Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trữ tình trên từng chặng đường đi đày trong bài thơ Tiếng hát đi đày của Tố Hữu

Thứ sáu - 22/01/2021 09:22
Hãy phân tích những biểu hiện cụ thể của tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trữ tình trên từng chặng đường đi đày trong bài thơ Tiếng hát đi đày của Tố Hữu. Qua đó, anh chị cảm nhận được gì về đời sống tâm hồn, tình cảm về ý chí, tinh  thần của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh đi đày. 
BÀI LÀM
Thơ ca từ bao đời nay luôn là tiếng nói tình cảm của trái tim yêu thương, khao khát cuộc sống. Đối với Tố Hữu, tiếng nói ấy càng mãnh liệt, tha thiết hơn bao giờ hết khi nhà thơ luôn phải đối diện với chính mình giữa bốn bức tường lao. Cho nên, chỉ một giọng hò, một tiếng chim tu hú gọi bầy, đôi ba tiếng guốc lẻ loi vang lên giữa đêm khuya vắng vẻ cũng đủ làm xao xuyến tấm lòng thi sĩ, cũng đủ để đánh thức nỗi nhớ nhung khôn nguôi về cuộc sống mà giờ đây nhà thơ đã đánh mất. Nỗi nhớ âm ỉ, lòng khát khao da diết ấy đã bùng cháy lên, trở thành tiếng hát: Tiếng hát đi đày trong một lần Tố Hữu bị giải từ nhà tù Quy Nhơn lên trại giam Đắc Lay. Tiếng hát ấy cho đến bây giờ vẫn còn vang vọng mãi trong lòng ta...

Đối với thơ Tố Hữu, ta không chỉ bắt gặp ở đây một cá nhân đầy nhiệt huyết cảm tính, một tinh thần, một ý chí cách mạng sục sôi mà còn bắt gặp một con người: có vui, có buồn, có sự say mê và cả sự day dứt, tranh đấu bản thân trong những ngày tù ngục. Chính điều đó làm cho con người cách mạng, con người chiến sĩ của Tố Hữu càng trở nên đẹp đẽ hơn, cao cả hơn. Nếu như ở Nhớ đồng, ông đem đến cho ta một nỗi nhớ sâu lắng, mênh mang thì ở Tiếng hát đi đày nhà thơ lại cho ta thấy một nỗi niềm khát khao cuộc sống đến tột độ, một tình yêu sự gắn bó với mỗi con người trên thế gian này...

Ngay đầu đề bài thơ Tiếng hát đi đày đã gây cho ta một sự bất ngờ. Đi đày có gì vui khiến người ta có thể cất lên tiếng hát, lời ca? Phải chăng qua “tiếng hát” ấy nhà thơ muốn thể hiện cái chí khí kiên quyết, ngang tàng của mình? Không! Tố Hữu - người chiến sĩ ấy luôn sống rất thực với tâm hồn, tình cảm của mình. Và có lẽ “sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim”, với cảm xúc của chúng ta bằng chính trái tim, cảm xúc của mình. Cho nên “tiếng hát” ấy cũng là lời nhắn gửi, là điệu tâm hồn “đi tìm đồng điệu” (Tô Hữu) giữa lúc cô đơn, buồn tủi trong nhà tù...

Khi Tiếng hát đi đày cất lên cũng là lúc chiếc xe chuyển bánh đi vào lòng đường phố Quy Nhơn:

Đường qua mấy phố Quy Nhơn
Nhà sao trông lại yêu hơn mọi lần
Người đi quấn áo chen chân
Ờ sao như đã quen thân từ nào?

Ba năm ở tù, ba năm đơn côi, ba năm đau khổ, giờ đây Tố Hữu mới được tận mắt trông lại đồng ruộng thân yêu, trông lại những ánh mắt, những nụ cười, những nét mặt, con người thương mến mà chốn ngục tù đã che khuất anh bấy lâu... bao nhiêu tình cảm bị dồn nén bấy nhiêu lâu bỗng òa ra trong lòng người, khiến cho những cái gì bình dị nhất cũng trở nên thân thuộc quyến luyến. Cuộc sống ngoài kia sao mà đông đúc và nhộn nhịp reo vui đến thế! Mỗi một con người sao mà đáng yêu đến vậy:

Người đi quấn áo chen chăn
Ờ sao như đã quen thân từ nào?

Chỉ với một từ “quấn” Tố Hữu đã diễn tả được hình ảnh đông đúc... Thế nhưng cuộc sống ấy đâu còn là của nhà thơ. Do đó tâm trạng Tố Hữu lúc này là sự thèm khát, thèm khát tự do. Một nỗi thèm khát cháy bỏng:

Xe ơi, chậm chậm ngừng giây phút
Kẻo nữa rồi đầy lại khát khao!


Chậm chậm dù chỉ vài giây phút... Có yêu cuộc sống đến nồng nàn, tha thiết, có khao khát tự do cháy bỏng, Tố Hữu mới có cái nhìn ấm áp, tin yêu muốn lưu giữ lại những gì đẹp đẽ của cuộc sống trong ánh mắt mình. Trước đây, trong tù ngục, người thanh niên ấy chỉ được nghe hơi thở của cuộc sống vọng lại: nghe chim reo, nghe lạc ngựa, nghe tiếng dơi chiều đập cánh, còn giờ đây anh được tận mắt nhìn ngắm, dù chỉ qua khe cửa nhà tù. Vì thế, dường như mọi giác quan của nhà thơ đều căng ra, như muốn bao trùm lấy cuộc sống, giữ gìn và nâng niu từng hình ảnh một: 

Nhưng nhà đã rải lơ thơ
Người đi mấy bóng vẩn vơ trên đường
Đồng xanh gợn nhớ quê hương
Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều.

Đoạn thơ dường như có sự tiếp nối của cảnh vật. Từ nhà người đi mấy bóng và cuối cùng chỉ còn là đồng xanh gợi nhớ quê hương. Cuộc sống con người có cũng như không. Đâu rồi những phố xá chen lấn bên nhau? Và cả tiếng hát nữa, tiếng hát cũng trở nên bơ vơ, lạc lõng... Người hát nào chẳng thấy, chỉ còn “tiếng hát” vẳng lại: Bơ vơ tiếng hát trên nương nắng chiều... Một nỗi buồn man mác, len lỏi qua những câu chữ, lan tỏa vào lòng người đọc... Nỗi buồn đó được diễn tả hết sức tinh tế qua những từ láy và vần “ơ”: lơ thơ, vẩn vơ, bơ vơ...

Chặng đường Quy Nhơn kết lại cùng với nỗi lòng của người trong cuộc:

Xa rồi bóng dáng yêu thương cũ
Nhạt nhạt ngàn xa buồn cô liêu...

Câu thơ ngân lên một điệu buồn xót xa, đau đớn.

Những chặng đường đi đày chỉ mới bắt đầu:

Đường lên xứ lạ Kon Tum
Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao.
Thông reo bờ suối rì rào,
Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai?

Đoạn thơ vẽ nên một khung cảnh tuyệt đẹp nhưng đậm một nỗi buồn. Phải chăng chính khung cảnh ấy, khung cảnh mà mọi vật gắn bó với nhau, hòa quyện cùng nhau đã làm cho lòng người đi đày thêm cô đơn, lẻ loi, thêm nhớ thương? Có lẽ cũng chính vì thế mà tác giả đã chú trọng miêu tả âm thanh trong suốt đoạn thơ: “thông reo bờ suối rì rào”, “chim chiều chiu chít”... những âm thanh nhẹ nhàng, tươi vui, xao xuyến lòng người. Bởi chỉ có âm thanh mới tạo nên hơi thở phập phồng của cuộc sống, một sức sống nồng nàn, trẻ trung... Nhưng chỉ với bốn từ “ai nào kêu ai” thôi, tác giả đã tô đậm thêm cho bức tranh tươi tắn ấy một màu ảm đạm. Thì ra những cảnh đẹp, những âm thanh ấy không xoá đi được trong lòng thi sĩ nỗi buồn cô đơn, sự trống trải khi phải xa rời cuộc sống con người. Cho nên giữa cái mềm mại, uyển chuyển của câu thơ lục bát, bỗng vút lên những âm điệu rắn rỏi, trầm uất của thơ thất ngôn:

Muốn gầm một tiếng tan u uất
Hận bỗng tuân theo gió thổi dài.


Từ nỗi buồn man mác ở chặng đầu của con đường lên Tây Nguyên, một nỗi uất hận đã xuất hiện khi chuyến xe dần vào nơi sẽ đến:

Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao
Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh
Đìu hiu mấy ải đồn canh
Lòng đau lại nhớ các anh những ngày... 

Cùng với nỗi hờn căm quân giặc là nỗi nhớ thương những đồng đội, đồng chí đi trước từng bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc. Hai sắc thái tình cảm rất đối lập mà thống nhất ở một tâm trạng. Chính vì yêu thương mà tràn đầy uất hận và hờn căm:

Chao ôi, xưa cũng chốn này đây
Thân bạn vùi xương dưới gốc mây
Roi vụt rát tay bầy lính rợ
Máu dầm khoái mắt lũ đồn Tây!
Mỗi hòn đá đỏ, bao hòn huyết
Một khúc cầu đầy, mấy khúc thây!
Hỡi những anh đầu qua trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đày!

Đường lên Đắc Lay cũng là đoạn cuối của cuộc hành trình, cảm xúc nhà thơ đột ngột quay về với nỗi cô đơn trong lòng mình:

Đường lên đỉnh núi Đắc Lay
Heo heo gió lạnh, sương dày váng chim

Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây
Đồn xa héo hắt cờ bay
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng

Đó là nỗi cô đơn, đau xót tột độ khi phải xa lìa cuộc sông bình thường. Tâm trạng ấy hòa điệu với cảnh vật. Mắt vẫn trông, nhưng nhà thơ không còn thấy cảnh nữa mà chỉ thấy hình bóng của những người đã khuất, chỉ thấy “heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim”. Nếu như lúc trước nhà thơ còn thấy chim chiều chiu chít hòa âm thì giờ đây chỉ còn là sự vắng vẻ, thâm u. Tiếng gà gáy động ấy lại là “gà đâu”. Đó là tiếng gà trong rừng chiều hay tiếng gà trong tâm tưởng tác giả? Tiếng gà mơ mơ, ảo ảo như thực như hư cất lên giữa bốn bề vắng lặng. Nó là tiếng gà nhưng cũng là tiếng lòng khát khao cuộc sống, khao khát tự do của một tâm hồn đã hơn ba năm bị giam hãm. Nó thức dậy ở thi nhân một làng quê thanh bình đã mất “mờ mờ máy xóm tranh chìm trong mây”, nó khơi dậy một khát vọng tháo cũi sổ lồng.

Có ai hiểu nỗi hờn ghê gớm
Trên mắt người trông với núi sương
Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm mấy đêm đường?

Tiếng hát đi đày là tiếng lòng của một tâm hồn luôn khao khát tự do, khao khát được hòa mình vào cuộc sống chiến đấu của muôn người. Trong bài thơ có nỗi buồn, nỗi cô đơn, nhưng đó là nỗi buồn, nỗi cô đơn của một người khao khát sống, khao khát tự do và khao khát hành động khi mất tự do. Bài thơ đến với mọi người bằng trái tim chân thật, giàu cá tính. Ở vào một hoàn cảnh tương tự, nhưng trước đó, các nhà thơ cách mạng đã có cách thể hiện khác: 

Ngọn gió lọt tàn đèn hiu hắt
Tiếng cuốc kêu đầy mặt anh hùng
Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng
Mà chiêu hồn nước lại cùng nước non.
(Chiêu hồn nước)

Lê Đình Kỵ nhận xét rất đúng rằng bài thơ của Phạm Tất Đắc làm năm 1926 khi tác giả 16 tuổi nhưng giọng văn tưởng đến nghìn năm, không tuổi tác, bởi trong đó thiếu một cá nhân cảm tính cụ thể... Tình cảm nhà thơ thật mãnh liệt tha thiết nhưng lại tự cảm thây mình qua các khuôn mẫu ước lệ có sẵn.

Tiếng hát đi đày thể hiện một sự trưởng thành trong tâm hồn, tình cảm, trong ý chí của Tố Hữu. Với Tố Hữu, từ đây cuộc đời cách mạng không chỉ có “nắng hạ”, không chỉ có say mê mà còn có nỗi buồn, sự gian khổ, đớn đau:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày.

Từ đó, nhà thơ càng hòa mình hơn vào cuộc chiến đấu lớn lao của đất nước, nhân dân.
 
Nguyễn Quang Vinh
Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai
Bài đạt giải Nhì kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2015
​​​​​​​

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây