Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo qua hai truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và Vợ nhặt của Kim Lân

Thứ ba - 19/01/2021 03:16
Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao và truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân đều viết về tình cảnh những người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945.
a) Phân tích những khám phá riêng của mỗi tác giả về số phận và những cảnh ngộ của người nông dân trong mỗi tác phẩm.
b) Chỉ ra sự khác nhau trong cách kết thúc của hai thiên truyện. Giải thích vì sao có sự khác nhau ấy. Nêu ý nghĩa của mỗi cách kết thúc.
c) Phân tích nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm.
BÀI LÀM 1
Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống và chính vì vậy mà ta thấy có một đề tài đã trở nên quá quen thuộc trong văn học: đề tài về số phận, tình cảnh của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Đã có rất nhiều tác phẩm cho thấy cái nghèo khổ của người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhưng có lẽ đến Nam Cao người ta mới thấy được cái nỗi khổ tột cùng ấy, nỗi khổ của một số phận bị chà đạp, mất hết cả nhân hình nhân tính, nỗi khổ vì bị cự tuyệt quyền làm người. Và đến “Vợ nhặt” của Kim Lân là nỗi khổ của những thân phận rẻ rúng trong cái đói, cái nghèo. Thành công của hai tác phẩm không chỉ ở đề tài mà là ở sự phát hiện cái mới, cái riêng chưa hề có trong văn học. Dù mỗi tác phẩm có một hướng đi khác nhau, nhưng quy tụ lại vẫn là để nói sao cho được hết cái số phận nghèo khổ, cảnh ngộ bần cùng của người nông dân bằng những tấm lòng nhân đạo cao cả nhất. 

a. “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan ra đời đã nói lên được nỗi thống khổ của người nông dân trong xã hội cũ. Nhưng người ta nói rằng phải đến khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách thì nỗi khổ ấy mới được tái hiện một cách đầy đủ nhất.

“Chí Phèo” được xem như kiệt tác của Nam Cao, viết vào năm 1941. Tác phẩm ra đời gây một tiếng vang lớn, đưa Nam Cao lên đến đỉnh cao của thành công nghệ thuật. Bởi bản thân tác phẩm mặc dù đi theo đề tài cũ song lại có một sự khám phá mới mẻ. Khám phá về cuộc sống của người nông dân trong tận cùng nỗi khổ, trong bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, khao khát ước mơ một cuộc sống lương thiện, nhưng lại bị chà đạp tàn bạo về nhân phẩm khiến người không được làm người, mà biến thành quỷ, bị xã hội xa lánh.

Cùng một đề tài về người nông dân, song Kim Lân lại tìm cho mình một hướng đi khác. Trong tác phẩm “Vợ nhặt” ta thấy được hình ảnh khốn cùng của người nông dân trong nạn đói 1945, thân phận bị rẻ rúng, cái chết cận kề, song họ vẫn khao khát, ước mơ và hi vọng.

Như vậy cái chung của hai tác phẩm là đều viết về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945, song mỗi tác phẩm lại có sự khám phá riêng về số phận và cảnh ngộ của người nông dân.

Đọc xong tác phẩm “Chí Phèo”, ta thấy không khỏi xót thương cho thân phận người nông dân. Nhìn toàn bộ khung cảnh của nông thôn Việt Nam lúc đó như một “khu vườn hoang cuối mùa” mà ở đó người nông dân phải chịu sự hà khắc đục khoét của bọn cường hào. Bọn cường hào địa chủ trong làng dùng những thủ đoạn dã man đẩy người nông dân vào bước đường cùng không lối thoát. Như Năm Thọ, Binh Chức và đến Chí Phèo đều là các nạn nhân của những thủ đoạn tàn bạo ấy. Năm Thọ, Binh Chức là người hiền lành nhưng ở tù về đều trở thành kẻ lưu manh, biến chất. Chí Phèo cũng vậy, từ một nông dân khỏe mạnh, một con người có ước mơ, khát khao giản dị: một gia đình chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Nhưng rồi cái ước mơ nhỏ bé và chính đáng ấy cũng không bao giờ thực hiện được. Từ một thanh niên khỏe mạnh đi làm canh điền cho nhà Bá Kiến, Chí Phèo đã trở thành một tên lưu manh tha hóa biến chất. Đó là kết quả của nhà tù thực dân, mà người trong làng không hiểu vì sao Chí Phèo phải đi ở tù. Chỉ biết rằng sau những lần bị bà ba Bá Kiến sai làm việc không chính đáng, cụ Bá biết được và Chí Phèo bỗng nhiên phải đi ở tù để rồi về làng với diện mạo của một con quỷ dữ, mất cả nhân hình nhân tính. “Trông hắn đặc như thằng săng đá, đầu cạo trọc lốc, răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Với diện mạo ấy, Chí Phèo đã bị xã hội gạt bỏ. Nỗi khổ đầu tiên là nỗi khổ bị con người xa lánh. Chí Phèo ra tù về làng đã cất lên tiếng chửi, tiếng chửi ấy dù có thô tục đến đâu song nó vẫn là tiếng thổn thức khát khao giao hòa nơi cuộc sông con người của Chí mà nhà văn muốn nói với chúng ta. 

Nhưng người làng Vũ Đại ngoảnh mặt đi với Chí. “Hắn chửi trời, trời chẳng của riêng nhà nào, hắn chửi đời, đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng ai cũng nghĩ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Vậy là con người không thèm ném cho hẳn dù chỉ là một tiếng chửi để rồi người đời thấy đau xót khi nghe hắn chửi cả “người đẻ ra hắn”.

Nỗi khổ của người nông dân trong tác phẩm được nói đến từ nhiều khía cạnh, Chí Phèo khổ vì bị mọi người xa lánh, để rồi cuộc đời khi ra tù của hắn chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Nhưng khi viết về nhân vật Thị Nở, Nam Cao cũng cho chúng ta thấy đó là nỗi khổ của người nông dân với cái hình thức “xấu như ma chê quỷ hờn”.
Lúc đầu mới đọc ta tưởng Nam Cao thiên về chủ nghĩa tự nhiên, tưởng rằng ngòi bút ấy lạnh lùng nhưng để rồi cuối cùng lại thấm đượm một tình cảm yêu thương, đằm thắm. Thị Nở là người mà hình như cả làng Vũ Đại cũng gần như xa lánh, bởi thị là “sự mỉa mai của tạo hóa”, thị “ngẩn ngơ như người đần trong cổ tích”. Vậy từ khi thị sinh ra đã không phải kết quả của một cuộc sống nông dân hạnh phúc, đủ đầy. Với một bộ mặt, một tính cách như vậy, Thị Nở phải chăng cũng chỉ là người thừa trong xã hội ấy. Nói về cái xấu xa nhưng là để nói về tận cùng nỗi khổ mà thôi.
Số phận của người nông dân là thế, số phận của họ gần như đã an bài mà trong cách miêu tả của tác giả từ Năm Thọ, Binh Chức đến Chí Phèo thì cuộc đời họ như bị nhà tù án ngữ nơi cuối đường đi. Còn Thị Nở cũng bị con người xa lánh, chưa bao giờ thị làm được người bình thường cả.

Ấy vậy mà đỉnh cao của nỗi khổ lại chưa phải ở đó, mà ở bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Người nông dân hiền lành, chất phác với bản tính nhân hậu tiềm ẩn vẫn khát khao một cuộc sống no ấm, đủ đầy, vẫn khao khát quyền làm người. Chí Phèo đã mất quyền làm người bởi ai xóa hết đi cho hắn những vết mảnh chai trên mặt, những vết vằn ngang vằn dọc... Tưởng gặp được Thị Nở, con người ấy có xấu nhưng vẫn ấm áp tình cảm con người, đã làm thức dậy ở Chí Phèo những khao khát ước mơ, hạnh phúc. Chí Phèo muốn được làm người. Chí Phèo muốn trở thành lương thiện nhưng cái hủ tục của xã hội cũ, những định kiến lạc hậu mà bà cô Thị Nở là đại diện của nó đã tước đoạt đi của Chí Phèo quyền làm người, ước mơ xây đắp hạnh phúc ấy. Chí Phèo đã đứng bên bờ của lương thiện, nhưng cái đau đớn nhất là ước mơ, là quyền làm người chính đáng ấy bị cự tuyệt. Đến Thị Nở, một người xấu “ma chê quỷ hờn” mà Chí Phèo vẫn không “xứng dáng” với thị. Vậy thì xã hội đó còn ai? Còn ai thương lấy Chí? Nỗi khổ tận cùng của người nông dân là như vậy.

Trong “Vợ nhặt”, nỗi khổ, số phận cảnh ngộ của người nông dân được thể hiện rõ trong cảnh đói kinh niên 1945, khi mà cái đói tràn đến xóm ngụ cư. Những người từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định... dắt díu nhau lên “xanh xám mặt mày”, ngày nào người ra đồng cũng thấy ba bốn cái thây nằm còng queo, tiếng quạ kêu thê thiết từng hồi. Cảnh đói đã đẩy người nông dân vào cảnh khôn cùng, họ đang kề cận bên cái chết song vẫn khao khát và ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những người dân xóm ngụ cư nói chung và gia đình Tràng nói riêng đều chìm trong cảnh đói. Bởi thế việc Tràng lấy vợ là một bất ngờ lớn, mọi người xem đó như “cái nợ đời” như là đèo bòng. Bữa cơm ngày đói cũng chẳng có gì, bữa cơm đó chỉ là mấy bát “chè khoán” khi ăn Tràng thấy nghẹn bứ ở cổ. Khổ hơn nữa thân phận rẻ rúng của cô vợ nhặt, chỉ vì miếng cơm mà về làm dâu nhà Tràng, theo không Tràng về mặc dù biết cảnh nhà Tràng cũng đói khát.

Cảnh đói của người nông dân đặt trong cảnh trông thúc thuế, phá lúa trồng đay của bọn thực dân phát xít. Chìm trong nạn đói kinh niên ấy con người phải đấu tranh, phải giành giật sự sống mà tiêu biểu là cô vợ nhặt - người con gái về nhà chồng mà chỉ bằng may câu hò bâng quơ và bôn bát bánh đúc của Tràng. Người con gái ấy quên đi nỗi xót xa của thân phận bám riết lấy sự sống quên đi cái nhục, vượt lên trên nó để mà sống, mà tồn tại. Còn Tràng, một nông dân xấu xí thô kệch bỗng nhiên có vợ, nhưng bà cụ Tứ (mẹ Tràng) đã hiểu ra cơ sự, chỉ vì đói mà người ta mới cần đến con mình. Nhưng lòng nhân hậu ấy khiến bà mẹ bằng lòng, vun vén cho cuộc sống của các con.

Gia đình Tràng cũng như bao gia đình khác trong xóm ngụ cư phải giành giật với sự sống. Họ thiếu miếng cơm, phải sống bằng “bát chè khoán”, nhưng tất cả đều chấp nhận, bởi họ tin vào tương lai.

b. Kết thúc hại truyện hoàn toàn khác nhau. Trong truyện “Chí Phèo” kết thúc là cái chết của Chí Phèo sau khi đâm chết Bá Kiến. Đó là cái chết của một người khao khát quyền sống, quyền làm người nhưng không được xã hội chấp nhận. Chí Phèo uống rượu, càng uống càng tỉnh, miệng bảo đến nhà Thị Nở để giết chết “con khọm già nhà nó”, nhưng bước chân lại đưa Chí Phèo đến nhà Bá Kiến. Trong tiềm thức sâu xa, Chí Phèo hiểu và nhận thức được đâu là kẻ thù của mình, đâu là kẻ tước đi cái bản chất lương thiện của Chí. Chính vì vậy, Chí Phèo đã đến nhà Bá Kiến, cất cao giọng đòi quyền lương thiện nhưng Bá Kiến - kẻ hung ác xảo quyệt không hiểu được điều đó. Kết cục là cái chết của kẻ thống trị và người bị trị, kẻ áp bức bóc lột và người bị áp bức bóc lột.

Còn trong “Vợ nhặt”, kết thúc tác phẩm lại là niềm vui của gia đình Tràng, niềm tin trong mỗi con người. Bởi hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng, bởi hình ảnh của những người đi phá kho thóc hay đúng hơn là “Vợ nhặt” chính là cái buổi giao thời của xã hội cũ và xã hội mới.

Sở dĩ có sự khác nhau ấy bởi tác phẩm “Chí Phèo”“Vợ nhặt” mặc dù viết về đề tài chung là tình cảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945, song tác phẩm của Nam Cao viết năm 1941, còn “Vợ nhặt” được viết sau khi Cách mạng thành công. Mỗi tác phẩm thuộc một thời kì văn học khác nhau. “Chí Phèo” nằm trong thời kì văn học từ đầu thế kỉ XX đến 1945 thuộc dòng văn học hiện thực phê phán. Cái chung hầu hết của các tác phẩm lúc đó là chưa tìm ra lối thoát cho người nông dân, kết cục thường bế tắc. Mặc dầu “Chí Phèo” có kết thúc được xem là hợp lí song vẫn nằm trong sự hạn chế chung đó. 

Còn “Vợ nhặt” thuộc nền văn học Cách mạng 1945 - 1975, xu thế chung của các tác phẩm trong thời kì này là tìm ra cho nông dân con đường đấu tranh tự giải phóng mình, hướng họ đến với cách mạng. Mỗi tác phẩm mang một cách nhìn tại những thời điểm khác nhau của lịch sử nên ít nhiều nó mang ảnh hưởng của xu thế văn học ở mỗi thời đại.

c. Giá trị nổi bật của hai tác phẩm không chỉ ở giá trị hiện thực mà còn ở giá trị nhân đạo. Nhà văn cảm thông với nỗi khổ của người nông dân, phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của họ. Từ đó lên tiếng tố cáo xã hội đầy bất công đã đẩy con người vào tình cảnh đó.

“Chí Phèo”, Nam Cao cảm thông với nỗi khố khổn cùng của một người nông dân khi bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người. Nói về cái tật Xấu của Thị Nở nhưng là nói về cái khổ tận cùng, để từ đó lên tiếng yêu thương bênh vực họ.

Tác phẩm phát hiện ra vẻ đẹp của người nông dân kể cả khi tưởng như họ là một con quỷ mất hết nhân tính, nhưng trong họ vẫn còn khao khát ước mơ. Có người còn cho rằng trong tác phẩm duy chỉ có Thị Nở - một người không có bộ mặt người nhưng lại mang tính người. Đó phải chăng là sự phát hiện tinh tế của Nam Cao về những con người tưởng bề ngoài xấu xí mà lại tiềm ẩn bản chất tốt đẹp, từ đó nhà văn lên tiếng tố cáo xã hội thực dân với nhà tù, với những thu đoạn thống trị, đã chà đạp lên quyền sống, lên nhân phẩm của con người.

Còn trong “Vợ nhặt” là lòng cảm thông với những số phận nghèo khổ trong cảnh đói, thông cảm với nỗi đau của họ. Để rồi từ đó là lời ca ngợi những con người có phẩm chất sống cao đẹp. Dù trong hoàn cảnh đói khổ như vậy, họ vẫn khát khao sống, bám lấy sự sống như một quy luật tất yếu của sự sinh tồn. Cả những người dân xóm ngụ cư đều hướng cả về sự sống. Gia đình Tràng cũng vậy, mặc dù việc Tràng lấy vợ trong lúc đói kém khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc, nhưng Tràng vẫn “chậc, kệ”, để nghĩ về cuộc sống mới, bà cụ Tứ thu vén cho tương lai của các con.

Tác phẩm tố cáo xã hội tù túng đã đẩy con người vào đói khổ, những thủ đoạn cai trị của bọn thực dân phong kiến đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói khủng khiếp năm 1945.

“Chí Phèo”“Vợ nhặt” của Nam Cao và Kim Lân là hai tác phẩm thành công xuất sắc về đề tài nông dân trước 1945. Đề tài không mới, song cái làm nên thành công của hai tác phẩm là ở sự phát hiện, khám phá riêng về cánh ngộ người nông dân và tư tưởng nhân đạo đặc sắc mới mẻ.
 
Lê Chí Thắng Trường chuyên Ninh Thuận
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2017

BÀI LÀM 2
Đề tài viết về tình cảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945 là một trong những đề tài tập trung nhiều nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam trong thời kì đó. Nam Cao và Kim Lân là những ngòi bút tiêu biểu nhất. Trong tác phẩm “Chí Phèo” - Nam Cao và “Vợ nhặt” - Kim Lân tình cảnh người nông dân trước Cách mạng đã được miêu tả rất sinh động và chân thực. Bằng phong cách riêng, cách nhìn nhận riêng của mình và bằng lòng nhân đạo cao cả, mỗi nhà văn đã viết nên những tác phẩm đặc sắc về số phận riêng của người nông dân.

Đến với “Chí Phèo” cũng như “Vợ nhặt” là ta đến với số phận và cảnh ngộ của người nông dân dưới hai tròng áp bức của thực dân và phong kiến. Tuy nhiên, bằng cách nhìn nhận của riêng mình, mỗi nhà văn đã bộc lộ những khám phá riêng trong từng tác phẩm về số phận, tình cảnh của người nông dân. Do vậy, dù có chung một đề tài song mỗi người đã tạo ra được cho mình cách đi riêng và tác phẩm tiêu biểu.

Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã làm sống dậy một làng Vũ Đại với những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến... Những số phận khác nhau, những tính cách khác nhau ở trong một môi trường nhỏ. Nổi bật lên tất cả là những khám phá của Nam Cao về sự thống trị của chế độ phong kiến, bóng dáng của lũ thực dân và sự chà đạp lên những giá trị cơ bản nhất của con người trong xã hội dưới chế độ đó.

Đi vào tác phẩm, băng một giọng kể lạnh lùng, Nam Cao đã đưa ta đến một số phận đau khổ và là nhân vật trung tâm, Chí Phèo, hiện ra bằng chân dung của một tên lưu manh, côn đồ trông “đặc như thằng săng đá”. Hắn vừa ở tù ra, tóc thì cắt trọc, mặt chi chít những sẹo. Cái hình dáng dữ tợn của hắn khiến cho trẻ con trông thấy phải khóc thét lên. Hắn chẳng biết hắn bao nhiêu tuổi, cha mẹ hắn là ai, mà chỉ biết hắn được một anh đi đặt ống lươn tìm thấy trong cái lò gạch cũ. Đi tù bảy tám năm, ra tù hắn về làng suốt ngày ngồi quán rượu và cũng suốt ngày hắn chửi. Hắn chửi trời, chửi đời nhưng trời có của riêng nhà nào, đời cũng chẳng của riêng ai. Vậy là hắn quay sang chửi cả làng Vũ Đại, nhưng hắn cũng không được ai đáp lại, vì họ có coi Chí là người đầu. Với họ, đấy là một con thú hung tợn và điên dại. Bất lực, hắn quay sang chửi chính người nào đã sinh ra hắn. Chao ôi! Tội nghiệp Chí! Bằng cái giọng kể lạnh lùng của mình, Nam Cao đã cho người đọc hiểu rằng Chí đã bị tước mất quyền làm người, bị chà đạp tàn nhẫn cả về nhân tính lẫn nhân hình. Trên cuộc đời và trong làng Vũ Đại, Chí chẳng còn gì để mất, chẳng còn gì để có thể cứu vớt được con người hắn.

Hình tượng Chí Phèo chính là một khám phá riêng đặc sắc của Nam Cao. Vì khi ông miêu tả Chí, ta không những không thấy ghê sợ mà còn thương cảm cho Chí. Qua “Chí Phèo” ta cũng thấy sống dậy cả một tầng lớp nông dân đói khổ bị dồn đến con đường cùng, bị chà đạp cả nhân tính lẫn nhân hình và bị tước mất những quyền cơ bản nhất của một con người. 

Nhưng ai là thủ phạm đã đẩy Chí cùng những số phận nghèo khổ khác đến chân tường vậy? Không dừng lại ở khám phá đó, Nam Cao đã đi dần, bóc vỏ bọc để lộ rõ chân tướng của thế lực đen tối đó. Đó chính là giai cấp thống trị trong xã hội thực dân phong kiến mà đại diện tiêu biểu là cha con Bá Kiến. Trong quá trình tha hóa nhân phẩm của Chí, Bá Kiến luôn có mặt, can thiệp thô bạo hay nói đúng ra là nguyên nhân đẩy Chí đi vào con đường tha hóa. Chỉ vì một sự ghen tuông với Chí về bà Ba - một người đàn bà lẳng lơ mà Bá Kiến đã không ngần ngại đẩy Chí vào tù. Vậy là một anh nông dân cần cù khỏe mạnh và trung thực đến độ bóp đùi cho bà Ba cũng không khỏi run tay, Chí trở thành lưu manh. Cuộc sống trong tù đối mặt với mọi cái xấu xa, gian trá nhất trên đời đã đánh cắp cái phần người, phần nhân tính trong Chí. Vậy nhưng Bá Kiến đã tha cho Chí đâu. Ra tù, Chí bị lão lợi dụng vào những trò tranh giành quyền chức bẩn thỉu của lão. Bằng cái kinh nghiệm dùng người của sự quỷ quyệt gian manh và “tiếng cười Tào Tháo”, Bá Kiến đã biến Chí thành tay sai của mình trong khi đã cướp sạch của hắn những thứ quý giá nhất: quyền được sống và quyền làm người.

Trong sự rộng lớn về đề tài người nông dân trước cách mạng, Nam Cao đã biết khám phá những mảng riêng bằng con mắt của mình. Bên cạnh sự thống trị của một giai cấp tàn ác và tham lam, thì khám phá quan trọng nhất và sâu sắc nhất của Nam Cao là giá trị trong mỗi con người.

Nam Cao không chỉ lạnh lùng chỉ ra cho ta thấy một Chí Phèo lưu manh tha hóa đến tột cùng, một Thị Nở ngây ngây dại dại, xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn; mà trong những con người đó, ông tìm ra cái phần nhân tính cao đẹp vẫn ẩn giấu trong tâm hồn họ qua bao nhiêu lớp bọc. Chí Phèo uống rượu không phải chỉ để say. Hắn cố uống cho say, song lại tỉnh. Ra tù, hắn nhận ra hắn đã bị cướp đoạt đi cả nhân tính lẫn nhân hình. Lần thứ hai hắn bị xã hội vứt bỏ và lần này thì chẳng còn ai chìa tay cứu vớt hắn. Đau đớn và tuyệt vọng, hắn tìm đên rượu. Song trong cơn say, bản năng muốn làm người trỗi dậy làm nảy sinh trong hắn ý định trả thù. Hắn nhận ra Bá Kiến là kẻ thù, là kẻ đã gây ra cho hắn hậu quả ấy. Song đau đớn thay, vì một lần nữa hắn lại rơi vào âm mưu gian xảo của Bá Kiến.

Trong cái tuyệt vọng khốn cùng, một hạnh phúc hiếm hoi đã đến với hắn, thức tỉnh cái ước muốn làm người trong hắn một cách mạnh mẽ. Sự cứu vớt ấy là tình yêu của Thị Nở - một người đàn bà dở dở ương ương cũng bị xã hội coi thường. Thị cũng như Chí, cũng là con người dưới đáy xã hội. Nhưng trong con người thị vẫn tiềm ẩn một khả năng, khả năng yêu - cái chức năng cơ bản của người phụ nữ, một con người. Bát cháo hành của thị đã có một sức mạnh làm trỗi dậy khát vọng làm người trong Chí. Tình yêu ấy đã khiến Chí sống lại với mơ ước một thời là có một gia đình, một hạnh phúc đơn sơ, giản dị. Song khi chuỗi thời gian năm ngày hạnh phúc ngắn ngủi của Chí kết thúc thì Chí nhận ra tất cả đã quá muộn rồi: “Tao muốn làm người lương thiện” nhưng “Ai cho tao lương thiện?”. 

Trong rất nhiều khía cạnh của đề tài này, Nam Cao đã có những khám phá riêng và sâu sắc. Tựu chung lại, ông đã làm nổi bật lên những giá trị nhân văn tiềm ẩn và có sức sống mạnh mẽ trong những con người như Chí, như Thị Nở...

Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến,... đã trở thành nhân vật điển hình và những khám phá riêng của Nam Cao cũng trở thành điển hình.

Cũng đề cập đến đề tài trên, nhưng với con mắt riêng của mình, Kim Lân cũng đã có những khám phá riêng trong tác phẩm “Vợ nhặt”.

“Vợ nhặt” là bức tranh về cuộc sống của người nông dân nơi xóm ngụ cư tồi tàn, nhưng trong những lúc đói khát khốn cùng nhất, họ vẫn nuôi mơ ước về một hạnh phúc đầm ấm, giản dị trong tương lai.

Đối ngược với chất giọng lạnh lùng của Nam Cao, với giọng nhẹ nhàng, tình cảm, Kim Lân đã miêu tả về cuộc sống của những con người đang lay lắt giữa cái sống và chết, khi nạn đói cứ rình chực như cơn bão lăm le cướp đi tất cả.

Tràng là một người kéo xe thuê, với hình dáng bên ngoài to lớn và vập vạp, hai con mắt nhỏ tí gà gà, hai quai hàm bạnh ra, bao giờ cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa dữ tợn vừa thú vị. Nạn đói với sức tung hoành khủng khiếp của nó đã cuốn lấy tất cả trên những con đường đã đi qua “Người chết như ngả rạ”, “Không khí Vẩn lên mùi thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. “Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”. Nạn đói cũng khiến cho Tràng trở nên nặng nề và mệt mỏi. Những đứa trẻ ở xóm ngụ cư - đại diện cho sự sống vui tươi cũng trở nên ủ rũ. Để trêu chọc Tràng được một câu, chúng cũng phải “cong cổ gào” mới bật ra mấy tiếng “Anh Tràng ơi! Chông vợ hài”.

Khám phá của Kim Lân không phải là nạn đói ấy, mà ngòi bút của ông đã đào sâu sắc sảo để phát hiện ra sức sống mãnh liệt của con người cho dù trong cơn khốn quẫn nhất vẫn lấp lánh những ước mơ.

Nam Cao đặt các nhân vật của mình trong một không gian làng Vũ Đại, nơi thống trị lâu đời của chế độ phong kiến. Đằng sau những Bá Kiến - ta vẫn thấy thấp thoáng bóng thực dân. Còn Kim Lân lại đề cập đến xóm ngụ cư và có sự hiện hình rõ rệt của bọn thực dần, phát xít Nhật. Nhân vật của Kim Lân, không phải được khám phá ở phương diện bị bóc lột, chà đạp mà Tràng, người vợ là đại diện cho sức sống mãnh liệt, những con người dù đang sống giữa ranh giới của cái sông và cái chết vẫn không nghĩ tới “ngày mai”. Trong cái “tao đoạn” khốn khổ nhất, Tràng lại lấy vợ. Một sự kiện bất ngờ mà cũng lắm éo le. Cũng có lúc Tràng lo âu về sự kiếm sống để nuôi gia đình. Nhưng ý nghĩ ấy bị lấn át đi bởi cái hạnh phúc bất ngờ của anh. “Trên khuôn mặt Tràng có nét gì phởn phơ”, “ý nghĩ có vợ khiến Tràng thấy vui vui”. Hạnh phúc dù đến trong cảnh khốn cùng nhưng nó vẫn đủ sưởi ấm cho tâm hồn ấy.
Bà cụ Tứ không khỏi ngạc nhiên khi con lấy vợ trong hoàn cảnh ấy. Bà thương cho con mình. Trong lòng người mẹ ấy đan xen bao nhiêu tình cảm. 

Chao ôi, có lòng người mẹ nào lại không đau xót khi không lo nổi cho hạnh phúc của con. “Hai con mắt của bà nhoèn ra”, “Bà lo âu rồi không biết chúng nó có qua nổi cái tao đoạn này không?”. Nhưng rồi cũng với tấm lòng người mẹ, bà hiểu ra tất cả với một nỗi cảm thông “có thể nào người ta mới lấy con mình mà con mình mới có vợ”. Rồi bỏ qua những lo âu đó, bà lại nghĩ cho tương lai về sau, bà nói về những dự định trong tương lai và bà hi vọng.

Sự xuất hiện một thành viên mới, bỗng thay đổi cả cái gia đình hiu quạnh ấy. Ai nấy đều chung tay sửa soạn, dường như họ nghĩ nếu như dọn dẹp cho khung cảnh được quang quẻ, thì cuộc sống cũng có cơ khấm khá hơn. Người đàn bà đã đúng là người vợ đúng mực. Tràng thì cũng xăm xăm muốn góp công vào tu sửa nhà cửa “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại”. Song cái thảm hại toát lên từ đĩa rau chuối thái rối với niêu cháo lõng bõng chỉ có thể họ bớt một chút vui, chứ không ngăn được những mơ ước của họ. Bà cụ Tứ trong suốt bữa ăn chỉ nói chuyện vui sướng về sau, gợi lên trong vợ chồng Tràng một viễn cảnh tươi sáng.

Bằng phong cách, con mắt riêng của mình, Kim Lân đã khám phá ra những nét riêng của số phận và con người nông dân trước cách mạng. Cuộc sống tối tăm đói khát không đủ sức giết chết mơ ước và sức sống trong họ.

Trong mỗi tác phẩm, các tác giả có mỗi cách kết thúc khác nhau.

Trong “Chí Phèo”, Nam Cao kết thúc truyện bằng một cuộc “khởi nghĩa” nhân tính của Chí Phèo. Trong cơn tuyệt vọng tột cùng vì nhận ra mình đã mất đi quyền được làm người, Chí đã tìm đâm Bá Kiến - kẻ thù hiểm độc nhất của mình rồi tự sát.

Còn trong “Vợ nhặt”, kết thúc câu chuyện là lời kể về cuộc khởi nghĩa phá kho thóc và hình ảnh đám người đói cùng lá cờ đỏ sao vàng vẫn lởn vởn trong đầu Tràng.
 
Cái chết của Chí Phèo không gợi lên sự bi thảm hay tối tăm như tương lai chị Dậu. Mà nếu như Chí Phèo đã thực hiện một cuộc “khởi nghĩa” đầy nhân tính, thì Tràng của Kim Lân lại được nhận thức về một cuộc cách mạng không xa trong tương lai để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc.

Chí Phèo đã chấp nhận lấy cái chết để đánh đổi sự lương thiện nhân tính. Hắn chết nhưng phần linh hồn lại được gột rửa sạch, trở về đúng nghĩa một con người. Và vì vậy cái chết của Chí cũng là một kết thúc điển hình và hợp lí.

Với “Vợ nhặt”, ta tin rằng trong tương lai không xa rồi Tràng cũng sẽ tham gia cách mạng, đi dưới lá cờ đỏ ấy để thực hiện ước mơ của mình, của những người dân xóm ngụ cư.

Qua đó, ta đã hoàn toàn có thể thấy rõ được tư tưởng nhân đạo bao trùm hai tác phẩm. Mỗi nhà văn sáng tác đều dựa trên tấm lòng nhân đạo của mình. Tư tưởng nhân đạo nổi bật ở từng số phận Tràng, Chí Phèo... và xuyên suốt tác phẩm qua diễn biến câu chuyện. 

Với “Chí Phèo”, Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo đặc sắc và chủ đạo của ông là ở sự bộc lộ của mỗi nhân vật. Bằng một giọng điệu lạnh lùng với trái tim nồng ấm yêu thương, Nam Cao đã nhận ra phần người bị khuất lấp đằng sau những hình dáng dữ tợn, xấu xí... Ông đã biện mình một cách lặng lẽ cho nhân tính của những người dưới đáy xã hội như Chí Phèo, Thị Nở, đồng thời cũng lên án mạnh mẽ giai cấp thống trị đương thời.

Kim Lân qua “Vợ nhặt”, đã làm toát lên sức sống mãnh liệt của những người dân Việt Nam trong những sức vóc nhỏ bé ấy lại là cả một sức mạnh tiềm tàng, một tâm hồn phong phú. Không nhiều lời, song ông cũng đã phơi bày được tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật qua những trò như thu thóc tạ đã bóc lột nhân dân đến tận cùng.

“Chí Phèo”, “Vợ nhặt” - tự những tác phẩm ấy đã nói lên giá trị của mình và với những giá trị đó, nó xứng đáng vào hàng ngũ những tác phẩm thành công nhất của văn học thời kì trước cách mạng.
 
Nguyễn Thị Bích Lài Trường chuyên Ninh Thuận
Bài đạt giải Nhì kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2017

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây