Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích nghệ thuật tả cảnh, tả người của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

Thứ hai - 01/03/2021 08:39
Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và làm bài văn mẫu, đề bài: Phân tích nghệ thuật tả cảnh, tả người của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

I. Dàn ý

1. Mở bài:
– Truyện Kiều được đánh giá là tác phẩm đạt tới đỉnh cao về mặt nghệ thuật.
– Điều đó chứng tỏ thiên tài Nguyễn Du xứng đáng với sự tôn  vinh, khâm phục và yêu mến của người đọc nhiều thế hệ.
2. Thân bài:
* Phân tích:
+ Bút pháp tả cảnh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
– Vẫn theo truyền thống có sẵn trong văn chương cổ điển là bút pháp ước lệ hoặc tả cảnh ngụ tình.
– Tả cảnh xen vào tâm trạng đế làm nổi bật tâm trạng nhân vật, thôg qua tả cảnh để miêu tả tâm lí nhân vật. Dẫn chứng: Cảnh Kim Kiều gặp nhau trong tiết Thanh minh, đêm trăng trong vườn Thúy, cảnh Kiều bán minh cho Mã Giám Sinh, cảnh Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều, cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích, cảnh Kiều bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư.
– Trong khi tả thiên nhiên, Nguyễn Du đã dệt nên những bức tranh tuyệt mĩ bằng ngôn ngữ thi ca.
+ Bút pháp tả người:
– Nguyễn Du tả người theo hai cách: tả thực và ước lệ. Các nhân vật phản diện tả bằng bút pháp tả thực. (Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến…) Các nhân vật chính diện được tả bằng bút pháp ước lệ: Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải…)
– Thái độ của nhà thơ yêu ghét rạch ròi, phân minh. Ví dụ: tỏ ra khinh bỉ khi miêu tả diện mạo và bản chất con buôn vô học của Mã Giám Sinh trong cảnh Mã Giám Sinh mua Kiều. Ghê tởm nhân vật Tú Bà nanh nọc, độc ác; nhân vật Sở Khanh trơ trẽn, lừa lọc, nhân vật Hoạn Thư xảo trá, nham hiểm… Yêu mến, thương xót Thúy Kiều, dành những ngôn từ đẹp nhất để ca ngợi tài sắc của nàng.
– Nhà thơ đã xây dựng thành công những hình tượng văn học có tính xã hội rất cao, có sức sống muôn đời.
3. Kết bài:
– Tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du được khẳng định và ca tụng.
– Có được tài năng ấy là do nhà thơ đã tiếp thu được những tinh hoa trong văn chương cổ điển, trong văn học dân gian, kết hợp với sự sáng tạo tài tình của bản thân cùng quá trình khổ luyện lâu dài.


II. Bài làm

Nguyễn Du là một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam, ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều áng thơ văn có giá trị cao không chỉ về nội dung mà còn mang đậm giá trị thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật. Tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sang tác của Nguyễn Du có thể kể đến, đó chính là đại kiệt tác Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều). Ở trong tác phẩm này, Nguyễn Du đạt tới đỉnh cao về giá trị nội dung tư tưởng, mặt khác cũng thể hiện được tài năng bậc thầy của Nguyễn Du về mặt nghệ thuật, cụ thể hơn đó chính là nghệ thuật tả cảnh, tả người.

Để thấy rõ hơn tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du ta đi tìm hiểu chi tiết vào nghệ thuật tả người trong trích đoạn Chị em Thúy Kiều và nghệ thuật tả cảnh thông qua đoạn trích Cảnh ngày xuân. Trước hết là về nghệ thuật tả người, ta có thể thấy trong tác phẩm Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã sử dụng điêu luyện nghệ thuật tả người, thông qua những chi tiết khái quát, Nguyễn Du đã có thể làm nổi bật lên hình dáng, tính cách cũng như thế giới tâm hồn của những nhân vật trong tác phẩm của mình.

“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”

Thông qua ngôn ngữ tự sự, tác giả Nguyễn Du đã khái quát được vẻ đẹp toàn vẹn, mười phân vẹn mười của chị em Thúy Kiều, mặc dù chỉ được khái quát thông qua bốn câu thơ nhưng người đọc vẫn cảm nhận trọn vẹn được vẻ đẹp cũng như vị trí của chị em Thúy Kiều trong gia đình của Vương ông. Để làm rõ hơn vẻ đẹp của từng người, Nguyễn Du đã đi vào miêu tả chi tiết:

“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

Vẻ đẹp của Thúy Vân là một vẻ đẹp đài các, kiêu sa với khuôn mặt tròn trịa phúc hậu, nét ngài nở nang, môi cười như hoa, giọng nói trong và đẹp như ngọc “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Vẻ đẹp của Thúy Vân khiến cho mây, tuyết vốn là những biểu tượng của vẻ đẹp vĩnh cửu trong tự nhiên cũng phải thua, phải nhường, tức là công nhận vẻ đẹp của nàng.

Ta có thể nhận thấy điều đặc biệt trong cách miêu tả của Nguyễn Du, đối với các nhà văn trung đại xưa thường có xu hướng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực đánh giá vẻ đẹp của con người. Nhưng, ở đây tác giả Nguyễn Du thể hiện một quan điểm hoàn toàn mới mẻ, nhà thơ đặt con người vào vị trí trung tâm của vũ trụ, lấy con người làm thước đo, chuẩn mực để đánh giá thiên nhiên. Cái độc đáo trong cách miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều đó chính là cách sắp xếp hay trình tự miêu tả của nhà thơ. Nhà thơ miêu tả Thúy Vân trước, sau đó mới nói đến vẻ đẹp của Thúy Kiều:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Như vậy, Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân trước để nhấn mạnh đến vẻ đẹp của Thúy Kiều, nếu như ở Thúy Vân có vẻ đẹp đài các, kiêu sa thì ở Thúy Kiều lại mang vẻ đẹp đối lập, đó là nét đằm thắm, sắc sảo. Đây là cái sắc sảo của một con người có vẻ đẹp hơn người, toát ra từ chính vẻ đẹp trí tuệ. Đẹp về ngoại hình nhưng cũng không ăn nhằm gì với vẻ đẹp tài năng ở người con gái này “So bề tài sắc lại là phần hơn”. Vẻ đẹp của Thúy Vân được thiên nhiên công nhận bởi vẫn nằm trong khuôn khổ của tự nhiên thì vẻ đẹp của Thúy Kiều dường như đã vượt ra khỏi cái khuôn khổ cho phép của tự nhiên.

Chính vẻ đẹp cá tính, thoát ra khỏi tầm kiểm soát của tự nhiên đã khiến cho hoa phải ghen vì thua thắm, liễu phải hờn vì kém xanh. Theo dõi toàn bộ Truyện Kiều và cuộc đời của nàng Kiều ta có thể thấy cái hay trong cách dung từ của Nguyễn Du. Các từ ngữ không chỉ góp phần làm toát lên vẻ đẹp đặc trưng của hai nàng Vân, Kiều mà nó còn mang chức năng dự báo về cuộc đời. Nếu như Thúy Vân có cuộc đời êm ả, yên bình vì mây thua, tuyết nhường thì Thúy Kiều lại có một cuộc đời đầy sóng gió vì ngay từ đầu đã mang vẻ đẹp đối nghịch với tự nhiên.

Nếu qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều ta thấy được vẻ đẹp và những dự báo về cuộc đời của Thúy Vân và Thúy Kiều thì đến đoạn trích Cảnh ngày xuân ta lại lần nữa ngỡ ngàng vì tài năng miêu tả bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong cách tái hiện khung cảnh ngày xuân:

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Qua cách miêu tả của Nguyễn Du, bức tranh ngày xuân rực rỡ hiện ra sinh động và chân thực ngay trước mắt người đọc, đó chính là không gian tươi mới, tràn đầy sức sống từ chính những cảnh vật xung quanh. Ngày xuân trong cách cảm nhận của Nguyễn Du tuy đẹp nhưng chảy trôi tựa như con thoi di chuyển trên khung cửi của những người thợ may. Nhà thơ nhấn mạnh đến dòng chảy trôi của thời gian qua câu thơ “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, đó là nhịp chảy của thời gian, cũng là cảm xúc, nhận thức ngỡ ngàng của con người khi thời gian trôi đi.

Khung cảnh ngày xuân thực sự hiện ra tươi đẹp, hấp dẫn thông qua hình ảnh cỏ non trải dài đến tận chân trời. Mở ra trước mắt người đọc là một thảm cỏ xanh tươi, mướt mắt trải ra mênh mông và trong không khí tươi đẹp của ngày xuân thì những đám cỏ xanh như hòa quyện làm một với không gian bầu trời, tạo sợi dây kết nối giữa hai khoảng không gian dường như luôn đối lập nhau.

Trên cái nền xanh bát ngát của cỏ xanh lại được điểm xuyết bởi những cành lê trắng tinh khôi, rạng rỡ “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Những bông hoa lê như tạo ra điểm nhấn trong bức tranh của ngày xuân, nó mang lại vẻ rạng rỡ, tươi mới, kích thích cảm xúc thẩm mĩ của người nhìn. Nhà thơ Nguyễn Du không chỉ tinh tế khi miêu tả cảnh vật tươi đẹp của ngày xuân trong tiết thanh minh mà còn vô cùng sâu sắc khi tái hiện vẻ đẹp trầm lắng, xuyến xao của cảnh vật và tâm trạng con người khi chiều tà:

“Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc qua”.

Như vậy, qua hai đoạn trích Cảnh ngày xuân và Chị em Thúy Kiều, ta phần nào hiểu được tài năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong miêu tả người và tái hiện cảnh vật. Có thể nói yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện Kiều cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất làm lên thành công của đại kiệt tác Truyện Kiều.


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây