Nam Cao (1915 - 1951) quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông tên thật là Trần Hữu Tri; bút danh Nam Cao chính là tên ghép của hai chữ đầu tiên tên huyện và tổng ở quê hương ông.
Nam Cao viết văn từ những năm ba mươi ở thế kỉ trước nhưng đến năm 1941 ông mới khẳng đinh vị trí không thể thiếu được của mình trong nền văn học nước nhà bằng truyện ngắn xuất sắc Chí Phèo. Ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc chuyên viết về hai đề tài: người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân tị bần cùng hóa, lưu manh hóa trước Cách mạng tháng Tám. Là một nhà văn có ý thức sâu sắc về sứ mệnh của người cầm bút và sứ mệnh cao cả của văn chương, Nam Cao để lại nhiều truyện ngắn, truyện dài có giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực sâu sắc và phong cách độc đáo; chúng có thể vượt qua thử thách thời gian như: Chí Phèo (1941), Trăng sáng (1943), Đời thừa (1943), Lão Hạc (1943), Sống mòn (1944), Đôi mắt (1948), v.v... Tác phẩm của Nam Cao luôn luôn giúp người ta đối thoại với chính mình để sống có ích hơn. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.