Ruộng bậc thang được làm trên những quả núi, quả đồi. Địa hình vùng núi không bằng phẳng như đồng bằng nên đồng bào dân tộc đã nghĩ ra cách làm ruộng đầy sáng tạo này. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, họ rất cần mẫn, vất vả đẽo phạt, san ủi sao cho từng phần đất ở sườn núi trở nên bằng phẳng cho việc trồng cấy. Phần mặt bằng này chạy từng vòng quanh thân đồi núi từ chân lên đến đỉnh.
Hình ảnh những ruộng bậc thang đẹp nhất vào mùa đổ nước cấy và mùa lúa chín. Mùa nước đổ, từ trên cao nhìn xuống, nhìn ruộng bậc thang như bức tranh thủy mặc khổng lồ. Sau khi đã san ủi đất tạo ra mặt bằng cần thiết, người nông dân dẫn nước từ suối vào ruộng. Màu nước trắng đục đan xen với màu đất đỏ, đen. Những bậc ruộng ngoằn ngoèo chạy vòng theo thân núi. Nhìn cả khu đồi núi trập trùng với những sắc màu đan xen một cách kì lạ như vậy thật ấn tượng!
Mùa lúa chín, ruộng bậc thang lại trải rộng một màu vàng đầy mơ mộng. Khi ấy, cả một vùng lúa nương đã chín vàng rực, những hạt thóc mấy chắc vàng giòn, những lá lúa vàng xọng. Những ngọn núi đồi kề nhau tất cả đều dậy lên một màu vàng trù phú. Đặc biệt, những dải ruộng uốn lượn theo triền núi như những đợt sóng tràn trề. Đó là hình ảnh báo hiệu cho những ngày sung túc, đủ đầy.
Từ xưa đến nay, hình ảnh các khu ruộng bậc thang vẫn luôn là một hình ảnh đẹp ở các vùng cao khiến ta cùng các nhà nhiếp ảnh say mê và tốn nhiều phim ảnh. Có thể tự hào mà nói rằng mỗi vẻ đẹp của ruộng bậc thang là những tuyệt tác do người nông dân vùng cao tạo ra. Những cảnh này không chỉ là danh thắng của quê hương, thu hút ta tới chiêm ngưỡng, mà nó còn là những bồ thóc không bao giờ vơi của đồng bào các dân tộc.