Có thể nói, lòng tự trọng là một đức tính tốt đẹp trong phẩm giá của mỗi con người. Người có lòng tự trọng luôn biết nhìn nhận một cách đúng đắn về ban thân và những người xung quanh. Dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào thì người có lòng tự trọng luôn biết ứng xử theo quan niệm của tổ tiên ta từ ngàn đời nay “Đói cho sạch, rách cho thơm” hay “Giấy rách phải giữ lấy lề”... Lòng tự trọng không phải ngẫu nhiên có trong mỗi người mà để có được điều ấy mỗi cá nhân trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ. Để có được nó thì rất khó nhưng để mất nó thì dễ lắm bạn ạ.
Ngày nay, có rất nhiều người, nhiều việc biểu hiện thiếu lòng tự trọng. Học sinh tìm cách quay cóp trong các ki thi, sinh viên chép lại luận văn mỗi kì tốt nghiệp. Ngoài đường, khi tham gia giao thông người ta hay đi vào đường ngược chiều hay vượt đèn đỏ một cách tự nhiên khi không có cảnh sát, người ta có thể đổ rác ở bất cứ đâu nghĩa là không phải nhà mình. Nơi công sở, người ta làm việc riêng hay dùng điện thoại cơ quan để trò chuyện hàng giờ. Nơi công cộng, người ta gây phiền hà cho mọi người, không có ý thức giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Lòng tự trọng khác với tự kiêu. Người tự trọng là người không bao giờ quá đề cao bản thân mình mà coi thường người khác. Người có lòng tự trọng là người luôn cố gắng phát huy tài năng của bản thân; luôn học tập, tìm tòi, khám phá và biết tiếp thu ý kiến của người khác để tự hoàn thiện bản thân mình. Chính vì vậy, mỗi bạn học sinh hãy rèn luyện đức tính này cho mình, các bạn nhé. Chúng ta hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất - đừng bao giờ thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử; đừng bao giờ dối trá; háy biết nhận lỗi một cách thành thực khi mắc khuyết điểm - đó là tự trọng đây bạn ạ.
Ngạn ngữ Nga có câu: “Hãy giữ chiếc áo khi còn mới. Hãy giữ danh dự khi còn trẻ trung”. Đó là lời khuyên vô cùng có ý nghĩa và bố ích đối với mỗi bạn học sinh chúng ta khi muốn trở thành một con người chân chính có ích cho xã hội, cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam thân yêu.