Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích và nêu cảm nghĩ của em về bài "Chiếu dời đô" của Lý Thái Tổ

Thứ năm - 04/08/2016 07:22
Lý Công Uẩn (974-1028) quê ở Kinh Bắc, là võ tướng cao cấp của Lê Đại Hành, từng giữ chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Ông là người tài trí, đức độ, kín đáo, nhiều uy vọng. Năm 1009, Lê Ngọa Triều chết, ông được giới tăng lữ và triều thần tôn lên làm vua, tức Lý Thái Tổ dựng nên triều đại nhà Lý hơn 200 năm (1009-1225).
Năm 1010, Lý Thái Tổ viết "Thiên đô chiếu" dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, sau đổi là Thăng Long, kinh đô của Đại Việt. "Chiếu là lời của vua ban bố hiệu lệnh thần dân" (Dương Quảng Hàm), thuộc văn xuôi cổ, câu văn có vế đối, ngôn từ trang nghiêm, trang trọng. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn là một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn, sắp đến lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử trọng đại của luận văn này. Văn bản chữ Hán chỉ có 214 chữ, bản dịch của Nguyễn Đức Vân dài 360 chữ.
 
1. Phần đầu "Chiếu dời đô" nói lên mục đích sâu xa, tầm quan trọng của việc dời đô là để "đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp tính kế muôn đời cho con cháu; trên theo mệnh trời, dưới theo ý dân". Nói một cách khác, việc dời dô là một việc lớn, vừa hợp mệnh trời vừa hợp lòng dân, là để xây dựng đất nước cuờng thịnh, đem lại hạnh phúc, thái bình cho nhân dân.
 
Việc dời đô không còn là chuyện hi hữu, mà đó là những kinh nghiệm lịch sử, phản ánh xu thế phát triển lịch sử của từng quốc gia, từng thời đại. Tác giả đã nêu lên những dẫn chứng lịch sử để thu phục nhân tâm. Chuyện ở xa là chuyện bên Tàu: "Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô". Chuyện gần là ở nước ta thời nhà Đinh, nhà Lê vì chỉ  "theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời...", cứ " đóng yên đô thành" ở Hoa Lư nên dẫn đến thảm kịch: " Triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi "... Sử sách cho biết, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp tan 12 sứ quân, năm 968 ông lên ngôi hoàng đế thì đến năm 979 nhà vua bị ám hại. Năm 981, Lê Hoàn lên làm vua, tuy đã đánh thắng giặc Tống xâm lược, nhưng năm 1005, Lê Đại Hành băng hà, thì các thế lực phong kiến, các hoàng tử... lại xung đột, tranh giành ngôi báu, loạn lạc kéo dài "trăm họ phải hao tổn "nhiều xương máu, tiền của. Cái chết của vua Lê Ngọa Triều năm 1009 đã chứng tỏ hai triều đại Đinh, Lê "không được lâu bền, ngắn ngủi”. Hai triều đại Đinh, Lê phải đóng đô là do nhiều nguyên nhân lịch sử: nhà nước phong kiến Việt Nam chưa đủ mạnh, nạn cát cứ của các lãnh chúa hoành hành, giặc giã loạn lạc kéo dài. Do đó, các vua nhà Đinh, nhà Lê phải nuôi hổ báo ở trong nhà, phải nấu vạc dầu ở ngoài sân, dựa vào sông sâu núi cao, địa thế hiểm trở vùng Hoa Lư để đóng đô và phòng thủ. Đóng đô ở Hoa Lư là một hạn chế của lịch sử của nhà Đinh, nhà Lê.
 
Lý Công Uẩn "đau xót" khi nghĩ về "vận số ngắn ngủi" của nhà Đinh, nhà Lê và cảm thấy việc dời đô là một việc cấp thiết “không thể không dời đổi”.
 
"Chiếu dời đô" trong phần mở đầu, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng lịch sử là sự thật hiển nhiên, giàu sức thuyết phục lòng người. Tác giả đã lồng cảm xúc vào bài chiếu, tạo nên bao ấn tượng đẹp: "Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.
 
Cuốn “ Lịch sử Việt Nam” của Viện Sử học đã viết: “Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu phát triển  mới của quốc gia phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin và quyết tâm của cả dân tộc giữ vững nền độc lập”...
 
2.Đại La có địa thế rất thuận lợi, rất đẹp để đóng đô
 
Đại La không có gì xa lạ, là "kinh đô cũ Cao Vương". Cao Vương là Cao Biền, đại quan của nhà Đường, từng làm Đô hộ sứ Giao Châu từ 864 - 875; năm 866, Cao Biền đã xây thành Đại La, thuộc Hà Nội ngày nay.
 
Đại La rất thuận tiện. Về vị trí địa lí là “ở vào nơi trung tâm trời đất... đã đúng ngôi nam bắc đông tây”. Về địa thế, rất đẹp, rất hùng vĩ: "được cái thế rồng cuộn hổ ngồi", "lại tiện hướng nhìn sông dựa núi", "địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng".
 
Là một vùng đất cư trú lí tưởng cho dân cư, không "ngập lụt", muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Tóm lại, Đại La là “thắng địa”, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”. Đại La xứng đáng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời

Phần thứ hai của “Chiếu dời đô” cho thấy tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn về Đại La, nơi sẽ dời đô đến. Một cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chính xác về các mặt vị trí địa lí, địa thế, nhân văn... Sau một nghìn năm, Hà Nội đã trở thành thủ đô hòa bình của đất nước ta, nhân dân ta, ta càng thấy việc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La của Lý Công uẩn là một cống hiến vô cùng vĩ đại “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho cháu”.
 
Sử sách còn ghi lại: khi thuyền rồng của nhà vua vừa cập bến sông Nhị Hà ở chân thành Đại La thì có con rồng vàng bay lên, vua cho là điềm tốt mới đổi tên là Thăng Long. Thăng Long là “Rồng lên” thể hiện cái thế bay lên và khát vọng của nhân dân xây dựng Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh có nền văn hiến lâu đời rực rỡ. Ý chí tự lập tự cường và niềm tin về ngày mai tốt đẹp được khẳng định một cách mạnh mẽ.
 
Về mặt văn chương, phần thứ hai “Chiếu dời đô ” rất đặc sắc. Cách viết hàm súc, giàu hình ảnh và biểu cảm, những vế đối rất chỉnh, đọc lên nghe rất thú vị, mặc dù phải qua bản dịch:
 
“Huống gì thành Đại La...ở vào nơi trung tâm trời đất được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi tam bắc tây đông //; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Dân cư khỏi phải chịu cảnh khốn khổ ngập lụt //;muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước //;cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
 
3. Phần cuối nguyên tác "Thiên đô chiếu" chỉ có 14 chữ, bản dịch thành 19 chữ. Nhà vua bày tỏ ý mình về việc dời đô và hỏi quần thần. Đúng Lý Công uẩn là một người “tài trí, đức độ, kín đáo”.
 
"Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào? .
 
Việc dời đô của Lý Công uẩn là một kì tích, kì công. Sau gần một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội “đất văn vật” đã trở thành thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm chính trị, kinh tế, quốc phòng, văn hóa của đất nước ta.
 
"Chiếu dời đô" là áng văn xuôi cổ độc đáo, đặc sắc của tổ tiên để lại. Ngôn từ trang trọng, đúng là khẩu khí của bậc đế vương. Nó là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ Việt Nam. Nó khơi dậy trong lòng nhân dân ta lòng tự hào và ý chí tự cường mạnh mẽ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây