Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - Nguyễn Đình Chiểu

Chủ nhật - 06/09/2020 11:29
Về gia thế, Nguyễn Đình Chiểu như một lưu dân. Cha ông được triều đình Huế cử vào làm quan ở trong Nam và gặp mẹ ông. Hai người thành gia thất và sinh ra ông vào năm 1822. Ít lâu sau, cha ông bị mất chức, ông phải theo cha về quê nội để học hành. Đỗ tú tài vào năm 1843 ở Gia Định.
Phân tích bài thơ: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - Nguyễn Đình Chiểu
Năm 1847, đang chuẩn bị thi một kì thi cao hơn thì Nguyễn Đình Chiểu được tin mẹ mất. Ông quyết định bỏ thi, lên đường về Nam để lo tang mẹ, và bị ốm nặng mù cả hai mắt. Từ đó ông ở miền Nam, đem kiến thức và tấm lòng để dạy học, bốc thuốc cứu dân và viết sách, làm thơ... Ông sống như một lưu dân: rời Gia Định về quê vợ (bà Lê Thị Điền) ở Cần Giuộc, ông chạy về Ba Tri (Bến Tre)...

Thơ văn của ông là tiếng nói của đạo lí thánh hiền, tiếng nói của người chuộng lẽ phải, của khí phách anh hùng mà Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu.

Đoạn thơ này nằm trong phần đầu của truyện Lục Vân Tiên. Sau khi giới thiệu đạo lí trung hiếu tiết nghĩa. Nhà thơ đã giới thiệu Lục Vân Tiên, nhân vật chính của truyện, cảnh từ biệt thầy để đi thi. Trên đường về kinh dự thi, thấy dân than khóc chạy loạn, Vân Tiên hỏi, và bắt đầu hành động...

Mười bốn câu thư đầu là hình ảnh Vân Tiên đối đầu với bọn cướp. 14 câu miêu tả hành động, tâm lí nhân vật nếu có cũng lồng trong hành động. Vỏn vẹn chỉ có một câu “Trước gây việc dữ tại mày” là chỉ để giải thích nguyên nhân hành động của Vân Tiên. Ngôn ngữ miêu tả trong đoạn này là ngôn ngữ của nhà võ: dứt khoát, rõ ràng. Văn thì khởi phụng đằng giao, Võ thì hạ lược sáu thao ai bì.

Tính cách anh hùng đã có trong Vân Tiên nhờ lối giáo dục văn võ song toàn đó. Bởi thế mà không ngạc nhiên. Mấy khi thấy tác giả thuật chuyện đánh bọn cướp nhanh và gọn đến thế. Trước khi bẻ cây làm gậy, trước khi quyết định đánh cướp. Vân Tiên đã hỏi dân làng chạy loạn. Và Vân Tiên, xuất phát từ cái tâm của con nhà võ hành thiện trừ ác mới dám một mình xông xáo vào vòng hiểm nguy.

Với tài thao lược như đã giới thiệu, Nguyễn Đình Chiểu miêu tả Vân Tiên tả đột hữu xông. Lâu la bốn phía vỡ tan, còn Phong Lai đầu sỏ thì bị Tiên một gậy là chết ngay tức khắc. Ngôn ngữ của đoạn thơ mộc mạc, gần với lời ăn tiấng nói của người dân Nam Bộ, và cũng làm nổi bật cái tài của Vân Tiên.

Đoạn thơ còn lại ghi cảnh gặp gỡ giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, cũng với ngôn ngữ miêu tả nhưng đã có sự hiện diện của đặc tính tâm lí nhân vật một cách rõ ràng.

Trước hết, Vân Tiên quan tâm đến tiếng người than khóc, một hình dung từ biểu hiện tâm lí lo sợ. Những lời đối thoại giữa Vân Tiên và cô người hầu là những lời đối thoại đầy sắc thái tâm lí, đạo đức. Vơi cô hầu gái, đó là tâm lí của kẻ tôi trung. Cô đã vì đạo lí ấy mà giãi bày, rồi cúi đầu... lạy. Hình ảnh ấy là hình ảnh của người có tâm hồn mộc mạc, lương thiện, hết lòng với chủ mà ta thường thấy ở vùng thôn quê.

Trước những lời nói, cử chỉ than khóc đó, cái tâm của người văn võ song toàn lại sáng lên, động lòng. Lúc này cái tâm của Vân Tiên mở ra với đối tượng được cứu. Cái tâm ấy cũng xuất phát từ lễ giáo Nho phong. Chàng đã khẩn khoản:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai.

Lễ giáo Nho phong có lằn ranh trong quan hệ gái - trai đã tới tuổi trưởng thành. Lằn ranh chỉ được xóa khi hai người tiến hành hôn lễ theo phong tục tập quán. Vân Tiên là một nho sĩ, chàng đã giữ lễ ấy. Ngôn ngữ giãi bày của nhà thơ đã làm sáng thêm một quan điểm mà hiện nay chúng ta cho là khắt khe, nhưng suy cho cùng thì nó vẫn là cơ sở giữ gìn đạo đức gia đình, làm trong sáng đạo đức xã hội.

Vân Tiên trở thành người lịch sự, cư xử có văn hóa cũng nhờ đã được giáo dục kĩ về lằn ranh dễ xóa, hay không hề có đối với những kẻ phàm phu. Chàng Vân ở vị trí của “tu mi nhất nam tử” lịch sự xưng ta gọi nàng chứ không xưng mày như bọn cướp Phong Lai. Tế nhị và minh bạch trong từng chi tiết hỏi về hai nàng. Có lẽ nhờ đó mà Kiều Nguyệt Nga đã lên tiếng. Đấy là nghệ thuật chuyển đổi nhân vật thật khéo léo của nhà thơ.

Trong đoạn thơ Kiều Nguyệt Nga giải thích. Chúng ta thấy rõ quan niệm làm con của nàng, cũng là quan niệm giáo dục nữ nhi của đạo đức phong kiến. Nét đẹp ngôn, hạnh của tứ đức; tại gia tòng phụ của đạo tam tòng có cả trong đoạn thơ ngắn ấy với lời lẽ nhân gian:

Quê nhà ỗ quận Tây Xuyên,
Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê.
Sai quân đem bức thư về
Rước tôi qua đó liệu bề nghi gia
Làm con đâu dám cãi cha

Năm câu thơ ngắn, ngôn ngữ chẳng khác gì lời nói của người Nam bộc trực “khai báo lí lịch”, diễn đạt phận làm con. Nàng cũng đã biểu lộ suy nghĩ của mình:

Chẳng qua là sự bất bình
Hay vầy cũng chẳng đăng trình làm chi

Hai câu thơ bộc lộ tâm lí tự chủ của người con gái. Nếu không vì đạo lí “tại gia tòng phụ”, làm con đâu dám cãi cha. Thì có thể, Kiều Nguyệt Nga sẽ không đi chuyến này, sẽ không lâm nguy. Tâm lí mở đường cho tình yêu của nàng với Vân Tiên sau này khi cảm ơn công giải nguy, cảm tài năng và đạo đức của chàng.

Một đức tính đẹp khác ở Kiều Nguyệt Nga, được bộc lộ qua ngôn ngữ của nhà thơ là: nàng vẫn giữ lễ giáo mà không ỷ lại vào quyền thế của cha. Cách xưng hô “quân tử - tiện thiếp”, cử chỉ, lời nói, “lạy rồi sẽ thưa”. Xuất phát từ lễ giáo ấy, chứ không xuất phát từ vị trí của một tiểu thư con quan tri phủ tại chức. Từ đó, ta không ngạc nhiên lắm về chuyện đền ơn đáp nghĩa một cách rõ ràng, chân thật của nàng.

Nguyệt Nga trung thực. Nguyệt Nga ngay thẳng. Nguyệt Nga thực lòng trong ngôn ngữ thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Nàng đã nói thẳng ra điều hệ trọng nhất của cuộc đời nàng, nếu không có Vân Tiên ra tay cứu giúp. Nàng mà rơi vào tay bọn cướp Phong Lai thì “Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”. Nàng hồn nhiên và ngây thơ quá trong những câu thơ đầy nhân nghĩa, ân tình.

Trước tấm lòng tha thiết ấy,
Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đã rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì

Nụ cười của Vân Tiên thật tự nhiên, hồn hậu và đáng quý. Nó chẳng phải là nụ cười của Mã Giám Sinh hay Hồ Tôn Hiến trong Truyện Kiều. Nụ cười của những kẻ ích kỉ, hẹp hòi quên hết đạo lí. Người hiểu và trọng đạo lí làm người luôn có nụ cười thật thà, hồn hậu đáng quý ấy.

Đúng rồi, chàng đã được thầy dạy: “Trai thì trung hiếu làm đầu”. Hành động trung hiếu phong phú ý nghĩa lắm. Dẹp tan bọn cướp hại dân, mang lại yên lành cho dân là trung, mang lại tiếng thơm cho cha mẹ là hiếu. Có lẽ vì hiểu thế mà Vân Tiên trả lời Nguyệt Nga là “Nào ai tính thiệt so hơn làm gì”. Rồi chàng lại tiếp lời:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng. 

Câu trả lời khẳng định bản chất của chàng, của anh hùng, quân lử, chí khí hơn người, dân thân hơn người. Khẳng định việc làm của chàng vơi Kiều Nguyệt Nga cũng giống với những ai khác gặp nạn. Chàng làm việc nghĩa là do ở bản chất; do thành quả của giáo dục chứ chẳng vì “người đẹp Kiều Nguyệt Nga”. Chính vì quan điểm làm việc nghĩa ấy cùng vơi tài của chàng mà Kiều Nguyệt Nga càng thèm quyến luyến để rồi sau đó tự nguyện sống chung thủy với chàng.

Cũng là chuyện gặp gỡ giữa hai người nam - nữ. Nhưng ở Truyện Kiều, Kim Trọng gặp Kiều gián tiếp qua Vương Quan. Còn ở đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp trong hoàn cảnh “éo le, gay cấn” nên không thơ mộng bằng. Nhưng lại làm nổi bật tính cách của hai nhân vật. Tính cách ấy xuất phát từ đạo lí cổ truyền, hợp với tình cảm dân gian: Trọng nghĩa khinh tài. Cái đẹp của đoạn thơ là ở lí tưởng ấy.

* Ghi chú:
- Đọc kĩ tiểu sử tác giả.
- Học kĩ bài tóm tắt truyện Lục Vân Tiên để biết vị trí của đoạn thơ cần phân tích.
- Đọc kĩ phần chú giải trong SGK để hiểu nghĩa của từ, nội dung của đoạn thơ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây