Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Thuyết minh về một vấn đề trừu tượng - Thế nào là óc khoa học?

Thứ năm - 07/07/2016 03:15
Khoa học xuất phát từ ý thức muốn cải tạo đời sống, không chịu thỏa mãn với cách làm ăn, vốn hiểu biết hiện có. Con người khoa học luôn luôn tự đặt ra câu hỏi: Hiện tương này vì đâu mà có? Tại sao việc này không chạy? Làm thế nào để cải tiến việc kia? Nhiều sự việc đối với mọi người thì rất bình thường, nhưng lại không để cho người khoa học ngồi yên, cứ buộc họ phải ngạc nhiên, băn khoăn, buộc họ phải suy nghĩ. Vì đâu? Tại sao? Làm thế nào? Tự mãn với hiện tại là hoàn toàn xa lạ với óc khoa học.
Một người cho rằng trong đời mình, chung quanh mình không có gì đáng suy nghĩ nữa cả, không có nhiều đêm trằn trọc vì vấn đề này nọ, một người cán bộ lãnh đạo thấy trong cơ quan mình mọi việc trôi chảy, chắc chắn là không có óc khoa học, có khi còn chống lại khoa học là khác. Có mặt tại cơ quan tám giờ đầy đủ, nhưng chưa đến giờ thì chưa mở máy suy nghĩ, kẻng đánh lại khoá máy, cũng chưa phải là con người khoa học. Người khoa học bao giờ cũng tập trung suy nghĩ một vấn đề gì, không kể giờ giấc. Không có say mê, không có khoa học.
 
Nhưng say mê, nhiệt tình chưa đủ. Càng nóng lòng giải quyết một vấn đề, lại càng rơi vào những chứng xấu mà khoa học kỵ nhất, đó là bệnh chủ quan. Con người khoa học lòng nóng bỏng nhưng trí óc lại nguội lạnh, khách quan điều tra, quan sát, tìm tòi, không vội vàng kết luận. Quan sát điều tra bình thường nghĩa là ở mức xem xét theo kinh nghiệm, theo cảm giác tự nhiên, theo hiện tượng bên ngoài, chưa nắm  được một phương pháp nào để đi sâu vào, sự vật, thì chưa đủ. Như dùng bàn tay sờ vào trán bệnh nhân rồi bảo sốt nặng hay nhẹ chưa phải là khoa học. Cảm giác chủ quan rất cần thiết, hiểu biết của con người bắt nguồn từ đó, nhưng cảm giác luôn luôn biến động tuỳ theo tình trạng của con người. Tay vừa cầm tảng nước đá, sờ vào vật gì, cũng cảm thấy nóng. Thêm nữa giác quan của con người chỉ hoạt động được trong những giới hạn nhất định. Tay không thể phân biệt được độ nóng của hai lò lửa khác nhau, tai không thể phân biệt được những ba động tần số quá cao hay quá thấp. Cho nên, cần có phương pháp quan sát sự vật khách quan để hỗ trợ cho giác quan của con người, như không lấy cảm giác bàn tay xét nóng lạnh, mà lấy ảnh hướng của sức nóng đến một chất nhất định, làm dãn chất ấy nhiều hay ít. Một cột thuỷ ngân, một đoạn dây thép vì nóng dãn ra, kéo dài ra nhiều hay ít không những là bằng chứng của sức nóng, mà còn trở thành một thước đo chính xác, Lúc ấy, người thầy thuốc không còn nói sốt ít hay nhiều một cách mơ hồ, mà nói nhiệt độ lên là 38 hay 40 độ, người kỹ sư không nói lò này rất nóng hay còn nguội mà nói nhiệt độ đã lên đến 1000 hay là 5000c, Có một phương pháp đi sâu vào sự vật thì mới thật sự phân tích được vấn đề, cũng như có con dao bổ quả bưởi, tách nó ra từng múi, mới thấy rõ cấu trúc của nó.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây