Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh.

Thứ hai - 18/07/2016 05:49
Phan Châu Trinh là một nhà nho yêu nước sớm có tinh thần dân chủ. Ông người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh ông là Phan Văn Bình, một võ quan từng tham gia hoạt động chống Pháp trong phong trào cần Vương. Năm 1885, thân phụ mất khi ông mới 13 tuổi.
Năm 1892, ông đi học và nổi tiếng học giỏi, là bạn học chung với Huỳnh Thúc Kháng. 1900, ông đỗ cử nhân, đồng khoa với Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh sắc. Được bố làm thừa biện bộ Lễ một thời gian, nhưng ông bỏ làm quan, hoạt động cứu nước. Hoạt động yêu nước của ông đã góp phần làm dấy lên phong trào đấu tranh cách mạng đầu thế kỉ XX. Cũng như nhiều nhà cách mạng khác, Phan Châu Trinh còn sáng tác thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân.
 
Nói về Côn Lôn, nay là Côn Đảo, đó là một hòn đảo nước ta, nằm ở tận cùng tổ quốc, bốn bề sông nước, bị Pháp chiếm đóng từ 1861 đến 1945 để giam giữ những phạm nhân chính trị, có những câu thơ từ nhà tù ấy truyền tụng rằng:
 
Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người
Mỗi buớc chân che lấp một cuộc đời.
 
Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn được Phan Châu Trinh ông làm tại nơi bị tù khổ sai ở đảo Côn Lôn do bị kết tội khởi xướng phong trào chống thuế ở Trung Kì:
 
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan nam bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
 
Tháng ngày bao quản thêm sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!
 
Đọc lại bài thơ, ta càng hiểu sâu tấm lòng và khí phách của nhà cách mạng yêu nước vào đầu thế kỉ này.
 
Ngoại trừ hai tiếng Côn Lôn, bài thơ không còn từ nào nói về việc tù đày, giam hãm. Tác giả tả cảnh người tù đập đá ở Côn Lôn với tư thế của những người đập đá vá trời, dời non lấp bể. Người đọc không còn cảm thấy sự nặng nhọc của công việc khổ sai mà chỉ thấy những động tác lớn lao mạnh mẽ sảng khoái như đang dốc sức làm thay đổi giang sơn đất nước. Bài thơ là dạng một bài thơ "khẩu khí" luôn có hai nghĩa: một nghĩa tả thực và một nghĩa hàm ẩn. Nghĩa tả thực miêu tả cảnh tác giả bị thực dân Pháp bắt làm tù khổ sai tại Côn Đảo, nghĩa thứ hai thể hiện chí khí của người anh hùng.
 
Hai câu đầu:        
 
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lờ núi non”
 
Nếu hiểu theo nghĩa tả thực thì đó là hoàn cảnh thật cực nhọc của những người tù khổ sai nơi đất Côn Lôn: Một vùng đất bốn bề là biển, tội nhân toàn là những chí sĩ yêu nước, bị Pháp bắt đem đến hải đảo này hoặc bắt làm những việc lao động cực nhọc, hoặc bị bắn chết mà không có một tòa án công bằng nào lập ra. Vậy mà Phan Chu Trinh vẫn hiên ngang viết: "Từng lẫy làm cho lở núi non".
 
Đó là tư thế đối mặt với kẻ thù, ở ngay nơi mà kẻ thù giam cầm đày đọa. Đối với người trai đó chỉ là chuyện bình thường. Câu thơ còn toát lên niềm tự hào, kiêu hãnh: người chiến sĩ ấy đang làm những chuyện vang dội lừng lẫy tiếng tăm.
 
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
 
Hình ảnh đập đá thể hiện sức mạnh và khí thế của con người. Đá tượng trưng cho những trở ngại khó khăn nhất - chân cứng đá mềm. Câu thơ mô tả cụ thể năm bảy đống, mấy trăm hòn khiến ta hình dung được công việc khổ sai nặng nhọc của người tù: xách búa, ra tay đập bể. Núi đá cao chất ngất, người tù phải làm việc liên tục mới đạt mức tan năm bảy đống, bể mấy trăm hòn. Câu thơ còn có một ý nghĩa ẩn dụ. Đó là hành động cách mạng, đập tan ách áp bức thống trị của kẻ thù. Sự nghiệp cứu nước, hành động cách mạng không bị gián đoạn bởi sự giam hãm của kẻ thù. Các động từ xách búa, ra tay thật mạnh mẽ, khỏe khoắn. Các số lượng năm bảy và mấy trăm càng làm rõ sức mạnh ấy. Hai cảu thơ đầy khí thế tiến công, tưởng như sức mạnh vô địch của người anh hùng ấy sẽ đập tan bất cứ những trở ngại, khó khăn nhất.
 
Quả là tư tưởng của hai nhà cách mạng họ Phan đã gặp nhau:
 
Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.
 
Nhà tù càng tỏ rõ chí khí kiên cường, phẩm chất anh hùng của hai nhà cách mạng ấy:
 
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
 
Trong lúc ấy, cảnh Côn Lôn là một cảnh tượng dễ làm lung lay chí khí con người. Có một tù nhân đã viết:
 
Côn Lôn hải đảo giữa vời,
Tội nhơn ra đó trăm ngàn,
Chịu cơ hàn nỗi nằm, nỗi ăn
Thương thay cực khổ khôn ngăn
 
Sớm đi làm, tối về trối trăn
Đất trời thấu chăng, đã năm ba phen loàn
Nao thở than
Bởi rủi ro khiến xui vận hạn
 
Nghĩ lại thêm càng
Tuôn giọt luỵ chứa chan
Tứ vi nước mênh mông
Đã xa rời vợ con
Tối khôn cùng thương nhớ....
Lặn biển, trèo non
Biết thuở nao vuông tròn... ??
 
Ngược lại, mang hoài bão lớn, có hành động cách mạng, bản thân chí sĩ họ Phan, là người chiến sĩ đâu kể gì đến tấm thân dày dạn phong trần, sẵn sàng chấp nhận gian khổ hiểm nguy. Miễn sao họ giữ được tấm lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng: đó như son, thủy chung, bền vững. Ý thơ đi sâu vào phẩm chất cách mạng của người chiến sĩ, vừa như một lời thề kiên trung nhất với non sông:
 
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
 Mưa nắng chi sờn dạ sắt son
 Những kẻ vá trời khi lở bước,
Gian nan chi kể việc con con!
 
Câu thơ gợi nhớ sự tích Nữ Oa vá trời, khắc đậm hình ảnh và ý nghĩa của công việc đập đá, làm lở núi non kia là đang làm công việc lớn lao đầy ý nghĩa như vá trời, như đang đỡ lây vận mệnh của đất nước. Tầm vóc lớn lao ấy thật đối lập với chuyện con con. Quả thực, gian nan là chuyện thường tình của những bậc anh hùng khi lỡ bước.
 
Bằng cảm xúc mãnh liệt, chân thật, hình ảnh nhân vật đã biểu hiện tâm hồn, khí phách, nhiệt tình cách mạng của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh trong hoàn cảnh lỡ bước. Đó cũng là khí phách và hình tượng tiêu biểu cho cả một thế hệ yêu nước, vào đầu thế kỉ XX ở nước ta như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đình Phùng v.v...

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây