Bài 1:
Nói đến vườn rau, em làm sao quên được vườn rau của bác Năm bên cạnh nhà em. Vườn rau ấy lúc nào cũng đẹp một màu xanh tươi tốt.
Vườn rau của bác Năm chiếm một khoảng đất không rộng lắm, nhưng dù loại rau quả. Từ xa nhìn lại, vườn rau xanh mịn màng như một tấm thảm nhung. Bước chân vào vườn, em gặp ngay những luống cải bẹ xanh từng hàng thẳng tắp. Những cây cải mở to với những bẹ xanh mọng nước. Kề đó là những luống xà lách mơn mởn xanh non. Rồi những luống rau thơm với từng hàng nào quế, nào ngổ gai, rau húng, rau vấp, cần tàu, cần nước... Từng hàng, mỗi loại được bác chăm sóc rất cẩn thận nên lúc nào rau cũng xanh tươi, không một chiếc lá úa tàn. không một chiếc lá sâu nhấm. Bên những hàng hành, hẹ là những luống cà chua, đậu đũa. Những trái cà chua đỏ mọng nằm sát mặt đất. Những trái đậu đũa tòn ten trên giàn...
Vườn bác Năm còn có một cái ao nhỏ chằng chịt rau muống. Những đoá hoa rau màu trắng rung rinh theo làn gió nhẹ. Trên mặt ao là những giàn bầu, bí chằng chịt quấn quýt bên nhau. Những đoá hoa màu vàng hoà lẫn với màu xanh của lá làm cho giàn bầu, bí nổi bật hẳn lên. Những chú bướm nhởn nhơ bay trên các cánh hoa tạo nên một cảnh rất thơ mộng. Cuối vườn là những hàng mía, hàng chuối thẳng tắp đang kỳ phát triển. Đằng xa hơn là vườn cây trái của bác Năm, cành lá xum xuê và sai oằn những quả.
Bác Năm luôn cặm cụi trong vườn tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân. Vì thế vườn rau luôn xanh tốt và quanh năm gia đình bác có cuộc sống sung túc. Em rất thích vườn rau của bác. Những buổi đẹp trời, em thường sang vườn rau của bác, ngồi bên bờ ao nhìn đàn cá tung tăng bơi lội dưới nước hay nhìn đàn bướm lượn bay trên những cánh hoa.
Bài 2:
Nhà ông bà nội chỉ cách nhà em một con hẻm nhỏ. Cứ mỗi lần sang nhà nội, em lại ngắm nhìn vườn hoa xinh xắn trước sân nhà, mà ông em chăm sóc rất kĩ.
Một buổi sáng sớm, em đến nhà nội, đứng nhìn vườn hoa của ông mà cảm thấy thích thú làm sao! Khắp nơi, khắp phía đều có nhiều hoa đẹp. Hoa nở tràn ngập, hoa nở muôn hình muôn vẻ, hoa tầng tầng lớp lớp như những đốm lửa rực rỡ trong không gian. Mỗi loài hoa đều có những màu sắc riêng, một hương vị riêng. Hoa sứ trắng tinh khiết một màu với hương thơm ngào ngạt. Hoa hướng dương vàng rực như ông mặt trời bé con xinh xắn. Hoa hồng kiêu hãnh vươn lên như một nàng công chúa kiều diễm. Màu hoa đỏ thắm, cánh hoa mịn màng, hương hoa thoang thoảng. Hoa râm bụt đỏ ối, được nắng chiếu sáng rực như những chiếc đèn lồng. Mọc tràn lan trên mặt đất là những chùm hoa mắc cỡ tim tím đang ngả đầu vào nhau như e thẹn… Vườn hoa càng đẹp hơn khi có những cánh bướm chập chờn lượn quanh, những nàng ong vo ve đến hút nhụy. Gió khe khẽ lùa qua, bao nhiêu cánh hoa rập rờn giữa màu lá xanh mơn mởn.
Thế mới biết để có vườn hoa đẹp như vậy, ông em đã phải mất công chăm bón, tưới mát cho cây hàng ngày. Bây giờ, ông em đã mãn nguyện vì công sức mình bỏ ra đã được đền bù xứng đáng.
Mỗi lần đi học, chúng em thường đi ngang qua khu vườn của bác Chín Hạnh. Đó là một khu vườn khá rộng, ước chừng trên một mẫu, trồng nhiều loại cây ăn trái được quy hoạch thành từng bờ dài trông rất đẹp mắt. Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất, cuốn hút sự chú ý của mọi người qua lại trục đường này là khu trồng các loại rau chạy song song với trục lộ giao thông chính của xã.
Bài 3:
Mảnh vườn ấy quanh năm lợp một màu xanh thẫm, mượt mà của các giống rau đủ loại: bắp cải, su hào, cải xanh, cải xạ, rau ngò, rau diếp, cà chua… Với mảnh vườn hai công ấy, bác thu hoạch mỗi năm trên chục triệu đồng. Hiệu quả kinh tế thật không ngờ. Bác nói: ‘Trồng rau vất vả lắm các cháu a! Phải nắm thời vu, đoán định thời tiết để lúc nào thì trồng bắp cải, su hào, lúc nào thì cải xanh, cải bẹ, bông cải… Không những đòi hỏi kĩ thuật làm đất, chọn giống, bón phân tưới nước mà còn cả sự cần cù chịu khó trong chăm bón. Đối với các loại rau, đất phải xốp và thường xuyên giữ độ ẩm thích hợp. Những ngày nắng hạn, phải túc trực ở ngoài vườn, tưới nước ngày hai ba lượt, rã rời cả chân tay mới có được đồng tiền đấy cháu ạ!”.
Hôm thấy em và Thanh đi học về, đứng ngắm mãi vườn rau. Bác bảo: “Hai cháu vòng lại phía cổng, đẩy cửa vào mà xem cho thỏa thích”. Hai đứa mừng quýnh, chạy vội vào vườn để tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của vườn rau. Đứng ở ngoài, em cứ tưởng vườn rau hẹp. Vào đến giữa vườn mới thấy nó rộng. Khu vườn được bao bọc bởi một hàng rào kẽm gai kiên cố. Bên trong, dọc các luống, cứ cách mười mét có một cọc đứng, được nối với nhau bằng một sợi dây ni lông buộc lòng thòng những lá khô và những cái nón lá rách. Chỉ cần ngồi trong nhà, nắm sợi dây giật mạnh là mấy chú gà phải hoảng hốt vọt chạy ra khỏi khu vườn.
Nhìn những luống cải xanh, cải xạ xanh rờn, lá nào lá ấy to hơn cả bàn tay người lớn, xòe rộng phủ kín cả gốc, bác Chín Hạnh nói: “Những luống này, mấy bữa nữa là thu hoạch được”. Cạnh luống cải ngọt, là luống bông cải đang thời kì trổ bông. Thoạt nhìn, những bông cải hình thù như những chùm mào gà kết lại nhưng không phải là màu đỏ mà là màu trắng ngà. Trên mặt bông như có một lớp bụi phân vàng vàng rắc mỏng, trông thật hấp dẫn. Đi hết các luống cải, em gặp một luống rau ngò chỉ cao khoảng hai mươi phân chen chúc nhau vươn lên cao tìm ánh nắng mặt trời. Em cúi xuống bứt nhẹ chút lá, một mùi thơm dễ chịu thoảng qua, hấp dẫn đến kỳ lạ làm em liên tưởng đến những bữa ăn mà mẹ thường mua ngò về, xếp từng cọng trên các đĩa thịt rang hoặc trộn vào rau sống làm cho bữa ăn thêm hấp dẫn và ngon miệng. Thấy chúng em đứng ngẩn ngơ mà ngắm nhìn các luống rau, bác mỉm cười bảo nhỏ: “Các cháu thích trồng rau lắm phải không? Hàng ngày đi học về, ghé vào đây, bác chỉ cho cách trồng từng loại rau, giúp ba mẹ cải thiện bữa ăn. Say mê việc gì ắt làm được việc đó các cháu ạ! Thuở bác còn như các cháu, đi đến đâu có trồng tỉa là bác đứng nhìn, lân la hỏi cách trồng, giờ mới nắm được cách thức trồng tỉa các loại rau đấy. Thấy các cháu mê nghề trồng rau, bác rất vui!”
Tạm biệt bác Chín Hạnh, chúng em ra về. Chân bước đi mà đôi mắt như dán vào các luống rau không muốn rời. Ao ước rồi đây em cũng có một mảnh vườn, một vài luống rau nho nhỏ, đẹp xanh tốt như của bác Chín. Nhất định em sẽ làm được.
Bài 4:
Nhà em ở thành phố, đất không rộng lắm nhưng bố em vẫn thích dành ra khoảng vài chục mét vuông để trồng rau. Bố bảo: “Hồi ở chiến trường lúc nào cũng thèm rau. Bây giờ về nhà phải trồng lấy ăn mới tốt”.
Thế là cái vườn nhỏ xinh xắn nhà em lúc nào cũng xanh tốt. Bố mẹ chia ra từng luống, đầu luống chạm tới hàng rào. Xung quanh vườn đều có hàng rào bao bọc, mấy chú gà cứ lượn quanh nhưng không sao vào được. Luống ngoài cùng là rau thơm, rau gia vị. Cả nhà em ai cũng thích ăn nên trồng luống ngoài cùng cho dễ hái. Húng quế, kinh giới, tía tô, ngò rí, ngò gai, hành, tỏi, ớt… cây nào, rau nào cũng xanh mơn mởn. Luống thứ hai là su hào. Bố em thích trồng loại “su hào trứng”, củ không to nhưng trông rất xinh. Bố bảo: “Loại su hào này vỏ mỏng, không có xơ, vị ngọt, xào cũng ngon mà làm dưa ghóp thì rất tuyệt”. Luống thứ ba trồng cải bắp cuộn. Trông luống rau ai cũng thích. Những cây cải cuộn tròn to như cái nón, chắc nịch, em bê thấy nặng lắm. Mẹ em thường bổ tư cây cải, một bữa nhà em chỉ ăn hết một góc, còn lại đem biếu các cô chú nhà bên.
Luống rau cuối vườn em thích nhất. Cả luống bố em chỉ trồng có sáu cây rau cải. Nhưng mà to lắm, cây nào cây nấy to bằng cái nơm úp cá. Một cây bố em để cho lên hoa để làm giống còn những cây khác, khi đã có ngồng, bố em chặt về, phơi héo rồi nén một vại dưa to.
Vụ rau đông sắp tàn, bố đã chuẩn bị rau xuân hè. Sáng nào bố cũng dậy sớm tưới rau. Các luống rau được bàn tay bố chăm sóc nên luống nào cũng tươi tốt, xanh mơn mởn. Ai cũng khen bố em khéo tay làm vườn.
Mẹ bảo từ ngày bố về, nhà không phải mua rau mà bữa nào cũng có rau tươi để ăn.