“Bến quê” của Nguyễn Minh Châu là một truyện ngắn giàu tính chiêm nghiệm và triết lí; tư tưởng của tác phẩm được thể hiện rõ qua nhân vật chính - Nhĩ - một con người từng “đi không sót một xó xỉnh nào trên thế giới” nhưng về cuối đời lại phải nằm lặng lẽ trên chiếc giường của mình.
Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật với vẻ rất khác thường: "Anh cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát - y như đang khẩn thiết ra hiệu cho mọt người nào đó". Sau những năm tháng lang thang rong ruổi nơi đất khách quê người, giờ đây, nằm lặng lẽ trong ngôi nhà đơn sơ mộc mạc của gia đình, anh chợt nhận ra vẻ đẹp của quê hương xứ sở mình - làng quê nghèo khó nằm ven con sông Nhị Hà quanh năm phù sa sóng cuộn. Khao khát được đến với cái bãi bồi bên kia sông nhưng không thể tự mình đi được, Nhĩ đã nhờ con trai mình sang sông để coi như chính mình đã đạt chân sang cái bến bờ xa lạ mà thân thuộc, gắn bó ấy.
Tiếc rằng đứa con đã trót sa vào một ván cờ mà lỡ chuyến đò sang sông cuối cùng trong ngày. Hành động này của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò đặc biệt ấy. Không chỉ vậy, qua suy nghĩ của Nhĩ trước đó về cuộc đời, ta lại nhận ra một ý nghĩa khác, đó là ý muốn thức tỉnh mọi người chú ý để tránh những cái "vòng vèo, chùng chình” trong cuộc sống mà chính mình tự mắc phải. Như cậu con trai Nhĩ trên đường sang sông lại sa vào ván cờ có thể làm lỡ công việc chính. Tránh những cái “vòng vèo chùng chình” ấy trên đường đời để mỗi chúng ta hướng tới những giá trị đích thực vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững trong cuộc đời tươi đẹp này.