Xu hướng lãng mạn chủ nghĩa thời kì 1930 - 1945 đã mang đến cho văn học nước ta một "cái tôi cá thể hóa" như ý kiến của Hoài Thanh và Hoài Chân: "Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ "tôi" xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân".
"Cái tôi" trữ tình đó được thể hiện như một "chủ đề sáng tạo" độc đáo trong nghệ thuật: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận" (Hoài Thanh).
Chính Thế Lữ - cây bút đầu đàn của phong trào "Thơ mới" - ghi nhận nhiều xúc cảm của thi nhân trước thế giới muôn màu muôn vẻ của ngoại cảnh và thế giới phong phú tinh vi của nội tâm con người:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối hay ngây thơ
Cũng như vẻ đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng,
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân,
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió.
Đặc biệt "cái tôi" trữ tình hiện rõ nét nhất qua nỗi khát khao được giao cảm với cuộc đời, khao khát tình yêu, tuổi xuân với tất cả lạc thú tinh thần và vật chất, thanh cao và trần tục đến độ cuồng nhiệt, tích cực của nhà thơ:
Ta muốn ôm,
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi tham, cho đã đầy ánh sáng.
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
... Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Xuân Diệu)
Cảm xúc lãng mạn của các nhà Thơ mới không còn là cảm xúc chung chung tan biến vào những ước lệ thường thấy trong thơ cũ:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn chương dài, người lữ thứ,
Biết ai mà kể nỗi hàn ôn.
(Bà Huyện Thanh Quan)
Trái lại, đầy nét sáng tạo:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi,
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
(Huy Cận)
Trước đó, mùa thu đến trong thơ Tản Đà vẫn còn mang hình ảnh ước lệ thường thây trong thơ xưa:
Từ vào thu đến nay,
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh,
Trăng thu bạch,
Khói thu xây thành,
Lá thu rơi rụng dầu ghềnh,
Sông thu đưa lá bao ngành biệt li.
Chỉ mười năm sau, mùa thu đến trong thơ Xuân Diệu bằng những hình ảnh trực tiếp và đầy cảm xúc tinh tế. Những cây liễu bên hồ có dáng đứng chịu tang, cành lá rũ xuống như ngàn hàng lệ rơi nối tiếp nhau. Trời thu như choàng một tấm áo mơ phai dệt bằng những chiếc lá vàng thơ mộng:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng:
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo ma phai dệt lá vàng.
Tóm lại, xu hướng lãng mạn chủ nghĩa thể hiện trực tiếp và sâu sắc "cái tôi" trữ tình tràn đầy cảm xúc. Đồng thời sự giải phóng "cái tôi" trữ tình đã phát huy trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ. Để thoát khỏi thực tại xã hội tù đọng, các nhà thơ lãng mạn đã lấy mộng làm thực, tìm đến thiên nhiên, tưởng tượng cảnh thần tiên để diễn tả những ước mơ, khát vọng của mình.
Thực tại đời sống vô nghĩa, tù hãm đôi khi giày vò tâm hồn nhà thơ:
Tôi chợt hiểu: hình ảnh đời là thế,
Có phải còn vui đẹp lắm đây chăng?
Tôi muốn quên đi trong mơ màng
Và gượng cất tiếng cười che tiếng khóc.
(Thế Lữ)
Nhà thơ tìm đến cảnh Thiên Thai huyền ảo:
Tiên nga xõa tóc bên nguồn,
Hàng tùng rủ rí bên cồn đìu hiu;
……………..
Trời cao xanh ngắt - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai,
(Thế Lữ)
Nhưng người đọc vẫn "cảm thấy một cái buồn bát ngát như nghe một thứ âm nhạc lạ lùng huyền dịu" (Vũ Ngọc Phan). Trước hết, đó là một nỗi "sầu vạn kỉ", vừa như là một "nỗi buồn sông núi", cảnh tiên lẽ ra tuyệt vời hạnh phúc, cớ sao giai điệu sáo tiên lại hiu hắt và lòng người tiên lại:
Buồn ai! Xa vắng mênh mông là buồn...
Cũng mơ ước thoát khỏi cảnh bế tắc, Chế Lan Viên đã chán chường than thở:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu;
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu?
Với tôi tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
Xuân mang đến bao nhiêu hi vọng, ước mơ tốt đẹp cho mọi người. Nhưng xuân ở đây hoàn toàn vô nghĩa vì dường như các nhà thơ lãng mạn thế hệ 1930 — 1945 đều ấp ủ những nỗi băn khoăn đau buồn của những người cùng thế hệ đòi hỏi tự do, ước mơ hạnh phúc, tuy các anh chưa tìm thấy lối ra và nhiều khi rơi vào chán nản (Tố Hữu).
Nhiều nhà thơ còn thể hiện một tâm tình, một ước mơ gửi trong tình yêu quê hương, đất nước. Với Hàn Mặc Tử, thôn Vĩ Dạ có vườn cây xanh tươi, mượt mà:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Nhưng cũng mang nét buồn xa vắng với cảnh sông, nước, mây, trời:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Dòng sông hiện lên, tràn ngập ánh trăng như trong cõi mộng:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Rồi tưởng tượng vút cao, tất cả cảnh vật dần dần trở nên mơ hồ, hư ảo. Qua sương khói chập chờn màu áo trắng giai nhân, nhà thơ bâng khuâng thắc mắc: tình giai nhân có đậm đà bền chặt hay cũng mờ ảo chập chờn như khói sương xứ Huế?
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Trong thơ Huy Cận, cảnh sông Hồng mênh mông sóng nước chiều hôm đã khơi nguồn cảm hứng cho thi nhân:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
(Tràng giang)
Lời thơ Tràng giang thể hiện tình cảm mến yêu quê hương đất nước như chính tác giả ghi nhận: "... gợi lên và mở ra một tình yêu lớn lao hơn mỗi miền quê, mỗi cảnh vật".
Rõ nét nhất là niềm khao khát thoát khỏi kiếp sống của người dân nô lệ qua hình ảnh con hổ nhớ rừng:
Gặm một khối căm hờn trong củi sắt.
……………………
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
…………………..
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
(Nhớ rừng)
Chính "cái tôi" trữ tình tràn đầy cảm xúc mà xu hướng lãng mạn chủ nghĩa thể hiện trong văn chương, đặc biệt là trong thơ, đã làm nở rộ một thời kì thơ ca với những bông hoa giàu hương sắc: "...một hồn thơ rộng mơ như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu"