Gần đây đài, báo đưa tin về một trào lưu mới của các công chức trẻ tuổi: rời bỏ công sở nhà nước gia nhập đội ngũ kinh tế tư nhân. Trào lưu này nói lên điều gì? Phải chăng đó là do Chính phủ sử dụng nhân tài chưa hợp lý? Hay là do trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ đang giám sút nghiêm trọng? Dù nguyên nhân nào, cũng thấy nổi cộm vấn đề cơ bản của một quốc gia đang phát triển - người hiền tài và vai trò, trách nhiệm của họ đối với đất nước.
Ngay từ thế kỉ XV, cha ông ta đã đề cao tầm quan trọng đặc biệt của người hiền tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Đó là câu mở đầu bài văn bia được khắc trên bia tiến sĩ đầu tiên (năm Nhâm Tuất, 1442) ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Thân Nhân Trung soạn dưới sự cho phép của vua Lê Thánh Tông, vào năm 1484. Như chúng ta đều biết, ở đời vua Lê Thánh Tông, nước ta được coi là ổn định, dân sống no ấm, xã hội thịnh vượng, đặc biệt những năm niên hiệu Hồng Đức. Nhân dân được mùa (1495), vua Lê Thánh Tông đã lập hội Tao Đàn gồm nhị thập bát tú (28 vị văn thần), vua là Tao Đàn nguyên súy, con Thân Nhân Trung được cử làm Tao Đàn phó nguyên súy cùng với Đỗ Nhuận. Sau khi đỗ tiến sĩ (năm 1469), Thân Nhân Trung lần lượt trải qua nhiều chức quan cao dưới triều Lê Thánh Tông như Quốc Tử Giám Tế tửu, Hàn lâm viện thị độc, Đông các đại học sĩ, ... Sơ lược về tiểu sử Thân Nhân Trung như vậy để chúng ta thấy một phần lí do xã hội thời Lê Thánh Tông phát triển - vua chọn và sử dụng được hiền tài, trong số đó có Thân Nhân Trung.
Tại sao nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và hiền tài quyết định “thế nước mạnh, yếu”? Hiền tài theo cách nói của người xưa có nghĩa là người có đức và có tài (người xưa nhấn mạnh đức trước tài). Người có tài và có đức chính là nguồn lực tiềm ẩn (nguyên khí) tiềm tàng trong mỗi quốc gia. Đất nước phồn vinh, phát triển đi lên (thế nước mạnh, rồi lên cao) là nhờ nguồn lực hiền tài được phát huy mạnh mẽ (nguyên khí mạnh, ngược lại, nguồn lực hiền tài nếu không được phát huy (nguyên khí suy) đất nước sẽ suy thoái đi xuống (thế nước yếu, rồi xuống thấp). Điều này có ý nghĩa như một quy luật tất yếu. Bởi người tài đức là người vừa có tài, vừa biết thương yêu chăm lo cho dân, họ sẽ dựa trên lợi ích của dân dùng tài năng của mình để hoạch định những chính sách có tầm cỡ chiến lược, những sách lược hợp lí, sắc bén có tác dụng phát triển mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao... của đất nước. Xã hội ổn định, thịnh vượng sẽ tạo phúc lợi cao, bảo đảm cho người dân một đời sống ấm no, sung túc.
Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam từ Đinh, Lý, Trần, Lê,... đến Nguyễn đều đã chứng minh quy luật sống còn của triều đại và quốc gia. Trong các đời vua đầu của mỗi triều đại, thường là các vua Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông,... khi các vua mới lập quốc, đều hết lòng hết sức với vận mệnh quốc gia, biết sử dụng hiền tài làm cho đất nước phát triển đi lên. Nhờ hiền tài được trọng dụng, sức dân được động viên, các vua Trần dã ba lần oanh liệt chiến thắng quân Mông - Nguyên - đế quốc hùng mạnh nhất thế giới hồi dó. Sang đời Lê, Lê Lợi do biết dùng tài năng của quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi kết hợp với sức mạnh tổng hợp quân dân cho nên đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi, đưa lịch sử đất nước sang trang mới. Lê Thánh Tông sáng suốt minh oan và phục hồi vẹn toàn danh dự cho vị công thần khai quốc nhà Lê, châm dứt nghi án về cuộc đời đau thương mà vĩ đại của Ức Trai ... Rõ ràng các bậc hiền tài được vua trọng dụng đều đã không phụ lòng dân nước.
Đến các đời vua cuối, một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tan nhà, mất nước chính là việc vua không nghe lời can gián của các triều thần hiền tài mà nghe lời xúi giục của kẻ gian thần, mải mê ăn chơi hưởng lạc, xao nhãng triều chính. Xem xét lịch sử xưa nay đều thấy công lao đức độ của hiền tài thật có ý nghĩa quyết định đối với vận nước, thế nước. Hiền tài được phát triển và cống hiến luôn là động lực thúc đẩy quốc gia tiến bộ nhờ các chính sách phục quốc, an dân. Ngược lại, khi hiền tài phải náu thân nơi thôn cùng xóm vắng, ấy là lúc đất nước lâm nguy bởi những người đứng đầu không còn đặt lợi ích dân, nước lên trên hết.
Với tư cách là thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta cần phải phấn đấu trở thành hiền tài góp phần đưa thể nước đi lên, góp phần “giữ lấy nước” để không phụ công cha ông “dựng nước” như lời Bác Hồ đã dạy. Làm thế nào để trở thành hiền tài? Theo tôi, điều này vừa khó vừa không khó. Khó ở chỗ, sự thông minh cũng như tài năng, trí tuệ là những cái bẩm sinh, dù muốn con người cũng không thể cải tạo được bộ não mà cha mẹ đã tạo tác cho mình. Song lại không khó ở chỗ, hiền tài không phải chỉ là những nhân tài xuất chúng siêu việt mà hiền tài có thể là những con người bình thường có tâm và có một tầm trí tuệ đủ để giải quyết tốt những vấn đề của quốc gia, xã hội. Và việc nước thì thật vô cùng rộng lớn muôn mặt. Mỗi người hiền tài cũng chỉ góp một phần nhỏ bé mà thôi. Vậy nên, nếu có ý chí quyết tâm, thế hệ trẻ chúng ta có thể tu dưỡng để góp phần nhỏ bé đó của mình cho sự đi lên của thế nước. Chúng ta cần phải học tập và rèn đức luyện tài thế nào? Theo tôi, điều trước hết là việc “rèn đức”, đúng như ông cha ta từng quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Lễ” và “đức” không có gì cao xa, mà chính là tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương đất nước, là tấm lòng báo đáp công ơn cha mẹ, thầy, cô, xứ sở và một ý thức về nghĩa vụ công dân cao cả - dốc hết sức mình làm cho xã hội ngày càng công bằng, dân chủ và phồn vinh hơn. Nghe lí thuyết thì có vẻ văn hoa xa vời, nhưng bạn hãy nhìn thực tế những con người đang ngày đêm “rèn đức” quanh mình, họ đâu có gì xa xôi không tưởng? Những bạn học sinh sinh viên vượt lên hoàn cảnh gia đình miệt mài học tập. Những bạn trẻ hi sinh cả mùa hè nghỉ ngơi hoặc kiếm sống để tham gia các phong trào tình nguyện Tiếp sức mùa thi, Vì màu xanh đất nước hay Trách nhiệm - Tình thương,... Những người hiến máu nhân đạo, quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, dũng cảm chống lại tệ nạn xã hội, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện,... Tôi nghĩ rằng, từ những việc làm nho nhỏ ấy, thế hệ trẻ sẽ dần học được cách sống quan tâm, chia sẻ với cộng đồng cũng như dần thấu hiểu ý nghĩa vô giá của tình cảm gắn bó với quê hương xứ sở.
Đồng thời với “rèn đức”, chúng ta còn phải chú trọng “luyện tài”, bởi nếu chỉ có “đức” người ta có lẽ chỉ làm được ông Bụt mà thôi. Thế giới ngày nay đã phát triển tới một trình độ công nghệ rất cao về mọi mặt, đặc biệt là công nghệ thông tin điện tử, nếu không vất vả “luyện tài”, chúng ta không thể bắt kịp thời đại. Học ở trường, học trong sách vở chưa đủ, còn phải quan sát và học hỏi trong cuộc sống. Để những điều ta học được không xa rời thực tế, kiến thức mà mỗi người tích lũy cần có cơ hội ứng dụng, cọ xát với môi trường. Những vấn đề xã hội hay quốc tế dân sinh không nên cho rằng chỉ là trách nhiệm của các quan chức cấp trên với các cơ quan, ban, ngành chủ quản. Phải chăng quan niệm phản đối “trứng khôn hơn vịt” xưa nay đã vô tình tạo cho thế hệ trẻ thói quen “mũ ni che tai” không dám tỏ bày chính kiến trước các vấn đề quốc gia đại sự? Tôi thì cho rằng, giờ đây, thế hệ trẻ cần phải tự tin hơn với kiến thức và năng lực của mình, dám nghĩ, dám có chính kiến, sẵn sàng tham gia ý kiến vào các vấn đề chung cần giải quyết của xã hội. Trường hợp gần đây một bạn học sinh giỏi viết thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý về phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh môn Văn học và Lịch sử là một tín hiệu đáng mừng cho thấy thế hệ trẻ chúng ta đang sẵn sàng “bàn việc nước”.
Trong lịch sử thời hiện đại ở nước ta, có lẽ chưa bao giờ vấn đề người hiền tài và sử dụng người hiền tài lại được đặt ra khẩn thiết như hôm nay. Vô vàn những bài toán kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục nan giải đang đòi hỏi thế hệ trẻ tham gia trí tuệ. Một trong các “quốc sách” hàng đầu của đất nước hiện nay phải là “đào tạo và sử dụng hiền tài” - phát huy “nguyên khí quốc gia”. Có tư tưởng đúng đắn mới thành công một nửa, nếu tư tưởng không được thực hành thì tất cả lại chỉ là lời nói suông. Vận mệnh đất nước và cuộc sống của chính gia đình mình đang từng phút giây kêu gọi trách nhiệm “rèn đức luyện tài” của mỗi bạn trẻ chúng ta.