Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phát biểu cảm nghĩ của em về số phận người nông dân trong xã hội phong kiến được thể hiện qua những bài ca dao mà em đã được học và đọc thêm.

Chủ nhật - 07/08/2016 23:08
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu phát biểu cảm nghĩ về thân phận những người nông dân trong xã hội cũ thông qua chùm ca dao “Những câu hát than thân”.
- Biểu cảm dựa vào suy nghĩ gợi lên từ chùm ca dao “Những câu hát than thân”, từ phim ảnh, báo chí...; từ những tình cảm, cảm xúc chân thật của bản thân.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Hoàn cảnh tiếp xúc với chùm ca dao “Những câu hát than thân”, đọc và nghe giảng trên lớp.
+ Cảm xúc chung cua em về thân phận người nông dân trong xã hội cũ: xót xa, thương cảm…
Thân bài:
+ Cảm xúc, suy nghĩ của em trước những nỗi khố của người nông dân trong xã hội cũ:
• Cuộc đời lận đận, vất vả, đắng cay vì gặp quá nhiều khó khăn, trắc trở, ngang trái “lên thác xuống ghềnh”, “bể đầy”, “ao cạn” của người nông dân trong xã hội cũ -> nỗi cảm thương sâu sắc.
• Thân phận, cuộc đời cay đắng nhiều bề của họ: bị kẻ khác bòn rút sức lực; xuôi ngược vất vả làm lụng mà vẫn nghèo khó; cuộc đời phiêu bạt, lận đận, vô vọng; thân phận thấp cổ bé họng, chịu bất công oan trái...- > đau đớn, xót xa cho thân phận khốn khổ của người nông dân
• Số phận bị phụ thuộc, không quyết định được cuộc đời mình của những người phụ nữ, sông cuộc đời trôi nổi, vô định... -> cảm thông, thương xót.
+ Cảm xúc, suy nghĩ về các hình ảnh ẩn dụ so sánh trong các bài ca dao: con cò, con tằm, con kiến tí ti, con hạc, con cuốc, trái bần...-> sự vật tầm thường, nhỏ bé, tội nghiệp... giống như cuộc đời và số phận của những người nông dân trong xã hội cũ.
+ Thái độ, tình cảm của em về xã hội phong kiến xưa: xã hội bất công, đáng lên án...
Kết bài:
Suy nghĩ, liên tưởng về hình ảnh người nông dân trong xã hội ngày nay và tình cảm, cảm xúc của em.

B. Bài văn mẫu

“Thương người như thể thương thân...”, với tấm lòng nhân ái được tổ tiên truyền dạy từ ngàn năm trước, ngoài nội dung thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình... ca dao Việt Nam còn bộc lộ niềm đồng cảm sâu sắc với số phận bất hạnh của người nông dân trong xã hội phong kiến.
Những vần thơ ấy gợi lên trong lòng người đọc niềm thương cảm với những số phận bọt bèo bé nhỏ đồng thời thấm thía cái bạo tàn, thối nát của chế độ phong kiến suy tàn.
 
Trong xã hội cũ, thân phận người nông dân hèn mọn, bé nhỏ biết bao. Họ phải làm lụng vất vả, lam lũ như thân cái cò, cái kiến, con rùa, con hạc,...
 
“Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay”.
 
Cuộc đời vất vả của con cò được diễn tả bằng hình ảnh đối lập: một mình lận đận giữa nước non, lên thác xuống ghềnh, vượt qua những nơi khó khăn, nguy hiểm. Bản thân cò thì lận đận, gầy mòn. Việc vất vả đó kéo dài: “bấy nay” chứ không phải một ngày hai ngày. Những hình ảnh đối lập, những nơi nguy hiểm, những ao, thác, ghềnh, biển cho thấy con cò đã phải trái nhiều nơi chốn, nhiều cảnh huống, chỉ một mình nó thui thủi, vất vả đến mức gầy mòn. Cuộc đời lận đận được diễn tả khá sinh động, ấn tượng.
 
Thân phận người nông dân quả là trăm người trăm cảnh. Bên cạnh những thân phận cái cò, cái vạc còn có những cái kiến, con rùa, con hạc...:
 
- "Thương thay thân phận con rùa
 Xuống sông đội đá lên chùa đội bia".
 
- “Thương thay thân phận con tằm
 Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ
Thương thay lũ kiến li ti
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi
Thương thay hạc lánh đường mây
Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi
Thương thay con cuốc giữa trời
Dầu kêu ra máu có người nào nghe.”
 
Cụm từ thương thay là tiếng than biểu hiện sự đồng cảm, thương xót. Có một nhóm bài ca dao bắt đầu bằng cụm từ “Thương thay”. Mỗi lần “thương thay” là nhắc đến một con vật với một cảnh ngộ khác nhau nhưng lại cùng chung thân phận người nông dân vất vả, lam lũ. Điều đó tô đậm nỗi thương cảm, xót xa cho cuộc sống khổ sở nhiều bề của người lao động. Những nỗi thương thân của người nông dân thể hiện qua các hình ảnh ẩn dụ độc đáo. Thương con rùa “xuống thương sông đội đá lên chùa đội bia” là thương người nông dân với cuộc đời luẩn quẩn của thân phận tôi đòi. Thương con tằm là thương cho thân phận bị bòn rút sức lực phục vụ kẻ khác. Thương lũ kiến tí ti là thương cho thân phận bé nhỏ suốt đời phải làm lụng kiếm miếng ăn. Thương cho con hạc là thương cho cuộc đời phiêu bạt, khốn khó, mỏi mệt không có tương lai (biết ngày nào thôi). Thương cho con cuốc là thương thân phận thấp bé, dù có than thở đến kiệt sức thì cùng không có người động lòng, thương xót... Nỗi thương xót như muốn kéo dài triền miên qua hình ảnh cua những con vật bé nhỏ, tội nghiệp.
 
Mỗi con vật, mỗi nỗi khổ, mỗi cảnh ngộ đáng thương khác nhau làm nên nỗi khổ nhiều bề của thân phận người lao động.
 
Càng thương xót cho những người đồng bào lao khổ của mình, ta càng căm giận những thế lực đen tối chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của họ. Vì vậy, không chỉ than thân cho những người nông dân trong xã hội phong kiến, ca dao còn gợi niềm căm tức đối với xã hội đầy rẫy bất công đó:
 
“Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn cho gầy cò con?”
 
Sử dụng đại từ phiếm chỉ “Ai”, bài ca dao đã hướng mũi tên công kích đến xã hội phong kiến suy tàn đã đày đọa thân phận bé nhỏ của những người nông dân. Xã hội đó đã làm nên chuyện bể đáy, ao cạn, cho cuộc đời biến đổi bể dâu khiến thân cò thêm lận đận, thêm gầy mòn. Câu hỏi tu từ đã gián tiếp tố cáo xã hội phong kiến bất công đó.
 
Yêu thương và căm hờn là hai dòng cảm xúc khôn nguôi khi đọc những bài ca dao viết về thân phận người nông dân trong xã hội phong kiến. Đọc ca dao để cảm xúc của mỗi chúng ta được sống với tấm lòng của ông cha từ ngàn năm trước. Đọc ca dao để mỗi chúng ta biết sống có ích cho ngày hôm nay.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây