HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
- Đây là câu hỏi yêu cầu tích hợp kiến thức văn và tiếng Việt.
- Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú nhưng được tác giả sử dụng ngôn ngữ nôm na, bình dị (thuần Việt). Cả bài thơ không sử dụng từ Hán Việt, nhất là trong thời kì chữ Hán đang thịnh vượng, thống lĩnh. Điều này cho thấy ý thức tự tôn, tự chủ dân tộc rất lớn trong tác giả.
- Vẻ đẹp ngôn ngữ của bài thơ được thể hiện ở các phương diện:
+ Ở cách sử dụng ngôn ngữ xưng hô: bác, ta, ý chỉ thân thiện, gần gũi - cũng là tấm lòng chân tình tri kỉ.
+ Cách liệt kê hình ảnh chợ, ao, vườn, rào, chài, cá, gà, cải, bầu, mướp, ca ngợi tình cảm chân quê, đằm thắm. Qua cách dùng hình ảnh ấy, bức tranh điền viên quê hương Việt Nam được tái hiện chân thực. Ta hiểu được tâm hồn bình dị, trong sáng, chân thành của hai người bạn, hai con người Việt Nam.
- Nhịp điệu 4/3 chậm rãi của thể thơ thất ngôn góp phần tạo cho âm điệu bài thơ sâu lắng, dễ đi vào lòng người.
- Sức lôi cuốn, hấp dẫn của bài thơ chính là ở cách diễn đạt chân thành lời thơ như lời nói, lời tỏ bày, kể lể thật thà của một tấm lòng “có sao nói vậy”.
BÀI LÀM THAM KHẢO
Nguyễn Khuyến là vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình. Ông thường viết về cuộc sống bình dị mà thơ mộng nơi thôn quê với những chủ đề vô cùng thân thuộc. Tác phẩm “Bạn đến chơi nhà” của ông cũng giống như một dòng sông êm đềm, lững lờ trôi nơi thôn quê ấy để rồi in đậm dấu ấn trong lòng người đọc tự lúc nào không hay. Cả bài thơ không sử dụng từ Hán Việt, nhất là trong thời kì chữ Hán đang thịnh vượng, thống lĩnh. Điều này cho thấy ý thức tự tôn, tự chủ dân tộc rất lớn trong tác giả.
Mở đầu bài thơ là sự khái quát về khoảng cách thời gian “lâu” rồi “bác” mới đến nhà tôi chơi:
“Đã bấy lâu nay bác tới nhà,”
Tác giả đã thể hiện niềm vui, sự niềm nở đón tiếp vị khách quý đến nhà. Thêm vào đó, cách gọi “bác” của nhà thơ toát lên sự gần gũi, gắn bó, như họ hàng ruột thịt trong nhà. Tuy nhiên sáu câu thơ tiếp theo lại nói lên tâm trạng bối rối, khó xử của nhà thơ khi muốn thiết đãi bạn thật chu đáo nhưng hoàn cảnh lại hết sức éo le.
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,”
Ông muốn tiếp đãi bạn thật thịnh soạn nhưng “trẻ” thì không có nhà để sai bảo, “chợ” thì lại ở xa, nghĩ về cây nhà lá vườn thì “khôn chài cá”, “khó đuổi gà”, “cải” chưa ra cây, “cà” vẫn còn nụ, “bầu vừa rụng rốn”, “mướp” còn hoa. Từ sơn hào hải vị đến dân dã thôn quê nhà thơ đều muốn cho bạn thưởng thức, chỉ là không thể thực hiện được. Tiếp đó Nguyễn Khuyến muốn tiếp bạn bằng phong tục thường ngày, bằng lễ nghi tiếp khách thông thường “miếng trầu mở đầu câu chuyện”, nhưng cũng không thành. Chính trong hoàn cảnh éo le này một tình bạn chân thật nhất, sâu sắc nhất mới được tỏa sáng:
“Bác đến chơi đây ta với ta.”
Câu thơ như một tiếng cười xòa đùa vui bật lên của nhà thơ. Khác với hình ảnh “ta với ta” trong bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
“Một mảnh tình riêng ta với ta”.
Chỉ một người, một tâm trạng, thể hiện sự cô đơn khi đối diện với chính mình và cũng là sự nhỏ bé trước thiên nhiên mênh mông nơi đất khách. “Ta với ta” ở bài thơ của Nguyễn Khuyến thể hiện sự hòa hợp, gắn bó, đồng nhất giữa hai người bạn, hai nhưng là một. Đồng thời cũng ngầm khẳng định tình bạn giữa hai người đã không còn khoảng cách, không còn sự e dè, ngại ngùng. Một tình bạn chân chính không phải là đề cao ở vật chất mà sự chân thành, tri âm tri kỉ mới là chân lí.
Quan niệm về tình bạn của Nguyễn Khuyến cũng đồng điệu với quan niệm mà Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn phê phán trong bài thơ “Thói đời”:
“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi…
…Ở thế mới hay người bạc ác
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.”
Tiếp theo đó, tuy tác giả dùng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật bó buộc, khuôn mẫu nhưng kết hợp cùng nhịp thơ 4/3 và lời thơ giản dị, bài thơ không hề cứng ngắc mà rất nhẹ nhàng giống như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Hơn nữa bút pháp trào phúng , phép đối, nói quá làm cho tác phẩm giống như lời tâm tình, lời tiếp chuyện đùa vui, hóm hỉnh của tác giả và người bạn của mình. Đồng thời, việc khéo léo đưa các hình ảnh “vườn rộng rào thưa”, “ao sâu nước cả”, “cải chửa ra cây”… vừa vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh miền quê yên ả, ấm no, vừa cho thấy cái tài của nhà thơ Nguyễn Khuyến trong việc thơ ca hóa những sự vật dân dã. Chính những yếu tố ấy cũng đã góp phần tạo nên sự thành công của bài thơ, góp phần bộc lộ sự trân trọng, nâng niu của tác giả với một tình bạn đẹp tuổi xế chiều.
Bài thơ để lại ấn tượng khó phai về tình bạn trong lòng người đọc. Một tình bạn đã bỏ qua mọi vật chất tầm thường, thanh cao, sâu đậm. Sức lôi cuốn, hấp dẫn của bài thơ chính là ở cách diễn đạt chân thành lời thơ như lời nói, lời tỏ bày, kể lể thật thà của một tấm lòng “có sao nói vậy”. Qua đó thể hiện con người ngay thẳng, chân thật, coi trọng tình nghĩa của nhà thơ.