Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Truyện có sức sống lâu bền bởi qua các hình tượng được nhà văn xây dựng đã làm nổi bật lên cuộc sống khổ cực của người dân miền núi. Cuộc sống mà ở đó chỉ có những đòn roi, những áp bức bóc lột, những tội ác bạo tàn của thế lực thống trị và bọn thực dân Pháp. Tuy vậy con người vẫn không chịu quy phục, cam chịu mà ngược lại họ luôn vươn lên đấu tranh có cơ hội để khẳng định chính mình và khẳng định khả năng tự tìm đến cách mạng. Điển hình trong số đó chính là nhân vật Mị - cô gái mở đầu cuộc đời bằng thân phận của một kẻ gạt nợ.
Ngay từ đầu Mị đã có tâm trạng lo sợ khi thống lí gợi ý sẽ đưa Mị về làm dâu. Chính vì thế, Mị đã nói với cha: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Mị là người con không thích bị ép buộc bởi bất cứ một điều gì. Thái độ khẩn khoản của Mị cho thấy đằng sau câu nói ấy là một nỗi khiếp sợ. Dường như Mị linh cảm trước là về gia đình đó chẳng sung sướng gì mặc dù là con quan. Và quả thật ở cái địa ngục trần gian ấy, Mị đã phải sống một cuộc sống ngựa trâu, đau khổ, chết dần, chết mòn trong ngôi nhà trông ra ngoài cũng không biết “sương hay là nắng”.
Từ nỗi lo sợ ban đầu đã thể hiện Mị là con người luôn yêu tha thiết khát khao có một cuộc đời tự do, cuộc đời mà ở đó mọi người điều có được cái quyền là một con người theo đúng nghĩa của nó. Mị vô cùng đau đớn khi phải sống với cha con thống lí Pá Tra. Mị cảm thấy bơ vơ, cô đơn, suốt ngày suốt đêm làm việc quần quật chẳng có một ai để chia sẻ tâm tình. Mị không sợ phải làm việc nhiều nhưng Mị sợ cô đơn. Cái ác của cha con nhà thống lí là ở chỗ chúng đã cố tình thiêu cháy hết những gì là đẹp đẽ nhất nơi con người Mị. Trong đau khổ, Mị chỉ biết khóc “có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc”. Mị đã câm lặng, nhẫn nhịn quá nhiều. Và cho đến lúc này Mị không thể chịu đựng được cảnh sống địa ngục khốn nạn ấy nữa. Buồn chán Mị đã có ý định tử tự - tức là Mị đã vùng dậy để đấu tranh, phản kháng, chống lại bạo lực, sức mạnh của thần quyền. Mặc dầu đó chỉ là hành động tiêu cực do ý thức tự phát, nhưng đó chính là chiều sâu trong vẻ đẹp của nhân vật Mị. Mị đã không cúi đầu cam chịu, khuất phục. Từ tâm trạng nhẫn nhục, cô đã vùng lên trong đau đớn để chống lại kẻ chỉ biết sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của người khác, Mị không những bị đọa đày về thể xác mà còn bị đè nén về cả tinh thần. Chính điều đó đã làm cho Mị vật vã, khổ sở vô cùng. Đã có lúc Mị chán sống nhưng lại không được chết. Vì nếu cô chết thì món nợ truyền kiếp kia vẫn còn và người cha lại càng đau khổ hơn. Ai có thể cầm lòng được khi thấy cảnh “Mị chỉ bưng mặt khóc. Mị ném nắm lá ngón xuống đất, nắm lá ngón Mị đã tìm hái trong rừng. Mị vẫn giấu trong áo”. Ý định kết liễu cuộc đời để chấm dứt mọi khổ đau đã nung nấu từ lâu trong Mị không thể thực hiện được vì Mị nghĩ đến chữ “hiếu”; nghĩ đến tình thương, tình phụ tử. Mị đành phải xót xa ngậm ngùi, tủi hận
trở về sống kiếp ngựa trâu trong cái “địa ngục trần gian” không lấy gì nuôi nổi sự sống ấy. Mị lại ngập chìm trong đau khổ triền miên trước sự bạo tàn của cha con nhà thống lí. Cô lặng lẽ như một cái bóng, không ai chia sẻ tâm tình, tâm hồn Mị trở nên lạnh lẽo, trống vắng.
Nếu như trước đây buồn thì Mị khóc, hay nghĩ ngợi đến cái chết. Còn bây giờ mọi cảm giác trong cô hầu như đều tê liệt “ở lâu trong cái khổ Mị quen rồi. Bây giờ Mị cũng tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Sống trong nhà Pá Tra, Mị đã nếm trải mọi đắng cay, khổ cực, nhục nhã, bạo tàn... Mị không còn hi vọng cuộc sống của mình sẽ sáng hơn. Mòn mỏi quá trong đau khổ nhiều lúc người ta chẳng còn thiết tha gì nữa. Trong lúc này đây, Mị sống mà như không sống. Mị đã nghĩ đến việc rồi đây có ngày sẽ chết rũ xương trong ngôi nhà này. Khổ quá thì cũng đâm ra quen, đâm ra lầm lì: “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như còn rùa nuôi trong xó cửa”. Đau đớn của Mị cũng lịm dần theo tháng năm. Cô dường như buông trôi tất cả, để mặc cho sự đời tuôn chảy.
Mị sống trong một cái buồng kín mít, chỉ có một lỗ nhỏ bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng “không biết là sương hay là nắng”. Cùng với sự độc đáo, thô bạo của cha con thống lí đã có lúc làm cho Mị gần như tuyệt vọng, tưởng như không còn gì để thiết tha nữa, kể cả sự sống. Thế nhưng không, trong thẳm sâu tâm hồn của Mị - của người con gái miền núi bất hạnh ấy vẫn có một ngọn lửa âm ỉ cháy, và chỉ chờ cơ hội là bùng lên dữ dội, mạnh mẽ chẳng có gì cưỡng lại được, kể cả sự tàn bạo của cha con nhà thống lí. Đó chính là sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong con người Mị. Tô Hoài đã không chút ngại ngần đi sâu vào khám phá đời sống tâm hồn con người ngay những lúc khổ ải nhất, bị vùi dập nhất để phát hiện ra những tình cảm đẹp đẽ, đáng quý, đáng trân trọng.
Khi mùa xuân đến trên các bản với tiếng sáo gọi bạn trong những đêm tình mùa xuân đã đánh thức sức sống trong con người Mị. Mị cảm thấy xao xuyến. Tiếng sáo làm cho Mị thiết tha bồi hồi và da diết nhớ về một thời con gái - lúc chưa về làm dâu nhà thống lí. Cái tâm trạng bồi hồi cứ dội lại từng đợt trong Mị. Vào lúc này đây, niềm ham sống, nỗi khát khao hạnh phúc trỗi dậy mãnh liệt trong tâm hồn người con gái miền núi đã chịu nhiều khổ đau. Mị cảm nhận tiếng sao gọi bạn tình là biểu tượng lôi cuốn nhất của mùa xuân, của cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Mị vui - một niềm vui mà có lẽ chỉ riêng Mị biết: “Ngày tết Mị cũng uống rượu, Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát rồi say”, “Mị sống về với ngày trước”. Mị thấy mình “còn trẻ ” và Mị muốn đi chơi. Cuộc đời của Mị bấy lâu nay bị đè nén tưởng đã tắt lịm, thì nay bỗng bật trào lên sức sống mãnh liệt chưa bao giờ có.
Giữa lúc lòng ham sống, nỗi khát khao hạnh phúc đang dâng trào mạnh mẽ thì lại bị vùi dập một cách tàn nhẫn phũ phàng dưới bàn tay của người chồng tàn ác. Mị bị trói trong lúc đang say sưa với đêm tình mùa xuân. Mặc dầu vậy người chồng vũ phu, đê tiện chỉ trói được thể xác hắn không thể trói được tâm hồn Mị. Mị khổ sở vô cùng khi khát khao đi chơi mà không được đi chơi. Mị không chịu nổi. Mị đã vùng dậy để ra ngoài nhưng rồi lại phải tủi cực nhìn xuống thực tại phũ phàng, những đường dây đang siết chặt vào da thịt, cơ thể Mị. Cô vùng lên trong đau đớn, khát khao hòa vào cuộc sống ngoài kia để được sống với mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ.
Đau đớn ê chề, nhục nhã trước sự cấm đoán của người chồng tàn ác. Mị xót xa thương cho chính mình “nghĩ mình không bằng con ngựa”. Nhưng rồi Mị lại thổn thức: “Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi. “Em không yêu, quả Pao rơi rồi. Em yêu người nào em bắt Pao...” Mị xúc động trước tiếng sáo bởi nó giúp Mị nhớ đã có thời Mị cũng được yêu, được khát khao sống tự do. Còn bây giờ “Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo, tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê lúc tỉnh”. Phải trói thế nhưng Mị vẫn nín khóc, Mị thổn thức để rồi lại bồi hồi. Như vậy Tô Hoài đã không để cho Mị chìm ngập trong đau đớn mà tâm trạng của cô luôn chuyển biến theo theo từng hoàn cảnh, lúc thế này, lúc thế kia... song tất cả đều nhằm khẳng định Mị luôn mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp. Có những lúc Mị khát khao hạnh phúc, tình yêu, tuổi trẻ, lại có khi Mị câm lặng, lùi lũi, dằn vặt, xót xa. Nhưng nhà văn đã không để cho nhân vật của mình bị dồn đến tuyệt vọng, dù bất cứ hoàn cảnh nào. Điều kì diệu là dẫu có cùng cực đến mấy chăng nữa thì mọi thế lực tội ác cũng không thể hủy diệt nổi sức sống con người. Và dưới ngòi bút của tác giả, Mị vẫn sáng ngời lên những vẻ đẹp tiềm tàng, mãnh liệt.
Mị không chỉ có biết thương cho mình mà còn thương cho người, đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ. Khi thấy A Phủ bị trói, Mị đã xót xa, thương cảm mà thốt lên “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết”. Dù vậy không phải ngay lúc đầu Mị đã có tâm trạng này. Nhưng rồi Mị đã không cầm lòng được trước cảnh con người sắp bị hủy diệt. Mị động lòng trắc ẩn và Mị nhớ lại bao nhiêu cảnh tượng đau thương đã xảy ra ở chính nơi đây: “Nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”. Từ những điều mà Mị chứng kiến Mị đã đưa đến kết luật “Chúng nó thật độc ác”. Và cô hiểu rằng nếu cứ trói như thế thì “chỉ đêm mai là người kia chết, chết đói, chết rét, phải chết”. Rồi Mị lại suy nghĩ “ta là thân đàn bà, nó bắt ta về trình ma nhà nó thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ra ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế”. Nghĩ thế nhưng Mị vẫn lo sợ “biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo Mị đã cởi trói cho nó” lúc ấy Mị lại là người chết thay thế. Song tình thương đã chiến thắng. Cùng với bao nhiêu sự căm tức, uất nghẹn và thù hận Mị đã vượt lên nỗi sợ hãi để đi đến hành động cắt dây trói cho A Phủ, điều mà Mị không ngờ là mình có thể làm được. Khi nhìn thấy dòng nước mắt “bò xuống hai hõm má đã sạm đen lại” của A Phủ, Mị không thể làm ngơ, bởi hơn bao giờ hết, ý thức về nỗi khổ đã làm sống lại trái tim tưởng chừng như nguội lạnh của Mị bật lên tiếng khóc nức nở, Mị liên tưởng đến tương lai mù tối của mình và giọt nước mắt bất lực, thống khổ của A Phủ cô càng thương gấp bội. Càng thương càng căm thù. Cái thương, ghét đã lấn át nỗi lo sợ. Cắt dây trói cho A Phủ rồi Mị lại càng lo sợ hơn, trong giây lát Mị quyết định đi theo A Phủ. Đó là một ý nghĩ táo bạo nhưng tình thế dồn nén lúc này buộc Mị phải làm thế, bởi một lẽ đơn giản “ở đây thì chết mất”. Như thế cô đã chạy theo tiếng gọi mãnh liệt của tự do, đi tìm một lẽ sống mới. Mị là một cô gái dũng cảm.
Sau này khi trở thành vợ của A Phủ, Mị đã tham gia vào đội du kích để diệt giặc. Đã có lúc Mị rơi vào tâm trạng phấp phỏng lo sợ khi thấy thống lí Pá Tra cũng theo Tây ở trong đồn Bản Pe. Nhưng rồi Mị lại vững vàng và tin tưởng vào cách mạng, vào tương lai vì bên Mị đã có A Phủ và quần chúng rồi.
Qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị, ta thấy tác giả đã dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật để khắc họa một cách sinh động. Tô Hoài đã không chỉ dừng lại ở việc quan sát bề ngoài mà hòa nhập, khám phá một cách sâu sắc vào cảnh sống, vào số phận và cuộc đời. Đặc biệt đi vào đáy sâu tâm hồn Mị, vào đời sống nội tâm để diễn tả những xung đột, diễn biến tâm trạng của Mị.
Tình cảm của nhân vật Mị không đứng yên mà luôn biến đổi. Lúc thì lo sợ nhẫn nhục, chịu đựng, lúc khát khao mãnh liệt về một cuộc sống tự do, khi lại thông cảm và căm thù ngút ngàn, để cuối cùng đọng lại một niềm tin vững chắc vào tương lai sáng, kiên quyết thủy chung với cách mạng. Mị không chấp nhận cuộc sống thực tại đen tối, cô đã vùng lên đấu tranh thoát ra mọi sự ràng buộc của khổ đau. Cô trở thành một điển hình trong văn học, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người đọc.
Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn đặc sắc về đề tài miền núi. Là một trong những tác phẩm hay nhất của văn xuôi thời kì chống Pháp. Như vậy Tô Hoài đã có những đóng góp lớn vào nền văn học của nước nhà. Với tác phẩm Vợ chồng A Phủ, ông xứng đáng được đón nhận phần thưởng cao quý của hội văn nghệ Việt Nam.