Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Từ bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa học và hành.

Thứ ba - 01/11/2016 11:02
Dường như thời đại vẻ vang nào cũng gắn bó với những tên tuổi sáng chói về tài năng và đức độ. Vua Quang Trung đã làm nên những chiến công vĩ đại: Đánh đổ hai tập đoàn gây nội chiến nồi da xáo thịt lâu dài trong lịch sử là Trịnh - Nguyễn; đập tan hai mươi vạn quân Thanh vừa mới chiếm đóng ở Thăng Long... Nhà vua có một người quân sư thật tuyệt vời là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Con người “thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu này” đã từng từ quan triều Lê nhưng hết lòng phò giúp Tây Sơn để xây dựng sự nghiệp kinh bang tế thế.
 Bàn luận về phép học là phần trích bài tấu của Nguyễn Thiếp gửi vua Quang Trung trình bày về mục đích của việc học. Học là để làm người có đạo đức; học là để tự làm giàu trí thức cho mình, góp phần làm hưng thịnh đất nước chứ không phải là cầu danh lợi như lũ tiểu nhân mạt hạng.
 
Tác giả khẳng định muốn học tốt phải có phương pháp, học cho rộng nhưng phải nắm cho gọn. Đặc biệt muốn học tốt, muốn là quốc sĩ trong thiên hạ thì học phải đi đôi với hành.
 
Không phải đợi đến thời La Sơn Phu Tử thì vấn đề học và hành mới được đặt ra. Biết bao nhiêu những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trước đó đà dùng sở học của mình để giúp ích cho đời, cho nước, cho dân. Hầu hết những áng văn của các bậc anh hùng vĩ đại trong quá khứ dân tộc Việt Nam đều có sức nặng, đều là những thiên cổ hùng văn tham gia vào công cuộc dựng nước và giữ nước rất hiệu quả.
 
Văn chương của Lí Công Uẩn trong Chiếu dời đô chẳng phải là để triều đình và dân chúng thực hiện một hành động “dời non lấp bể”? Đó là việc đưa thủ đô từ nơi hiểm trở chốn Hoa Lư ra Thăng Long nơi địa thế của trung tâm, bốn bể đều có thế “rồng cuộn hổ ngồi” để mở ra những trang vàng chói lọi cho đất nước độc lập tự chủ, cho những chiến công.
 
Học vấn cao rộng của Trần Quốc Tuấn đã giúp Ngài soạn Binh thư yếu lược, giúp Ngài viết Hịch tướng sĩ để tập hợp quân dân trong trận sống mãi với quân thù. Phải chăng quân Nguyên bị dìm dưới những lớp sóng Bạch Đằng chỉ nhờ có gươm đao và mưu chước thần diệu trong trận đánh? Truy tìm sâu xa hơn chiến công của nhà Trần có nguồn gốc từ Binh thư yếu lược từ lời tâm sự gan ruột của vị tướng văn võ song toàn.
 
Nguyễn Trãi đâu chỉ là một nhà thư, một văn hào vĩ đại. Học vấn uyên thâm của ông là dùng để phục vụ nước phục vụ dân. Ông đã tự ví mình như cây tùng sống thật lâu đề có cội rễ bền chắc, làm rường cột chống đỡ cho ngôi nhà của quốc gia. Cây tùng ấy muốn hóa thân để làm thứ thuốc trường sinh như “phục linh, hổ phách”. Mục đích là:
 
Dành, còn để trợ dân này!
 
Ngay ở Nam Quan, cha già Nguyễn Phi Khanh đã khuyên người con trai của mình “Con là người có tài, con hãy trở về giúp nước giúp dân, đánh đuổi quân thù, rửa nhục cho nước như thế mới là đại hiếu”.
 
Dùng thực học của mình, Nguyễn Trài đã dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi ở Lam Sơn và từ đó ông trở thành vị quân sư, là linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Minh mười năm “nếm mật nằm gai”.
 
Sau khi dồn giặc tới thành Đông Quan, Nguyễn Trãi đã dùng văn chương của mình để đánh gục ý chí của địch chứ không đánh vào thành trì. Kết quả mười vạn quân trong thành đã cởi áo giáp ra hàng. Chính vì những lá thư gửi vào thành giặc có sức công phá như vậy cho nên người đời sau đã gọi thứ văn chương ấy “có sức mạnh hơn mười vạn hùng binh”.
 
Học để thành tài, rồi dùng cái tài ấy mà giúp ích cho đời là con đường của những học sĩ chân chính. Những người có học đích thực là những kẻ sĩ luôn cần thiết cho nước nhà. Dù nhiều lúc có bị o ép không thể cho tung bay đôi cánh chim bằng do hoàn cảnh nhưng nhừng trí thức chân chính luôn tìm được chỗ hành đạo có ích cho đời. 
 
Chu Văn An dâng sớ chém những tên mọt dân hại nước không được chấp nhận đã lui về đào tạo những nhân tài cho mai sau. Ông đã thực hành cái điều học của mình và trở thành “người thầy của muôn đời”, thành tổ sư nghề giáo của người Việt.
 
Tên tuổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trường Tộ sau này cũng không đi sai lệch cái quỹ đạo của những con người có thực học và không hề cơ hội chủ nghĩa.
 
Việc học gắn bó với hành thực ra là vấn đề của lí thuyết và thực tiễn. Rất nhiều người đã cực đoan cho rằng “trăm hay không bằng tay quen” đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm. Thực ra càng tiến tới xã hội văn minh, con người cần phải tiếp thu nền tảng tri thức lí thuyết rất sâu sắc lúc ấy mới thực hành tốt và thành công.
 
Từ những điều thực hành người ta đã biết cái ưu cái khuyết để rồi cải biến để rồi làm tiền đề cho lí thuyết mới. Cứ vậy hai mặc “học” và “hành” tác động biện chứng qua lại để làm biến đổi thế giới chúng ta.
 
Chúng ta rất tâm đắc với việc dùng hình ảnh so sánh của người xưa mà La Sơn Phu Tử lấy nó để nói về ý nghĩa của việc học: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”.
 
Cách giải thích chữ “đạo” của tác giả thật giản dị mà thấu đáo. Nó đâu trừu tượng, xa xôi: “Đạo là lẽ đối xử hàng ngày giữa mọi người”. Cái học ngày xưa thường nghiêng về “tam cương ngũ thường” nhưng hiện nay có thế hiểu cái “đạo” mà sự học đeo đuổi chính là vốn học vấn mà loài người đã tích lũy hàng ngàn năm trên tất cả những vấn đề nhằm đem tới văn minh, văn hóa...
 
Càng nhiều trí thức chân chính, trí thức chính hiệu thì “triều đình ngay ngắn, thiên hạ thịnh trị”. Thật đúng! Càng nhiều hiền tài có học có hành thì quốc gia ấy mới nở mặt nở mày với nhân loại. Cường quốc không lấy tiêu chí từ dân đông, nước rộng. Nó phải lấy cái cốt tử là dân trí, là người có học. Tài sản quý giá nhất của một dân tộc là đây.
 
Học với hành nghĩa rất to lớn để xác định cái giá trị có thật hay giả của kẻ trí thức.
Lối học không có “hành” chỉ để đào tạo ra một lũ “nịnh thần” làm suy đồi nền triều chính dẫn đến nước mất nhà tan. Học không hành là “lối học hình thức” với mục đích là “hòng cầu danh lợi”. Đó là lối học định hướng tới những nhân cách đồi bại, tới những mục đích tầm thường thậm chí ích kỉ hại dân.
 
Bác Hồ từng khuyên thiếu niên: “Học tập tốt, lao động tốt” cũng là muôn gắn học với hành. Không học những điều vô bổ nhảm nhí chắng đem tới một ý nghĩa gì cho cuộc sống nhân dân.
 
Những người học kết hợp với hành trong quá khứ thường là những bậc minh quân, hiền thần đóng góp tài năng và đạo đức để dựng xây, giữ gìn đất nước.
 
Trong thời đại của khoa học kĩ thuật phát triển như vũ bão, việc học và hành càng được đặt ra một cách thật sự nghiêm túc và có chiều sâu. Những trí thức lớn thời kì hiện đại không chỉ có lòng yêu nước! Họ là những nhà chuyên môn có thực tài biết kết hợp với trái tim giàu nhiệt huyết muốn cống hiến cho đất nước, họ đã ghi danh, ghi công mình không nhỏ với lịch sử thời hiện đại.
 
Sau khi nước nhà được độc lập 1945, có không biết bao nhiêu trí thức đang phú quý vinh hoa ở nước ngoài đã lần lượt về cống hiến cho đất nước. Thật khó hình dung được chính quyền non trẻ do Hồ Chủ tịch lãnh đạo thời ấy sẽ giải quyết những vấn đề cụ thể của chiến tranh và hòa bình như thế nào nếu thiếu những trí thức.
 
Nhà chế tạo vũ khí Trần Đại Nghĩa đã chế những vũ khí có sức công phá những lô cốt kiên cô nhất của giặc. Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã mổ vết thương cho những người lính bằng những dụng cụ thật thô sơ. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã từ bỏ những danh vọng và uy tín của mình ở Nhật Bản băng rừng về Việt Bắc và dùng những thân cây ngô để chế tạo thuốc kháng sinh - một dược phẩm hết sức quan trọng cho cuộc kháng chiến mỗi lúc một gay go.
 
Những họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng; những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu; những nhạc sĩ như Văn Cao, Lưu Hữu Phước... Tất cả đã rời “tháp ngà” nghệ thuật để cùng xương cùng thịt với nhân dân mình.
 
Vai trò của tầng lớp trí thức chân chính ấy là không thế phủ nhận trong cái thuở dân chủ cộng hòa buổi đầu của nhà nước dân chủ Việt Nam.
 
“Học với hành” tạo nên những trí thức chân chính, tạo nên sự hòa hợp giữa chuyên môn và nhân cách.
 
Thật đáng xấu hổ cho những bằng cấp giả trang hiện nay. Nhiều người đi học chỉ vì cái bằng... giả để cơ hội, để vì quyền lợi ích kỉ của cá nhân trên đường thăng quan tiến chức! Những kẻ cơ hội này đang coi mục đích cuối cùng là làm giàu trên mồ hôi và nước mắt nhân dân. Thật nghịch lí là rất nhiều kẻ bây giờ có nhiều bằng cấp nhưng không có “học”. Vì cái “ngụy học” này sẽ thực hành những điều làm nghèo đất nước, vơ vét túi tham cho mình mỗi lúc một đầy. Lũ người này đã có lúc nghĩ rằng làm giàu là cứu cánh.
 
Những kẻ có học và biết hành chân chính có thể có mục đích làm giàu nhưng không phải làm giàu bằng mọi giá. Họ phải tạo dựng nền kinh tế nhân văn, mang bộ mặt con người...
 
Các doanh nhân trẻ Việt Nam đang hướng tới: Doanh nghiệp mạnh, giàu có nhưng kèm theo là hiệu quả. Hiệu quả cho gia đình, cho xã hội, cho dân, cho nước. Doanh nhân phải giỏi làm giàu nhưng đồng thời phải có trái tim yêu nước. Vấn đề thứ ba là sản phẩm phải tốt, nhiều lợi nhuận, kèm theo đó là cạnh tranh quốc tế, là quốc sĩ, là tự hào dân tộc, là nền kinh tế quốc gia vững bền. Những ai học và hành thực chất đều là những người có TÂM và TÂM. Họ làm giàu nhưng có những hoạt động xã hội xuất sắc vì dân vì nước.
 
Với La Sơn Phu Tử, người có học và biết hành là nguyên khí quốc gia. Những kẻ làm hư hỏng rường mối quốc gia là những kẻ không có thực học, dĩ nhiên “hành” là những tính toán ích kỉ, vụ lợi...
 
Dư luận xã hội bấy lâu nay đang nhức nhối về lối học hình thức. Trường nào lớp nào cũng mong có điểm thành tích số học sinh khá giỏi thật cao, đậu tốt nghiệp thật cao nhưng thực tế lại là những điều đáng buồn. Có bao nhiêu người ham học, lấy chuyện học là mục đích để sau này dùng nó cho cuộc đời mình, cho gia đình và cho xã hội?
 
Có bao nhiêu hòn ngọc không được mài giũa mà mỗi ngày mỗi tối đi? Thật đáng trách cho nhiều học sinh vào trường chỉ để lo quậy phá đua đòi. Chưa có đủ trình độ học vấn tối thiểu phố thông thì lấy gì mà thi thố với đời trong tương lai. Muốn “hành” phải “học” thật nghiêm túc trước đã.
 
Học và hành, học phải đi đôi với hành; học thật nghiêm túc để sau này phục vụ sự nghiệp cuộc đời cho mình và cho xã hội... là những vấn đề thời nào cũng phải đặt ra. Tuy nhiên, trong thời đại hôm nay có rất nhiều những thực tế trớ trêu, việc học lại và nghiền ngẫm bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử thật sự có ích.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây