Bà lão hàng xóm nhận xét: “người ốm rề rề”, chị Dậu cũng nhận thấy chồng mình “còn lề bề lệt bệt chừng như vẫn mệt mỏi lắm”. Khi vợ bê bát cháo đến, anh Dậu được miêu tả bằng một chuỗi những động từ chỉ sự mệt mỏi, yếu ớt: “Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngóng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo...”. Đúng lúc đó thì “cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng”. “Trời đánh còn tránh miếng ăn” huống hồ đấy lại là miếng ăn của một kẻ bị bỏ đói, ốm yếu đến suýt chết. Sự xuất hiện của cai lệ và người nhà lí trưởng, vì thế, ngay từ đầu đã cho thấy sự tàn nhẫn và bất nhân của chúng.
Về mặt nghệ thuật tổ chức truyện, sự xuất hiện của cai lệ và người nhà lí trưởng trong một tình huống như thế đã tạo ra độ căng thẳng giữa sự áp bức và sự chịu đựng của nạn nhân. Chính điều này sẽ làm xuất hiện hành động “tức nước vỡ bờ” của chị Dậu ở phần cuối của đoạn trích. Như vậy, có thể nói, khả năng tạo dựng tình huống truyện của Ngô Tất Tố ở đây là rất điêu luyện.