Nhắc tới hoa ngày Tết không thể không nhắc tới hoa đào. Bước chân vào các gia đình ngày Tết ta có thể dễ dàng thấy một cành đào hay thậm chí là một cây đào được đặt trong nhà. Trong ngôn ngữ các loài hoa thì hoa đào tượng trưng cho sự thầm lặng, mỏi mòn. Theo các nhà thần thoại học Hi Lạp, hoa đào là hóa thân của Phi-líp - một nữ hoàng trẻ trung xinh đẹp của xứ Sơ-ra-xơ, có chồng là Đê-mô-phôn. Sau một tai nạn Đê-mô-phôn gặp được Phi-líp và cuộc nhân duyên của họ bắt đầu. Khi cha chàng chết, Đê-mô-phôn được gọi về A-ten và hứa sẽ quay lại sau một tháng. Nhưng rồi sau một thời gian Phi-líp mất hết hi vọng và nàng dã chết trong khổ đau. Thượng đế biến nàng thành cây đào. Khi trở về, Đê-mô-phôn nghe tin vợ mình đã chết vội than khóc bên cây đào, bỗng dưng những bông hoa vươn về phía trước như thể chứng tỏ rằng nàng rất yêu chàng ngay cả khi đã chết. Đày là một câu chuyện về nguồn gốc của hoa đào theo cách giải thích của người châu Âu. Ở Việt Nam ta, đào có hai loại là đào thắm và đào phai. Một số người thích chơi đào thắm vì cho rằng màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, có người lại thích đào phai vì màu sắc trang nhã, kín đáo. Tùy sở thích của mỗi người, nhưng dù như thế nào thì đào vẫn được coi là loài hoa mang lại sắc xuân tới mọi người, mọi gia đình. Ở Hà Nội có hai vùng trồng đào đẹp nổi tiếng là Nhật Tân và Ngọc Hà. Song song với hoa đào, một loài hoa cũng rất được ưa chuộng vào dịp Tết là hoa mai. Hoa mai chỉ có ở các tỉnh miền Nam nước ta. Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh to hơn hoa đào. Nụ mai không phô hồng như nụ đào, chỉ khi sắp nở nụ mai mới phô vàng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa mai và đào là mai có hương thơm - một mùi thơm lựng như nếp hương. Cành mai cũng có phần uyển chuyển hơn cành đào một chút. Thú chơi mai cũng giống như đào, chỉ khác biệt là hoa mai chỉ có ở miền Nam mà thôi. Ngoài mai và đào, mùa xuân còn có hoa táo. Có lẽ không gì thú vị bằng việc được ngắm một cây táo trong buổi sớm mùa xuân, khi thân cây được phủ đầy những bông hoa xinh đẹp. Hoa táo mang ý nghĩa “sự hâm mộ, ưa chuộng”. Một số không ít người ưa thích hoa táo hơn cả hoa hồng vì không những nó là loài hoa rất dễ thương mà còn hứa hẹn cho quả ngon. Người La Mã coi trọng cây táo vì hiệu quả của nó trong việc trang trí. Họ dành cho nó một vị trí nổi bật trong khu vườn tuyệt đẹp của họ. Hen-ri O-ác đơ Béc-sê đã viết về hoa táo như sau:
Dẫu vạn lần nhìn ngắm
Vẫn ngỡ như lần đầu
Hoa táo hồng trinh trắng
Như lời nhắn nghìn sau
Những vẻ đẹp sâu lắng
Là hạnh phúc bền lâu!
Một loài hoa nữa cũng nở vào dịp Tết là hoa cỏ chân ngỗng. Nghe tên thì lạ nhưng lại rất quen, cỏ chân ngỗng thường trồng ở các bồn hoa trang trí nơi trường học, vườn hoa. Thần thoại Hi Lạp kể rằng A-nê-môn là một nữ thần được thần các ngọn gió tây yêu quý. Nữ thần của các loài hoa vì ghen ghét với sắc đẹp của nàng mà biến nàng thành một loài hoa luôn nở vào mỗi độ xuân về. Trong khi đó, Bô-rơ-át - thần của các ngọn gió bắc - người không chiếm được tình yêu của nàng thì rung lắc nàng đến khi đóa hoa mà nàng hóa thân mới chỉ nở được một nửa đã vội nhợt nhạt đi và tàn rụng, cỏ chân ngỗng nhiều màu, duyên dáng nhưng lại ít được chú ý tới. Nhưng vi-ô-lét thì lại khác, trong bình hoa Tết của các gia đình thì cắm xen loại hoa này. Một số người xem vi-ô-lét là biểu tượng của sự chung thủy, tính khiêm tốn. Bông hoa nhỏ rụt rè này giữ một vị trí rất cao trong nghệ thuật. Người Hi Lạp chọn bông hoa có hương thơm nhẹ nhàng, cổ điển này làm bông hoa của thần A-phô-rô-đi-tơ - nữ thần của tình yêu và sắc đẹp. Dĩ nhiên, vi-ô-lét được gắn liền với tính khiêm tốn vì một cô gái trẻ đẹp nhưng e lệ thường được gọi là “shrinking violet” (người rụt rè, hay xấu hổ). Vẻ đẹp, hương thơm của vi-ô-lét là cảm xúc của nhiều tứ thơ hay:
Hương của hoa và màu xanh của lá
Đã tràn vào ngự trị ngập lòng tôi
Vi-ô-lét tặng món quà vô giá:
Những phút giây của hạnh phúc tuyệt vời!
Ngược lại với ý nghĩa sự khiêm tốn của vi-ô-lét, hoa mõm chó mang ý nghĩa của tính tự phụ, sự kiêu ngạo. Mõm chó là loài hoa đa dạng. Loài này thường được trồng trong vườn nhà. Giống cây này đã được lai tạo từ một cây lưu niên ở Địa Trung Hải. Có nhiều loại hoa mõm chó với hầu hết các màu, trừ sắc màu xanh. Những bông hoa phần nhiều mọc ra từ một thân trông như hàm của một con thú há miệng ra.
Trên đây là một số loài hoa nở trong dịp tết Nguyên đán. Trong tiết trời mùa xuân hoa nở đẹp và thật là đặc sắc. Nhờ có hoa xuân mà những ngày Tết trở nên ấm áp, vui tươi, trang trọng, tràn ngập sức sống.