Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cụ Phan Bội Châu khi thấy một người bạn trong tù chán nản, đã làm một bài thơ khuyên giải, trong ấy có hai câu đáng ghi nhớ nhất: "Nếu phải đường đời bằng phẳng cả - Anh hùng, hào kiệt có hơn ai "

Thứ hai - 18/07/2016 05:47
Hãy giải thích và chứng minh câu nói ấy của nhà lãnh đạo phong trào Đông Du và thử so sánh điểm tương đồng với câu ca dao Việt Nam: " Ở đời muôn sự của chung - Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi"
Trong hoàn cảnh khó khăn, con người thường đâm ra hoang mang, chán nản. Khi bị giam ở nhà ngục Quảng Châu, tình trạng này cũng xảy ra. Một người bạn từ của cụ Phan Bội Châu tỏ ra bi quan đau khổ, cụ Phan lấy danh nghĩa người lãnh đạo, đã viết một bài thơ động viên, khuyên bảo, trong ấy có hai câu đặc sắc rất được người đời truyền tụng:
 
“Nếu phải đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng, hào kiệt có hơn ai!”.
 
Hai câu ấy khi đọc qua, khiến ta nhớ đến câu ca dao Việt Nam:
"ở đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi".
 
Vậy ta thử tìm hiểu ý nghĩa lời khuyên bảo của nhà lãnh đạo phong trào Đông Du và tìm điểm tương đồng giữa lời thơ cụ Phan với lời ca dao đã được ngàn đời nhắc nhở.
 
Trước khi đề cập đến con đường đời - một khái niệm tuy thực tế mà trừu tượng ta hãy nhìn lại con đường thực sự mà chúng ta đã dùng để di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Con đường thật sự mở ra từ châu thành, bằng phẳng và rộng rãi. Những ra một đỗi, ta đã thấy đường thu hẹp lại, có chỗ gồ ghề, lồi lõm. Kia một núi cao sừng sững trước mắt, đường xuyên qua ư? - Không! Đường vượt lên một cái dốc thật cao rồi ngoặt sang một bên, chạy vun vút xuống sườn núi, thung lũng, và cứ như thế mà đường tiến mãi...
 
Con đường đời nào có khác chi! Biết bao nhiêu người đi qua trước ta đã bảo cho ta biết: đường đời lắm chông gai, nhiều cạm bẫy, đầy rẫy chướng ngại, còn nguy hiểm hơn con đường thực tế nhiều.
 
Học lịch sử, ta đã từng nghe nhắc đi nhắc lại đến ngàn lần bốn chữ “Anh hùng hào kiệt". Anh hùng là gì và hào kiệt là gì? Anh là loài cỏ quý nhất trong muôn loài cỏ, hùng là loài thú mạnh nhất trong muôn loài thú; hào kiệt là kẻ tài trí hơn người .Anh hùng, hào kiệt là hạng người xuất chúng, tài trí hơn người danh lưu muôn thuở.
 
Thay vì lời kêu gọi bạn: “Hay cương quyết tiến lên!", Hãy cố gắng vượt qua khó khăn trở lực!", cụ Phan Bội Châu đã dùng lời thơ thâm thúy để vừa đi sâu vào tâm hồn bạn, vừa để che mắt thực dân. Nhưng nội dung lời thơ là chỉ cho bạn thấy: Đường đời lắm chông gai, trở lực, hãy can đảm, kiên nhẫn vượt qua để xứng đáng là kẻ nối chí các bậc anh hùng, hào kiệt. Bằng không ta chỉ là hạng tầm thường.
 
Đọc hai câu thơ của cụ Phan, ta thấy được cái quan niệm về thế cuộc của cụ: thời thế tạo anh hùng và anh hùng nỗ lực để biến chuyến thời thế, tạo lập những tinh thế mới có lợi cho dân, cho nước.
 
Ta hãy nhìn qua lịch sử nước người và lịch sử nước ta thì đủ rõ. Nếu nhà cách mạng Tôn Văn chịu cúi đầu làm quan cho triều đình Mãn Thanh thì cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) làm sao có thể bùng nổ, chế độ dân chủ làm sao có thể kiến tạo ở Trung Hoa? Nuôi chí kiên nhẫn, vượt mọi khó khăn trên đường đời, đi từ Á sang Âu, sang Mỹ nghiên cứu một chính thể thích hợp với đòi hỏi của dân tộc Trung Hoa, vượt bao nhiêu cạm bẫy mà triều đình nhà Thanh đã giăng mắc, cụ Tôn Van hoàn thành sứ mạng và nổi tiếng là người chiến sĩ dân chủ tiền phong của Á châu.
Ở nước ta, lịch sử đã chứng minh: Chính trong những cuộc khởi nghĩa quyết liệt chống quân xâm lược Tàu, chính cái tinh thần trung trinh, vượt khó, chính cái gian khổ mười năm, chính lời nói quyết liệt bất chấp mọi khó khăn lịch sử đã tạo ra Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo; chính trên con đường dài gai góc chống thực dân, chính trên chiến trường Yên Bái, chính ở phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân mà sáng tỏ danh nghĩa Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
 
Thời thế đã tạo ra những bậc anh hùng ấy đã đem hết tâm chí mình để mang lại một tình thế mới cho quốc gia, dân tộc. Ta được có ngày nay chính là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần vượt khó của các bậc anh hùng tiền bối vậy. Thật rõ là:
 
“Có khó mới có anh hùng,
Qua bao gian khổ, tỏ lòng trung kiên”.
 
Quan niệm của cụ Phan Bội Châu hoàn toàn thích hợp với thực tế của trào lưu tiến hóa xã hội. Người ta thường nói: “Truông đồ trí mã lục, sự cửu thức nhân tâm". Một chiếc xe có chạy đường gồ ghề, lồi lõm nhiều dốc, quanh co, mới gọi là xe tốt; người lái xe có vượt qua những đoan đường nguy hiểm mới tỏ được thực tài.
 
Sự phát triển xã hội là một con đường nhiều hầm hố, gai góc. Người anh hùng có khi đi thẳng, có khi đi quanh, lúc qua đèo, khi xuống trũng, có khi phải sa xuống hố sâu, vực thẳm, nhưng "Thất bại là mẹ thành công", Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng, Trương Công Định mất đi mà danh nghĩa anh hùng ấy đến ngàn năm sau vẫn còn kích động lòng người, kiến tạo được những ngày tươi đẹp hôm nay.
 
Nhu cầu xã hội cũng đã đào tạo anh hùng và chính những vị anh hùng ấy đã tạo ra những bước tiến xa rộng cho nhân loại. Nhu cầu phát triển kỹ nghệ ở các nước châu Âu đã sản xuất ra Denis Papin, một Montgolttier, nhu cầu phát triển thương mại đã khiến xuất hiện một Magellan, một Christophe Colomb. Denis Papm đã vượt qua bao ngày lao đao lận đận để thành người cha vinh quang của máy hơi nước. Christophe Colomb bất chấp phong ba, bão tố, với một chiếc thuyền buồm vượt biển đã tìm ra tận thế giới, ánh sáng của xã hội văn minh ngày nay.
 
Làm người ở đời cũng thế, cứ mãi sống cuộc đời "Sớm vác ô đi, tối vác về" ẩn mãi trong cái bóng mát cuộc đời thì còn có thú vị gì. Những lúc bươn chải tìm sống, những lúc đem hết khả năng hoàn thành công việc là lúc người ta sung sướng nhất. Những lúc ấy, con người rực lên như một ngôi sao sáng trong vòm trời đêm, và nhiều lần chói sáng như thế cái ánh sáng kia sẽ bất diệt: Người ta đã thành bậc anh hùng.
 
Anh hùng hào kiệt vẫn là người, là những người có ít khuyết điểm mà có nhiều ưu điểm, nhiều đức tính. Người anh hùng là người lúc nào cũng kiên nhẫn, cố gắng, chiến thắng mọi trở lực mọi hoàn cảnh khó khăn. Có khi người anh hùng cũng chịu cảnh thất bại, nhưng với những đức tính sẵn có thì có sợ gì! Bởi thế mà cụ Phan Bội Châu, sau bao nhiêu lần thất bại vẫn giữ vững niềm tin:
 
"Tay ba lần gãy mới biết thuốc tiên
Đánh trăm trận quen mới mong tướng giỏi
 Nếu không thất bại sao thành công,
Xưa nay anh hùng từng thua mới được”.
 
Một nhà thơ hiện đại cũng tỏ ra đồng ý với cụ:
 
Có vấp ngã, mắt mới nhìn sáng suốt,
Có đau thương, lòng mới cứng rắn hơn.
Có thằng căng như một sợi dây đàn,
Mới tạo được những âm thanh kì diệu”
 
Tấm lòng kiên nhẫn của các bậc anh hùng không gì lay chuyển nổi. Ý chí chịu đựng khổ nhọc của các bậc anh hùng chiến thắng mọi hoàn cảnh gian lao. Vì thế mà cụ Nguyễn Bá Học mới nói: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Chỉ của bậc anh hùng là khinh thường đường xá muôn dặm, núi cao muôn trùng; sông dài sao bằng lòng kiên nhẫn, núi cao sao bằng tinh thần chiến thắng gian lao.
 
Ta đã nhận rõ lời nói của cụ Phan Bội Châu thật là chí lí. Giờ đây ta hãy nhận xét điểm tương đồng giữa câu nói của cụ Phan và câu ca dao:
 
"Ở đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi"
 
Câu ca dao này cũng đề cao hai chữ anh hùng. Ta có nhiều tiền ngày mai có thể sẽ hết; ta có nhiều đất, có thể ngày mai đất sẽ hóa thành bể rộng mênh mông; ta có nhà cao, cửa rộng, nhà cửa kia sụp đổ dễ dàng. Tất cả là của ta tạo ra đây, nhưng đó là những thứ mà ai cũng có thể làm ra được và có thể mất đi bất cứ lúc nào.
 
Nhưng danh nghĩa anh hùng thì nghìn đời hãy còn rạng. Nếu Bà Trưng Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi chịu đầu hàng quân giặc thì ngày nay cũng chỉ là cát bụi. Nếu J.J. Rousseau, Voltalre, Lương Khải Siêu, Khang Hữu vi xu phụ quân quyền, thử hỏi ngày nay danh tiếng có còn được nêu cao ngọn cờ dân chủ?
 
Câu ca dao đã nêu cho ta thấy "Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi". Nhưng thế nào mới là anh hùng? - Anh hùng là những người không quá nặng lòng ở chỗ tương đồng giữa lời nói mà cụ Phan và câu ca dao Việt Nam là ở đó. Lời cụ Phan bổ túc cái ý nghĩa chứa đựng trong câu ca dao vạch rõ đường hướng lập chí của bậc anh hùng.
 
Đời là một trường tranh đấu một cuộc vật lộn không ngừng, một nơi lựa chọn vàng, thau. Có cao sức lửa mới biết tuổi vàng. Ta còn đương tuổi trẻ vẫn thấy đường đời là khó, nhưng phải coi sự chiến thắng cái khó là thú vị vô tận. Ngày nay ta có những cái khó nhỏ, nhưng ngày mai sẽ có những cái khó lớn hơn. Lòng kiên nhẫn và chí cương quyết sẽ đưa ta đến thành công nếu không tạo thành được bậc anh hùng, cũng giúp ta hoàn thành nhiệm vụ một con người đối với dân với nước.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây