bao giờ tận mắt chứng kiến tai nạn giao thông - Điều đang xảy ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước chúng ta? Bạn đã bao giờ bực bội trước sự hỗn loạn của giao thông mà bất lực vì mình chẳng thay đổi được gì? Tôi tin chắc câu trả lời là “có”. Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một thực trạng đau xót: tai nạn giao thông là một điểm đen trong bức tranh giao thông phức tạp ở Việt Nam hiện nay.
Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam trong những năm qua không ngừng tăng cùng với lưu lượng xe gắn máy di chuyển ngày càng nhiều. Thật khủng khiếp khi chúng ta biết rằng số người chết do tai nạn giao thông lớn hơn nhiều so với số người chết do bão lũ. Có gì đáng tự hào đâu khi Việt Nam nằm trong nhóm nước đứng đầu thế giới về số vụ tai nạn giao thông? Có gì để tự hào đâu khi phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều do những người Việt trẻ gây ra?
Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn ấy, trước hết là từ ý thức của những người tham gia giao thông. Họ chưa biết quý trọng bản thân, chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của những hành vi vi phạm luật lệ giao thông, mà khi hối tiếc thì sự thể đã muộn. Vì thế, đi trên đường họ nghênh ngang, coi thường, không chấp hành luật giao thông. Bạn đừng giật mình khi tôi nêu ra một vài con số sau đây: 80% số người tham gia giao thông không dùng đèn báo khi chuyển hướng, 85% không dùng còi đúng luật quy định, 70% không dùng phanh tay, 90% không dùng đèn chiếu xa và rất rất nhiều người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng hoặc không đúng quy cách nhằm đối phó với lực lượng công an. Và bạn sẽ lại giật mình nữa khi nhận thấy người thân của chúng ta cũng vi phạm những lỗi như vậy một cách rất “hồn nhiên”. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông còn xảy ra do ý thức thấp kém của những người chỉ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sự an toàn tính mạng của người đi đường. Ti vi, báo chí đã nhiều lần cảnh báo việc rải đinh trên đường quốc lộ làm người đi xe trên đường bị tai nạn dẫn đến thương tật hoặc tử vong. Đó là một thực tế đau lòng mà chúng ta không thể phủ nhận.
Trên cái nền chung ấy, thực trạng tham gia giao thông của tuổi trẻ học đường ra sao? Chúng ta vui mừng trước việc ý thức tham gia giao thông của học sinh chúng ta ngày một nâng cao. Nhiều hoạt động, nhiều lời kêu gọi về an toàn giao thông đã được các bạn nhiệt tình hưởng ứng. Song bên cạnh đó, vẫn có những hiện tượng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chắc chắn bạn cũng như tôi đã từng chứng kiến cái cảnh cổng trường giờ tan học bị mắc kẹt. Từng nhóm bạn chờ nhau, tụ tập nói chuyện, mặc bác bảo vệ ra sức giải tán, mặc người đi đường la lối, nhắc nhở. Rồi khi đi trên đường, mặc cho mật độ giao thông vốn đã dày đặc, chúng ta dàn hàng ba, hàng bốn nói chuyện ầm ĩ, mải mê đến mức quên cả xung quanh. Có những bạn đã bị tai nạn vì thiếu tập trung chú ý vào việc đi đường. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những hiện tượng nổi cộm khác. Do điều kiện kinh tế khá giả, học sinh đi xe gắn máy đến trường dù chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe. Khi đi xe, nhiều bạn vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, phóng nhanh lạng lách, quẹt lửa chân chống, “tráng trứng” trên đường,… Khi xảy ra va chạm giao thông thì có thái độ hung hăng, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, bất chấp phải trái. Đặc biệt, một vấn nạn nhức nhối là hiện tượng các “anh hùng xa lộ” lập phi đội bay, sắn sàng đánh cược với tính mạng của mình.
Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do ý thức của mỗi học sinh mà còn do đặc điểm tâm, sinh lí lứa tuổi: bồng bột, ham vui, thích ra oai, thích thể hiện “cái tôi”. Tại sao bạn lại đánh đổi mạng sống của mình, để bốc đầu ra oai với bạn bè? Tại sao bạn lại đánh đối mạng sống của mình để lạng lách phóng nhanh, vượt ẩu chỉ vì một lời khích bác? Bạn ơi, Đó đâu phải cách tuyên xứng “cái tôi” cá nhân của mỗi người. Cái tôi của chúng ta được khẳng định bằng những dạng thức khác: bằng học tập, bằng tính cách chân thành, cởi mở, nhiệt tình, ham học hỏi, … Và bạn sẽ đẹp dần lên trong mắt mọi người.
Thực trạng giao thông Việt Nam nói chung và của nhiều bạn học sinh nói riêng đang gióng lên một hồi chuông khẩn thiết yêu cầu bạn và tôi, chúng ta cùng phải nhập cuộc và hành động. “Một cây làm chẳng nên non” nhưng “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chỉ cần bạn thấy đau trước tai nạn giao thông, chỉ cần trong bạn vang lên tiếng nói của trách nhiệm, bạn hoàn toàn có thể tham gia giảm thiểu tai nạn giao thông bằng những việc làm thiết thực. Trước hết, mỗi chúng ta phải nắm vững luật giao thông, tôn trọng và chấp hành nghiêm túc luật giao thông. Bạn không chỉ là người thực hiện tốt mà hãy là một tuyên truyền viên tốt nữa, nhắc nhở chính bố mẹ, người thân, bạn bè nếu họ vi phạm, làm gương cho các em nhỏ tuổi hơn… Ngoài ra, bạn có thể tham gia các phong trào tìm hiểu về an toàn giao thông, phong trào tình nguyện trong giao thông. Một giọt nước không làm nên biển cả nhưng vô số giọt nước sẽ tạo thành đại dương. Chỉ cần tất cả chúng ta hợp sức, tôi có lòng tin vào sự chuyển biến tích cực của bức tranh giao thông Việt Nam
Bản thân tôi cũng từng dàn hàng ngang đi trên đường khi tan học về và đã phải bó bột suốt hai tuần liền. Tôi tự thấy mình may mắn vì vẫn còn cơ hội để hối hận và sửa chữa sai lầm. Nhưng có bao nhiêu người đã không còn cơ hội để hối hận và làm lại nữa. Vậy thì bạn ơi, để không bao giờ phải thốt lên “nếu như” “giá như” bạn hãy nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông nhé.
Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Ngày mai bắt đầu từ chính ngày hôm nay, tương lai bắt đầu từ chính hiện tại”. Bức tranh giao thông hôm nay và ngày mai phụ thuộc rất nhiều vào tuổi trẻ học đường - những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, chúng ta bằng sức trẻ và nhiệt huyết, hãy hành động thiết thực để đem lại khoảng sáng cho giao thông Việt Nam.