“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn.
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”
Đây là một đoạn đặc sắc. Đoạn thơ này thuộc về mạch hồi tưởng vừa da diết, vừa ân tình đối với miền Tây. Tây Bắc hiện lên với một chuỗi nỗi nhớ gắn với những gương mặt thân thương : con nhớ anh con, con nhớ em con, con nhớ mế. Rồi đến các bản làng, những miền đất mà người con ấy đã đi qua, đã gắn bó. Và cuối cùng là nỗi nhớ dành cho tình yêu đôi lứa. Đoạn thơ này gồm hai khổ. Mỗi khổ có một nội dung riêng. Nếu ba khổ trên, nói đến người anh, người em và bà mẹ, tác giả chỉ bộc bạch những tình cảm chân thành, đằm thắm của mình, thì ở khổ này, bên cạnh những cảm xúc chân thành và sâu lắng, chúng ta còn thấy Chế Lan Viên đúc kết, chưng cất những xúc cảm ấy thành những triết lý, chân lý, thành quy luật của tình cảm. Do đó, nó vừa có vẻ đẹp của thơ, vừa có sự sâu sắc của một châm ngôn.
Khổ thơ thứ nhất mở đầu bằng một câu giản dị, cất lên từ nguồn xúc cảm mãnh liệt:
“Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ”
Câu thơ được ngắt thành hai vế, mỗi vế được bắt đầu bằng chữ nhớ. Nó tạo cho câu thơ âm hưởng như một điệp khúc. Nó gợi ra hình ảnh một cái tôi, một nhân vật trữ tình chìm đắm trong một nỗi nhớ triền miên. Kỷ niệm này chưa mờ đi, kỉ niệm khác đã trỗi dậy... Đến câu thứ hai, cảm xúc đã có phần chuyển hoá thành suy tư, đúc kết:
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương
Nhưng dầu sao đây mới chính là một sự khái quát đơn thuần. Phải đến hai câu tiếp theo nó mới thật sự là triết lý, xúc cảm đã kết tinh thành châm ngôn:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn
Câu thơ là sự đúc kết về một quy luận nhân sinh, một sự kì diệu của tâm hồn, nó đánh động đến tâm linh của tất cả chúng ta. Trong đời ai chẳng từng sống ở những mảnh đất, qua những miền quê, nhất là những người kháng chiến. Những năm tháng sống với các miền đất ấy, chính là những quãng đời của chúng ta. Những quãng đời ấy nối tiếp nhau dệt thành cuộc đời mỗi con người. Đúng vậy, đời người là gì nếu chẳng phải là sự kế tiếp tuần hoàn của ở và đi. Chuyện ở và đi của con người đã chứa đựng trong đó sự chuyển hoá âm thầm mà chính chúng ta cũng không hay biết. Khi ta ở, nghĩa là khi ta đang sống trong hiện tại, thì hiện tại dường như chưa cho chúng ta thấy tình cảm thật sự của mình. Thậm chí, ta tưởng như miền đất ta đang ở cũng chỉ như bao miền đất khác, chỉ là nơi đất ở, thế thôi. Phải đến khi vì một lý do nào đó, ta phải từ giã miền đất ấy, quãng đời sống ở đây bỗng trở thành quá khứ, miền đất từng cưu mang ta lùi lại phía sau lưng, bấy giờ ta mới hiểu. Nhìn vào lòng ta, ta mới chợt nhận ra : chính ta đã gắn bó với miền đất kia từ lúc nào ta cũng không hay. Tình cảm cứ âm thầm hình thành, âm thầm bồi đắp mà ta không biết. Phải đến lúc này ta mới nhìn rõ hơn bao giờ hết rằng tình cảm đã làm nên một điều kì diệu : nó khiến cho đất đã hoá tâm hồn. Thì ra, trong những tháng ngày ta đi, mảnh đất từng che chở nuôi nấng ta vẫn cứ dõi theo ta từng bước, vẫn thầm nhắc ta trở lại, ấy thế mà nhiều lúc ta thật vô tình. Song, kỳ thực là mảnh đất ấy đã gắn bó máu thịt với ta. Đất đã hoá tâm hồn, nghĩa là miền đất ấy mang trong nó tâm hồn của một cố nhân.
Nhưng quan trọng hơn là miền đất ấy đã hoá thành tâm hồn của chính ta. Đây là nét nghĩa thứ hai, quan trọng hơn của câu thơ này. Mảnh đất mà ta từng sống đã trở thành một phần đời ta. Ta không thể hình dung được đầy đủ về cuộc đời mình, nếu thiếu đi những năm tháng sống trên mảnh đất ấy. Những kỉ niệm với mảnh đất kia là một phần cuộc đời ta, là hành trang tinh thần không thể thiếu của ta... Có lẽ vì thế mà tác giả đã viết Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn. Câu thơ gợi nhớ đến một câu thơ nổi tiếng của Hoàng Trung Thông :
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Cả hai cùng được viết theo một lối tư duy. Đó là lối đúc kết triết lý. Cũng phát hiện về sự kì diệu, nhưng nếu Hoàng Trung Thông khám phá ra sự kì diệu của lao động thì Chế Lan Viên khám phá ra sự kì diệu của tình cảm. Nói khác đi, một đằng là sự kì diệu của bàn tay, một đằng là sự kì diệu của trái tim. Sỏi đá thành cơm là một sự biến hoá, nhưng dù sao vật chất cũng mới chỉ là vật chất. Còn đất đã hoá tâm hồn thì quả thật là một sự đột biến, bởi vật chất đã hoá thành tinh thần. Thậm chí, từ dạng thô sơ nhất của vật chất biến thành dạng tinh tuý nhất của tinh thần. Rõ ràng câu thơ của Chế Lan Viên là một chân lý có tính phổ biến quát, nó không chỉ đúng với một nơi, một thời, mà đúng với hết thảy con người trên thế gian này.
Trong chuỗi nhớ về Tây Bắc cuối cùng là nỗi nhớ của tình yêu. Và nó là hình ảnh rực rỡ nhất, óng ánh nhất của đoạn thơ. Lời thơ của Chế Lan Viên vừa sâu sắc, vừa tình tứ :
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
Đến đây, Chế Lan Viên đã dùng lại bút pháp đã từng sử dụng khi viết về mối quan hệ giữa con và Nhân dân. Đó là việc tạo ra những cặp hình ảnh gắn bó khăng khít với nhau, không thể tách rời, cái này là sự sống của cái kia, cái kia là điều kiện sống của cái này :
Con gặp lại Nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón riêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
Trong khổ thơ ấy, chúng ta có thể thấy các cặp hình ảnh: nai - suối cũ, cỏ - tháng giêng, chim én - mùa xuân, cơn khát trẻ thơ - bầu sữa mẹ, chiếc nôi ngừng - cánh tay đưa. Ở đoạn thơ viết về tình yêu này, chúng ta cũng thấy Chế Lan Viên dùng những cặp hình ảnh: đông - rét, cánh kiến - hoa vàng, mùa xuân - lông trở biếc của chim rừng. Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét, chúng ta không chỉ thấy trong đó sự so sánh tương đồng mà còn thấy cả sự tế nhị của một tình yêu đã gửi trao nhiều ấm lạnh.
Câu thơ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng rực rỡ, hư ảo. Nhiều người từng cố tình duy lý hoá, xem ý cụ thể của câu thơ là gì. Nhưng mọi cố gắng duy lí dường như đều bất lực, bởi chỉ đưa đến những cắt nghĩa phản lại sự tế nhị của thơ. Hãy cứ để cho sắc hoa vàng lung linh diễm ảo ấy đi vào hồn người đọc, để rồi nó sẽ được lưu giữ ở đó như một ấn tượng lãng mạn thơ mộng của tình yêu đôi lứa mà không cần giải thích. Không ít trường hợp, nỗ lực giải thích đã làm vỡ vụn những bóng hoa vàng huyền diệu và hư thoảng của nghệ thuật! Một nét thú vị là : cả cánh kiến hoa vàng, lẫn chim rừng đều là những hình ảnh quen thuộc của chốn núi rừng, của Tây Bắc.
Trên cơ sở ấy, tác giả đi đến cái đúc kết cuối cùng, lời thơ thực sự trở thành châm ngôn: Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương. Đúng là tình yêu có bao điều kỳ diệu, ở trên, ta đã thấy chính tình yêu đã làm cho vùng đất vô tri, vô giác trở thành có tâm hồn, trở thành tâm hồn của chính chúng ta. Còn ở đây, tình yêu đã biến những mảnh đất xa lạ thành quê hương của mỗi con người.
Đoạn thơ này là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ, trong đó có những câu được xem là hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên. Ở đây, những cảm xúc sâu lắng lại được một suy tư sắc sảo nâng đỡ, cuối cùng nó đã kết tinh thành những câu thơ vừa đẹp, vừa trĩu nặng triết lý. Nghĩa là thành công này rất tiêu biểu cho một nét phong cách thơ của Chế Lan Viên: triết luận - tâm tình.