Mở bài:
+ Ca dao là tiếng nói tình cảm của nhân dân lao động, bày tỏ suy nghĩ cảm xúc về nhiều đối tượng trong đời sống.
+ Người phụ nữ là một đề tài giàu ý nghĩa nhân đạo của ca dao Việt Nam. Trong đó, đặc biệt là cụm bài ca dao bắt đầu bằng cụm từ “Thân em...”.
Thân bài:
+ Giới thiệu một số bài ca dao bắt đầu băng cụm từ “Thân em...”.
+ Nội dung tư tưởng của những bài ca dao đó:
• Tự hào về vẻ đẹp của bản thân: lụa đào, chẽn lúa đòng đòng,...
• Mặc cảm về thân phận bé mọn: là tấm lụa đào, miếng cau khô, trái bần trôi,...
• Số phận bọt bèo, chìm nổi, không được tự định đoạt cho cuộc đời mình: “phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”, “gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”,...
+ Nghệ thuật:
• Đều bắt đều bằng cụm từ “Thân em...” hàm chứa một nỗi mặc cảm, tủi hờn.
• Đa phần sử dụng thể thơ lục bát truyền thông tha thiết.
• Giàu hình ảnh.
Kết bài:
+ Khái quát về nội dung tư tưởng và đánh giá về nội dung tư tưởng ấy.
+ Khẳng định giá trị của những bài ca dao ấy trong kho tàng văn học Việt Nam.
B. Bài văn mẫu
Trong xã hội phong kiến xưa, do những định kiến lạc hậu của xã hội nên thân phận người phụ nữ bị coi rẻ, coi thường; và vì vậy cuộc đời của họ lênh đênh, vô định.
Viết về người phụ nữ, ca dao có nhóm bài ca dao bắt đầu bằng cụm từ “Thân em...” rất đặc sắc. Ta có thể kể đến những bài như:
- Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
- Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
- Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
- Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày.
- Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân,...
Cụm từ “Thân em...” mang ý nghĩa thân phận của em. Cụm từ ấy gợi bao nỗi hờn tủi về thân phận bé nhỏ, bơ vơ của người phụ nữ. Sau cụm từ “Thân em ” là từ so sánh “như...”. Người phụ nữ tự ví bản thân mình với những đối tượng khác nhau trong sự sống: hạt mưa rào, hạt mưa sa, trái bần, miếng cau, giếng giữa đàng,.
Điều dễ nhận thấy là những sự vật đó đều bé nhỏ, mong manh và có phần tội nghiệp. Hạt mưa vốn dĩ đã mỏng mảnh dễ tan dễ vỡ, nay đó lại là “hạt mưa sa” - hạt mưa bị rơi hay chính là bị bỏ rơi vào một miền xa lạ - bởi thế, thân phận của nó càng đáng thương. Những sự vật khác cũng vậy, tác giả dân gian đã thêm vào sau mỗi danh từ những từ chí tính chất của sự vật, điều đó càng khiến lời thơ trở nên đau xót. Miếng cau vốn bị đã chia lìa khỏi một trái cau hoàn chỉnh nay đó lại là miếng “cau khô“ héo úa, hình dáng càng trở nên mỏng manh khổ sở. Trái bần thì đó là “trái bần trôi”, giếng thì đó là “giếng giữa đàng” (mà như cha ông ta thường nói “cha chung không ai xót...” nói chi đến một cái giếng hèn mọn...),... Mỗi câu ca dao một “Thân em...” khác nhau, bao nhiêu số phận, bấy nhiêu mảnh đời ngang trái hiện ra đầy thương cảm lời thơ như ứa lệ chứa dựng bao hờn tủi của một đời người con gái.
Không chỉ vậy, trong xã hội xưa, người phụ nữ nào được quyền làm chủ cuộc đời mình, số phận họ chìm nổi “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” phụ thuộc vào cha mẹ “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, phụ thuộc vào gia thế, phụ thuộc vào những biến động của xã hội,... Bởi thế, những hạt mưa, cái giếng,... lại có thể có những số phận khác nhau: hoặc may mắn “vào đài các” được “người khôn rửa mặt” hoặc “ra ruộng cày”, “kẻ phàm rửa chân”. Hình ảnh thơ vô cùng gợi cảm diễn tả sinh động những hoàn cảnh đối nghịch nhau. Nhưng dẫu vậy, dù may mắn hay bất hạnh, thân phận người phụ nữ vẫn nằm trong vòng xoáy bạc mệnh của kiếp hồng nhan. Các nàng giống như “trái bần trôi”, “gió dập sóng dồi” cuộc đời xô đẩy rồi không biết mình sẽ “tấp vào đâu”.
Những bài ca dao bát đầu bằng cụm từ “Thân em...” là nhóm bài ca dao than thân độc đáo thể hiện cái nhìn về thân phận người phụ trong xã hội phong kiến. Mỗi bài ca dao là một sự liên tưởng đặc sắc vừa phản ánh được nỗi bất hạnh của người phụ nữ vừa giàu sức gợi để lại trong người đọc những cảm xúc sâu lắng.