Nguyên tác bằng chữ Hán, đây là bản dịch thơ:
"Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ".
Bài thơ viết về một cảnh ngắm trăng, một tư thế ngắm trăng trong tù, qua đó biểu hiện một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự tại của nhà thơ - chiến sĩ.
1. Hai câu thơ đầu nói lên một cảnh ngộ và một nỗi niềm: lòng bối rối biết làm thế nào trước cảnh đẹp đêm nay vì không có rượu có hoa để thưởng ngoạn? Trong tù phải chia nước, khẩu phần là lưng bát cháo loãng, muỗi rệp, phải đắp chăn giấy,... thiếu thốn và cay đắng vô cùng. Vậy tìm đâu ra rượu và hoa để ngắm cảnh đẹp đêm thu trong tù. Rượi trăng, hoa là ba thú vui tao nhã của thi nhân xưa nay. Câu đầu như một lời tự an ủi: "Trong tù không rượu cũng không hoa". Trước cảnh đẹp đêm thu, thiếu rượu và hoa, thi nhân băn khoăn, bối rối "biết làm thế nào?". Đó là tâm trạng, là bi kịch của một thi nhân có tâm hồn thanh cao và giàu tình yêu thiên nhiên:
"Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ".
Câu thơ chưa nói đến trăng mà người đọc đã cảm thấy một vầng trăng đẹp xuất hiện.
2. Hai câu ba, bốn nói vầng trăng mới xuất hiện. Một cảnh ngắm trăng hiếm có:
"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ".
Câu thơ chữ Hán nào cũng có hai hình ảnh đối chiếu: "nhân nguyệt", "nguyệt thi gia" và điệp từ "khán"(xem, nhìn, nhòm). Chữ "nhân" là người, đã biến thành "thi gia" nhà thơ mang ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc. Từ trong ngục tối, người chiến sĩ ngắm trăng qua song sắt nhà tù. Tư thế ngắm trăng ấy rất đẹp, như một cuộc "vượt ngục tinh thần". Trăng được nhân hóa có gương mặt và ánh mắt: "Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ". Nhà thơ và trăng lặng lẽ nhìn nhau, cảm thông, chia sẻ với mối tình tri âm tri ki, cùng "đối diện đàm tâm". Hai câu ba, bốn đối nhau, ngôn ngữ, hình ảnh cân xứng, hài hòa. Trăng và nhà thơ hai gương mặt trong sáng, hai tâm hồn thanh cao dù bị song sắt nhà tù ngăn cách vẫn gần gũi sâu nặng ân tình. Có thể nói đây là hai câu thơ về trăng đẹp nhất, độc đáo nhất. Đã mấy ai ngắm trăng qua song sắt nhà tù? Tư thế ngắm trăng của Hồ Chí Minh thể hiện tình yêu trăng, biểu lộ một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự tại.
Hơn nữa, nó còn biểu lộ khát vọng tự do; từ bóng tối ngục tù hướng về vầng trăng sáng, nhà thơ khẳng định một tâm thế: "Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao". Nhà văn Hoài Thanh nhận xét: "Thơ Bác đầy trăng " Nhật kí trong tù" có bảy bài thơ nói đến trăng. Một thế giới trăng hữu tình và chứa chan thi vị:
- "Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu"
(Trung thu)
- "Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh
Nhòm song, Bắc đẩu đã nằm ngang".
(Đêm lạnh)
- 'Trên trời, trăng lướt giữa làn mây".
(Đêm thu)
-v..v...
"Ngắm trăng" và thế giới trăng ấy phản chiếu một hồn thơ mông bát ngát tình. Ngắm trăng vì yêu trăng cũng là yêu tự do.