Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.

Thứ tư - 25/05/2016 11:30
Chúng ta từng biết đến một Chế Lan Viên “đột ngột xuất hiện giữa làng thơ như một niềm kinh dị” (Hoài Thanh), một Chế Lan Viên siêu hình muốn trốn vào “tinh cầu giá lạnh” ở tận “cõi trời xa”. Đồng thời chúng ta cũng thật sung sướng và cảm động được đón nhận một hồn thơ “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, từ cái tôi cô đơn bế tắc đến với cuộc đời rộng lớn của nhân dân, đất nước, cách mạng. Cuộc “trở về” ấy đã được Chế Lan Viên thể hiện trong những vần thơ chan chứa niềm biết ơn trong tập Ánh trăng và phù sa mà Tiếng hát con tàu là một bài thơ tiêu biểu.
Từ sự kiện kinh tế - chính trị của đất nước là phát động nhân dân, nhất là thanh niên đi xây dựng những khu kinh tế mới ở miền núi Tây Bắc, Chế Lan Viên đã có dịp bộc lộ thành thơ những trăn trở, những xúc động, những biết ơn của mình đối với Tổ quốc, nhân dân cùng những suy nghĩ về ngọn nguồn sáng tạo của thi ca. Bài thơ hấp dẫn người đọc bởi chất trữ tình - triết luận, bởi những sáng tạo độc đáo, bất ngờ, mới lạ đặc biệt là nhan đề và lời đề từ.
 
Nét đặc sắc nổi bật của nghệ thuật thơ Chế Lan Viên là sáng tạo những hình ảnh mang tính biểu tượng. Từ chỗ cảm nhận hình ảnh cụ thể, cảm tính, người đọc dần dần hiểu ra ý nghĩa biểu tượng của nó và cảm thấy vô cùng sâu sắc, thú vị. Mới đọc bài thơ, ta có cảm giác về một cuộc lên đường thật sự, có điểm đi (Hà Nội), điểm đến (Tây Bắc) và con tàu như có tinh thần đang bồn chồn đợi lệnh khởi hành (gió ngàn đang rú gọi, tàu đói những vành trăng). Khi đã băng băng trên đường, ta thấy những “mái ngói đỏ trăm ga”, những mùa “lúa chín rì rào”. Du khách miên man với những hình ảnh, âm thanh lướt qua.
 
Nhưng thực tế lúc Chế Lan Viên viết bài thơ này chưa có đường tàu lên Tây Bắc. Nhớ ra điều này, ta bỗng hiểu tất cả những cảm giác trên chỉ là tưởng tượng theo những liên tưởng, tưởng tượng của cả một thế giới hình ảnh trong bài thơ. Tác giả bắt người đọc rung cảm với những “cảm xúc giả tưởng” (Phan Huy Dũng). Bằng cách ấy, nhà thơ đưa người đọc vào “vùng trời” của thơ, cảm nhận được chân giá trị thẩm mĩ của thi phẩm.
 
Chính Chế Lan Viên cũng đã từng nói: “Thực ra làm thơ chính là nói là viết về cái điều tỏa ra trước thực tế chứ không phải bằng bản thân thực tế”. Khi viết bài thơ này, nhà thơ cảm thấy “trong lòng rất day dứt... cảm thấy cuộc sống của mình sẽ chật hẹp bé nhỏ nếu không hòa được với cuộc đời chung” (Chế Lan Viên). Con tàu - hồn thơ đang trong cuộc hành trình về với nhân dân, thoát khỏi đời riêng nhỏ hẹp. Đây không phải hành trình lãng tử bơ vơ mà là một chuyến tàu giục giã, hối thúc tràn đầy phấn hứng. Con tàu đã làm nên phần nhạc của bài thơ mà năng lượng là niềm vui, là cảm xúc dạt dào, là “tiếng hát”. Con tàu là biểu tượng cho khát vọng ra đi, đi đến những miền đất xa xôi của Tổ quốc. Với Chế Lan Viên, ra đi thực chất là trở về (Con đã đi nhưng con cần vượt nữa / Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương) bởi vì trước đây nhà thơ đã đi quá xa (vào thế giới siêu hình), xa đến nỗi tưởng quên cả đường về. Chế Lan Viên đã đi theo cách mạng cũng hết sức tự nhiên nhưng còn nhiều lực cản đặc biệt là phải vượt lên chính mình, vượt lên những “buồn rớt”, “mộng rớt” trong tâm hồn để tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc đời, tìm thấy ngọn nguồn của sáng tạo. Cuộc ra đi - trở về này được nhà thơ hình tượng hóa thành một chuyến tàu lên Tây Bắc, nơi quê hương cách mạng, nơi đất nước đang gọi, nơi “tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.
 
Con tàu là biểu tượng cho khát vọng lên đường. Tiếng hát biểu thị sự phấn chấn hăm hở, tin yêu và tự hào. Có một thời chàng thi sĩ này đã khóc. Nhiều người nhầm chàng là hậu duệ của Chế Bồng Nga bởi chàng trong thân phận của một người dân vong quốc đã khóc thương cho sự đổ nát “điêu tàn” của đất nước Chiêm Thành. Trong thơ chàng, người ta nghe thấy tiếng xương gãy, đầu rơi, tủy vọt, tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng binh khí thành Đồ Bàn và tiếng “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”. Đến với cách mạng, người thi sĩ ấy đã thoát ra khỏi “những tháp Chàm lẻ loi, bí mật” và sau một quá trình “nhận đường”, “tìm đường” đã cất lên tiếng hát, tiếng hát của lòng biết ơn vì Đảng, Bác, nhân dân, đất nước đã đem “ánh sáng và phù sa” đến làm sống dậy một hồn thơ.
 
Tiếng hát con tàu là tiếng hát của một tâm hồn đang phấn chấn, hăm hở với khát vọng lên đường đến những miền đất mới mà thực chất là trở về với nhân dân, đất nước - ngọn nguồn của hồn thơ, của những sáng tạo.
 
Bài thơ - khúc hát chia làm ba phần. Hai khổ đầu là sự trăn trở trước lời mời gọi lên đường. Giọng thơ vừa day dứt vừa giục giã hối thúc. Tác giả dùng thủ pháp phân thân để tự vấn với hàng loạt câu hỏi và câu trả lời tạo nên thế đối lập giữa phê phán và mời gọi, tạo một độ sâu đặc biệt cho cảm hứng trữ tình:
 
“- Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
- Tàu gọi anh đi sao chửa ra đi?
- Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng”
 
Phá bỏ chủ nghĩa cá nhân vị kỉ để bay ra giữa cuộc đời cao rộng. Hai khổ thơ có ý nghĩa như một sự lấy đà, “nạp nhiên liệu”, chuẩn bị tâm lí, trí tuệ để lên đường.
 
Chín khổ thơ giữa thể hiện khát vọng về với nhân dân, gợi lại những  kỉ niệm kháng chiến với nghĩa tình của nhân dân, đất nước. Sự da diết của những kỉ niệm làm sống dậy những hình ảnh cụ thể đầy xúc động:
 
“Ôi kháng chiến mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”
 
Với lớp văn nghệ sĩ tiền chiến thì Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp có ý nghĩa đặc biệt. Chế Lan Viên nói về kháng chiến với lòng biết ơn sâu nặng. Thực ra đến với kháng chiến cũng là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tâm hồn “cho con về gặp lại Mẹ yêu thương”. Để diễn tả niềm hạnh phúc lớn lao của việc trở về, nhà thơ đã sử dụng một loạt hình ảnh so sánh:
 
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa ”
 
Nhân dân là những con người cụ thể, là “anh con”, “em con”, là “mế”... những con người tuy “không phải hòn máu cắt” nhưng nghĩa tình thì “trọn đời”, “con nhớ mãi”. Mạch thơ đi từ những xúc động thiêng liêng, chân thành đến những khái quát triết luận:
 
" Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"
 
Vẻ đẹp của đoạn thơ là vẻ đẹp của chất trữ tình - triết luận mang đậm phong cách thơ trí tuệ Chế Lan Viên. Đây là kiểu “đốt cháy trái tim để thành trí tuệ ngời sáng”.
 
Bốn khổ thơ cuối là khúc hát lên đường đầy sôi nổi tin tưởng. Tiếng gọi của đất nước, nhân dân đã trở thành sự thôi thúc bên trong, thành lời giục giã của chính lòng mình. Tác giả sử dụng hàng loạt hình ảnh kết tinh từ đau thương, hi sinh: “lúa chín rì rào”, “mặt đất nồng”, “đôi cánh”, “mái ngói đỏ trăm ga”, “vàng”, “vầng trăng”, “suối lớn mùa xuân”. Đây là những hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt là sự trở lại của hình ảnh “con tàu”, “vầng trăng”. Bài thơ vút lên với cảm xúc lãng mạn bay bổng. Hình ảnh con tàu trở lại và trở thành trung tâm của đoạn kết thể hiện một nhu cầu, một khát vọng ra đi không cưỡng lại được:
 
" Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng
Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng"
 
Tây Bắc - biểu tượng cho đất nước, nhân dân, cho cội nguồn thơ ca là cái sân ga tinh thần mà con tàu tâm hồn đã tới đích.
 
Những nội dung trên đây của bài thơ đã được Chế Lan Viên dồn nén một cách cô đọng, hàm súc trong bốn câu đề từ:
 
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu!”.
 
Trong các tác phẩm văn học, lời đề từ như một tín hiệu chỉ dẫn, lời mách bảo kín đáo con đường khám phá tác phẩm. Tuy nhiên, không phải một lúc chúng ta có thể nhận thức được hết ý nghĩa của lời đề từ. Muốn hiểu được lời đề từ phải nắm được nội dung tác phẩm. Vì thế, lời đề từ và nội dung tác phẩm luôn soi chiếu lẫn nhau để vừa hiểu sâu sắc tác phẩm vừa nhận ra ý vị của lời đề từ vốn có hình thức như một câu đố:
 
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc ”
 
Câu mở đầu là một câu hỏi mà đối tượng chính là Tây Bắc. Nhưng hỏi không phải để tìm câu trả lời mà để phát biểu một quan điểm, để bày tỏ cảm xúc. Lớp nghĩa bề mặt của câu thơ là: Tây Bắc là vùng đất xa xôi, nơi có cuộc sống gian lao mà nặng nghĩa tình, nơi đang cần bàn tay con người khai phá. Dường như câu thơ còn ẩn chứa một điều gì rất khó nắm bắt. Cái chất Chế Lan Viên nằm trong câu thơ ta dường như chưa chạm tới được. Tây Bắc là một biểu tượng mang nội dung ước lệ. Tây Bắc lại có đặc điểm của một hình tượng nghệ thuật đủ sức lay động cảm xúc thẩm mĩ nơi độc giả.
 
Hiểu như vậy, ta thấy Tây Bắc lấp lánh thêm nhiều tầng lớp ý nghĩa. Tây Bắc là cách nói về Tổ quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai đồng thời cũng là cách nói về hiện thực cuộc sống, là thiên nhiên, con người, cuộc đời... mà nhà thơ cần hướng tới để nhận thức, khám phá và biểu hiện những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Tây Bắc đó là “khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”, là lời mời gọi thiết tha mỗi con người, mỗi hồn thơ hãy giang cánh mà trở về với đất nước, nhân dân, với những gian lao, với nghĩa tình sâu nặng. “Con tàu” chính là “lòng ta” bỗng náo nức một nỗi lên đường để đến với nhân dân, đất nước, đến với thơ, đến với tâm hồn đích thực của mình. “Khi lòng ta đã hóa những con tàu” tức là tâm hồn đã quyết tâm ra đi, đã quyết từ bỏ chủ nghĩa cá nhân siêu hình bế tắc để đến với cuộc đời, đến với hiện thực cuộc sống, ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật.
 
Thế nhưng, đọc kĩ câu 2 và câu 4 của lời đề từ, ta bỗng thấy nhấp nháy một tín hiệu lạ. Ở câu 2 tác giả viết: “Khi lòng ta đã hóa những con tàu”. Nhưng sang câu 4 nhà thơ lại viết: “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”. Câu thơ như một định nghĩa về “tâm hồn ta” vậy. Cụm từ “chứ còn đâu” có màu sắc chất vấn để khẳng định tính chính xác của “định nghĩa”. Độc giả bỗng thoáng chút lúng túng. Nhưng đặt hai câu thơ trong phong cách thơ Chế Lan Viên ta sẽ phát hiện được tầng nghĩa có tính chất triết lí ẩn chìm phía dưới. Chế Lan Viên đã thống nhất ba sự việc, ba biểu tượng: con tàu - tâm hồn - Tây Bắc để lôi cuốn tác giả. Khi “phá cô đơn ta hòa nhập với người”, khi mỗi con người phá bỏ chủ nghĩa cá nhân, phá bỏ những quan niệm nghệ thuật siêu hình bế tắc để hòa nhập với cộng đồng, với thế giới, với nhân dân đất nước thì tâm hồn mỗi con người sẽ trở thành một thế giới không tầm thường chút nào. Tâm hồn anh thuộc về nhân dân, được sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi sống. Cuộc đời và thế giới cá nhân đã hóa thân, chưng cất thành tâm hồn nhân dân. Vì thế tâm hồn anh có sự giao cảm đặc biệt với muôn triệu tâm hồn. Chế Lan Viên đã nhiều lần nói về sự thay đổi kì diệu này:
 
“Tâm hồn tôi khi thế giới soi vào
Thấy nghìn núi trăm sông diễm lệ ”
 
Hoặc:
 
“Sợi chỉ lòng anh nghèo có một màu
Xe vào cái đa sắc của cuộc đời thêm chói lọi”.
 
Ở Tiếng hát con tàu, Tây Bắc cũng soi vào hồn nhà thơ và nhìn vào tâm hồn nhà thơ bỗng phát hiện ra Tây Bắc đâu chỉ là một miền đất, một vùng quê. Tây Bắc còn sống trong mỗi con người với những kỉ niệm “máu rỏ tâm hồn ta thấm đất”. Tây Bắc là “anh con”, “em con”, là “mế”, là “bản sương giăng”, “đèo mây phủ” là “vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng”, là cuộc sống gian lao nhưng trọng nghĩa tình, là tất cả những kỉ niệm tươi rói để kết lại thành: “Tây Bắc - người là mẹ của hồn thơ”.
 
Lời đề từ chính là một lời tâm niệm: tâm hồn ta thuộc về nhân dân, đất nước. Nhìn vào tâm hồn thấy nhân dân, đất nước. Soi vào đất nước, nhân dân lại thấy được lòng mình. Ra đi đến với cuộc đời, đến với đất nước, nhân dân cũng chính là tìm đến tâm hồn đích thực của mình với những tình cảm trong sáng, những nghĩa tình sâu nặng. Đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo bởi “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”.
 
Tiếng hát con tàu có vẻ đẹp hài hòa giữa cảm xúc và suy tư, giữa tình cảm và trí tuệ. Đây cũng là đặc điểm phong cách Chế Lan Viên trong Ánh sáng và phù sa. Cuộc đời và thời đại đã thổi vào hồn thơ ông một luồng gió mới. Hơi thơ tràn đi như một khúc hát ân tình. Ý thơ vận động theo lôgic triết luận. Chất trí tuệ lấp lánh cả bài thơ từ nhan đề, lời đề từ cho đến khổ thơ kết.
 
Sau 1975, thơ Chế Lan Viên có những chuyển biến đa dạng và đa diện nhưng chất trữ tình - triết luận vẫn luôn là nét phong cách ổn định tạo nên vẻ đẹp, sự sang trọng cho thơ ông. Tiếng hát con tàu đã ghi một dấu mốc quan trọng trong đời thơ Chế Lan Viên - một hồn thơ thanh khiết sáng ngời trong cuộc trở về với nhân dân, đất nước.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây