Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.

Thứ ba - 15/11/2016 02:24
Trong tác phẩm văn học, sự xuất hiện của bất cứ nhân vật nào, dù là nhân vật phụ cũng nằm trong ý đồ sáng tạo của nhà văn. Ít nhiều, sự xuất hiện đó sẽ mang đến văn bản văn học những giá trị nhất định. Khi người vợ nhặt xuất hiện với bộ dạng thiểu não trong truyện ngắn cùng tên thì không phải Kim Lân đang gia công bêu xấu con người mà nhà văn muốn thể hiện những điều cao cả hơn thế nữa.
Từ trước đến nay, đọc Vợ nhặt, chúng ta vẫn thường bàn nhiều hơn về hai mẹ con anh cu Tràng mà gần như không chú ý lắm đến người vợ nhặt. Thực ra, từ nhân vật này, chúng ta có thể nhận diện được khá nhiều điều về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Vai trò của nhân vật người vợ nhặt trước hết có thể được xác định từ những đóng góp trong việc biểu đạt nội dung truyện ngắn.
 
Nhà lí luận văn học Phan Huy Dùng từng khẳng định: “Khi nhân vật xuất hiện, cái gọi là “hiện thực cuộc sống không còn tồn tại như một khái niệm khô khan, trừu tượng nữa mà trở nên có hình khối rõ ràng, có đủ “ba chiều” để mời gọi người đọc tưởng tượng, khám phá và suy ngẫm”. Hiện thực cuộc sống trong Vợ nhặt là gì? Với truyện ngắn này, Kim Lân đã trình bày hai mảng hiện thực, một về xã hội, một về con người. Trong văn bản truyện, không chứng kiến những cảnh chết no, chết đói như trên trang truyện Nam Cao nhưng người đọc vẫn rất thấm thía về cái đói của một thời đại qua vài nét phác họa của nhà văn. Truyện được mở đầu bằng bầu không khí u ám, nặng tử khí: “Không khí vẫn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, tiếng quạ ngoài bãi chợ “cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Giữa cảnh tượng “người chết như ngả rạ”, người sống đi lại dật dờ, “xanh xám như những bổng ma”, người đàn bà tới đây sẽ trở thành chị vợ anh cu Tràng cũng có hình hài không mấy tươi tắn. Người vợ nhặt không được miêu tả với dáng vóc đậm đà, chắc nịch của những người phụ nữ lao động, càng không thể có vẻ đẹp thuần phác như chị Dậu của Ngô Tất Tố. Ngoại hình thị được phác qua bằng một vài đường nét thiếu nữ tính: “cái ngực lép nhô lên”, “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “thị gầy sọp”, “trên khuôn mặt lưỡi cầy xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “hai con mắt trũng hoáy”. Những chi tiết đó không thể khiến ta thôi nghĩ đến một cơ thể thiếu sức sống, thậm chí một bóng ma vật vờ. Tại sao một thanh niên lao động lại có hình dạng như vậy?
 
Nhưng những chi tiết cho thấy sự biến dạng về nhân hình của thị chỉ là sự chuẩn bị để người đọc không ngỡ ngàng trước sự biến dạng về nhân cách. Không ai có thể ngờ người đàn bà đó lại có thể hạ thấp mình vì miếng ăn đến thế. Chi tiết thị “sưng sỉa” khi Tràng thất hứa và “thị cắn đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” đã phá hủy hoàn toàn sự kiêu hãnh vốn có trong mỗi người con gái. Bất ngờ hơn, khi Tràng nói đùa “có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, thị theo về thật. Tại sao người đàn bà ấy có thể dễ dàng theo không Tràng? Thị không nghĩ gì đến danh giá của người con gái chưa chồng? “Trăm năm tính cuộc vuông tròn,…” lẽ nào thị liều lĩnh đến vậy?
 
Mấu chốt của mọi vấn đề là ở cái đói. Khi không giữ được hình hài con người bởi cái đói. Thị không giữ được cái e lệ, không còn ý tứ bởi cái đói. Thị liều lĩnh “trao thân gửi phận” cho người đàn ông không quen biết cũng bởi cái đói. Sự biến dạng thảm khốc về nhân hình và nhân cách người đàn bà này có nguyên nhân từ miếng ăn, từ bản năng sinh tồn. Thân phận thị vừa là nạn nhân thê thảm nhất, vừa là bản cáo trạng đanh thép nhất của một thời đại xã hội. Chỉ nhìn những nỗi khổ nhục mà thị trải qua, chúng ta có thể thấu hiểu hết bao cơ cực, nông nỗi của người lao động Việt Nam thời điểm đêm trước cuộc Cách mạng. Kim Lân không một lời chỉ trích bọn đế quốc Pháp, Nhật, nhưng sức tố cáo từ hình tượng này lại có sức mạnh hơn mọi lời buộc tội cộng lại. Giá trị hiện thực của văn bản truyện nhờ đó được biểu hiện sinh động, hấp dẫn.
 
 
Viết về thân phận rẻ rúng của con người nhưng Kim Lân không mang vào trang viết của mình giọng văn khinh ghét, coi thường. Nhà văn thấu hiểu nỗi khổ nhân vật nên ngay khi có cơ hội, ngòi bút tác giả lập tức cất tiếng ngợi ca. Kim Lân khéo léo để anh cu Tràng nhận ra vẻ đẹp thực ở người vợ tội nghiệp của mình: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài phố. Với bàn tay người vợ ấy, cuộc sống gia đình Tràng đã khác hẳn. Thị không nói đến những chuyên vui, chuyện sung sướng như bà cụ Tứ nhưng chính thị là người đã góp sức để “nhà cửa, sân vườn hòm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng”. Và chính thị chứ không phải ai khác là người đầu tiên trong cái gia đình nhỏ bé manh nha về tinh thần cách mạng của dân tộc: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy”. Không ai ngờ được ở người vợ nhặt lại có tiềm tàng những điều mới mẻ tốt đẹp như thế. Ta bắt gặp niềm tin mãnh liệt của Kim Lân vào con người, vào cuộc đời. Không nâng niu, không tin yêu, Kim Lân không thể kiên nhẫn để phát hiện những vẻ đẹp bị khuất lấp ở người đàn bà và miêu tả chúng bằng một thái độ trân trọng không chút ngạc nhiên. Tinh thần nhân đạo của nhà văn là ở đó. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn cũng nằm ở đó.
 
Vai trò của nhân vật người vợ nhặt không chỉ được biểu hiện trên phương diện nội dung tư tưởng mà còn ở phương diện nghệ thuật của văn bản truyện. Kim Lân đã dụng công xây dựng tình huống nghệ thuật độc đáo. Bất cứ ai đọc truyện ngắn đều cám cảnh trước sự tình éo le trong truyện. Anh cu Tràng vừa xấu xí, nghèo túng lại là dân ngụ cư, không có khả năng lấy vợ thế mà nhặt” được vợ một cách dễ dàng. Chỉ bốn bát bánh đúc, người đàn bà nghèo khổ chấp nhận theo không người đàn ông không từng quen biết Nhà phê bình văn học Nguyên Đáng Mạnh đã từng viết: “Tình huống giống như thứ nước rửa ảnh, nó sẽ làm nổi hình nổi sác các nhân vật, bộc lộ các số phận, các tính cách, các tâm trạng…” Thông qua hình tượng vợ nhặt, thân phận rẻ rúng của con người sẽ được biểu hiện một cách sinh động, cụ thể. Nói như vậy cũng có nghĩa là, phần nào đó từ nhân vật người vợ nhặt, tình huống truyện sẽ được khai triển. Đó là lẽ tất nhiên bởi không có nhân vật này, diễn biến tình huống sẽ bị ách tắc, quan trọng hơn là tính chất éo le của nó không được biểu hiện. Như vậy, trước tiên, vai trò của nhân vật được biểu hiện trong tình huống nghệ thuật của truyện.
 
Nhân vật vợ nhặt bước vào tác phẩm còn trở thành nhân tố tạo nên mối liên kết giữa các sự kiện trong đó. Sự xuất hiện của thị đưa câu chuyện đạt được sự thống nhất, hoàn chỉnh, chặt chẽ. Thiếu vắng hình tượng này, câu chuyện của Kim Lân sẽ kém đậm đà và chắc chắn nhưng thông điệp của tác giả sẽ không thể tới người đọc.
 
Đọc Vợ nhặt, độc giả chỉ có thể gọi người đàn bà đã theo Tràng về làm vợ là “chị vợ anh cu Tràng” hoặc vợ nhặt như chính tác giả đã gọi. Chị ta bần cùng đến mức cái tên cũng không có? Hay Kim Lân cố tình để chị chàng không có tên? Và nếu đó là sắp đặt nghệ thuật thì phải chăng vì nhà văn không thể lấy một cái tên để gọi cho một cơ số người như chị. Cùng với chị Dậu (Tắt đèn), Mị (Vợ chồng A Phủ) và sau này còn là những chị Đào (Mùa lạc), người vợ nhặt đã góp phần xây dựng nên bức tượng đài về người phụ nữ lao động Việt Nam. Từ hình tượng nhân vật này, chúng ta còn được chứng kiến một tấm lòng nhân đạo cao cả, một tâm hồn nghệ sĩ gắn bó sâu nặng với cuộc đời, với con người.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây