Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích đoạn trích “Hai tâm trạng” trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của L. Tônxtôi.

Chủ nhật - 07/05/2017 05:48
Lep Nicôlaievits (1982 - 1910) là nhà văn vĩ đại của Nga và thế giới. Ông là tấm gương tìm tòi về sự thật. Một trong những sự thật mà Tônxtôi tìm kiếm suốt đời, đó là tìm hiểu sự thật lịch sử và bản chất tính cách Nga. Về sự thật lịch sử, ông đã dựng lại những biến cố lịch sử trọng đại có liên quan đến vận mệnh toàn dân, dựng lại bức tranh linh hoạt rộng lớn với các tầng lớp xã hội. Từ đó, nhìn nhận và đánh giá các biến cố lịch sử theo quan điểm nhân dân, coi quần chúng nhân dân như người sáng tạo lịch sử, như ngọn nguồn đạo đức và sức mạnh của cộng đồng. Điều này thể hiện qua tất cả các tác phẩm mang tính sự thi, từ Truyện Xevaxtôpôn đến Chiến tranh và hòa bình. Đánh giá cao cống hiến của Tônxtôi, Lênin coi Tônxtôi là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”.
Dường như Tônxtôi đã miêu tả được bản chất tính cách Nga qua một số nhân vật như Natasa, Cutudôp, Karataiep... (Chiến tranh và hòa bình). Đó là những tính cách tốt đẹp, những tâm hồn giản dị, những “trí tuệ của trái tim”...

Bên cạnh những bức tranh tuyệt vời về đời sống Nga, đặc điểm nghệ thuật nổi bật của các tác phẩm Tônxtôi là sự xâm nhập một cách nhuần nhuyễn bản chất quá trình phát triển xã hội vào quá trình phát triển tâm lí con người. Nói đơn giản, tác phẩm Tônxtôi đã đạt đến trình độ phân tích tâm lí xuất sắc khi coi cuộc sống là một quá trình vận động và tâm lí con người “như một dòng sông”, lưu chuyển không ngừng.

Chiến tranh và hòa bình là tác phẩm lớn nhất của L.Tônxtôi, được gọi là “tác phẩm vĩ đại của thế kỉ XIX”(Gorki). Với chủ đề chiến tranh, nhà văn ca ngợi cuộc chiến tranh nhân dân, bản chất anh hùng và khả năng quyết định vận mệnh đất nước của nhân dân, phê phán cuộc xâm lược bành trướng của Napolêông. Trong chủ đề chiến tranh, nhà văn mô tả cuộc sống sinh hoạt bình thường của giai cấp quý tộc Nga. Xen vào hai chủ đề đó là việc kể về con đường đi tìm chân lí của một số thanh niên quý tộc tiến bộ. Tác phẩm là đỉnh cao của nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí con người, còn được gọi là nghệ thuật về “phép biện chứng tâm hồn”.

“Hai tâm trạng” là đoạn trích nói về tâm trạng nhân vật Anđrây Bôncônxki, một thanh niên đại quý tộc, có tư tưởng tiến bộ, từ tâm trạng buồn bã, bi quan chuyển sang yêu đời, yêu sự sống. Đây là một thiên diễn tả tâm lí tinh vi, xuất sắc, thể hiện tài năng nghệ thuật của L.Tônxtôi. Muốn hiểu được đoạn trích này, cần biết đôi điều về nhân vật Anđrây Bôncônxki.

Anđrây là một thanh niên đại quý tộc, thông minh, sắc sảo, tinh tế, giàu nghị lực và nhiều hoài bảo. Là mẫu người quý tộc tiên tiến, lí tưởng của thời đại, của nước Nga thế kỉ XIX, chàng khao khát chân thực, cao thượng, căm ghét mọi giả dối, xấu xa, thấp hèn. Nhưng xã hội thượng lưu - môi trường sống của chàng lại đầy rẫy những giả dối, công thức, xấu xa. Mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực chuyển thành xung đột nội tâm. Vì vậy, cả cuộc đời chàng luôn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về chân lí, hạnh phúc, về những giá trị đạo đức, tinh thần. Thực chất, những vấn đề luôn nung nấu trong tâm hồn Anđrây cũng là những vấn đề mang tầm cỡ dân tộc, thời đại và nhân loại mà chính L.Tônxtôi cũng day dứt và khao khát khám phá suốt đời. Trốn chạy xã hội thượng lưu cũ kĩ, sáo mòn, giả dối, Anđrây hăm hở ra trận tìm vinh quang cá nhân. Chạm trán với cái chết, Anđrây mới nhận thức được rằng, vinh quang không thể có khi con người mưu cầu mục đích cá nhân, đặc biệt trong các cuộc chiến tranh phi nghĩa mà cuộc chiến tranh 1805 là ví dụ. Trở về nhà, Anđrây đột ngột phải chứng kiến cái chết đau thương của người vợ trẻ trong cơn sinh nở. Tuyệt vọng, đau đớn vô cùng, tâm hồn chàng trở nên khép kín, lãnh đạm, thờ ơ với cuộc sống.

Đoạn trích “Hai tâm trạng” miêu tả giai đoạn này trong cuộc đời Anđrây. Những day dứt, dằn vặt, suy tư và sự chuyển biến đột ngột, mạnh mẽ trong tâm hồn chàng được phản chiếu qua một hình ảnh thiên nhiên độc đáo: cây sồi già.

Hiện lên trước mắt người đọc là hai bức tranh của cùng một cây sồi trong một khu rừng vào hai thời điểm tương đồng với hai tâm trạng khác biệt của Anđrây. Bức tranh thứ nhất được chiêm ngưỡng bằng con mắt buồn bã, chán nản, bi quan của Anđrây bắt đầu chuyến đi xa. Bức tranh thứ hai được soi rọi bằng ánh sáng rực rở của một tâm hồn đã hồi sinh, tràn ngập lòng yêu đời, yêu sự sống của Anđrây trên đường về. Khoảng cách hai tháng giữa hai chuyến đi với những sự kiện, những cuộc gặp gỡ là cơ sở hiện thực hợp lí cho sự đổi thay bất ngờ trong tâm hồn nhân vật. Là vật chứng kiến, cây sồi như tâm gương thu gọn, ánh chiếu rõ nét những chuyển biến tinh vi trong bộ mặt tâm lí nhân vật với hai thời điểm khác nhau này. Những sắc thái đổi thay trên toàn cảnh thiên nhiên chính là sự khúc xạ của những biến đổi trong thế giới nội tâm, một thế giới sâu xa, phức tạp và đầy bí ẩn của con người.

Lần thứ nhất, Anđrây gặp cây sồi là vào đầu mùa xuân. Mùa xuân lưu dấu trên mọi vật dọc đường đi của chàng. Mọi cây cối, cảnh vật đều ở trạng thái mới mẻ, tinh khôi, dấu vết của một mùa xuân sinh sôi, nảy nở, đẹp tươi. Vậy mà cây sồi vẫn bất chấp phép nhiệm màu của mùa xuân: vỏ cây nứt nẻ đầy những vết sứt sẹo, ngón tay quều quào, rạn gẫy, sây sát, trông như một quái vật già. Phép nhân hóa khiến cây sồi hiện lên sống động, như một thực thể có linh hồn, đầy cá tính. Vẻ già nua, xấu xí của cây sồi tương ứng với tâm trạng bên trong của nó, bộc lộ qua một loạt tính từ miêu tả: cau có, lầm lì, què quặt, khinh khỉnh. Giữa rừng xuân tràn ngập ánh nắng và sức sống mà cây sôi già vẫn thở than, rên rỉ với những lời lẻ mỉa mai, chán chường, nghi ngờ cái gọi là mùa xuân, hạnh phúc, tình yêu! Điệp từ dối trá, khờ khạo, điên rồ, được lặp đi lặp lại nhiều lần như nhấn mạnh nỗi nghi ngờ, sự mỉa mai. Lời lẽ ấy, dáng vẻ ấy đặc biệt gây ấn tượng đối với Anđrây khiến chàng phải ngoái cố nhìn lại cây sồi mấy lần, dường như chờ đợi ở nó một cái gì. Lời thở than của cây sồi đồng vọng với những tâm tư sâu thẳm trong trái tim chàng: “Phải cây sồi ấy nói phải, một ngàn lần phải... cuộc đời của chúng mình hết rồi”. Anđrây đọc được tâm sự cây sồi hay cây sồi cảm nhận, thấu hiểu những uẩn khúc lắng sâu trong tâm hồn chàng? Có lẽ với một trái tim nhạy cảm, Anđrây đã nhìn thấy chính tâm trạng mình, con người mình qua vẻ cô đơn, già nua, khép kín và tuyệt vọng của cây sồi: sự hoài nghi, vẻ ngờ vực ghê gớm, niềm bi quan sâu sắc... Kí thác nỗi niềm tận đáy tâm tư vào cây sồi cô độc, buồn bã giữa rừng xuân tràn trề nhựa sống. Anđrây như thấy thiên nhiên, đất trời cùng chia sẻ nỗi buồn, tìm thấy ở cây sồi một hỗn hòa hợp, một lời tri kỉ, một chốn sẻ chia, giải bày. Nhà văn đã hình tượng hóa nét lãnh đạm, thờ ơ với cuộc sống của Anđrây bằng cách đối lập với khu rừng mùa xuân đầy sức sống và đồng nhất nó với hình ảnh cây sồi cằn cỗi, cau có, khinh khi...

Cảnh rừng xuân thứ hai hiện ra tươi mát, trong sáng, sống động và đầy hương sắc: Cây cối đầy đặn, rợp bóng và rậm rạp, lá cây xanh mọng, óng ánh dưới nắng, cảnh vật nở hoa, tiếng họa mi thánh thoát. Trung tâm của bức tranh rừng xuân đó vẫn là cây sồi dạo trước với đầy đủ dáng vẻ cao xa, khoáng đạt và tráng lệ, tạo nên một bức phong cảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ về rừng Nga: Tỏa rộng thành một vòm lá xum xuê, xanh tốt thẫm mà, đang như say sưa ngây ngất, khẽ đung đưa trong ánh nắng chiều... xuyên qua lớp vỏ cứng già. Những khóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Mùa xuân và quy luật tự nhiên đã chiến thắng, từ cây sồi tỏa ra hừng hực sức sống mùa xuân với vẻ đẹp mạnh mẽ, muôn đời của tự nhiên. Hòa với trạng thái mới mẻ của cây sồi, Anđrây bỗng có một cảm giác vui sướng vô cớ đầy sức xuân, cảm giác mình đã đổi mới. Tâm hồn đã hồi sinh mãnh liệt của chàng được phụ họa, được tiếp sức bởi cả sức xuân của cây sồi hùng vĩ trong rừng Nga. Dường như nỗi bi quan, niềm nghi ngờ, sự tuyệt vọng của Anđrây đã bị sức sống của rừng xuân, của tuổi trẻ đẩy lùi.

Dùng thiên nhiên làm thước đo thế giới tâm hồn con người. Tônxtôi coi việc hòa nhập, mở lòng trước thiên nhiên là dấu hiệu của một tầm hồn nhạy cảm và tinh tế, phong phú và mạnh mẽ.

Lí giải cho những chuyển biến, những vận động tinh vi trong tâm hồn nhân vật, Tônxtôi đã sử dụng điêu luyện nghệ thuật miêu tả độc thoại nội tâm. Đó là những ý nghĩ thầm kín, là lời nhân vật tự nhủ thầm hoặc nói to lên với chính mình, bộc lộ trực tiếp mọi sắc thái của bộ mặt tinh thần nhân vật. Những nghĩ suy thầm kín không chỉ thể hiện những suy tư, xúc cảm mà còn bộc lộ sâu sắc, tinh vi sự vận động, lưu chuyển biện chứng của thế giới nội tâm nhân vật. Hơn nữa, độc thoại nội tâm thường thể hiện sự tự nhận thức của nhân vật với những day dứt, trăn trở, giằng xé, mâu thuẫn trong tâm hồn. Đoạn độc thoại “Sống hay không sống” của Hămlet (Hămlet - Sêcxpia), của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều - Nguyễn Du), của Chí Phèo buổi sáng tỉnh rượu (Chí Phèo - Nam Cao) là những ví dụ. Còn khi cuộc sống nội tâm thanh nhàn, phẳng lặng, ít phải nghĩ ngợi, con người đâu cần đến độc thoại nội tâm! Trong độc thoại nội tâm, những liên tưởng, hồi ức luôn xen kẽ, con người thường nhớ về quá khứ, suy ngẫm hiện tại và khẳng định cách ứng xử trong tương lai. Dùng biện pháp độc thoại nội tâm, nhà văn có khả năng thâm nhập vào chiều sâu tâm lí nhân vật, phát hiện sự vận động biện chứng tâm hồn con người với những nguồn gốc, động lực sâu xa của những suy tư và xúc cảm...

Cuối phần một, sau lời lẽ cây sồi già và lời đồng tình hưởng ứng của Anđrây là lời độc thoại nội tâm chậm rãi, lặng buồn: một loạt những ý tưởng mới mẻ, vô hi vọng nhưng buồn dìu dịu do cây sồi già gợi lên. Tất cả những phảng phất một nỗi buồn sâu lắng (bởi những sự kiện đã diễn ra trong đời chàng đều đau đớn mạnh mẽ, sâu sắc) mà dịu nhẹ (vì tất cả đã lùi vào dĩ vãng). Chỉ còn đây một con người sống nốt cho hết cuộc đời mình, không còn hi vọng gì về hạnh phúc, tình yêu, lẽ sống, không ưu tư, không ước muốn.

Cuối phần hai, một loạt những hồi ức tốt đẹp nhất, ân tượng nhất của cuộc đời Anđrây dồn dập ùa về trong tâm hồn chàng.

- Chiến trường Auxterlitx với bầu trời cao lồng lộng.

Cách đây bốn năm, năm 1805, Anđrây tham gia trận Auxterlitx với giấc mộng công danh, mong muốn đạt được chiến công như của Napôlêông - từ một đại úy trở thành hoàng đế khiến cả thế giới phải nể phục, nhờ một trận đánh lẫy lừng - trận Tulông. Giấc mộng Tulông ám ảnh suốt một thời tuổi trẻ của Anđrây. Trong trận chiến với quân Pháp tại Auxterlitx, Anđrây cầm cờ xông lên và trúng đạn ngã xuống. Chàng nhìn lên, thấy bầu trời  xanh vô tận trên đầu. Tới lúc ấy, chàng mới nhận thấy hết cái vô nghĩa, bé nhỏ của việc đi tìm vinh quang bằng con đường chiến tranh, gây đổ máu và chết chóc. Bầu trời cao lồng lộng từ lúc đó là nơi soi sáng, thức tỉnh tâm hồn chàng. Hình ảnh ấy thường trở đi trở về trong nghĩ suy và tình cảm của Anđrây nhất là vào những khúc ngoặt của cuộc đời.

- Khuôn mặt đầy vẻ trách móc của vợ khi tắt thở

Sau khi bị thương ở Auxterlitx, Anđrây đột ngột về nhà trong một đêm đông giá lạnh đúng lúc vợ chàng sinh đứa con đầu lòng và qua đời. Khuôn mặt nàng đượm vẻ trách móc. Anđrây ân hận, đau buồn vì cái chết của vợ. Bi kịch vỡ mộng ở chiến trường cùng bi kịch gia đình đã đẩy Anđrây vào tâm trạng chán chường, tuyệt vọng.

- Pie trên chuyến phà

Đang trong tâm trạng ấy thì Pie - Pêdukhốp một người bạn thân, hiền lành, tốt bụng đến thăm Anđrây. Trên chuyến phà, Pie khuyên Anđrây hãy sống vì người khác, quên đi nỗi buồn đau của riêng mình.

- Và kỉ niệm gần nhất còn tươi rói trong tâm hồn chàng là người con gái bồi hồi, xúc động muốn bay lên với vầng trăng.

Tất cả những hồi ức và liên tưởng ấy - bài học cay đắng nơi chiến trường, kỉ niệm đau thương về người vợ, tấm lòng chân thành của người bạn, vẻ đẹp hồn nhiên, tươi trẻ, đầy sức sống của cô gái mới quen - đã làm Anđrây bừng tỉnh. Phút thay đổi tâm hồn được diễn tả bằng nhịp điệu gấp gáp, sôi động của câu văn. Cái tâm trạng náo nức, hăm hở, đầy nghị lực, biểu hiện trong những lời khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ, quả quyết: “Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở tuổi ba mươi mốt”. Anđrây đã hiểu rằng không thể chỉ đắm chìm trong đau khổ, cần phải vượt lên sự cô đơn, không phải chỉ sống vì mình mà phải biết sống vì người khác. Dòng suy tư thể hiện rõ ràng và sinh động năng lực tư duy khúc chiết, trong sáng của công tước Anđrây, một con người trung thực, chân thành, giàu nghị lực. Vào giờ phút này, Anđrây đã tìm được câu trả lời cho niềm day dứt suốt đời mình: sống cho mình hay sông cho mọi người? “Sao cho cuộc sống của ta trôi qua không phải chỉ vì mình ta”. Câu trả lời đã giúp chàng trở nên mạnh mẽ, giàu nghị lực và niềm tin trên con đường đi tìm chân lí, bởi chàng vốn là người “dốc hết tâm hồn đi tìm một điều duy nhất, làm sao trở thành người tốt hoàn toàn”. Nhân vật Anđrây Bôncônxki mang một vẻ đẹp trí tuệ sâu xa và tâm hồn cao cả vì lẽ đó. 

Qua đoan trích “Hai tâm trạng”, chúng ta có thể cảm nhận được phong cách và cá tính sáng tạo của Tônxtôi. Bằng ngòi bút hiện thực, tài phân tích tâm lí tinh vi, sắc sảo, nhà văn miêu tả con người như nó đang tồn tại, tính cách con người được quan niệm như một dòng sông, vận động và lưu chuyển không ngừng. Động lực của phép biện chứng tâm hồn bắt nguồn từ những cảm xúc, suy tư, những trăn trở trong tâm hồn con người để vươn tới sự hoàn thiện mình. Để đi sâu vào phép biện chứng tâm hồn đó, Tônxtôi triệt để sử dụng hai phương thức nghệ thuật. Một là, dùng thiên nhiên để vừa tạo dựng phong cảnh, không gian, thời gian, không khí và phong vị Nga, vừa góp phần khắc họa những diễn biến tâm lí tinh vi của nhân vật. Chiến tranh và hòa bình đã có những bức tranh thiên nhiên trở thành mẫu mực cổ điển trong kho tàng văn chương thế giới về miêu tả nội tâm: bầu trời Auxterlitx lồng lộng của Anđrây Bôncônxki, đêm trăng huyền ảo ở Otratnôiê của Natasa Rôxtôva, bầu trời đầy tiếng nhạc thần kì đêm trước trận chiến đấu của Pêchia Rôxtôp, ngôi sao Chổi rực sáng trên nền trời Matxvơva của Piê Bêdukhốp, và hình ảnh cây sồi già mùa xuân của Anđrây. Đó là những hình tượng thiên nhiên độc đáo, tượng trưng cho những gì cao cả, tốt đẹp, vĩnh hằng mà các nhân vật này khát khao vươn tới, Hai là, nhà văn đã dùng ngôn ngữ miêu tả độc thoại nội tâm để thâm nhập và phản ánh dòng suy tư, cảm xúc của nhân vật một cách chính xác, khúc chiết và đầy tinh tế, khiến cho nhân vật của Tônxtôi có một chiều sâu tâm lí, một sự đầy đặn về tâm hồn và một tầm cao trí tuệ khó quên.
 

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây