Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích câu chuyện bà đỡ Trần gặp hổ trong truyện “Con hổ có nghĩa”

Thứ bảy - 20/04/2019 11:48
Vũ Trinh (1759-1828) đỗ Hương cống (cử nhân), từng làm quan dưới thời Lê - Trịnh, sau làm quan cho triều Nguyễn. Ông để lại nhiều thơ văn chữ Hán, trong đó có cuốn “Lan trì kiến văn lục”. Gọi tắt là , “Kiến văn lục” gồm 45 truyện ngắn, đó là những truyện truyền kì lưu hành trong dân gian mà ông đã ghi chép lại. Truyện “Con hổ có nghĩa” rút trong cuốn “Lan trì kiến văn lục”.
Con hổ có nghĩa nói về chuyện bà đỡ Trần và bác tiều phu gặp hổ, họ đã được hổ đền ơn đáp nghĩa. Truyện đề cao đạo lí nhân nghĩa thủy chung ở đời. Truyện gồm có hai phần, phần nào cũng tinh giản mà kì thú, gợi cảm.
 
Mẫu chuyện thứ nhất nói về bà đỡ Trần ở Đông Triều gặp hổ. Tình huống li kì hồi hộp: đêm, nghe có tiếng gõ cửa, bà đỡ ra mở cửa, rồi bị con hổ “lao tới cõng bà đi”. Bị hổ bắt thì làm sao sống được? Bà đỡ, ban đầu “sợ chết khiếp”. Hổ “dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay”, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì “dùng tay rẽ lối chạy vào rừng sâu”. Phải chăng hổ bắt được mồi, nên vội vã tha mồi về hang ổ? Nhưng cái cử chỉ “một chân ôm lấy bà”, “một tay rẽ lối” của hổ thì có vẻ như nương nhẹ, cẩn trọng? Một tình tiết hồi hộp, hấp dẫn.
 
Cảnh thứ hai cũng đầy kịch tính. Bà đỡ nhìn thấy hổ cái “đang lăn lộn cào đất”, bà đỡ “run sợ không dám nhúc nhích”. Bà sợ lắm vì tưởng hổ định ăn thịt mình. Hổ đực dùng cử chỉ để thay cho lời nói. Nó “nhỏ nước mắt”, thương hổ cái lắm. Nó “cầm tay bà nhìn hổ cái” như kêu van, như xin được cứu giúp. Người và hổ đã tương tri, đã biết cảnh ngộ nhau, biết tấm lòng của nhau. Bà đỡ rất mẫn cảm, có tay nghề giỏi, bà chỉ nhìn bụng hổ cái “như có cái gì động đậy” thế là bà “biết ngay hổ cái sắp đẻ”. Thật nhân đức, bà đỡ hòa thuốc với nước suối cho hổ cái uống, bà còn dám “xoa bụng cho hổ”. Cử chỉ của bù đầy tình thương. Đã mấy ai trong thiên hạ dám đưa tay xoa bóp bụng hổ. Với bà đỡ Trần thì hổ cái là một sản phụ, đang đau đẻ cần giúp dỡ để cứu cả mẹ lẫn con.
 
Cảnh thứ ba, là cảnh hổ cái đẻ con và hổ đực đưa tiễn bà đỡ. Hổ đực rất tình cảm và có nghĩa. Nó vui mừng “đùa giỡn với con”. Nó “quỳ xuống” bên một gốc cây, “lấy tay đào lên một cục bạc” để tặng cho bà đỡ. Nó “đứng dậy đi, quay nhìn bà” để ra hiệu đưa tiễn bà về. Nghe bà đỡ nói: “Xin chúa rừng quay về”,“cúi đầu vẫy đuôi”, rồi “gầm lên một tiếng”. Cảnh tiễn biệt đầy lưu luyến và sâu nặng tình nghĩa biết bao!
 
Câu chuyện thật hay, thật hồi hộp cảm động. Người đỡ đẻ giúp hổ cái mẹ tròn con vuông. Hổ đền ơn người một cục bạc (về nhà cân được hơn mười lạng); nhờ món quà ấy mà gia đình bà đỡ sống qua được năm mất mùa đói kém. Chuyện hổ cũng là chuyện người. Bài học đền ơn đáp nghĩa thật kì thú, cảm động.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây