Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong Tự Tình II

Thứ bảy - 30/09/2017 22:45
Hồ Xuân Hương là một tác giả thơ có bản sắc tương đối rõ nét. Bản sắc ấy càng được khẳng định và biểu hiện dưới nhiều sắc thái qua mỗi bài thơ. Thơ Hồ Xuân Hương giàu tâm trạng, giàu nỗi niềm tâm sự. Nếu thi ca là sự tự thể hiện ở mức cao nhất cái tôi trữ tình của nhà thơ, thì ở Hồ Xuân Hương đặc điểm bản chất này của thơ càng được bộc lộ nổi bật. Nhiều bài thơ của bà là sự giãi bày tâm sự. Một trong số đó là thi phẩm Tự tình.
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
 
Mở đầu bài thơ, tác giả đã nêu lên bối cảnh của một không gian và thời gian. Giữa đêm khuya thanh vắng, thấp thoáng hiện lên hình dáng một người phụ nữ. Đứng trước không gian bao la, rộng lớn của non sông, Hồ Xuân Hương đối diện với sự vô cùng vô tận của không gian, cũng là đối diện với cõi lòng sâu thăm thẳm, u uất tâm sự, nỗi niềm của chính mình. Thật là khó tránh khỏi cảm giác rợn ngợp, thanh vắng, buồn tẻ, trống trải đến nao lòng. Với tâm trạng cô đơn chán chường, “Bà chúa thơ Nôm” đã cảm nhận kiếp người thật là nhỏ nhoi, phù du. Sự cô đơn đã bám riết lấy bà ngay cả lúc đêm khuya. Nó như con sâu, con mọt gặm nhấm, cắn xé, đục khoét tâm hồn bà khiến bà bứt rứt, đứng ngồi không yên, ngay cả khi nghe tiếng trống canh cũng thây ngột ngạt, bối rối.
 
Không thể cứ mãi “thu chân bó gối” mà thấm thía cô đơn, bẽ bàng, phũ phàng mãi được! Bà đã tìm ra một giải pháp tạm thời: “Mượn rượu giải sầu”. Thế nhưng cay đắng thay:
 
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh.
 
Càng uống lại càng tỉnh. Càng muốn quên thì những kí ức đau buồn lại thi nhau ùa về như muốn “trêu ngươi” người nữ sĩ tài hoa này. Vòng đời luẩn quẩn, bế tắc, sự chán chường, trầm uất của tâm hồn đang dâng ngập trong ánh mắt u buồn, bờ môi run rẩy, “thu cuối mùa” của Hồ Xuân Hương. Bà đang chờ đợi điều gì? Người phụ nữ tài hoa, sắc sảo, thông minh bậc nhất lúc bây giờ nhưng lại lận đận về đường tình duyên, hai lần sang ngang đều bị đứt gánh giữa đường này, luôn khao khát yêu đương, khát vọng tình yêu luôn cháy bỏng trong con người “Bà chúa thơ Nôm”. “Khát vọng tình yêu” khác với “ước vọng tình yêu”. Ước vọng chỉ mới là ước mong, còn khát vọng thì đã đạt đến “đỉnh” của sự đam mê cháy bỏng, mãnh liệt, rạo rực, “bồi hồi trong ngực trẻ”, không có giới hạn. Khát vọng sôi sục mà vẫn tinh tế, đầy nữ tính. Thế nhưng, khốn nạn thay, đau xót thay, bẽ bàng thay cho Hồ Xuân Hương khi:
 
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
 
Đời người là hạn hẹp, thời gian là vĩnh hằng, vũ trụ thì vô tận... Bánh xe thời gian như bóng câu bên cửa sổ mà con gái thì có thì... Thời gian lặng lẽ trôi, tuổi xuân cũng qua đi mà tình duyên vẫn không trọn vẹn, hạnh phúc vẫn lỡ làng. Hạnh phúc giống như một thứ quả ngọt xa xôi, quá tầm tay với của nữ sĩ, nó khiến bà khắc khoải, day dứt không thể níu kéo. Vầng trăng trên cao dường như cũng soi thấu những run rẩy, thảng thốt, hoảng hốt trong lòng bà khi chạnh lòng nghĩ về thân phận lẻ loi, hẩm hiu của mình. Giọng điệu ngôn ngữ, hình ảnh của câu thơ giống như một tiếng nấc nghẹn ngào, chua xót, thổn thức đến trào nước mắt, phải cắn chặt môi đến bật máu tươi mới ngăn tiếng khóc thành lời! Thử hỏi, đọc đến đây ai mà không xúc động, thương xót, cám cảnh thay cho Hồ Xuân Hương? Và tự hỏi phải chăng “khách má hồng” luôn gặp nhiều nỗi truân chuyên? Phải chăng “bạc mệnh” là lời chung cho những người phụ nữ tài hoa khi xưa?
 
Ông vua thơ tình Xuân Diệu cho rằng:
 
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu.
 
Với Hồ Xuân Hương, cảm xúc đã tự chọn được ngôn ngữ riêng trong thơ của bà. Hậu sinh chúng ta nhìn thấy bà vĩ đại ở chỗ: sử dụng Tiếng Việt một cách tài hoa tinh tế, đã phát huy cao độ khả năng biểu cảm của ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm) một cách khéo léo tài tình mà trước đó đến cả sau này ít có ai sánh kịp.
 
Ở câu thơ thứ ba, mầm mống phản kháng, vùng lên đã bắt đầu được nhen nhóm khi bà trích dẫn mình “nốc rượu ào ào” giữa đêm khuya. Hình ảnh vốn dĩ dành cho mày râu, đến những nho sĩ “dài lưng tốn vải” còn chưa dám thử chứ đừng nói gì đến phận gái dịu dàng, thùy mị, đoan trang, thướt tha nơi khuê phòng như Hồ Xuân Hương.
 
“Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã tận đầy”. “Con giun xéo mãi cũng quằn”. Tâm trạng bức bối, bị đè nén cũng sẽ bị bùng nổ, cũng giống như trái bóng bay quá căng thì sẽ “Bùm!”.. Bức tranh thiên nhiên dưới bàn tay tài hoa, góc nhìn mới lạ, mô tả bằng những từ rất “đắt”, hiện lên giống như một con sóng lớn chuyển động mạnh mẽ, khuấy đạp, chao đảo mãnh liệt. Cái buồn không có đất sống lâu trong con người có bản tính vui nhộn, lạc quan, yêu đời như Hồ Xuân Hương. Sự phẫn uất của thiên nhiên cũng là sự phẫn uất của tâm trạng “không thể sống mãi như vậy được!”. Sự phẫn uất, tinh thần đấu tranh, vùng lên, phản kháng cũng đã nổi sóng trong con người bà. Câu thơ hào sảng, khí phách, táo bạo, mãnh liệt, dữ dội, mang màu sắc “tự do chủ nghĩa”, điểm thêm một chút “phố xá” như chính con người thật của bà. Con người khi đã trải qua biết bao đau đớn, khổ nhục, nếm đủ mọi điều bi ai trần thế nhưng không vì thế mà tâm hồn chai sạn, sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời vẫn âm ỉ cháy sục sôi trong lòng bà, chờ thời cơ bùng nổ:
 
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
 
Bằng hai câu thơ trên, Hồ Xuân Hương đã phá vỡ nghi thức hàn lâm, đạo mạo trong văn chương lúc bấy giờ. Câu thơ mang sắc thái táo bạo, dữ dội, pha chút chân thành, không hề giấu diếm khát vọng tình yêu của mình. Bà là một tiếng thơ - có thể nói là sớm nhất của một người phụ nữ đã chủ động yêu và đòi quyền được yêu (Ở thời phong kiến nam quyền xưa, vốn khinh rẻ phụ nữ. Người ta quen nhìn phụ nữ dưới vai trò yếu đuôi, thụ động).
 
Khi tự mình lên gân, hết mình chống đỡ, vận dụng lí trí, nghị lực để vực mình đứng dậy, Hồ Xuân Hương lại chùng xuống khi đối diện với chính mình. Bà lại ngao ngán, chấp nhận số phận trong cơn phẫn uất cực điểm. Bà lại bật lên tiếng thở dài ai oán “Một mình mình lại thương mình xót xa” trong căn phòng không, chiếc gối lẻ loi một mình. Câu thơ bất lực, chứa đầy nét thương thân:
 
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con!
 
Giọng thơ uất ức, hờn tủi cũng “góp phần” tạo thêm sự tù túng, bức bối, ngột ngạt với bao cay đắng, chán chường của nữ sĩ. Thế nhưng, càng đau khổ, càng bế tắc, cô đơn thì Hồ Xuân Hương càng khao khát sẻ chia, khao khát hạnh phúc, khao khát yêu và được yêu, vẫn chờ đợi tình yêu đích thực băng cả sự trinh bạch của tâm hồn: cái mà không một sự tàn phá, va đập nào của thời gian chạm tới được.
 
Sự tự tin, cá tính mạnh mẽ, sức sống mảnh liệt dường như đã bén rễ trong tâm hồn bà. Sóng gió, bão táp khắc nghiệt của đường đời không làm nó lụi tàn mà dường như tiếp thêm động lực để nó ra hoa, kết trái, tươi tốt thêm.
 
Tâm sự của bà cũng là nỗi lòng, tiếng nói của người phụ nữ lúc bấy giờ. Bà thấu hiểu nỗi niềm tiếng lòng của chị em phụ nữ từ xưa và đến cả bây giờ. Khao khát yêu đương, khao khát vươn lên, khao khát sống hạnh phúc là mong muốn của mọi phụ nữ. Một nhà thơ chân chính là phải đi sâu vào hiện thực để nghe tâm hồn của thời đại. Hồ Xuân Hương đã thực hiện điều này rất thành công. Đề tài về cuộc sống, thân phận, khát vọng vẻ đẹp của người phụ nữ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hầu hết các tác phẩm của bà. Tiếng nói, hành động của bà đã góp phần mở đường cho phong trào giải phóng phụ nữ. Với tài năng độc đáo như vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Trung Thông đã viết:
 
Ai thẹn thì cúi đầu,
Ai thích thì nghĩ láu.
 
“Bà chúa thơ Nôm” - Hồ Xuân Hương đã chiếm một vị trí quan trọng trên thi đàn Việt Nam và trong lòng bạn đọc yêu thơ hôm nay và mãi mãi về sau.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây