Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Đọc “Hạnh phúc một tang gia” (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) và “Đám tang lão Gôriô”(Lão Gôriô – Bazắc) anh chị có suy nghĩ gì không? Hãy phân tích hai đoạn trích để nói cảm nhận của mình.

Thứ bảy - 06/05/2017 04:54
Có những nhà văn trên thế giới hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau nhưng lại gặp nhau ở cùng một quan điểm nghệ thuật. Bởi lẽ dù ở thời đại nào thì những vấn đề sâu xa nhất thuộc về bản chất xã hội cũng vẫn cứ gặp nhau, giống nhau, đi chung một con đường và phát triển cùng quy luật.
Ô. Banzắc là một nhà văn lớn của nước Pháp ở thế kỉ XIX, Vũ Trọng Phung là nhà văn lớn của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX. Hai nhà văn, hai cuộc đời, hai hoàn cảnh sống nhưng lại có điểm giống nhau về bản chất của xã hội tư bản.

Đọc Lão Gôriô của Ô. Banzắc chắc chắn không ai quên những trang viết sắc lạnh đến tàn nhẫn của nhà văn khi miêu tả đám tang lão Gôriô. Cũng như vậy, ta gặp lại cảnh đám tang trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng qua tiếng cười hoạt kê, châm biếm sâu sắc bản chất của xã hội tư sản Việt Nam những năm đầu thế kỉ này.

Lão Gôriô là một tư sản giàu có một thời. Ông chủ hãng buôn bán lúa mì ấy đã một thời khiến nhiều người mơ ước. Vậy mà đến khi khánh kiệt vì gia tài bị con gái bòn rút, lão phải ra ở quán trọ của bà Vôke. Cái chết của lão trong quán trọ không khiến cho một ai trong gia đình lão phải bận tâm. Lão còn gì để người ta phải để ý? Lão chết trong cô đơn, nghèo khó. Nếu không có sự quan tâm của Ráxtinhắc thì không hiểu ai sẽ chôn cái xác đau khổ ấy. Cảnh chuẩn bị cho đám tang hết sức sơ sài. Ráxtinhắc làm công việc cuối cùng với người chết bằng lòng thương của kẻ khó với kẻ khó. Anh đặt lên ngực lão Gôriô hình ảnh ngây thơ trong trắng “và không biết lí sự” của hai cô con gái ngày xưa. Kỉ vật thiêng liêng ấy được đặt nơi trái tim lão như muốn an ủi người đã khuất bằng hình ảnh đẹp, giả dối về hai đứa con. Nghĩa tử là nghĩa tận. Có lẽ Ráxtinhắc nghĩ vậy mà cố làm nốt công việc này để coi đó như một cử chỉ an ủi người quá cố. Nó an ủi ông cụ, nhưng khách quan lại đối lập với hiện tại. Cả hai người con gái đã từng được bố yêu chiều hết mức đều tìm cớ vắng mặt ngay trong phút cuối cùng của đời lão. Nó khiến cho ta nghĩ đến nhiều điều trái ngược và cả sự pha trộn phức tạp quá khứ và hiện tại, chân thật và giả dối, ước mơ và thất vọng... Phải chăng từ sâu thẳm lòng mình lão Gôriô chết vì đau đớn nhận ra chân tướng của các con gái. Xót xa, chua chát hơn là những cử chỉ thân thiết, cảm thông của những con người không phải là ruột thịt, nghèo hèn mà thương người, giàu tình nghĩa. Người ngoài mà còn nhận xét về lão Gôriô: “Ông cụ là người tử tế và đứng đắn, chưa bao giờ to tiếng, không hề làm hại ai và chưa từng làm điều gì nên tội”. Cảnh này lên án sự vô tình, bạc bẽo của hai cô gái vắng mặt: Ông bố già nghèo túng, ốm đau, đơn chiếc chết đi có lẽ đã lầm trút tất cả tình yêu thương và của cải của họ. Ông bố hết của cải dường như không còn cần thiết, do đó không còn quan hệ gì với hai người con gái lấy chồng quý tộc.

Lễ cầu kinh dẫn ra trong một giáo đường nhỏ, thấp. Con người dự lễ thì thiếu vắng. Chỉ có Raxtinhắc và Crittôphơ. Lão Gôriô nằm trong sự âm thầm, cô quạnh, như lặng đi trong niềm xúc động nén chặt. Lễ cầu kinh diễn ra đúng nghi thức với những đại diện của tôn giáo và nhà thờ, với các lớp bài bản quen thuộc của tôn giáo trong đám tang. Nhà văn chỉ dùng vài dòng miêu tả ngắn. Lễ cầu hồn không thêm một lời nói, một động tác, một giây phút thừa. Không có cả một không khí bi thương, tang tóc, thường thấy trước một linh hồn vừa được siêu thoát. Tất cả dường như đều vội vã, qua quýt, lấy lệ, cho thật xứng đáng với số tiền ít ỏi mà nhà đám đã bỏ ra, cho đúng với tính chất bố thí (làm phúc). Đúng là tiền “nào của ấy”, thật sòng phẳng, đúng luật, chẳng còn phàn nàn gì được. Duy chỉ thiếu tình người ở những trong “người nhà đạo” đang là nơi gửi gắm niềm tin cậy ở phần lớn các con chiên.

Đám tang không có người dự. Ta có thể hình dung một đám tang mà chỉ có độc nhất một chiếc xe tang, theo sau là xe của linh mục cho phép thêm cả Ráxtinhắc và Crittôphơ, một sự trống vắng đến thê thảm.

Hai chiếc xe đến sau, mang cùng một cung cách hai ông con rể. Chi tiết ấy khác nào một nét vẽ nghịch mắt. Một nét giễu cợt. Hai chiếc xe bất ngờ, treo huy hiệu quý tộc, chúng cố ý tách riêng ra để nêu cao vẻ sang trọng, kênh kiệu, để khỏi bị hòa lẫn trong đám tang. Chúng miễn cưỡng phải có mặt theo nghĩa vụ, hay xấu hổ vì phải nhận kết thân với một người quá nghèo hèn? Hiện tượng không có người ngồi trên hai chiếc xe đưa tang cũng có thể nói lên ý nghĩa của một cái chết. Cả cái xã hội hào nhoáng kia chỉ là cái xác mà chẳng có hồn. Đó cũng là một thứ vật chất giá lạnh không tình người.

Đến nghĩa trang, màn kịch bước vào giai đoạn chót. Đám người đưa tang chỉ vì nghĩa vụ, mệnh lệnh, chỉ chờ dịp “biến” càng nhanh, càng tốt. Không một tiếng khóc than. Không một vẻ sầu bi. Không một nắm đất đưa tiễn. Ông cụ nằm đấy đất chưa phủ lên người đã bị bọn phu đào huyệt đòi trả công. Tất cả, chẳng có gì đáng trân trọng, chẳng có gì đáng quyến luyến, chẳng có gì đáng bận tâm trong cái nhá nhem, chạng vạng của một ngày tàn - đã quá sáu giờ chiều. Chỉ còn có hơi tiền lạnh lẽo và sự vô tình cũng lạnh lẽo không kém ở xứ sở của cái chết - nghĩa địa.

Dưới ngòi bút của Banzắc cả xã hội ấy chỉ vì tiền. Đồng tiền được tôn thờ, lối sống vì tiền đã ăn sâu vào đến tận những ngõ ngách thầm kín dễ rung động nhất, dễ được bao dung nhất. Nó tàn phá tan hoang tất cả những gì đẹp đẽ.

Có những trái tim trong trắng, chưa từng trải cũng bị đồng tiền làm thui chột đi. Raxtinhắc nhỏ những giọt nước mắt cuối cùng cho một con người “tử tế và đứng đắn”, “không hề làm hại ai và chưa từng làm điều gì nên tội”. Những giọt nước mắt của anh bao trùm cả trời đất như muốn khóc cho thói đời bạc bẽo, khóc cho cả xã hội tư sản vô tình đến tàn nhẫn. Nhưng sự phá hoại của đồng tiền thật là ghê gớm. Nó làm cho con người có lương tri còn sót lại cũng bị biến chất. Ban đầu anh căm ghét, khinh bỉ đồng tiền để rồi sau đó thấy nó và cuộc sống của nó cũng “lấp lánh ánh đèn... rào rào” như cái tổ ong mật đáng thèm khát. Anh muốn lại gần muốn thử thách với nó.

Banzắc đã lên án nó một cách mạnh mẽ. Ông kết tội cả xã hội bạc tình bạc nghĩa, phủ nhận nó trong khi vạch ra sức mạnh ghê gớm và sức hút khó cưỡng lại của nó như những qui luật khắc nghiệt của xã hội tư sản. Đó cũng chính là chỗ tiến bộ của Banzắc - bậc thành chủ nghĩa hiện thực, đồng thời cũng là hạn chế của nhà văn.

Nếu Banzắc sử dụng một bút pháp sắc lạnh để phê phán thì trong Số đỏ, Vũ Trọng Phụng lại dùng bút pháp hoạt kê để miêu tả. Chẳng có đám tang nào đem lại hạnh phúc cho một gia đình. Vậy  mà ở chương Hạnh phúc của một tang gia người đọc lại cảm nhận được tất cả niềm vui sướng, hạnh phúc của một gia đình, một xã hội trước đám tang của cụ cố tổ. Mỗi thành viên từ trong gia đình đến ngoài xã  đều tìm niềm hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Cuộc họp bàn giữa các thành viên chủ chốt của gia đình là cuộc họp bàn vô cùng quan trọng khi ông cụ “nằm xuống”. Bên ngoài nhìn vào ai cũng tưởng là cuộc họp quan trọng bàn về việc “báo hiếu”, bởi lẽ họ bàn căng thẳng, cụ cố Hồng và cụ bà đã cãi nhau rất lâu, ông Văn Minh thì “đăm đăm, chiêu chiêu”. Thực chất họ không bàn chuyện tổ chức đám tang mà lại bàn chuyện lo đám cưới cho cô Tuyết. Thế là từ chuyện “báo hiếu” sang chuyện “báo hỉ”, từ chuyện khóc sang chuyện cười. Cụ cố Hồng - con trai trưởng - trước cái chết của ông bố đáng kính thì mơ màng, tưởng tượng lúc mặc xô gai, được ho khạc, khóc mếu, trước sự trầm trồ thán phục của thiên hạ “Úi... con giai nhớn đã già đến thế kia à?”. Ông cháu đích tôn Văn Minh thì đăm chiêu vì tìm cách trả ơn Xuân, và lo chia gia tài theo chúc thư. Ông Phán mọc sừng sung sướng vì cái sừng vô hình trên đầu lại có giá trị vài nghìn bạc. Cô Tuyết mong ông chết để được mặc bộ “ngây thơ”. Tú Tân sung sướng vì được chụp ảnh. Tiệm may âu hóa thì hạnh phúc vì sẽ thu được nhiều tiền khi đưa ra thị trường những “đặc sản” nhà mình là các kiểu quần áo tang. Cái chết của cụ cố tổ là niềm hạnh phúc lớn lao, niềm hạnh phúc không nén nổi, cứ tràn ra. Nó chẳng làm cho ai sầu não, tiếc thương mà trái lại đã làm chc nhiều người “sung sướng” lắm, “thỏa thích” lắm để “tưng bừng, vui vẻ” đi đưa cáo phó, gọi phường kèn, thuê ke đám ma... Thành ra “tang gia ai cũng vui vẻ cả”. Đó là không khí của ngày chuẩn bị hội hè vui vẻ.

Mâu thuẫn giữa cái thật và cái giả, giữa cái bên ngoài và cái thực chất bên trong cứ được nhà văn miêu tả qua nghệ thuật trào phúng xuyên suốt cảnh đám ma. Khác với đám tang của lão Gôriô, đám tang này rất trọng thể, đúng là “một đám ma gương mẫu” nhưng kì thực lại giống như một đám hội, đám rước.

Nếu đám tang lão Gôriô là đám tang của kẻ khó thì đám tang này lại phô bày sự sang trọng, thừa thải của tất cả mọi thứ. Từ cái trịnh trọng cần có đến cái hổ lốn, hỗn độn không nên có. Một đám ma “to tát”, “long trọng”, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng. Vài trăm câu đối vòng hoa, vài trăm người đi đưa, máy ảnh chụp lia lịa như ở hội chợ... kèn đám ma thì đầy đủ cả ta, Tàu, Tây... (Ta nhớ đến lễ cầu hồn của lão Gôriô chỉ là hai mươi xu). Đám ma to tát đến nỗi người thật thà nhất trong gia đình này là cụ bà mà cũng cảm thấy “hết sức sung sướng”. Người hàng phố thì “nhốn nháo cả lên khen đám ma to”. Đám to đến nỗi “có thể làm cho người nằm trong quan tài nếu không mỉm cười sung sướng thì cũng gật gù cái đầu”.

Kì thực, những cái “to tát”, “long trọng”, "danh giá” của cái “đám ma gương mẫu” ấy chỉ là sự phô trương giả dối, lộ liễu, hợm người, hợm của lố lăng, vô văn hóa. Cảnh ấy cho thấy ở xã hội ấy người ta quen và rất thích, rất bằng lòng với sự lừa dối mọi người, lừa dối chính mình bằng những trò lòe loẹt, om sòm.

Nhà văn muốn đưa lên cận cảnh một vài nhóm nhân vật ngoài xã hội cùng chung hưởng niềm hạnh phúc ấy. Đó là sự hí hửng, mẫn cán của hai viên cảnh sát Minđơ, Mintoa được thuê giữ trật tự cho đám ma. Đó là những quan khách đến viếng đám ma để có dịp khoe các loại huân chương và các kiểu râu ria. Đó là những bộ

Đáng mỉa mai là họ làm tất cả những việc ấy bằng vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa đám. Những mẩu đối thoại mà họ nói với nhau khi tác giả có ý ghi lại đã nói lên rằng: Những kẻ đi đưa ma hoàn toàn dửng dưng với người chết. Bởi họ đều thản nhiên vui vẻ, để soi mói, ngắm nghía, bình phẩm nhau với những chuyện đồi bại thường ngày.

Đám tang của lão Gôriô tẻ nhạt, thiếu vắng, nghèo khổ nhưng ít nhất còn được một người dưng nhỏ vài giọt nước mắt xót thương, còn được lời nhận xét chân thành cuối cùng bằng sự cảm thông trân trọng, ở đây đám tang này được cả xã hội chú ý, quan tâm, tốn tiền, hao của, thừa thải mọi thứ. Vậy mà trong sự to tát, trọng thể ấy vẫn thiếu một thứ quan trộng nhất là lòng thương tiếc, sự đau buồn chân thành với người đã khuất. Thiếu một chút ấy thôi thì tất cả đều trở nên vô nghĩa và giả dối. Hàng trăm người đi đưa, cảnh con cháu khóc tưởng ngất đi, cảnh chụp ảnh có dàn dựng như sân khấu kia, cảnh kèn ta, tàu, tây với bao thứ nghi thức cồng kềnh kia liệu có khiến cho người chết “mỉm cười sung sướng” khi nhận ra vẻ dửng dưng, sung sướng của những người đưa đám mình không?

Những người đưa đám lão Gôriô đều cố gắng đi cho thật nhanh, về cho thật nhanh còn ở đây đám tang cụ cố cứ từ từ chuyển động một cách nghiêm trang khi thực đây đâu phải là đám ma thật mà chỉ là đám hội đám rước vui vẻ như một trò hề hấp dẫn. Kết thúc đám tang của lão Gôriô là cái nhìn của Raxtinhắc về nguồn ánh sáng hấp dẫn của xã hội thượng lưu mà anh đang chuẩn bị lao vào. Màn cuối cùng của đám tang cụ cố tổ là ông cháu rể quý hóa khóc rống lên, la oặt người đi trong khi tranh thủ thanh toán một món tiền với Xuân... Cảnh này là đỉnh cao của sự trào phúng trong màn kịch một đám ma gương mẫu” vì sự giả dối bịp bợm đã lên tới độ vô liêm sỉ đến ghê tởm.

Hai cảnh đám ma diễn ra với hai con người cùng thuộc giai cấp tư sản nhưng lại đối lập nhau. Sự đối lập về hình thức tổ chức đám tang nhưng lại thống nhất ở bản chất của nó. Banzắc và Vũ Trọng Phụng đã cùng gặp nhau ở một điểm. Đó là sự thống nhất ở cách nhìn nhận và đánh giá giai cấp tư sản và cả xã hội của những kẻ thượng lưu danh giá. Banzắc cố tình miêu tả sự giá lạnh về mọi thứ tình cảm trong xã hội ấy vì sự chi phối của đồng tiền. Mọi sự thật giả đều được phơi bày qua giọng văn lạnh lùng, phũ phàng đến tàn nhẫn. Ngược lại Vũ Trọng Phụng lại thể hiện bút pháp đối lập sâu sắc qua nghệ thuật châm biếm cái thật giả. Mọi sự ồn ào, huyên náo của đám tang, mọi sự “tưng bừng”, nhộn nhịp của xã hội ấy cũng nhằm mục đích che đậy cái bản chất lạnh lùng đến vô tình vì đồng tiền. Cảnh đám ma trong xã hội tư sản giả dối, bịp bợm. Con cháu lão Gôriô vô tình với lão vì chúng đã bòn rút hết tiền của lão. Con cháu cụ tổ làm đám ma linh đình như thế cũng chỉ nhằm mục đích chia tiền của cụ, để rồi khi đã chia xong rồi thì cụ cũng lại rơi vào quên lãng như lão Gôriô. Đó là điều mà Vũ Trọng Phụng đã gặp Banzắc ở cùng luồng tư tưởng: Hai cái chết là liều thuốc thử nghiệm với cả xã hội tư sản.

Xưa nay văn học thế giới viết về cảnh tang ma không hiếm. Nhưng lại như một sự vô tình những người biên soạn sách giáo khoa văn học lớp 11 lại chọn cảnh hai đám ma này trong chương trình giảng dạy. Sự so sánh hai cảnh này có vẻ như khập kiễng nhưng ít nhất cũng đem lại cho người đọc một nhận thức mới về nội dung: Văn học phản ánh hiện thực bằng nghệ thuật điển hình hóa.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây