Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ của em về nhận định sau: “Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được. Con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi ”.

Thứ tư - 06/04/2016 11:27
Con người sống với đúng nghĩa của hai từ ấy khi có trí tuệ để lao động, sản xuất và trái tim để yêu thương. Kiến thức là để dành cho bản thân và tình thương yêu dành cho mọi người. Vì vậy có ý kiến cho rằng: “Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được. Con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi”.
Phần “con” trong hai tiếng CON NGƯỜI thuộc đời sống bản năng, tự nhiên mà tạo hóa ban cho. Đó là nhu cầu vật chất và nhu cầu sinh lý. Những điều đó tồn tại vô thức trong con người, sinh ra ai cũng có. Tuy nhiên, phần “người” trong hai tiếng CON NGƯỜI lại thuộc đời sống xã hội. Sống trong cộng đồng, mỗi con người cần có trí tuệ, học thức để lao động, sản xuất ra của cải vật chất. Con người cũng không thế tồn tại được nếu không có đời sống tinh thần, tấm lòng yêu thương. Các loài động vật ăn thịt có thể tàn sát nhau, giết hại những động vật khác để tồn tại; nhưng con người muốn sống, muốn phát triển thì cần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau: “Lá lành đùm lá rách” và thậm chí là “lá rách ít” đùm “lá rách nhiều”.
 
Trước tiên con người cần trí tuệ và “trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được”. Tôi hay bất cứ người nào, lúc mới sinh ra không hề biết nói, biết đọc sách, biết quan tâm đến mọi người... Nhưng qua năm tháng, bộ não phát triển, nhu cầu trau dồi kiến thức, trí tuệ dần được hình thành. Trí tuệ bao gồm kiến thức, khả năng suy nghĩ, trình độ vãn hóa của con người. Trí tuệ không tự sinh ra mà con người phải thu nhận, bồi đắp. Thiên tài cũng chỉ có một phần trăm là bẩm sinh, còn chín mươi chín phần trăm còn lại là do rèn luyện. Có nhiều con đường đê bồi đắp kiến thức. Thứ nhất qua sách vở. Đó là kho tư liệu giàu có phong phú, đúc rút kinh nghiệm, tri thức qua hàng nghìn thế hệ. Đọc sách cũng là con đường thẳng dần ta đến nhiều nền văn hóa, xóa khoảng cách không gian và thời gian. Nhưng những kiến thức trong sách vở do người khác trải nghiệm mà viết nền. Chúng ta chỉ thu nhận một cách thụ động. Muốn phát triển toàn diện tri thức cũng cần có vốn sống, kinh nghiệm thực tế. Bản thán kiến thức trong sách vở dù phong phú nhưng không thể bao quát toàn bộ kiến thức của nhân loại. “Những điều ta biết chỉ là một giọt nước. Những điều ta chưa biết là cả đại dương”. Trong tiếng hát tưởng như quen thuộc, bình dị ở làng quê, Nguyễn Trãi học được tiếng nói của những người trồng đay, trồng gai: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ”. L. Tônxtôi thường mua vé tàu hạng bét để được trò chuyện với những người dân nghèo hoặc lắng nghe họ trò chuyện. Qua quá trình trải nghiệm cuộc sống, M. Gorki mới có thể sáng tác Những trường đại học của tôi, kể về những cảnh đời bất hạnh mà nhà văn từng đi qua.
 
 
Bồi đắp trí tuệ, nâng cao học vấn không chỉ đáp ứng nhu cầu cho bản thân mà còn góp sức mạnh cống hiến cho xã hội. Có trí tuệ, con người trở nên văn minh, lịch sự, không nhất thiết để làm chức tước sang trọng mà trước hết đế xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI. Học thức là điều kiện quyết định cho sự phát triển của loài người. Niutơn từng bị một quá táo trên cành cây rụng vào đầu nhưng nếu không có sự tìm tòi, nghiên cứu thì ông không thể khẳng định: Trái đất có lực hút. Người nghệ sỹ nhờ có trí tuệ mới góp cho đời những bản nhạc hay, những bức tranh đẹp, những tác phẩm văn học bất hủ. Nhà khoa học có tư duy, học vấn giúp cho đời những công trình nghiên cứu đồ sộ. Tuy nhiên, bên cạnh những con người ngày đêm học tập, nghiên cứu trau dồi kiến thức vẫn còn có những kẻ lười biếng, sống ỷ lại vào người khác. Hoặc những kẻ có trí tuệ thì đi làm việc tàn ác như Hítle - Chủ nghĩa Phát xít, và Pônpốt — Chủ nghĩa diệt chủng Khơme Đỏ. Những người có tài, có tâm là viên ngọc quý của nhân loại, còn những kẻ có tài mà bất nhân lại là hiểm họa cho con người.
 
Để phát triển một cách toàn diện, con người cần dung hòa giữa hai mặt Tình - Trí, khát vọng - bổn phận. Có trí tuệ chưa đủ vì con người còn mang trong mình trái tim sôi trào nhựa sông với tấm lòng yêu thương. Tình thương yêu không chỉ giữ riêng cho mình mà còn dành cho mọi người. Vì thế mà “con tim giàu lên nhờ nó cho đi”. Sở dĩ như vậy vì chỉ có quan tâm, chia sẻ với nỗi đau của người khác, dành yêu thương cho mọi người, tình thương mới được nhân lên, mới có ý nghĩa. Bản thân chúng ta muốn nhận yêu thương của người khác thì cũng cần cho đi. Khái niệm “cho” và “nhận” vừa là quy luật và cũng là định lí. Có người cho rằng một trái tim đẹp là luôn căng tràn, tròn đầy, màu sắc đỏ tươi. Nhưng theo tôi, họ mới chỉ nhìn vào hình thức bề ngoài để đánh giá. Trái tim đó chỉ có thế trưng bày trong tủ kính, không phải dành cho yêu thương. Một trái tim tuy có nhiều chỗ lồi lõm nhưng chỗ lõm là khi lấy mảnh trái tim gắn cho người khác và chỗ lồi là nhận lại từ người khác. Đó mới là trái tim của yêu thương.
 
Theo quan niệm của nhà Phật, cuộc sống là bể khổ vô biên. Và cũng có người nói: “Cuộc sống là một trường tranh đấu. Con người đang sống là đang chiến đấu”. Bởi vậy, nếu không có trái tim giàu yêu thương với mọi người, có thái độ sống vị tha, mỗi chúng ta không thế sống hạnh phúc. Sống vì người khác giúp ta bớt lạnh lùng, bàng quan, có thể nâng đỡ nhiều thân phận khổ đau, bất hạnh. Bill Gate là một tỉ phú nhưng luôn phát động và quyên góp từ thiện giúp châu Phi từng bước cải thiện đời sống, giải quyết về căn bản tình trạng đói nghèo, bệnh tật. Việt Nam tuy mới chỉ là nước đang phát triển nhưng luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái thông qua chương trình ủng hộ lũ lụt miền Trung, xóa đói giảm nghèo, “Trái tim cho em”,... hay phong trào “Kí tên vì công lí” trở thành sự kiện tại Việt Nam là tín hiệu vô cùng khả quan cho các nạn nhân chất độc màu da cam. Đi đâu cũng thấy người trẻ, người già, sinh viên học sinh hỏi nhau “đã kí tên vì công lí chưa?” mà thấy vui trong lòng. Điều đó minh chứng chúng ta không vô cảm trước nỗi đau của dân tộc mình. Tuy nhiên, bên cạnh những cá nhân giàu tình thương vẫn còn những hiện tượng sống vô cảm, lạnh -lùng, vị kỉ, hẹp hòi. Em bé trong câu chuyện Cô bé bán diêm của Anđecxen sẽ không chết nếu những người giàu có mua cho em những bao diêm để em có thể về nhà. Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, ắt hẳn ta thây không ít những vụ việc đánh nhau của nữ sinh và xung quanh là các bạn học sinh khác nhìn theo cổ vũ và... quay phim, hay đơn giản hơn và cũng dễ bắt gặp hơn là thái độ lạnh lùng, vô cảm của mọi người trên tuyến đường giao thông khi có một người phụ nữ bị ngã xe, thật hiếm để thấy có một ai đó giúp người phụ nữ đứng dậy. Những hiện tượng ấy thật đáng buồn biết bao!
 
Như vậy, “Trí tuệ giàu lên nhờ cái nó nhận được” và “Con tim giàu lên nhờ cái nó cho đi”. Đọc những dòng ấy tôi bỗng thấy ngỡ ngàng vì mình chưa thực sự xứng đáng với những mong mỏi của thầy cô và gia đình. Là một học sinh, tôi vẫn mải chơi vì chưa được trải nghiệm thực tế, vẫn còn sống trong bao bọc mà không hiểu được rằng: muốn hạnh phúc sung sướng trong tương lai thì ngay ngày hôm nay cần khổ công rèn luyện. Không chỉ học trong sách vở mà còn học ở thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh. Tôi thấy xót xa vì nhiều lần nói chuyện nhát gừng với mẹ, hay không làm bài tập cô cho. Trí tuệ và tình yêu thương, trái tim nhân hậu của mọi người đã giúp tôi và cả loài người tiến xa hơn, thực sự thoát khỏi đời sống tự nhiên.
 
Rèn luyện trí tuệ của bản thân, mục đích cuối cùng để phục vụ xã hội. Nhận tình yêu thương nhưng cũng cần dành yêu thương cho người khác:
 
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình...

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây