Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị. Hãy giải thích và làm rõ khái niệm đó qua sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu.

Thứ ba - 24/05/2016 12:32
Thơ Tố Hữu là thơ của lí tưởng cộng sản. Nói đến thơ Tố Hữu là nói đến một hồn thơ trữ tình - chính trị tiêu biểu, nhất quán trong suốt cuộc đời cầm bút. Sống trọn vẹn cuộc sống chính trị, thi sĩ Tố Hữu bắt đầu cùng một lúc với con đường cách mạng. Sáng tác của Tố Hữu tràn đầy chất men say hứng khởi đối với lí tưởng cộng sản. “Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người cũng là để nói cho được cái lí tưởng cộng sản ấy thôi” (Chế Lan Viên).
Thơ trữ tình – chính trị không phải đến Tố Hữu mới xuất hiện. Trên thế giới, trước Tố Hữu đã có những nhà thơ trữ tình – chính trị nổi tiếng. Ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, thơ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Tuấn Khải… và phong trào thơ ca Xô viết – Nghệ Tĩnh là những sáng tác mang cảm hứng chính trị, tuy vẫn nằm trong thi pháp cổ điển nhưng đã có những đổi mới nhất định. Tố Hữu vừa kế thừa truyền thống vừa nâng thơ trữ tình – chính trị lên một trình độ nghệ thuật cao hơn. Tố Hữu đã mang đến cho thơ ca cách mạng một tiếng nói trữ tình với những cảm xúc của một cái tôi hoàn toàn mới mẻ.
 
Trữ tình và chính trị là hai khái niệm khác biệt hoàn toàn nếu không muốn nói là trái ngược. Trữ tình là bộc lộ trực tiếp ý thức, tình cảm, cảm xúc, nghĩa là con người cảm thấy qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan đối với thế giới và nhân sinh. Miêu tả ngoại cảnh chỉ để phục vụ tình cảm trữ tình. Mặt khác, cái tôi trữ tình luôn cảm xúc trước thực tại trên tư cách phổ quát, động chạm tới những vấn đề chung của tồn tại con người (cái chết, tình yêu, nỗi buồn, lẽ sống…). Cho nên, trữ tình trở thành tiếng lòng thầm kín của mọi người.
 
Chính trị là những khái niệm khô khan được thể hiện dưới hình thức những câu khẩu hiệu mang tính chất cổ vũ, kêu gọi như: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… Vấn đề của chính trị là vấn đề của lí tưởng, là gắn với những nhiệm vụ của sản xuất, chiến đấu… Các khái niệm đó tưởng không có gì là thơ cả.
 
Nhưng với Tố Hữu, trước những vấn đề chính trị của đất nước, trái tim nhà thơ xúc cảm thật sự, tâm hồn nhà thơ chan chứa tình cảm và vô cùng nồng nhiệt. Chính vì thế, lí tưởng cách mạng, đời sống cách mạng, những sự kiện chính trị đã trở thành nguồn cảm xúc lớn, được biểu hiện bằng giọng tâm tình ngọt ngào tha thiết hay rắn rỏi, dõng dạc mang âm hưởng sử thi hùng tráng. “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị đạt đến trình độ rất đỗi trữ tình” (Xuân Diệu).
 
Thơ chính trị đạt đến độ trữ tình trước hết xuất phát từ quan niệm về thơ của Tố Hữu. Tố Hữu quan niệm: “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Nói đến thơ là nói đến sự đồng điệu của tâm hồn”. Chính xuất phát từ quan niệm đó mà nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu có mối quan hệ gần như máu thịt với đất nước, nhân dân, cộng đồng. Tố Hữu thường cất lên những tiếng gọi đầy tình thương mến: “Bạn đời ơi”, “anh chị em ơi!”, “Ôi Tổ quốc!”, “Ơi Bác Hồ ơi!”, “Miền Nam ơi!”…
 
Cảm hứng chủ đạo của thơ Tố Hữu là cảm hứng lịch sử, dân tộc chứ không phải cảm hứng thế sự, đời tư. Nổi bật trong thơ Tố Hữu là vấn đề vận mệnh dân tộc chứ không phải vận mệnh cá nhân hay nói đúng hơn là cá nhân hòa vào dân tộc. Chính vì thế, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu trước hết là cái tôi – chiến sĩ (bắt đầu từ Từ ấy). Càng về sau, cái tôi – chiến sĩ trong thơ Tố Hữu càng rõ nét hơn: cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng, dân tộc. Cái tôi ấy đã hóa thân vào những nhân vật trữ tình mang những phẩm chất tiêu biểu của dân tộc qua những thời kì lịch sử khác nhau: Bà má Hậu Giang, Lượm, Tiếng hát trên đê… (Từ ấy), Chị Trần Thị Lý, Bà bủ, Phá đường… (Việt Bắc), Mẹ Suốt, anh Nguyễn Văn Trỗi, Anh giải phóng quân… (Ra trận, Gió lộng). Ở thời đại cách mạng vô sản, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc, tiếng thơ ấy đầy sức thuyết phục. Nó tác động tới số phận cộng đồng, số phận dân tộc. Quan tâm đến phương diện chính trị của đời sống, ngòi bút của Tố Hữu thật sung sức, thật khoáng đạt khi bắt vào những chủ đề lớn: Đảng, Bác, dân tộc, lịch sử, thời đại…
 
Thơ Tố Hữu chủ yếu khai thác các tập thơ Tố Hữu là con người cộng sản, lí tưởng cách mạng. Trước Cách mạng, lẽ sống đó là con đường từ một thanh niên trí thức trở thành một chiến sĩ cộng sản:
 
 “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
 Mặt trời chân lí chói qua tim
 Hồn tôi là một vườn hoa lá
 Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
 
Từ tập thơ Việt Bắc trở đi, thơ Tố Hữu nêu lên những vấn đề lớn như: lẽ sống dân tộc, quan hệ giữa dân tộc và thời đại… Song song với lẽ sống cách mạng là tình cảm cách mạng. Đó là tình đồng chí, đồng đội, tình cảm đối với nhân dân, với Đảng, với lãnh tụ, tinh thần quốc tế vô sản… Những bài thơ hay nhất của Tố Hữu là những bài thơ kết hợp hài hòa giữa lẽ sống cách mạng và tình cảm cách mạng (Việt Bắc, Mẹ Suốt, Bác ơi!, Quê mẹ, Miền Nam…).

Xưa nay, có nhiều người làm thơ chính trị nhưng hiếm có ai đạt được thành công vang dội như Tố Hữu. Sức cuốn hút của thơ Tố Hữu là sự hòa quyện giữa tình cảm, lẽ sống và tư tưởng. Điều đó đã tạo nên sự cộng hưởng lớn lao, rộng khắp. Chất thơ trữ tình – chính trị của Tố Hữu lại được thể hiện ở giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Đó là giọng tâm tình ngọt ngào, là giọng của tình thương mến. Giọng thơ tâm tình ngọt ngào của Tố Hữu xuất phát từ chiếc nôi quê hương và gia đình cùng nguồn mạch thơ ca dân gian.
 
Dù sử dụng đa dạng các thể thơ, song Tố Hữu đặc biệt thành công với thể thơ lục bát (Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du…). Lối ngắt nhịp, gieo vần  trong thơ Tố Hữu rất tự nhiên, êm nhẹ khiến cho giọng thơ du dương trầm bổng, dễ đọc, dễ thuộc. Bài thơ Việt Bắc triển khai một tình cảm lớn, tình cảm của nhân dân cách mạng và cán bộ cách mạng, nhưng lại được cấu tứ theo lối hát đối đáp quen thuộc của ca dao. Tố Hữu chọn cách nói của người yêu với người yêu, đặc biệt là hai từ “mình – ta” ngọt ngào, êm ái. Vì thế, toàn bài thơ trở thành khúc hát ân tình nồng thắm với tình thơ tha thiết, điệu thơ ngọt ngào, êm ái. Vì thế, toàn bài thơ trở thành khúc hát ân tình nồng thắm với tình thơ tha thiết, điệu thơ ngọt ngào, nhị nhàng như lời ru. Bài thơ đưa người đọc vào một thế giới tâm tình đằm thắm đầy ân nghĩa. Đó là phong cách trữ tình – chính trị đặc biệt của thơ Tố Hữu.
 
Trữ tình – chính trị không có nghĩa là không nói đến đời tư, cá nhân. Tố Hữu đã đưa không ít những chi tiết đời tư, cá nhân vào thơ. Có điều chúng luôn luôn được gắn với nội dung chính trị. Hình ảnh người mẹ sinh thành ra nhà thơ đã hòa cùng hình ảnh của Huế – hình ảnh Tổ quốc:
 
– Mẹ không còn nữa còn đây Huế.
– Mẹ ơi dưới đất còn chua xót
 Những tiếng giày đinh đạp núi đồi.
 
Tình yêu, một tình cảm rất riêng tư cũng được chính trị hóa nên dù rất say trong mối tình đầu, Tố Hữu vẫn rất “tỉnh táo” trong thơ:
 
Anh nắm tay em sôi nổi, vụng về
Mà nói vậy trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu
 
Những năm tháng miền Nam trong lửa đạn, mỗi bữa ăn, giấc ngủ cũng không nguôi nhớ về miền Nam, tình cảm cứ dâng lên xúc động nghẹn ngào:
 
Vì sao miếng cơm ăn bỗng nghẹn
Một nửa còn cay đắng – miền Nam!
 
Tóm lại, mọi xúc cảm trong thơ Tố Hữu đều xuất phát từ tình cảm cách mạng. Các khái niệm chính trị đi vào thơ Tố Hữu không hề khô khan mà được xúc cảm trở thành cảm hứng. Tố Hữu đã đem vào thơ cách mạng một tiếng nói trữ tình với những xúc cảm chân thành, mãnh liệt tạo được một năng lượng lan truyền rộng khắp và rung cảm đối với người đọc. Càng về sau, lời thơ trữ tình – chính trị Tố Hữu càng thiên về khuynh hướng sử thi.
 
Nhân vật trữ tình được nâng lên tầm vóc thời đại, nhiều khi được thể hiện bằng biện pháp thần thoại hóa. Thơ Tố Hữu là một bằng chứng hùng cho khuynh hướng sử thi, cả hứng lãng mạn của văn học Việt Nam 30 năm chiến tranh. Tố Hữu đã kế thừa xuất sắc truyền thống thơ ca yêu nước của dân tộc và phát triển trong thời đại mới. “Nếu Chế Lan Viên làm sang cho thơ Việt Nam thì Tố Hữu làm giàu cho thơ Việt Nam” (Nguyễn Đăng Mạnh). Tố Hữu xứng đáng là “lá cờ đầu” của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây