Bài thơ được làm theo thể thơ năm chữ, nghĩa là một câu thơ có năm âm tiết. Sự gọn ghẽ của cấu trúc ấy cộng với âm thanh, nhịp điệu luân chuyển theo từng khổ thơ, toàn bài thơ là một bức tranh xuân về thiên nhiên và con người xứ Huế.
Ai cũng dễ dàng nhận thấy ở khổ thơ đầu là sắc xuân của mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất trời. Ba nét, chấm phá: một dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc, một tiếng chim chiền chiện dã khắc hoạ một cảnh xuân xứ Huế rất đẹp, tràn đầy sức sống và tràn ngập niềm vui rạo rực. Điều đáng nói ở đây là tính hình tuyến của ngôn ngữ làm cho câu thơ hay hơn. Rất bình thường ta viết: “Một bông hoa tím biếc mọc giữa dòng sông xanh”; nhưng tác giả lại viết khác bình thường: “Mọc giữa dòng sông xanh - Một bông hoa tím biếc”. Hoa mọc giữa dòng sông khoe sắc tím biếc thì thật đầy sức sống!
Trước vẻ đẹp của mùa xuân đất trời, cảm xúc của tác giả như trào dâng. Nhà thơ “kêu lên” cùng với tiếng chim chiền chiện một giọng rất Huế “Hót chi mà vang trời!” Và chính cảm xúc đó đã làm cho tác giả nhìn nhận mọi cảnh vật đều rất thơ: “Từng giọt long lanh rơi - Tôi đưa tay tôi hứng”. Đến đây, hàng loạt câu hỏi đặt ra: Giọng gì rơi? Đưa tay hứng cái gì? Vượt lên trên hai hàng chữ là một ý thơ độc đáo mà nhiều nhà phê bình rất tâm đắc. Người ta có thể à lên một tiếng: Trời! Đó là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Tác giả như nhìn thấy nó đọng thành từng giọt, rơi long lanh. Nhà thơ như hứng được một cách nâng niu, chiều chuộng. Ở đây, đã có sự chuyển đổi cảm giác mang tính chủ quan của nhà thơ. Từ cái có thể nghe được (thị giác) và cuối cùng đến cái có thể hứng được, nắm bắt được (xúc giác). Mọi cảm giác đã được lên men. Nhà thơ say đến ngất ngây vẻ đẹp của mùa xuân đất trời quê hương xứ Huế.
Sang khổ thơ thứ hai, bằng những câu thơ tả thực mang đậm tính tượng trưng, ta có thể cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của mùa xuân cách mạng thật hối hả, khẩn trương, hào hùng:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Từ “lộc” ở đây có thể hiểu nhiều nghĩa, ở nghĩa bề mặt (ngôn ngữ học là nghĩa cơ sở) thì “lộc” có nghĩa là chồi non; ở nghĩa phát sinh thì “lộc” nghĩa là mùa xuân, là sức sống. Người cầm súng giắt lộc để ngụy trang ra trận, người ra đồng như gieo mùa xuân trên từng nương mạ. Những con người làm nên lịch sử của đất nước (xây dựng và bảo vệ) đã mang cả mùa xuân ra trận địa của mình để gặt hái mùa xuân về cho đất nước.
Có lẽ sắc xuân Huế đọng lại nhiều nhất là ở khổ thơ cuối. Người ta thường nói đến tín hiệu thẩm mĩ làm nền, tín hiệu thẩm mĩ độc đáo trong một tác phẩm nghệ thuật. Theo chúng tôi, tín hiệu thẩm mĩ độc đáo của bài thơ nằm ở những hình ảnh cuối của khổ thơ cuối. Đó là vẻ đẹp tư tưởng của tác giả, của những con người xứ Huế giản dị, khiêm nhường nhưng cũng thật mạnh mẽ;
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc...
Cách chọn hình ảnh - những tín hiệu thẩm mĩ của tác giả ở đây thật tự nhiên và hợp lí: chim hót, cành hoa, nốt nhạc trầm, một mùa xuân nho nhỏ. ước nguyện thật thiết tha nhưng cũng khiêm tốn: muốn góp một phần nhỏ bé để làm nên mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân cách mạng, mùa xuân đất nước. Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” ở cuối bài thơ như ánh lên, tỏa sức xuân tâm hồn trong toàn bộ bài thơ. Tác giả muốn sống một cuộc đời đẹp như mùa xuân. Giữ cho tâm hồn tràn đầy sức sông như mùa xuân nhưng lại là mùa xuân nho nhỏ. Hơn ai hết, tác giả ý thức được mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Mùa xuân rộng lớn thuộc về đất trời, thuộc về mùa xuân cách mạng không một cá nhân nào làm nổi. Mỗi cá nhân chỉ có thể đóng góp mùa xuân của cuộc đời riêng để tăng thêm vẻ yêu kiều cho mùa xuân đất nước, mùa xuân cuộc đời chung. Ước nguyện khiêm nhường, thiết tha, kín đáo nhưng mãnh liệt của tác giả cũng chính là ước nguyện của con người xứ Huế.
Cả bài thơ chỉ có một từ “Huế” ở cuốibài nhưng chúng ta có thể cảm nhận nhiều sắc xuân Huế ở trong đó: sắc xuân của đất trời thiên nhiên xứ Huế, sắc xuân của Cách mạng cốđô, sắc xuân tư tưởng của con người xứ Huế. Cảm ơn nhà thơ Thanh Hải - một người con xứ Huế đã nói hộ nhân dân cố đô trong một bài thơ nho nhỏ...