Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc của ông cha ta xưa kia được thể hiện như thế nào qua một số bài thơ: Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt; Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Thứ sáu - 12/04/2019 11:02
Núi kia ai đắp mà cao?
Sông kia, bể nọ ai đào mà sâu?
Ông cha ta ngàn đời đã gây dựng, giữ gìn núi sông, đất nước này để truyền lại cho chúng ta hôm nay. Đất nước, dân tộc ta tồn tại, phát triển chính là nhờ nhân dân ta có truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc.

Ba áng thơ cổ: Sông núi nước Nam; Hịch tướng sĩ và Đại cáo bình Ngô đã phản ánh sâu sắc truyền thống yêu nước nồng nàn và lòng tự hào dân tộc chân chính của ông cha ta xưa kia.

Khi quân xâm lược nhà Tống tràn sang nước ta, Lí Thường Kiệt đọc bài thơ “Thần” như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất khẳng định chủ quyền nước Nam là của dân Nam. Khi đại quân Mông Nguyên do Thoát Hoan cầm đầu kéo sang xâm phạm chủ quyền dân tộc, vào năm 1285, Hịch tướng sĩ đã được Trần Quốc Tuấn truyền dạy trong các cấp tướng sĩ của mình. Và khi kết thúc mười năm kháng chiến gian khổ chống quân Minh, thắng lợi trọn.vẹn vào năm 1428, Nguyễn Trãi đã tổng kết bằng bản văn Bình Ngô đại cáo bất hủ.

Ba áng thơ văn đều vang lên tiếng nói yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm và niềm tự hào về một dân tộc anh hùng.

Yêu nước và tự hào dân tộc là một truyền thông vô cùng quí báu mà từ khi hình thành dân tộc này, đất nước này, ông cha ta đã truyền lại cho đến ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.

Lí Thường Kiệt khẳng định: Nước Nam có lãnh thổ riêng, có chính quyền riêng: “Sông núi nước Nam vua Nam”.

Điều này đã được ghi ở “sách trời”. Sách trời là cơ sở pháp lí, là “thiên định”. Lí Thường Kiệt đã ghi lại những điều ấy để quân giặc thấy rõ hơn và quân dân ta càng tin tưởng hơn!
 
Rành rành đã định ở sách trời.

Lí Thường Kiệt vịn vào "thần", vào “sách trời” để nêu chính nghĩa của dân tộc. Trần Quốc Tuấn không nói đến “thần” nữa. Vì nước ta thật sự đã có chủ quyền, có văn hóa: Triều đình riêng, nhạc thái thường, thái ấp, tông miếu. Vậy mà quân giặc là loài dê chó dám xâm phạm, làm nhục nước ta!

Đến thế kỉ XV, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi viết bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai đã nêu đầy đủ niềm tự hào chân chính của dân tộc Đại Việt:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc - Nam cũng khác...


Nước ta thật sự là một nước độc lập, có chủ quyền. Nhân dân ta đã ra sức bồi đắp thành nền văn hiến ngàn năm. Trên lãnh thổ này đã có dân Việt với nền vãn hóa riêng, khác hẳn văn hóa phương Bắc. Anh hùng hào kiệt thì nước Đại Việt lại càng không thiếu.

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương.


Tự hào dân tộc, cha ông ta càng yêu nước nồng nàn. Khẳng định “Sông núi nước Nam vua Nam ở” là một khẳng định yêu nước, Vua tức là nước, lúc bấy giờ nói vua Nam hay hoàng đế nước Nam chính là đối chọi lại với “Thiên triều” Trung Hoa. Không phải là tuyên chiến, mà là cảnh cáo quân giặc cướp nước, cho chúng biết trước cái thất bại thảm hại tất yếu sẽ đến với chúng.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.


Lí Thường Kiệt đã nói lên truyền thống yêu nước nồng nàn và niềm tự hào dân tộc chân chính. Không tự hào dân tộc chân chính thì không dám đánh giặc giữ nước. Ta phải đánh giặc vì giặc xâm phạm đất nước ta.

Ở Hịch tướng sĩ, niềm tự hào dân tộc càng sâu sắc hơn. Vì tự hào dân tộc nên cảm thấy bao nhiêu cái nhục khi quân giặc xâm phạm chủ quyền:

“Nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn…”

Yêu nước là phải biết bảo vệ, gìn giữ đất nước, không thể ngồi yên, khoanh tay nhìn cảnh “sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ..., … thu bạc vàng..., ... vét của kho...”. Phải hướng tất cả lòng căm thù về phía quân giặc cướp nước; “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng...”.

Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi, cũng là viết thay nhân dân niềm tự hào chân chính của dân tộc. Quá trình dựng nước, giữ nước được tổng kết: “Song hào kiệt đời nào cũng có”. Vậy nên:

Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét
Chứng cớ còn ghi.


Nhân dân yêu nước đã tập hợp chung quanh Lê Lợi, người anh hùng áo vải của đất Lam Sơn:

“Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới,
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào...”.


Bởi chính vì Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã thể hiện lòng yêu nước hơn ai hết, hai người không thể ngồi yên nhìn quân Minh tàn bạo “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ...”, mà đã phải đau xót, căm hờn, quyết tiêu trừ giặc cướp nước: "... Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống. Đau lòng, nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời...”.

Ở Bình Ngô đại cáo, chúng ta càng thấy trọn vẹn lòng yêu nước cao độ và niềm tự hào dân tộc chân chính. Chính lòng yêu nước, tự hào dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng quân xâm lược dù chúng đông hơn, mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, ông cha ta thường lấy lòng tự hào dân tộc làm chính nghĩa để tập hợp lực lượng, đoàn kết nhân dân chống giặc. Nguyễn Trãi xác định lập trường chính nghĩa sáng ngời:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.


Trần Quốc Tuấn kêu gọi các tướng của mình, từ bỏ thái độ thờ ơ hưởng lạc trước cảnh đất nước lâm nguy, mà phải: “Huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở Cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai...”

Có như vậy mới bảo vệ được “thái ấp” vững bền, xây dựng được hạnh phúc của mình và của đất nước.

Lí Thường Kiệt khẳng định sông núi nước Nam của vua Nam nên dân Nam quyết tâm chiến đấu giết giặc: “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Truyền thống yêu nước tự hào dân tộc của ông cha ta gắn bó, thống nhất với nhau làm nên sức mạnh không thể thất bại.

Ngày nay đọc lại ba áng thơ cổ trên, chúng ta vẫn còn nghe vang vọng truyền thống yêu nước bất khuất, niềm tự hào biết bao. Càng tự hào về những chiến công oanh liệt phá Tống, đuổi quân Mông - Nguyên, bình giặc Ngô xâm lược, chúng ta phải giữ gìn, phát huy truyền thống quí báu ấy.

Thế hệ hôm nay thừa hưởng biết bao truyền thống quí báu của ông cha ngàn đời để lại. Yêu nước là phải ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng đất nước “to đẹp, đàng hoàng”, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu. Tự hào dân tộc chân chính không phải là tự kiêu, tự mãn, mà phải biết phát huy, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Làm được như vậy thanh niên chúng ta mới xứng đáng là cháu con của dân tộc Việt Nam anh hùng.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây